Lịch sử điều trị thoát vị bẹn

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ BẸN (Trang 28 - 32)

Thoát vị bẹn lần đầu tiên được ghi nhận vào khoảng 1.500 năm trước công nguyên tại Hy Lạp, thời kỳ này người ta chỉ điều trị bảo tồn bằng các loại băng ép, khố [14]. Ở đầu thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, Celsus đã mô tả một loại phẫu thuật dùng để điều trị thoát vị bẹn tại vùng Hy Lạp – La Mã: Rạch da tại gốc bìu, bóc tách khối thoát vị khỏi thừng tinh, cắt ngang tại lỗ bẹn nông và để hở, đồng thời cắt bỏ tinh hoàn, để hở da. Phẫu thuật này được gọi là Kelotomy, chưa có cơ sở khoa học hợp lý [62].

Năm 1363, một phẫu thuật viên nổi tiếng người pháp là Guy De Chauliac phân biệt thoát vị bẹn với thoát vị đùi và mô tả phương pháp đẩy khối thoát vị nghẹt lên bằng tư thế Trendelenburg [14],[62].

Năm 1559, Kaspar Stromayr nhà phẫu thuật người Đức đã cho ra đời cuốn sách phẫu thuật thực hành về bệnh lý thoát vị bẹn và phân biệt giữa thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp. Cho rằng khi mổ thoát vị bẹn gián tiếp nên cắt bỏ túi thoát vị, thừng tinh và cả tinh hoàn [14],[27],[62].

Năm 1721, Wiliam Cheselden mổ thành công một trường hợp thoát vị bẹn phải nghẹt, quai ruột nghẹt được giải phóng, mạc nối lớn dính vào túi thoát vị được ông buộc và cắt, vết mổ để hở, bệnh nhân sống và không tái phát [14],[62].

Thế kỷ 19 được xem là khởi điểm của thời kỳ điều trị thoát vị bẹn kiểu hiện đại. Một bước ngoặt quan trọng và thuận lợi cho ngành phẫu thuật xảy ra vào năm 1865 khi Joseph Lister đưa ra phương pháp khử trùng bằng khí Phenol [14]. Vào giai đoạn này tại Châu Âu và Bắc Mỹ còn thịnh hành phương pháp mổ của V.Czerny, được mô tả vào năm 1877: Cột và cắt cổ túi thoát vị tại lỗ bẹn nông và may hẹp lỗ bẹn nông (tái phát trên 30 – 40 %), vài năm sau đó, Marcy, một phẫu thuật viên Hoa Kỳ và là học trò của Lister đã đề ra phương pháp đóng lại lỗ bẹn sâu vào năm 1880 [62],[80].

Năm 1881 Lucas – Championnìere người đầu tiên tiến hành tách cân cơ chéo bụng ngoài, mở các lớp của ống bẹn và đóng các lớp bằng cách xếp nếp mà mãi đến năm 1892 mới được ghi nhận [14],[51].

Đóng góp lớn lao vào lĩnh vực phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn là EDUARDO BASSINI một phẫu thuật viên người Ý (1884). Sự hiểu biết về sinh lý ống bẹn và hiểu một cách tường tận về cấu trúc các lớp giải phẫu như mạc ngang, cân cơ ngang bụng, chéo trong, chéo ngoài góp phần tạo nên sự vững chắc của ống bẹn. Bassini đã thực hiện nhiều loại phẫu thuật kinh điển khác nhau và đưa ra nhận định: Các loại phẫu thuật trước đó có một thiếu sót lớn chưa khắc phục được là không bít ống bẹn bằng cách khâu lỗ bẹn sâu. Nếu phục hồi dựa trên hiểu biết về sinh lý ống bẹn thì cần tái tạo lại lỗ bẹn

sâu, lỗ bẹn nông, thành trước, thành sau ống bẹn. Ông thực hiện trường hợp đầu tiên vào năm 1884 và phẫu thuật này mang tên ông [14],[27],[62],[71]. Điểm mốc tiếp theo là sử dụng dây chằng Cooper vào việc tái tạo sàn bẹn. Người đề xướng ra việc này là Georg Lotheissen (người Áo), ông khâu gân kết hợp vào dây chằng lược (năm 1898) cho một bệnh nhân bị thoát vị bẹn tái phát phải mổ lại. Phương pháp này được phổ biến tại Mỹ vào các năm 1940 – 1942 bởi McVay, tác giả này nhấn mạnh nguyên tắc giữ nguyên các lớp giải phẫu khi tái tạo [27]. Cũng cùng quan điểm với McVay khi cho rằng trong tái tạo vùng bẹn chỉ nên khâu các cấu trúc cùng lớp giải phẫu lại với nhau, tác giả Kimbarovski dùng vạt trên cân cơ chéo ngoài để bao bọc bờ dưới của cơ chéo trong và cơ ngang bụng rồi đưa xuống trước thừng tinh để khâu vào dây chằng bẹn.

Một trong những phương pháp có nguồn gốc từ phương pháp Bassini được xem thành công nhất là phẫu thuật Shouldice được đề xuất bởi E.E.Shouldice tại Canada vào năm 1950, được báo cáo lần đầu vào năm 1953 và được mô tả trên y văn thế giới vào năm 1960, tỉ lệ tái phát nhỏ hơn 1% với thời gian theo dõi trên 10 năm [27],[62].

Việc phát minh nhựa tổng hợp (vào thập niên 50) như Nylon là chất liệu có thể sử dụng làm mảnh ghép, khiến nhiều phẫu thuật viên bắt đầu ứng dụng nó vào điều trị thoát vị, người ứng dụng đầu tiên là Melick (1942) [27], [62]. Năm 1958, Horwich dùng một mảnh Nylon để điều trị thoát vị bẹn tái phát và thoát vị lớn, ông nhận thấy tái phát dễ xảy ra ở bờ của mảnh ghép và để tránh điều này cần phủ mảnh ghép rộng hơn chỗ yếu ở sàn bẹn. Cùng năm này, Usher và Wallce qua thực nghiệm về phản ứng của mô với mảnh ghép đã nhận thấy nên sử dụng lưới Polypropylene. Ông sử dụng mảnh Polypropylene mỏng, có kích thước 2,5 x 7 cm để tăng cường chỗ yếu thành bụng và nhận được kết quả khích lệ mà không bị nhiễm trùng. Ông cũng ghi nhận những

bệnh nhân này ít đau và hồi phục nhanh sau mổ. Tuy nhiên, ông chỉ dùng lưới nhân tạo cho những trường hợp khó như: Thoát vị trực tiếp lớn, thoát vị tái phát. Vào thời gian này, do sợ bị nhiễm trùng, đa số phẫu thuật viên không chủ trương dùng mảnh ghép một cách rộng rãi mà chỉ dùng mảnh ghép cho những trường hợp thật cần thiết như thoát vị lớn, thoát vị trượt hoặc thoát vị tái phát [58].

Năm 1962, Usher báo cáo dùng Polypropylene cho 183 bệnh nhân, trong phần lớn các trường hợp, mảnh ghép được dùng để tăng cường cho lớp khâu tạo hình kiểu Bassini. Trong 50 trường hợp, mảnh ghép được đặt ở lớp tiền phúc mạc và không cố gắng đóng chỗ khiếm khuyết. Kết quả có 1,6 % trường hợp bị nhiễm trùng và 5,9 % bị tái phát sau 1 năm [58].

Collier và Griswold (1967) dùng Polypropylene đặt ở lớp tiền phúc mạc cho 225 bệnh nhân, chỉ có 1 người tái phát trong thời gian theo dõi từ 6 tháng đến 6,5 năm [58].

Năm 1970, trong cuốn sách đầu tiên của mình, Lichtenstein đã mô tả việc dùng mảnh ghép 3 x 8 cm để tăng cường chỗ phục hồi thành bụng trong thoát vị bẹn trực tiếp và gián tiếp. Ông đã nhận ra rằng sự căng tại đường khâu là nguyên nhân thất bại trong những trường hợp tạo hình thành bụng kiểu kinh điển và nếu loại bỏ được đều này thì sẽ giải quyết được vấn đề tái phát [58].

Năm 1974, 10 năm trước khi Lichtenstein đề xuất việc dùng mảnh ghép mà không gây căng cho những trường hợp thoát vị bẹn nguyên phát, ông cũng đã từng mô tả một phương pháp dùng mảnh ghép, cuốn lại tạo nên một cái nút chận để phục hồi thoát vị đùi và thoát vị bẹn tái phát sớm, mục đích là tránh gây căng [58],[79].

Vào năm 1986, khi Lichteinstein mô tả kỹ thuật dùng lưới Polypropylene điều trị thoát vị bẹn, nhiều phẫu thuật viên cho là kỹ thuật của

ông đề xuất không có gì mới so với kỹ thuật dùng lưới Polypropylene có trước đó. Nhưng Lichteinstein biện hộ rằng kỹ thuật của ông không phải chỉ dùng cho những trường hợp khó khăn, phức tạp mà dùng cho mọi loại thoát vị vùng bẹn dù lớn hay nhỏ, phức tạp hay đơn giản và nhấn mạnh rằng kỹ thuật của ông bao gồm 3 yếu tố [58]:

- Chủ yếu là gây tê tại chỗ.

- Cho bệnh nhân hoạt động lại sớm. - Xuất viện trong ngày.

Năm 1992, nhóm của Lichtenstein đã tổng kết 3019 trường hợp thoát vị bẹn được mổ từ 5 trung tâm khác nhau, có tỉ lệ tái phát là 0,2 % [58],[78].

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ BẸN (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w