CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ
1.3. NGUYÊN TẮC VÀ CÔNG CỤ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
1.3.2. Các công cụ quản trị chất lượng
Hiện nay các công cụ thống kê đang được sử dụng rộng rãi trong hoạt động kiểm soát chất lượng. Kiểm soát chất lượng bằng thống kê cho phép
hoạt động một cách nhất quán hơn và đạt được mục tiêu đề ra. Thông qua thống kê sẽ đánh giá được một cách chính xác và biết được tình trạng hoạt động sản xuất từ đó dự báo được những điều xảy ra trong tương lai để có những xử lý kịp thời chính xác. Các công cụ thống kê trong kiểm soát gồm 7 công cụ sau:
- Sơ đồ khối: thể hiện toàn bộ các hoạt động cần thực hiện của quá trình sản xuất thông qua sơ đồ khối và các ký hiệu nhất định. Sơ đồ giúp tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến sai sót trong quản trị chất lượng một cách dễ dàng.
- Phiếu kiểm tra chất lượng giúp tập trung, đơn giản hóa các dữ liệu chất lượng được thu thập, và ghi chép một cách đơn giản bằng ký hiệu các đơn vị đo về các sai sót, khuyết tật sản phẩm.
- Biểu đồ phân bố: là biểu đồ dạng cột cho thấy sự thay đổi, biến động của tập hợp các dữ liệu. Biểu đồ giúp nhà quản lý nắm bắt được tổng thể vấn đề và qua đó sẽ có những can thiệp giải quyết kịp thời.
- Biểu đồ phân tán thực chất là một biểu đồ biểu diễn mối tương quan giữa nguyên nhân và kết quả hoặc giữa các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng nghĩa là giúp tìm hiểu mối quan hệ giữa hai loại dữ liệu trong một quá trình.
- Biểu đồ Pareto giúp tìm ra vấn đề tồn tại ở đâu và chỉ rõ vấn đề cần ưu tiên giải quyết từ đó có thể dễ dàng kiểm soát chất lượng sản phẩm. Biểu đồ là một đồ thị hình cột phản ánh các dữ liệu thu thập được, sắp xếp chúng theo thứ tự từ cao đến thấp.
- Sơ đồ nhân quả ( sơ đồ xương cá) giải quyết mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả từ đó đề xuất những biện pháp khắc phục nhằm cải tiến và hoàn thiện chất lượng của nhà quản lý.
- Biểu đồ kiểm soát giúp tổng hợp các dữ liệu để dễ quan sát, nó được biểu thị dưới dạng đồ thị sự thay đổi của chỉ tiêu chất lượng để đánh giá quá trình sản xuất có ở trạng thái kiểm soát hay chấp nhận được hay không.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam và thế giới đã và đang có những biến đổi mạnh mẽ và sâu sắc. Xu thế toàn cầu hóa một mặt tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, mặt khác cũng tạo ra những thách thức vô cùng to lớn – đó là sự cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt và quyết liệt hơn. Do đó, sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp trong cạnh tranh phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phù hợp với nhu cầu của thị trường về chất lượng hàng hóa, dịch vụ; giá cả và các điều kiện mua bán, giao nhận.
Để đạt được các mục tiêu chất lượng với hiệu quả kinh tế cao nhằm thỏa mãn toàn diện những nhu cầu của khách hàng và các bên hữu quan, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới tư duy về chất lượng và quản lý chất lượng theo hướng phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển của nền kinh tế tri thức; đồng thời học tập các kinh nghiệm quản lý chất lượng của các nước đi trước để không ngừng phát triển hoạt động quản lý chất lượng của mình theo hướng năng động và hiệu quả hơn, trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực trong doanh nghiệp.
Những vấn đề lý luận quản trị chất lượng được trình bày trong chương 1 sẽ là nền tảng cho việc phân tích thực trạng quản lý chất lượng của Vietfracht Đà Nẵng và đề xuất các giải pháp hoàn thiện công tác quản trị chất lượng của công ty ở các chương tiếp theo.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN TRỊ CHẤT LƯỢNG
“DỊCH VỤ GIAO NHẬN HÀNG HÓA” TẠI VIETFRACHT DANANG