Đối với học sinh

Một phần của tài liệu Tài liệu tham khảo cấp trường: Nội dung kĩ thuật - chiến thuật chiến đấu bộ binh giảng dạy cho học sinh trung học phổ thông học tập tại Trung tâm giáo dục quốc phòng & an ninh, Trường Đại học Hải Phòng (Trang 31 - 36)

Chương 2: NỘI DUNG CHIẾN THUẬT CHIẾN ĐẤU BỘ BINH

3.2. Những biện pháp khắc phục góp phần nâng cao chất lượng dạy học nội

3.2.2. Đối với học sinh

3.2.2.1. Học sinh phải tích cực tự giác trong học tập cũng như ôn luyện khi học nội dung kĩ - chiến thuật chiến đấu bộ binh

Đây là biện pháp quan trọng cả trong lý luận và thực tiễn người học. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói muốn học tập, rèn luyện có kết quả tốt thì phải có động cơ đúng, trách nhiệm cao, tự học, tự rèn luyện cũng giống như “mài ngọc luyện vàng”, ngọc càng mài càng sáng vàng càng luyện càng trong. Người cũng chỉ ra rằng: Năng lực của con người không phải tự nhiên mà có mà do rèn luyện mà nên, trong đó tự học được xem như điều kiện kiên quyết để hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện của cá nhân. Điều quan trọng hàng đầu ở đây là học sinh phải xác định rõ mục đích học tập và xây dựng động cơ học tập đúng đắn.

Học sinh chính là chủ thể của hoạt động tự học môn GDQP&AN. Để thực hiện tốt mục tiêu, yêu cầu đó đòi hỏi học sinh cần phải thực hiện tốt các nội dung sau:

Xây dựng động cơ tự học nội dung kĩ - chiến thuật chiến đấu bộ binh đúng đắn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “tư tưởng có đúng thì hoạt động mới khỏi sai lầm.

Muốn học tập đạt kết quả tốt phải có thái độ đúng”. Như vậy, học sinh cần xây dựng cho mình động cơ, thái độ học tập đúng đắn, nghiêm túc. Đây là một biện pháp quan trọng bởi quá trình tự học của học sinh có vai trò quyết định đến chất lượng học tập, trong đó học sinh là chủ thể tiếp nhận kiến thức. Xây dựng được động cơ học tập đúng đắn sẽ xây dựng được ý thức thái độ học tập đúng đắn. Xây dựng được quyết tâm, nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn trong học tập, khắc phục tư tưởng buông xuôi trung bình chủ nghĩa, tâm lý sợ học, ngại học. Xây dựng động cơ học tập đúng đắn mới phát huy được tính độc lập sáng tạo hoạt động tư duy của học sinh. Để thực hiện điều đó học sinh cần phải quán triệt tốt mục tiêu yêu cầu đào tạo; xây dựng kế hoạch học tập khoa học, hiệu quả, kết hợp học với tự học, tự nghiên cứu, học với phương pháp đổi mới tư duy, gắn lý thuyết với thực hành, lý luận với thực tiễn. Nắm được những thuận lợi, khó khăn trước nội dung của môn học để từ đó xây dựng ý chí vượt qua đồng thời chuẩn bị thật tốt về vật chất, tâm lý, thể lực cho chính bản thân. Luôn đặt ra những yêu cầu cao trong học tập để tự mình phấn đấu vươn lên đạt cho được yêu cầu đó.

Tự giác học tập tức là phải học mọi lúc, mọi nơi, tận dụng thời gian, dành công sức, tranh thủ học tập, học ở trường, lớp, sách vở và học ở bạn bè, học ở tất cả mọi người; gặp điều hay, lẽ phải ở bất kỳ đâu, bất kỳ người nào mà thấy có ý nghĩa với bản thân thì phải gắng nhớ và học cho bằng được.

Ví dụ: Khi học môn GDQP-AN tập chung 1 tuần tại trung tâm, sau mỗi buổi lên lớp về phòng ở trên đại đội, lúc rảnh các em có thể tự giác rèn luyện động tác chiến

thuật, bắn súng: tự hô tự tập, nhờ bạn hô khẩu lệnh cho mình tập để rèn động tác, và sửa sai cho nhau ...

Từ những điều ấy sẽ làm cho nhận thức của mỗi người cao hơn, bản thân các em sẽ tự tin hơn khi kiểm tra hoặc thi kết thúc môn học.

Tự giác học nội dung lý thuyết kĩ - chiến thuật chiến đấu bộ binh .

Đây là một quá trình nhằm đạt được mục đích lĩnh hội lại kiến thức bài học để giáo viên kiểm tra kiến thức cũ hoặc lĩnh hội kiến thức để phục vụ cho luyện tập và kiểm tra thực hành các động tác kết thúc môn học.

Tự giác nghiên cứu là giai đoạn người học xử lý những thông tin tổng hợp được từ phía người dạy (qua các tiết học giới thiệu động tác theo 03 bước), từ nguồn tài liệu (có thể thông qua sách giáo khoa GDQP-AN, thư viện của trung tâm ...), từ kiến thức vốn có của người học (từ gia đình, anh em công tác trong quân đội hướng dẫn, thông qua phim ảnh, trên mạng internet ...), góp phần thúc đẩy sự hình thành và củng cố kiến thức cho người học, biến kiến thức thành niềm tin. Do đó, người học phải chủ động dành thời gian thích hợp cho tự nghiên cứu, tư duy lại bài giảng trên lớp, xem lại vở ghi... Đây là quá trình tri giác một cách tích cực và hiệu quả đảm bảo cho người học hiểu sâu nhớ lâu. Để tự học nội dung lý thuyết kĩ - chiến thuật chiến đấu bộ binh đạt hiệu quả HS cần lập kế hoạch tự học một cách khoa học; cần tự lập luận, chứng minh làm rõ các vấn đề giáo viên định hướng nghiên cứu. Quá trình tái hiện lại nội dung là việc xây dựng được phần cứng tức là người học phải nắm được nội dung cơ bản nhất, cốt lõi nhất của vấn đề.

Ví dụ: Khi tập các động tác chiến thuật đi khom các em phải hình dung và tư duy lại lí thuyết động tác: khi tiến thì dùng bàn chân phải trái đặt như thế nào, tư thế thân người như thế nào, 2 tay giữ súng như thế nào để sẵn sàng chiến đấu, tránh hỏa lực của địch sát thương mình ... có như vậy các em thực hiện động tác mới đúng và chuẩn xác.

Tuy nhiên tư duy như thế nào và mức độ là bao nhiêu còn tùy thuộc vào trình độ nhận thức của người học. Nắm chắc kiến thức lý thuyết sẽ là cơ sở quan trọng để vận dụng vào thực hành một cách thuận lợi.

Tự học thực hành nội dung kĩ - chiến thuật chiến đấu bộ binh

Do đặc điểm, tính chất các môn học liên quan tới hoạt động quân sự đều có nội dung gắn vào thực hành. Vì thế quá trình tự học thực sự có đạt hiệu quả hay không là khả năng vận dụng lý thuyết vào thực hành của người học. Để làm tốt quá trình tự học ấy mỗi học sinh cần nắm vững nội dung kiến thức lý thuyết, thứ tự, phương pháp tiến hành các động tác kĩ - chiến thuật, yêu cầu các bước hành động của bài học, khi tự học thực hành môn kĩ - chiến thuật đòi hỏi người học cần nắm vững các động tác, ý định của giáo viên, từ đó vận dụng vào tập bài được chính xác, đạt chất lượng. Quá trình trên cần làm thường xuyên liên tục và tăng dần các mức độ từ dễ đến khó cho tới khi người học cảm thấy có thể sẵn sàng để giáo viên, giáo viên chủ nhiệm kiểm tra bài cũ hay sẵn sàng tham gia vào cuộc thi hội thao, thi kết thúc môn học một cách tự tin và chủ động.

Để quá trình tự học thực hành và lý thuyết được đạt chất lượng cao nhất, thì HS cần kết hợp các phương pháp tự học, tập trung vào đẩy mạnh phương pháp theo tổ nhóm kết hợp với đôi bạn học tập, đôi bạn cùng tiến. Học với truy trao nội dung sau khi đã nắm được kiến thức cơ bản. Thực chất hoạt động phương pháp là những hình thức thảo luận nhỏ, là quá trình học viên tự hệ thống lại kiến thức với nhau trên cơ sở bổ sung, đồng thời thông qua hình thức này người học phải tự đánh giá kết quả, phương pháp tự học cho bản thân, để đưa ra những vấn đề còn hạn chế tồn tại nhằm tranh luận làm rõ vấn đề. Hoạt động phương pháp sẽ kích thích rất lớn tới quá trình hoạt động của tư duy, thúc đẩy tính độc lập sáng tạo của tư duy trong việc tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn của vấn đề. Hoạt động truy trao cũng là cách học sinh tập dượt, thực hiện nội dung, rèn luyện kỹ năng nói viết, lập luận vấn đề. Hoạt động này có hiệu quả rất lớn đối với môn học GDQP&AN.

Ví dụ: Khi về nhà (hoặc trên phòng ở đại đội), các em có thể tự lập nhóm luyện tập các động tác kĩ chiến thuật.

Một nội dung quan trọng khác là cần gắn chặt việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành kỷ luật của HS với quá trình tự học. Do phần lớn thời gian tự học môn giáo dục QP - AN diễn ra ngoài thực địa, vì vậy để đảm bảo quá trình tự học diễn ra hiệu quả thì mỗi học sinh cần chấp hành nghiêm quy định học tập, nội quy của Trung tâm.

Riêng nội dung này đòi hỏi phát huy cao độ vai trò trách nhiệm bám nắm, nhắc nhở, động viên và tính tiền phong gương mẫu trong tự học của GV, cán bộ lớp, cán bộ phòng ...

* Để thực hiện tốt biện pháp này đòi hỏi người giáo viên và cán bộ quản lí đại đội phải thường xuyên quán triệt tầm quan trọng, nội dung nhiệm vụ, ý nghĩa, yêu cầu cảu bài học để kích thích được tính tự giác của HS trong quá trình học tập; làm sao việc được nghe giảng nội dung kĩ - chiến thuật trên lớp, và ôn luyện động tác ở nhà phải thực sự trở thành nhu cầu bức thiết của HS chứ không phải vì sợ điểm danh hay sợ bị điểm kém, cấm thi mới có mặt trên lớp. Muốn làm được như vậy đòi hỏi bản thân người giáo viên cán bộ quản lí đại đội phải có kiến thức chuyên môn kĩ - chiến thuật từng người vững vàng, vừa sâu, vừa rộng (kĩ năng thực hiện động tác phải chuẩn xác, khẩu khí phải to, rõ, dứt khoát liên tục) có phương pháp giảng dạy tốt và nhất thiết người giảng viên phải am hiểu sâu sắc thực tiễn thì mới có thể gắn lý luận với thực tiễn, như thế bài giảng của mình mới thuyết phục được HS, gợi niềm say mê hứng thú cho HS mới thật sự cảm thấy việc học tập kĩ - chiến thuật ở trung tâm là thật sự bổ ích vì những kiến thức học được ở trung tâm có thể ứng dụng được vào cuộc sống của mình. Làm như vậy sẽ khích thích được ý thức cầu thị kiến thức, lòng say mê học hỏi nắm bắt cái mới ở HS dẫn đến tính tự giác trong học tập.

3.2.2.2. Học sinh luôn phải tích cực hỗ trợ giúp đỡ nhau trong học nội dung thực hành kĩ – chiến thuật chiến đấu bộ binh

Khi học tập tại trung tâm, ngoài việc được trang bị những kiến thức cơ bản về quốc phòng và an ninh còn rèn luyện cho HS tác phong sống, học tập, sinh hoạt tiệm cận với các chế độ quy định và kỷ luật của quân đội. Các em sẽ được sinh hoạt, học tập trong môi trường lành mạnh, gắn bó và đoàn kết, có nhiều cơ hội tăng khả năng làm việc nhóm, tự lập, thích nghi và chủ động sáng tạo giải quyết vấn đề trong điều kiện, hoàn cảnh khác nhau với tính độc lập và tính cộng đồng cao. Đồng thời cũng rèn luyện cho HS có bản lĩnh chính trị vững vàng, tác phong nhanh nhẹn trong học tập và lao động sau khi ra trường.

Trong tình hình hiện nay, việc sắp xếp các đại đội học viên quá đông so với môn học thực hành, có đại đội lên tới hơn 100 HS (thậm chí 200 HS) dẫn tới việc bao quát lớp, quá trình kiểm tra, duy trì luyện tập của các giảng viên có phần bị sao lãng, khó khăn không kiểm tra hết, không phân loại được HS nên trong quá trình học tập, ôn luyện các động tác thực hành điều lệnh từng người không có súng thì các em phải luôn tích cực chủ động và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình tiếp thu, thực hiện các động tác.

Để thực hiện tốt biện pháp này thì yêu cầu đội ngũ giáo viên lên lớp và cán bộ quản lí đại đội phải thường xuyên quán triệt đầy đủ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và tầm quan trọng của bài học đội ngũ từng người không có súng đối với môn học và nhân cách HS để các em tập chung nghe bài, tích cực luyện tập. Quá trình các em luyện tập, cán bộ giảng viên và cán bộ quản lí phải luôn quan sát, bắm nắm, theo dõi và đôn đốc quá trình luyện tập của các em để đưa ra biện pháp điều chỉnh kịp thời. Hướng dẫn các em luyện tập, giúp đỡ lẫn nhau thực hiện các động tác, hô tập ... trong quá trình ôn luyện.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ lớp, tổ, phòng phải gương mẫu trong học tập và rèn luyện các động tác, để thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, duy trì, hô cho các thành viên trong lớp, trong tổ, phòng mình tích cực luyện tập thực hành thuần thục các động tác. Nếu động tác nào khó thực hiện, chưa rõ, chưa hiểu thì phải mạnh dạn hỏi lại, và nhờ sự giúp đỡ hướng dẫn của giáo viên ngay. Bên cạnh đó, những em HS nào có khả năng thực hiện các động tác tốt, cũng phải hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn cho các bạn tập yếu hơn, HS nào khẩu khí to, rõ phải tích cực hô cho các bạn tập ... Quá trình luyện tập HS phải thật sự nghiêm túc, thực hiện nghiêm quy định kỉ luật thao trường, không được cười đùa, trêu chọc các bạn, không chĩa súng vào người nhau ....

Có như vậy, chất lượng bài học thực hành kĩ – chiến thuật mới đạt được hiệu quả cao nhất.

3.2.2.3. Người học nghiên cứu nội dung học trước khi giáo viên lên lớp

Trước khi lên lớp học tập thì HS phải tự nghiên cứu nội dung (cả lí thuyết và thực hành các động tác kĩ – chiến thuật ) thông qua sách giáo khoa và các tài liệu được nhà trường, trung tâm cung cấp cho quá trình học tập của mình.

Sử dụng tài liệu học tập và nghiên cứu nội dung kĩ – chiến thuật chiến đấu là một vấn đề cần thiết và quan trọng, đây là một phương pháp tự học, nâng cao hiểu biết của bản thân về yếu lĩnh các động tác, nhằm từng bước hoàn thiện phẩm chất, năng lực hành động của người HS, đáp ứng với mục tiêu, yêu cầu của bài học.

Muốn có được hiệu quả trong đọc liệu, nghiên cứu nội dung ở nhà trước khi giáo viên lên lớp thì HS cần sử dụng linh hoạt các kỹ năng và phương pháp đọc và suy ngẫm, hình dung động tác. Đồng thời phải biết cách tự phân tích, so sánh, tổng hợp, thực hiện động tác và rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Có như vậy, việc sử dụng tài liệu học tập, nghiên cứu nội dung động tác trước khi giáo viên lên lớp mới có hiệu quả thiết thực, mới hình thành phương pháp tự học tích cực cho mỗi HS trong quá trình học tập.

Ví dụ: Khi đọc sách giáo khoa, nghiên cứu động tác lê cao người học có thể tự chỉnh động tác tay (tay trước đặt như thế nào? tay cầm súng đặt như thế nào? ...), chân đặt-co như thế nào, súng đặt ra sao? ... theo đúng nội dung của động tác.

Để thực hiện tốt nội dung này khi HS học tập Trung tâm thì đội ngũ giáo viên lên lớp và cán bộ quản lí đại đội phải thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các em tích cực học tập nghiên cứu nội dung của bài học trước khi lên lớp; Nên động viên các em đọc, nghiên cứu, thảo luận và thực hiện động tác ở nhà theo nhóm để đạt hiệu quả tốt nhất; hướng dẫn các em nên vừa đọc, vừa ghi chép, đánh dấu nội dung yếu lĩnh khó, quan trọng ... Nếu các em chưa hiểu rõ, chưa thực hiện được động tác thì người giáo viên và cán bộ quản lí phải trực tiếp hướng dẫn và thực hiện động tác mẫu cho các em để các em hiểu và thực hiện được động tác.

3.2.2.4. Ngoài thời gian học trên lớp học sinh cũng tích cực bố trí tự tập ở nhà

Tự học ở nhà có vai trò đặc biệt quan trọng giúp cho HS tự nắm vững. củng cố, mở rộng và đào sâu kiến thức, rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo các động tác đã học. Từ đó, các em phát triển tư duy sáng tạo, hình thành năng lực, thói quen; biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, làm cơ sở cho việc học tập suốt đời.

Chất lượng tự học, tự luyện tập ở nhà của HS học tập tại trung tâm là kết quả của nhiều yếu tố: Giáo viên, cán bộ quản lí đại đội, người học, quy trình dạy học rèn luyện, quy chế quản lí, cơ sở vật chất kĩ thuật, đời sống của HS và thời gian tự học ...

Trong đó, nhân tố người dạy và cán bộ quản lí đại đội và người học giữ vai trò quyết định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo môn học GDQP&AN Tại trung tâm.

Một phần của tài liệu Tài liệu tham khảo cấp trường: Nội dung kĩ thuật - chiến thuật chiến đấu bộ binh giảng dạy cho học sinh trung học phổ thông học tập tại Trung tâm giáo dục quốc phòng & an ninh, Trường Đại học Hải Phòng (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(37 trang)