2. NỘI DUNG THỰC HIỆN CỦA ĐỀ ÁN
2.4. Giải pháp thực hiện đề án
Tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối, chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước về thi hành án hình
sự. Mỗi cán bộ, chiến sỹ lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự cần nhận thức đúng, đầy đủ, vị trí, vai trò, tính chất, tầm quan trọng của công tác quản lý giam giữ, cải tạo các loại đối tượng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự. Công tác thi hành án hình sự phải đặt mục tiêu cao nhất là giáo dục, cải tạo người phạm tội, tạo điều kiện cho họ sửa chữa lỗi lầm, tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.
Chủ động tham mưu và triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, tổ chức thực hiện có hiệu quả luật thi hành án hình sự, bảo vệ tuyệt đối an toàn trại tạm giam, nhà tạm giữ không để bị động bất ngờ, không để can phạm nhân trốn, chết, thông cung, gây rối an ninh, trật tự trong mọi tình huống.
Đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo, thực hiện nghiêm túc chế độ, chính sách, pháp luật đối với người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, giúp họ chấp hành tốt các quy định của pháp luật về giam giữ, giáo dục, cải tạo, tạo tiền đề cho công tác phòng ngừa nghiệp vụ và đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thực hiện tốt công tác tuần tra canh gác, dẫn giải, áp giải.. phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân tiêu cực, chống đối, vi phạm nội quy, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc đòi yêu sách, sử dụng vật cấm, gây án mới trong cơ sở giam giữ. Chủ động ngăn chặn các hoạt động móc nối của số đối tượng bên ngoài với đối tượng giam giữ, không để xẩy ra các hiện tượng “đầu gấu” “anh, chị” trong các cơ sở giam giữ.
Tăng cương công tác phối hợp giữa các cơ sở giam giữ với cấp ủy, chính quyền địa phương. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, thu hút, động viên sự tham gia của các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình người phải chấp hành án vào hoạt
động thi hành án hình sự, nhất là đối với việc thi hành các hình phạt không phải hình phạt tù và tái hòa nhập cộng đồng đối với người đã chấp hành xong án phạt tù, đặc xá trở về nơi cư trú.
Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót và sai phạm trong công tác quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo các loại đối tượng. Xử lý nghiêm các trường hợp bức cung, nhục hình trong các cơ sở giam giữ. Tổ chức tốt việc tiếp nhân đơn khiếu nại, tố cáo, kêu oan của người bị tạm giữ, tạm giam, người bị kết án tử hình, khẩn trương phân loại, nghiên cứu, xác minh hoặc chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời, khách quan, thận trọng theo đúng quy định của pháp luật.
Tổ chức tập huấn Luật Thi hành án hình sự, các nghị định, thông tư hướng dẫn luật và các văn bản có liên quan cho 100% lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sỹ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thi hành án hình sự và những người được giao một số nhiệm vụ trong thi hành án hình sự. Thu thập, in ấn, phát hành các loại tài liệu, biểu mẫu thống kê, sổ theo dõi, sách tham khảo và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về công tác thi hành án hình sự.
Tổ chức khảo sát, điều tra cơ bản từ khối phố, thôn, xóm, bản, phường, xã, thị trấn để xác định, phân loại, lập hồ sơ từng đối tượng chấp hành hình phạt tại xã, phường, thị trấn; đối tượng bị áp dụng biện pháp tư pháp trên từng địa bàn cụ thể. Thực hiện tốt việc thống kê, báo cáo theo định kỳ và theo yêu cầu của cơ quan quản lý công tác thi hành án hình sự cấp trên.
Triển khai nhanh chóng, kịp thời việc thực hiện các bản án, quyết định thi hành án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Rà soát, lập danh sách theo dõi, quản lý chặt chẽ người được tại ngoại, tạm hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, tổ chức áp giải người bị kết án phạt tù chấp hành án khi có quyết định thi
hành bản án của Toà án. Xây dựng phương án, kế hoạch truy bắt có hiệu quả các đối tượng trốn thi hành án.
Tổ chức đánh giá thái độ cải tạo, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy trại tạm giam, quy chế nhà tạm giữ của các đối tượng thi hành án, từ đó có cơ sở cho việc xét đề nghị đặc xá, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù và xét miễn giảm các loại hình phạt khác ngoài hình phạt tù.
Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý phạm nhân đang chấp hành hình phạt tại trại giam, trại tạm giam và các nhà tạm giữ Công an cấp huyện. Trang bị đầy đủ phương tiện, cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác quản lý. Thực hiện tốt chế độ, chính sách; quan tâm tốt công tác giáo dục, cải tạo; đào tạo nghề, dạy văn hóa, trang bị kiến thức chính trị, xã hội, pháp luật, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân ngay từ khi họ đang chấp hành hình phạt.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng Luật Thi hành án hình sự, Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, kết hợp lồng ghép các nội dung triển khai thực hiện các cuộc vận động do Trung ương, địa phương và các bộ, ngành phát động. Xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến, xem xét đề nghị các cấp biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thi hành án hình sự.