Cách chọn mẫu nghiên cứu

Một phần của tài liệu NHỮNG VƯỚNG mắc TRONG VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG dạy TIẾNG ANHỞ TRƯỜNG PHỔ THÔNG và các GIẢI PHÁP (Trang 25 - 28)

Trong việc chọn trường để nghiên cứu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù mục đích của nghiên cứu này không nhằm vào việc đi tìm ra những câu trả lời chung về các yếu tố tác động đến chất lượng dạy và học tiếng Anh ở tất cả các trường trung học phổ thông ở Việt Nam nhưng ý định của chúng tôi là tìm được ba trường đại diện

cho ba miền Bắc, Trung và Nam theo tính chất địa lý của nước ta.

Chúng tôi đã liên hệ với nhiều trường ở ba vùng miền nhưng đều bị khước từ vì giáo viên không muốn cho dự giờ. Đây có lẽ là một khó khăn chung cho việc tiếp cận đối tượng nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam (Phạm Hòa Hiệp, 2006). Nhìn chung giáo viên các trường trung học không muốn có người đến dự giờ của mình. Ở một số trường thậm chí lãnh đạo trường cũng không muốn có người ngoài đến dự giờ của giáo viên trường mình.

Rất may sau đó thông qua quan hệ cá nhân của một số học viên cao học chúng tôi cũng đến dự giờ, phỏng vấn giáo viên và làm khảo sát trên học sinh được ba trường tại ba vùng địa lý khác nhau như ý định ban đầu. Cụ thể một trường ở đồng bằng Bắc bộ, một trường ở vùng duyên hải miền Trung và một trường ở đồng bằng sông Mê Kông (Nam bộ). Thông tin chi tiết về các trường này được trình bày dưới đây. Trong báo cáo này, tên ba trường này sẽ được gọi là Trường Bắc Việt, Trường Trung ViệtTrường Nam Việt theo thứ tự kể trên.

Để đảm bảo tính nặc danh trong nghiên cứu, tên của các trường này là những tên trường được thay đổi, không phải là tên thật của trường. Về mặt địa lý, ba trường này nằm ở ba vùng Bắc, Trung, Nam theo thứ tự đã kể.

Trường Bắc Việt

Trường được thành lập năm 1970. Năm học 2007-2008 nhà trường có 60 lớp trong đó có 16 lớp 10 (726 học sinh), 19 lớp 11 (947 học sinh) và 25 lớp 12 (1272 học sinh). Tổng số giáo viên tiếng Anh là 12 người (1 nam), trong đó số giáo viên có bằng sư phạm tiếng Anh chính quy là 4; số có bằng sư phạm tiếng Anh tại chức là 2; số giáo viên tiếng Nga được đào tạo lại là 6. Tuổi đời trung bình của giáo viên tiếng Anh là 46.

Tổ ngoại ngữ của trường được trang bị một bộ máy tính gồm cả máy quét (scanner) và ba phòng học chức năng được trang bị đầu video, máy tính và máy chiếu (projector). Tuy nhiên theo giáo viên ở đây cho biết việc sử dụng các phòng này là rất hạn chế vì đa số giáo viên không muốn sử dụng. Trường có một thư viện nhỏ chủ yếu để phục vụ giáo viên với khoảng 40 đầu sách tham khảo cho giáo viên không kể sách giáo khoa. Các sách tham khảo chủ yếu là sách bài tập bổ trợ, sách ngữ pháp hay sách hướng dẫn soạn giáo án, không có sách tham khảo về phương pháp dạy học.

Về mặt địa lý trường nằm ở vùng đô thị, rất gần Thủ đô Hà Nội.

Kinh tế khá phát triển và trình độ dân trí thuộc loại cao so với cả nước.

Học sinh một phần là con em nông dân, một phần là con cán bộ viên chức nhà nước hoặc con các gia đình buôn bán nhỏ.

Trường Trung Việt

Đây là trường thuộc vùng duyên hải miền Trung. Toàn trường có 2174 học sinh và 81 giáo viên, trong đó có 9 giáo viên tiếng Anh (8 nữ, 1 nam). Một nửa giáo viên tốt nghiệp sư phạm chính quy ngành tiếng Anh, còn một nửa là tại chức vốn là giáo viên tiếng Nga được đào tạo lại để dạy tiếng Anh. Tuổi đời trung bình của giáo viên tiếng Anh là 33.5. Hơn một nửa lớp học của trường được xây kiên cố, số còn lại trong nhà xây bằng gạch, nhưng đã cũ. Những lớp học trong các toà nhà kiên cố rất sang trọng và sáng sủa nhưng những lớp học trong các nhà gạch cũ thì chật hẹp, cửa số hầu hết bị hỏng, trời mùa đông ngồi rất lạnh. Cả phòng học chỉ có một ổ cắm điện để ngay ở cửa ra vào nên khi dạy nghe giáo viên phải dùng một dây điện dài vắt ngang qua lớp từ trái sang phải để đến bàn giáo viên. Sách tiếng Anh trong thư viện của trường hết sức nghèo nàn bao gồm 11 cuốn Tuyển tập đề thi tiếng Anh Olympic lần thứ VII, xuất bản năm 2003; 2 cuốn Giới thiệu đề thi tuyển sinh môn tiếng Anh; 1 quyển Bài tập tiếng Anh và 1 quyển các đề thi trắc nghiệm tiếng Anh. Thiết bị dạy tiếng Anh duy nhất là 2 máy cát-xét.

Trường cách trung tâm của một trong những thành phố lớn của miền Trung khoảng 18km. Ở vùng này người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa và đánh bắt hải sản. Các điều kiện kinh tế-xã hội của người dân nhìn chung chưa cao.

Trường Nam Việt

Đây là trường phổ thông trung học được thành lập năm 1985 với 28 lớp và 69 giáo viên lúc đầu. Hiện tại số học sinh của trường là 2068 được phân vào 46 lớp (18 lớp 10; 14 lớp 11; và 14 lớp 12). Đây là trường phổ thông trung học lớn thứ ba trong tỉnh với 25 phòng học, trong đó có 15 phòng học được xây kiên cố. Cả trường có một máy chiếu projector dùng chung cho các môn. Tổ tiếng Anh có 2 máy cát- xét dùng để dạy nghe. Trong thư viện của trường hầu như không có một quyển sách tiếng Anh nào. Do đó giáo viên cũng không có khái niệm sử dụng thư viện.

Toàn trường có 13 giáo viên tiếng Anh với tuổi đời trung bình là 31.5. Trong số đó 9 giáo viên tốt nghiệp sư phạm chính quy ngành Anh văn, số còn lại là tốt nghiệp đại học tại chức. Tất cả đều là nữ.

Trường nằm cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 15 km.Đây là vùng kinh tế nông nghiệp, người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa.

Một số ít gia đình tham gia kinh doanh nhỏ.

Một phần của tài liệu NHỮNG VƯỚNG mắc TRONG VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG dạy TIẾNG ANHỞ TRƯỜNG PHỔ THÔNG và các GIẢI PHÁP (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(79 trang)
w