Chương 2. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA CỦA TỈNH HẢI DƯƠNG
2.1. Di sản văn hóa của tỉnh Hải Dương
2.1.2. Đặc điểm văn hóa - xã hội
Vùng đất Hải Dương ở bất kể thời đại nào cũng xuất hiện người tài, có công với nước, là đất học nổi tiếng Bắc Hà. Chỉ tính trong triều đại Lý, Trần, Lê thì Hải Dương đã có 372 Tiến sĩ, 11 Trạng nguyên, 10 Bảng nhãn, 20 Thám hoa, 150 Hoàng giáp (đứng thứ hai cả nước chỉ sau Kinh Bắc).
Nếu tính chung các triều đại, ở Hải Dương đã có 485 Tiến sĩ, nhiều nhất trong cả nước. Riêng Mạc Đĩnh Chi là người duy nhất ở nước ta được phong là “Lƣỡng quốc Trạng nguyên”. Làng Mộ Trạch (Bình Giang) còn đƣợc gọi là “Làng tiến sĩ” vì nơi đây đã sản sinh ra 39 Tiến sĩ qua các thời kì.
Những di tích lịch sử, văn hóa và truyền thống văn hóa ở Hải Dương: Hải Dương có hàng trăm ngôi đình, chùa, đền thờ rải rác các địa phương, thể hiện bàn tay tài hoa và trình độ nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc của con người. Đến nay Hải Dương đã có 139 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng quốc gia, trong đó có những di tích nổi tiếng nhƣ: Di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn (Chí Linh). Đây là một quần thể chùa tháp, núi non, bàn cờ tiên, suối chảy và rừng thông, rừng trúc, chỗ nào cũng gợi cho ta những kỷ niệm về Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc (thế kỉ XV). Nơi đây đã được Bác Hồ về thăm (tháng 2/1965). Côn Sơn là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Hải Dương.
Đền Kiếp Bạc (Chí Linh) là di tích kỷ niệm anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, người có công lớn trong công cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ XIII.
Trên núi Phƣợng Hoàng (xã Văn An- Chí Linh) có di tích lịch sử bao gồm mộ và đền thờ thầy giáo Chu Văn An, nhà giáo mẫu mực, lừng danh thế kỉ XIII, mãi mãi người đời còn suy tôn, ngưỡng mộ và vinh danh là thầy giáo của muôn đời. Vậy chỉ trong một không gian chừng 5km2 đã có hàng chục di tích lưu giữ những kỷ niệm về ba danh nhân vĩ đại của đất nước và thế giới đó là Trần Hƣng Đạo - Danh nhân quân sự; Nguyễn Trãi - Danh nhân văn hóa;
Chu Văn An- Thầy giáo của muôn đời, đã trở thành huyền thoại của non sông đất nước. Động Kính Chủ (Kinh Môn) là di tích lịch sử, đồng thời là một thắng cảnh đẹp, hấp dẫn, nơi đây còn lưu giữ nhiều văn bia ghi lại lịch sử văn hóa dân tộc. Trên núi An Phụ (Kinh Môn) có tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn uy nghi, hoành tráng và đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, người sinh thành ra Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Trên đất Hải Dương có nhiều lễ hội truyền thống, những trò chơi dân gian ở khắp các làng xã làm nổi bật sắc thái riêng của từng địa phương. Tiêu biểu là lễ hội chùa Côn Sơn vào dịp rằm tháng Giêng âm lịch, lễ hội đền Kiếp Bạc từ ngày 15 đến ngày 20/8 âm lịch, hàng năm thu hút đông đảo du khách thập phương đến dự, vừa có dịp thăm cảnh đẹp nơi đây và vui chơi du lịch, vừa tỏ lòng tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng dân tộc. Ngoài ra còn có một số lễ hội chùa Muống (Kim Thành), lễ hội đền Sƣợt (TP Hải Dương), lễ hội đền Tranh (Ninh Giang), lễ hội xứ đạo Kẻ Sặt (Bình Giang).
Làng Bồ Dương (Ninh Giang) vẫn duy trì nghệ thuật múa rối nước, một số xã như Minh Đức, Quang Khải (Tứ Kỳ), Nghĩa An, Tân Hương (Ninh Giang) vào tháng 3, tháng 4 âm lịch hàng năm còn tổ chức hội trò chơi đánh pháo đất, một trò chơi vui dân gian độc đáo, lâu đời. Những di tích lịch sử, những nét truyền thống văn hóa trên đây cho thấy nhân dân Hải Dương đã có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển văn hóa, khoa học, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc của đất nước.
Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở Hải Dương trong nền kinh tế thị trường:
Giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc là hướng tới một nền văn hóa dân tộc đa dạng, phong phú về sắc thái, chứ không phải là một nền văn hóa nghèo nàn, giống nhau, cùng khuôn mẫu. Đa dạng, phong phú về giá trị là một thuộc tính của văn hóa thể hiện ở khả năng sáng tạo của một dân tộc trong điều kiện lịch sử cụ thể. Ngày nay, hội nhập quốc tế, một mặt tạo điều kiện để các nền văn hóa dân tộc được giao lưu, hợp tác và phát triển, mặt khác cũng tạo ra xu hướng toàn cầu hóa về văn hóa, về lối sống và quan niệm về giá trị. Quá trình đó đặt các dân tộc trước nguy cơ đánh mất giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời còn ẩn chứa nguy cơ làm suy giảm tính sáng tạo của các dân tộc trong quá trình phát triển. Sự sáng tạo trong giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc là một yếu tố quan trọng. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, một mặt phải gắn liền với chống lạc hậu, lỗi thời “trong phong tục, tập quán, lề thói cũ”, mặt khác, giữ gìn phải biết lọc bỏ, bổ sung, phát triển một cách sáng tạo, phù hợp với đời sống hiện đại. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc là không ngừng xác lập một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên cơ sở phát huy tính sáng tạo của dân tộc. Đó chính là sức sống nội lực của một dân tộc trong quá trình phát triển bền vững. Ngoài ra, khơi dậy và khuyến khích sáng tạo không chỉ trong giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa mà cả trong phát triển kinh tế, mỗi sự thụ động, bảo thủ, trì trệ đều kìm hãm sự phát triển.
Đa dạng, phong phú về giá trị không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực thúc đẩy quá trình giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc và phát triển trong thời kỳ kinh tế thị trường.Với tư duy sáng tạo con người mới làm chủ được quá trình giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn, kế thừa và phát triển, mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, cái truyền thống và cái hiện đại, tiên tiến. Giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc không chỉ nhấn mạnh những nét đặc sắc của dân tộc mà còn giữ
gìn những giá trị thuộc về dân tộc đó. Đồng thời, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc chỉ có thể thực hiện trên cơ sở ý thức tự giác của cả cộng đồng dân tộc. Đúng nhƣ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, văn hóa phải “ đi sâu vào tâm lý quốc dân” để từ đó “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.