CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.3. LỰA CHỌN CÔNG NGHỆ, QUY TRÌNH XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT
3.3.4. Quy trình xử lý rác thải
Hình 3.9: Sơ đồ công nghệ xử lý rác [19]
3.3.4.1. Quy trình xử lý rác thải:
Phương pháp thích hợp được lựa chọn để xử lý rác thải sinh hoạt trong điều kiện kinh tế và tình hình rác thải của địa phương là xử lý rác hữu cơ (rác phân huỷ được) bằng biện pháp sinh học tự nhiên và loại rác thải không phân huỷ được bằng cách chôn lấp. Các công đoạn bao gồm:
+ Rác sẽ được trộn với chế phẩm EM, ủi vào các ô chôn lấp, nén chặt
+ Bổ xung chế phẩm EM, sau đó phủ phần rác thô và một lớp đất dày khoảng 0,3 m để phủ lên đống rác để ủ ngay. Điều này làm cho đống rác mới không phát sinh mùi hôi và chống sâu bọ, ruồi nhặng sản sinh trên đống rác.
+ Quy trình ủ rác với chế phẩm EM (Effective Microorganisms)
- Dung dịch EM hoạt hoá: chế phẩm EM gốc pha theo tỉ lệ 1/300 (1 lít EM gốc pha trong 300 lít nước trung tính)
- Đổ rác cao 0,5 m, phun tưới dung dịch đã pha lên toàn bộ bề mặt luống rác.
- Phủ rác lên độ cao 1 m, tiếp tục phun dung dịch đã pha đều lên lượt trên - Theo tính toán phun từ 30-40 lít dung dịch EM hoạt hoá/1m3 rác là hợp lý.
- Cuối cùng phủ mùn, rác thô hoặc đất (lớp đất dày 0,5 m) lên toàn bộ bề mặt rác.
Rác của ngày hôm sau đổ tiếp lên đống rác của ngày hôm trước hoặc đổ sang luồng khác.
- Sau khi rác đổ đầy ô chôn lấp, lớp phủ cuối cùng được tiến hành theo thứ tự sau:
+ Tầng thu gom khí bằng đất có chiều dày tối thiểu 30 cm, hệ số thấm 1.10-3 cm/s + Tầng chống thấm có chiều dày 45cm (đất sét) có hệ số thấm 1.10-5 cm/s hoặc một lớp màng tổng hợp có chiều dày 2 mm
+ Tầng đất có chiều dày tối thiểu 45 cm để bảo vệ lớp chống thấm trên + Tầng đất trồng trọt có chiều dày tối thiểu là 15 cm.
- Đối với ô chôn lấp có khai thác sau: trồng cỏ
- Đối với ô chôn lấp vĩnh viễn: đổ đất dày khoảng 1 m, trồng các loại cây bụi, rễ chùm, lá không có tinh dầu.
- Khi thi công phủ mặt có bố trí đủ các ống thoát khí sinh học đảm bảo không để xảy ra sự cố cháy nổ.
+ Lập sổ nhật ký theo dõi và lập sơ đồ bãi rác cụ thể để biết rõ thời gian cụ thể (ngày, tháng, năm) từng luồng rác đã được ủ.
+ Bãi rác được thiết kế đủ rộng nhằm ủ rác được ít nhất từ 400 - 500 ngày, độ ẩm tối ưu 52 - 58%, nhiệt độ tối ưu 40 - 55oC (đối với các ô có khai thác sau).
+ Rác phân huỷ được phân thành phân hữu cơ và mùn rác thô. Phân hữu cơ làm phân bón cho cây trồng, mùn rác thô tái sử dụng để làm chất phủ để ủ rác.
Rác không phân huỷ sau khi được tách riêng có thể làm nguyên liệu tái sinh hay mang đi chôn lấp. Lượng rác thải phải chôn lại này chiếm thể tích rất ít do vậy làm kéo dài tuổi thọ của bãi rác và ít gây ô nhiễm đất.
3.3.4.2. Quy trình công nghệ xử lý nước rác
Tính toán tải lượng nước thải
Khi bãi chôn lấp rác đi vào vận hành sẽ có một lượng nước rác thẩm thấu, tải lượng nước rỉ rác được tính toán theo công thức sau:
Qth = M (W1 - W2) + [P(1 - R) - E] x A [15]
Trong đó:
+ Qth: Tải lượng nước rác theo tính toán (m3/ngày.đêm)
+ M: Khối lượng rác thải trung bình trên ngày (tấn/ngày), M = 6 tấn/ ngày (đối với năm đầu tiên)
+ W2: Độ ẩm rác thải sau khi nén (%), thông thường từ 25 - 50% đối với rác thải sau nén có tỉ trọng từ 0,7 - 1 tấn/m3, W2 = 35%
+ W1: Độ ẩm rác thải trước khi nén (%), 65 - 69%, chọn W1 = 65%
+ P: Lượng mưa ngày trong tháng lớn nhất, P = 13,7 mm/ngày = 0,0137 m/ngày
+ R: Hệ số thoát nước bề mặt, R = 0,17
+ E: Lượng nước bốc hơi, E = 5 mm/ngày = 0,005 m/ngày + A: Diện tích ô chôn lấp, A = 0,2ha = 2.000 m2.
Thay vào công thức tính tải lượng nước rỉ rác ta có: Qth = 14,54 m3/ngày.đêm Sau khi đầy ô chôn lấp, lớp phủ mặt sẽ được thực hiện theo đúng quy trình đảm bảo hệ số thấm theo tiêu chuẩn cho phép. Do vậy, lượng nước mưa thấm vào ô chôn lấp đã phủ mặt không đáng kể. Tải lượng nước rỉ rác của các ô chôn lấp sau được tính toán tương tự như trên.
Căn cứ vào điều kiện cụ thể của vị trí bãi rác và sự so sánh giữa công nghệ xử lý rác ở một số thành phố của Việt Nam, lựa chọn phương án xử lý nước rỉ rác bằng phương pháp sinh hoá kết hợp hồ sinh học trước khi xả vào sông Cô.
Quy trình xử lý nước rác:
Hình 3.10: Quy trình xử lý nước rác [19]
Mương ôxy hóa được đặt song song với ô xử lý rác thải gần bờ sông. Nước rác được tập trung vào cống đi qua đập ngăn, gom vào hồ sinh học. Quá trình xử lý gồm hai công đoạn chính, cụ thể như sau:
* Hệ thống ao sinh học
Hệ thống ao sinh học giai đoạn 1 là ao số 11. Trong ao xử lý sinh học có thêm các chế phẩm vi sinh (EM), để tăng cường sự phân huỷ các hợp chất hữu cơ còn lại trong nước rác. Ao sinh học sẽ sử dụng để thả bèo tây để tăng cường quá trình hấp thụ photpho, nitơ và một số kim loại có trong nước, thời gian nước thải lưu trong ao tối thiểu là 15 ngày. Bùn thải của quá trình xử lý hoá chất được bơm lên bãi rác.
* Hệ thống mương ôxy hóa
Nước từ hồ sinh học chảy tràn được đưa vào mương ôxy hóabao gồm ngăn chắn rác, để xử lý bùn, lắng sơ bộ, tách khí dưới sự chiếu sáng của ánh sáng tự nhiên (mực nước trong mương ôxy hóa phải thấp để ánh sáng có thể xuyên qua)
làm tăng quá trình ôxy hóa phân hủy hợp chất hữu cơ trong nước. Sau đó nước được thải ra sông Cô.