2. Kết quả nghiên cứu về những giá trị văn nghệ dân gian của tộc người Khơ-Mú
2.1 Một số loại hình văn nghệ dân gian
2.1.3 Trò chơi dân gian
Một số trò chơi thể thao dân gian gắn liền với Lễ cầu mưa như: Kéo co (rù chi mớ), Đẩy gậy (nhút dọ), Múa sạp (tẹ khiệp), Múa tầm đao (tăm đao), Múa tăng bu (tăm rờ bang - múa theo tiếng chiêng), Ném còn (tọt còn),…
-Trò đẩy gậy
Đẩy gậy vừa là trò chơi dân gian, vừa là môn thể thao truyền thống, thường được tổ chức vào dịp đầu Xuân, trong những ngày Tết, dịp lễ hội, các ngày hội văn hóa, thể thao.
Môn thể thao này đã góp phần đẩy mạnh phong trào TDTT, làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào Khơ-Mú
Không chỉ những thanh niên cường tráng, khỏe mạnh tìm đến môn thể thao này, mà những người lớn tuổi, người già cũng háo hức tham gia. Những ai không đủ khả năng thi đấu thì làm cổ động viên, cổ vũ hết mình để tăng thêm tinh thần cho những vận động viên khi có các trận đấu.
Chỉ với một cây gậy thi đấu làm bằng loại gỗ tốt, thẳng hoặc tre già có chiều dài 2m, được sơn 2 màu khác biệt (thường sơn màu đỏ - vàng hoặc đỏ - trắng); thân gậy được làm nhẵn và có đường kính bằng nhau (khoảng 5cm) là đã đủ dụng cụ để bắt đầu trò chơi đẩy gậy.
Đẩy gậy là môn thể thao dân tộc cần đến sức khoẻ và sự khéo léo của mỗi VĐV khi tham gia thi đấu. Sức mạnh là yếu tố cơ bản quyết định sự thắng thua của môn đẩy gậy, nhưng bên cạnh đó những yếu tố quan trọng như: tâm lý, kỹ thuật, kinh nghiệm thi đấu, sự dẻo dai cũng là yếu tố không thể thiếu được của một vận động viên đẩy gậy chuyên nghiệp.
Có những cuộc đẩy gậy giữa những “cao thủ” ngang tài, ngang sức, giằng co không phân thắng bại kéo dài tới vài chục phút. Khi vào trận gặp đối thủ ngang sức, chúng ta sẽ bắt gặp gương mặt các vận động viên đỏ căng tía, trán vã mồ hôi, dồn toàn sức lực để gì tay gậy mặc sức cho bên ngoài vòng là tiến hò reo cổ vũ, tiếng trống dồn của các cổ động viên tạo một bầu không khí sôi động ở một vùng quê yên bình. Theo quy định luật chơi, bên nào chân chạm vào vạch hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước là thua cuộc. Mỗi trận thi đấu đẩy gậy thường diễn ra trong 2 - 3 hiệp. Kết thúc trận đấu, trọng tài chính và 2 VĐV mặt hướng về Ban tổ chức trọng tài chính hai tay cầm tay 2 VĐV, giơ tay VĐV thắng cuộc lên cao, sau đó các VĐV rời sân.
-Nhảy sạp
Nhảy sạp của người Khơ-Mú thường được tổ chức vào những đêm trăng, sau khi làm đồng áng mệt nhọc và Nhảy sạp thường gắn với Lễ cầu mưa (Khơ co rự mạ).
Múa sạp xuất hiện từ lâu trong đời sống cộng đồng. Có rất nhiều dân tộc cùng có điệu múa này nhưng trong mỗi một dân tộc điệu múa này lại có sự khác biệt chủ yếu trong chất liệu múa sạp. Có dân tộc dùng gỗ, có dân tộc dùng tre, nứa…Việc này cũng có thể lý giải được do sự ảnh hưởng và giao thoa văn hóa, nhưng việc xác định nguồn gốc nhảy múa sạp bắt nguồn từ dân tộc nào do chưa có tài liệu ghi chép nên việc xác định hết sức khó khăn. Để truy sâu nguồn gốc nhảy sạp, hiện những người làm công tác nghiên cứu văn hóa đã mạnh dạn đưa ra các kiến giải khác nhau.
Chịu những ảnh hưởng nhất định về tập quán sản xuất, đời sống vật chất, đời sống tinh thần từ những dân tộc bản địa song người Khơ-Mú vẫn giữ được những nét đặc trưng của mình. Một trong những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện đậm đặc ảnh hưởng của sản xuất nông nghiệp lên văn hóa, tín ngưỡng và tính cách dân tộc của người Khơ-Mú chính là nhảy sạp (Tệ khơ liệp). Nhảy sạp của người Khơ-Mú là sinh hoạt văn hóa có thể được tổ chức vào những đêm trăng, sau khi làm đồng áng mệt nhọc nhưng thông thường, khi nhắc đến nhảy sạp, người ta thường gắn với lễ cầu mưa (Khơ co rự mạ) . Nhảy sạp được tiến hành sau khi lễ cầu mưa (Khơ co rự mạ) kết thúc.
Nhảy sạp thường được tiến hành trên một bãi đất trống, thường là cạnh nhà trưởng bản hoặc một người có uy tín. Gậy dùng cho nhảy sạp là cây gậy dùng để làm nương (tiếng Khơ-Mú gọi là Itờ). Gậy Itờ là một cây gậy chắc, cứng, thường được làm từ cây thành ngạnh. Gậy to vừa tay người cầm, chiều dài khoảng 2 đến 3 mét. Nếu gậy dài 3 mét thì sẽ dùng được khoảng 2 mùa nương, còn nếu gậy không được như vậy thì có khi một mùa làm nương họ phải sử dụng đến 2, 3 cây gậy Itờ. Gậy Itờ dùng cho đàn ông để chọc lỗ cho phụ nữ tra hạt trên nương.
-Ném còn
Quả "còn" hình cầu to bằng nắm tay trẻ nhỏ, được khâu bằng nhiều múi vải màu, bên trong nhồi thóc và hạt bông (thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay. Sân ném còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn một cây tre (hoặc vầu) cao, trên đỉnh có “vòng còn” hình tròn (khung còn), khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Cả mặt giấy là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, ném quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột là thắng cuộc.
*Cách chơi:
Cách thứ nhất: Thanh niên nam nữ chưa vợ, chưa chồng thì chơi theo tục tỏ tình, giao duyên. Tục này thường diễn ra vào dịp tế mường, ngày xuân. Trai gái ăn mặc chỉnh tề với trang phục truyền thống, các cô gái chọn một bãi đất bằng phẳng để rủ các chàng trai ra chơi còn. Nam đứng một bên, nữ đứng một bên, thoạt đầu còn tung sang nhau đại trà, sau dần dần đôi nào phải lòng nhau tự khắc ném cho nhau, hình thức này sau cùng là chơi từng đôi một, thông qua hội tung còn nhiều đôi trở thành chồng, thành vợ của nhau.
Cách thứ hai: Gọi là tọt cón vóng là tung còn vòng, ở giữa sân bãi, người ta chôn một cây tre cao 8 - 10m, đầu trên cao có gắn một cái vòng tròn đường kính khoảng 50 - 70cm theo phương thẳng đứng. Sau đó gắn vải đỏ, phần trên khâu chắc vào mép vòng, ở dưới thả buông để khi ai đó tung trúng vào trong vòng còn dễ phát hiện ra, thể hiện sự khéo léo của người chơi. Trò chơi này giành cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi.
Hình thức chơi: Có thể bên nam, bên nữ, hoặc tùy chọn; nếu ai tung lọt tâm vòng thì người đó đạt thành tích, giải thưởng là đôi chén rượu (tùy quy ước mỗi cuộc thi). Cũng có thể chia đội và Ban tổ chức sẽ quy định cách đứng chơi và mục tiêu là phải tung quả còn chui qua vòng. Tổ trọng tài theo dõi chấm điểm.
Trò chơi ném còn vừa mang tính văn hóa lại vừa mang tính thể thao, rèn luyện sự tinh tế, khéo léo, tài tình, ước lệ và duyên dáng, nhẹ nhàng khi tung, khi bắt; Vừa kết hợp các động tác toàn thân, vừa sảng khoái tinh thần, vừa được giao lưu, tỏ tình, đoàn kết, vui vẻ. Công cụ vừa rẻ tiền lại vừa dễ chơi, ai chưa biết chơi chỉ cần quan sát một đôi lần là sẽ nhập cuộc được ngay.
-Kéo co
Người chơi cũng chia làm hai phe, mỗi phe cùng dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình, giữa sợi dây có buộc một cái khăn đỏ,bên nào kéo đoạn dây có buộc khăn đỏ qua vạch của mình trước là thắng.Có khi cả hai bên đều là nam, có khi bên nam, bên nữ. Trong trường hợp bên nam bên nữ, dân làng thường chọn những trai gái chưa vợ chưa chồng.
Một cột trụ để ở giữa sân chơi, có dây thừng buộc dài hay dây song, dây tre hoặc cây tre, thường dài khoảng 20m căng đều ra hai phía, hai bên xúm nhau nắm lấy dây thừng để kéo. Một vị chức sắc hay bô lão cầm trịch ra hiệu lệnh.
Hai bên ra sức kéo, sao cho cột trụ kéo về bên mình là thắng. Bên ngoài dân làng cổ vũ hai bên bằng tiếng "dô ta", "cố lên".