CHƯƠNG 3: THỬ NGHIỆM MỘT SỐ TRÒ CHƠI HỌC TẬP NHẰM PHÁT
3.3. Nội dung và phương pháp thử nghiệm
Tôi tiến hành tổ chức cho trẻ chơi một số trò chơi học tập mà đề tài đã thiết kế. Qua đó, chúng tôi dùng phương pháp quan sát để quan sát sự hứng thú của trẻ khi chơi và ghi nhận một số kết quả của việc phát triển vốn từ mà trẻ đạt được thông qua trò chơi học tập mà đề tài đã thiết kế.
3.4. Kết quả thử nghiệm 3.4.1 Kết quả thử nghiệm ở trẻ
Sau khi thử nghiệm kết thúc, chúng tôi thấy kết quả phát triển vốn từ của trẻ tốt hơn và mức độ trẻ hứng thú với các trò chơi khá cao, nhất là các trò chơi học tập kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin.
Kết quả thử nghiệm khi trẻ tham gia trò chơi học tập bằng lời
Với các trò chơi học tập bằng lời, trẻ hứng thú tham gia cùng bạn và trẻ luôn tuân thủ theo luật chơi. Khi chơi trò chơi “Bé thích màu quả nào?” trẻ chơi rất vui, bởi vì trẻ được tìm các bạn cùng có màu quả giống với màu quả của mình và tạo thành một nhóm của riêng mình. Nếu trò chơi này chỉ dừng lại ở việc trẻ giơ
quả có màu theo yêu cầu của cô thì trẻ chỉ biết được tên và màu quả mà trẻ thích, còn ở đây trẻ được tìm nhóm, và từng thành viên trong nhóm sẽ nói tên quả của mình, chính vì vậy việc phát triển vốn từ cho trẻ về tên của các loại quả được mở rộng nhiều hơn.
Ở trò chơi “Bù vào chỗ thiếu” trẻ phản ứng khá nhanh nhạy và đạt được mục đích của trò chơi đã đề ra. Ngoài ra, trẻ còn phát hiện lỗi sai của bạn bè trong khi chơi và đã giúp bạn sửa sai rất tốt.
Với trò chơi “Đố bạn mình đang làm gì?” trẻ rất có hứng thú, trẻ muốn tìm ra cử chỉ quen thuộc của bạn mình làm là hành động gì. Chính những lời miêu tả ấy đã giúp phát triển vốn từ cho trẻ, không chỉ ở những trẻ nói mà còn ở những trẻ nghe và tham gia trò chơi.
Kết quả thử nghiệm khi trẻ tham gia trò chơi học tập kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin
Do nhu cầu hiện đại hóa – công nghệ hóa hiện nay, có lẽ trẻ được tiếp xúc với công nghệ thông tin từ khá sớm khi trẻ ở nhà, vì thế các trò chơi được làm dưới dạng power point trẻ rất thích và hứng thú tham gia cùng cô và các bạn.
Với trò chơi “Đâu là đúng, đâu là sai?” trẻ được nhìn các hình ảnh động phương tiện giao thông, trẻ rất thích thú, trẻ hào hứng giơ tay phát biểu ý kiến và trả lời câu hỏi của cô một cách chính xác. Trẻ biết nhận ra điểm sai và điểm đúng của hình. Trẻ diễn đạt lại ý kiến của mình cũng rất tốt.
Khi chơi trò chơi “Heo con dũng cảm” trẻ biết tìm ra các đường đi và giải thích được vì sao chọn đường đi đó. Quan trọng là vốn từ của trẻ phải nhiều thì trẻ mới giải thích được
3.4.2 Ý kiến đóng góp của giáo viên đứng lớp
Về phía giáo viên đứng lớp, tôi nhận được các ý kiến phản hồi khá tốt. Các cô đều khẳng định trò chơi học tập do tôi thiết kế khá là hấp dẫn và phù hợp với mục đích phát triển vốn từ của trẻ, được biết vì từ trước đến giờ khi trẻ tham gia vào trò chơi học tập, trẻ chỉ được chơi với dạng đồ chơi học tập là các dạng lô tô, thẻ hình… Chính vì thế, với trò chơi học tập ứng dụng công nghệ thông tin là một hình thức mới, giúp cho trẻ không bị nhàm chán và trẻ tiếp thu nhanh hơn thông qua các hình ảnh sống động trong trò chơi. Bên cạnh đó, với các trò chơi học tập bằng lời, các cô cũng đã gợi ý chúng tôi nên mở rộng hướng trò chơi phát triển ở nhiều chủ đề hơn nữa. Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến này và sẽ sửa khi thiết kế các trò chơi mới.
Tóm lại, kết quả trên đã khẳng định việc sử dụng các trò chơi học tập bằng lời và kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin là phù hợp với mục đích giáo dục và tâm sinh lý của trẻ, từ đó đem lại những hiệu quả cao trong công tác phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi.