Lâm sàng thoát vị bẹn

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ BẸN (Trang 25 - 27)

1.4.1. Triệu chứng cơ năng

Hầu hết thoát vị bẹn không có triệu chứng gì cho đến khi bệnh nhân phát hiện được một khối phồng ở vùng bẹn. Một số ít bệnh nhân có thể mô tả là bị đau và có khối phồng ở vùng bẹn khi nâng vật nặng, khi rặn hay khi đứng lên. Cũng có khi thoát vị bẹn được phát hiện trong lúc đi khám sức khỏe. Một số bệnh nhân mô tả là có cảm giác co kéo hoặc bị đau lan xuống bìu, nhất là đối với thoát vị bẹn gián tiếp. Khi khối thoát vị lớn dần, nó tạo cảm giác không thoải mái hoặc đau chói và bệnh nhân phải nằm hoặc dùng tay để đẩy nó vào [1],[50],[51],[66],[71],[85].

Nhìn chung thoát vị bẹn trực tiếp ít gây nên triệu chứng hơn so với thoát vị bẹn gián tiếp và cũng ít bị kẹt hay nghẹt hơn [4],[66].

1.4.2. Triệu chứng thực thể

Triệu chứng đặc hiệu của thoát vị bẹn là nhìn hoặc sờ thấy khối phồng vùng bẹn khi bệnh nhân đứng hoặc khi ho, rặn. Ngược lại khi nằm hoặc khi dùng tay đẩy vào thì khối phồng này biến mất [1],[4],[50],[66],[71],[85]. Trong trường hợp thoát vị nhỏ có thể khó nhận thấy. Khi đó có thể vùng ngón tay đội da bìu để sờ lỗ bẹn nông, nếu lỗ bẹn nông quá nhỏ không thể đưa ngón tay vào ống bẹn được thì rất khó xác định khối trồi ra cảm nhận được khi ho có thực sự là khối thoát vị hay không. Ngược lại, nếu lỗ bẹn nông quá rộng cũng không tự nó khẳng định là có thoát vị, cần phải sờ thấy một khối đang chạy xuống trong lòng ống bẹn khi ho hoặc khi rặn thì mới chắc chắn là có thoát vị bẹn [4].

Sự phân biệt giữa thoát vị gián tiếp và trực tiếp có thể dễ dàng nhưng đôi khi cũng rất khó, trong thực tế điều này không quan trọng vì bất kể là thoát vị gián tiếp hay trực tiếp thì cũng phải phẫu thuật. Tuy nhiên mỗi loại thoát vị cũng có một số biểu hiện đặc trưng. Sau khi đẩy khối thoát vị lên hết,

có thể phân biệt thoát vị bẹn gián tiếp với thoát vị bẹn trực tiếp bằng 3 nghiệm pháp sau [4]:

- Nghiệm pháp nhìn hướng phát triển: Bảo bệnh nhân ho, rặn. Thoát vị bẹn gián tiếp xuất hiện theo hướng chếch từ trên xuống và từ ngoài vào trong. Thoát vị bẹn trực tiếp xuất hiện theo hướng từ trong bụng thẳng về phía trước. - Nghiệm pháp chạm ngón: Dùng ngón trỏ cho vào lỗ bẹn nông và đi vào một phần ống bẹn (mặt lòng ngón hướng về phía bụng) bảo bệnh nhân ho, rặn: Thoát vị bẹn trực tiếp cho cảm giác chạm ở lòng ngón, còn thoát vị bẹn gián tiếp sẽ chạm ở đầu ngón.

- Nghiệm pháp chận lỗ bẹn sâu: Dùng ngón cái chận ở vị trí ước lượng của lỗ bẹn sâu (trên trung điểm của nếp bẹn khoảng 1,5 – 2 cm) sau đó bảo bệnh nhân ho, rặn. Thoát vị bẹn gián tiếp sẽ không thể xuất hiện lại, còn thoát vị bẹn trực tiếp vẫn xuất hiện lại như trước.

- Thoát vị trượt (sliding inguinal hernia ): Là một dạng đặc biệt của thoát vị bẹn, trong đó tạng thoát vị (thường là đại tràng hoặc bàng quang) đồng thời là một phần của thành túi thoát vị. Dù thoát vị trượt không có một dấu hiệu đặc trưng nào nhưng có thể nghi ngờ trong những trường hợp thoát vị bẹn có bìu lớn trên cơ địa người già, thoát vị lớn mà không thể đẩy xẹp hoàn toàn được. Sự nhận diện sớm thoát vị trượt rất quan trọng vì nếu không biết trước, khi mổ ta dễ phạm vào tạng thoát vị lúc cắt mở túi thoát vị [4],[50], [51],[66].

1.4.3. Triệu chứng toàn thân

Thoát vị bẹn không biến chứng thường không ảnh hưởng đến tổng trạng [1],[4]. Các triệu chứng này nếu có trên bệnh nhân thường do những bệnh khác đi kèm (u đại tràng, phì đại tuyến tiền liệt, viêm phế quản mạn…) có thể có hoặc không tạo yếu tố thuận lợi cho thoát vị bẹn xảy ra [4].

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ BẸN (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w