SÁCH NGỮ VĂN LỚP 10 TẬP 1 BỘ CƠ BẢN VÀ NÂNG CAO
1. Ý nghĩa sự tương đồng:
Thông qua sự so sánh hai chương trình, ta thấy ý ngĩa quan trọng trong việc tìm hiểu chương trình sách giáo khoa bộ cơ bản và bộ nâng cao lớp 10 tập 1 môn Ngữ Văn. Qua việc tìm hiểu, người viết thấy được sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 1 bộ cơ bản và bộ nâng cao có mối quan hệ mật thiết với nhau. Điều đó có nghĩa là cả hai bộ sách vẫn thống nhất với nhau về chương trình chuẩn để hướng đến chuẩn kiến thức. Dù là học sinh ở ban nào thì kiến thức vẫn phải đáp ứng yêu cầu chung của chuẩn kiến thức đặt ra trong thi cử, kiểm tra. Bởi đó là tính nguyên tắc cho sự phân hóa cả hai chương trình này. Vì vậy, sự giống nhau này không chỉ đơn thuần chỉ giống nhau về các tác phẩm giảng dạy chung mà thông qua đó làm mặt bằng chung để đánh giá năng lực kiến thức của học sinh về kiến thức căn bản. Học sinh dù có học nâng cao như thế nào đi nữa mà kiến thức chung về lịch sử, văn hóa, xã hội mà không nắm chắc thì đó là một báo động đáng lo ngại cho nền giáo dục. Chính vì vậy, sự giống nhau cho ta cái nhìn tổng thể về kiến thức đại trà trong cái chung của nền giáo dục.
2. Ý nghĩa của sự dị biệt:
Khi nghiên cứu sự khác nhau của hai bộ sách Ngữ văn 10 tập 1 bộ cơ bản và nâng cao, người viết thấy rằng đây là một dụng ý của người biện soạn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Sách Ngữ văn THPT được biên soạn theo hai chương trình chuẩn- cơ ban và nâng cao.
Yêu cầu về nội dung khối lượng kiến thức và mức độ kĩ năng của hai chương trình có khác nhau nhưng không chênh lệch khoảng 20 % kiến thức. Chương trình lấy mặt bằng kiến thức và kĩ năng của bộ sách cơ bản làm chuẩn chung, sau đó tăng thêm một số nội dung, tri thức và yêu cầu kĩ năng cho bộ nâng cao.
Chương trình nâng cao ngay từ tiêu đề bộ sách đã nói lên ý nghĩa, nội dung của cả bộ sách, đó là nâng cao thêm kiến thức trên cơ sở kiến thức căn bản mà sách giáo khoa yêu cầu chung cho tất cả học sinh. Học sinh học bộ nâng cao sẽ được bổ sung một lượng bài học nhiều hơn và các thao tác được rèn luyện, cũng như số tiết học nhiều hơn. Chính vì vậy, học ở bộ cơ bản các em có được kiến thức cơ bản nhất, còn bộ nâng cao là nâng lên về mọi mặt.
Khi nghiên cứu sự giống nhau và khác nhau giúp cho việc nắm vững chương trình được tốt hơn, và việc dạy và học được chủ động hơn. Cũng là một bài học nhưng ở bộ sách cơ bản và bộ sách nâng cao đòi hỏi phải tiếp cận khác nhau về yêu cầu, nội dung bài học. Từ đó, tìm ra cách học và cách dạy phù hợp với yêu cầu theo dụng ý người biên soạn. Khi học bộ sách cơ bản và nâng cao biết xác định kiến thức trọng tâm, kiến thức cơ bản trong cùng một bài ở riêng hai bộ sách. Đặc biệt tìm được mối quan hệ của các phần Đọc văn- Tiếng Việt-Làm văn trong cùng một bài học, một bộ sách.
Đối với người học:
Khi được phân hóa học ở các ban khác nhau với hai bộ sách cơ bản và nâng cao là đáp ứng như cầu nguyện vọng, sở thích, sở trường của học sinh.
Nếu như các em học không đúng sở thích của mình thì các em không bộc lộ hết sở trường tài năng của mình, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Khi học bộ nâng cao học sinh thích học môn học mình thích, ngoài những giờ học học sinh có thể tìm tòi, phát huy, tích lũy kiến thức kết hợp với những gì trên lớp. Từ đó phân luồng đào tạo, tạo nên một nguồn nhân lực quan trọng trong các ngành xã hội không như trước đây nhiều người không chú trọng đến. Đối với các học sinh học bộ cơ bản, đó là ban cơ bản và ban khoa học tư nhiên, học sinh có thể có được kiến thức căn bản và có thời gian dành cho môn học chuyên sâu, mà không cần đi sâu vào những kiến thức của bộ nâng cao yêu cầu.
Đối với người dạy: Khi nắm vững chương trình, giáo viên chủ động trong việc thiết kế bài giảng của mỗi bộ sách. Từ đó xác định kiến thức trọng tâm để dạy tùy theo năng lực của học sinh ở mỗi bộ sách, để có phương pháp dạy phù hợp.
3. Những ý kiến đóng góp xây dựng chương trình
Chương trình Ngữ văn lớp 10 tập 1 bộ cơ bản và bộ nâng cao bên cạnh sự giống nhau và khác nhau. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu người viết nhận thấy cả hai chương trình đều có ưu và khuyết điểm về hình thức cũng như về nội dung. Hai chương trình vẫn dựa trên cơ sở kế thừa chương trình Ngữ văn trước đó, nó không phải là sự tách ly với chương trình chỉnh lí 2000, mà đó là sự kế tiếp bổ sung và tiếp tục nâng cao lên ở chương trình chuẩn và nâng cao. Trên cơ sở đó, sách nâng cao sẽ đưa thêm một số tác phẩm mới đặc trưng cho thể loại mới để cho học sinh học sâu hơn nhằm đáp ứng tình hình thực tế và nhu cầu tự học. Qua việc tìm hiểu về nội dung, cách đánh giá, kiểm tra của hai bộ sách vẫn có sự thay đổi cho phù hợp với đối tượng học.
Tuy nhiên, cả hai bộ sách cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa. Dựa trên tinh thần giảm tải nhưng chương trình Ngữ văn vẫn còn nặng về kiến thức cũng như về lý thuyết. Một số bài cần bỏ đi những ví dụ rườm rà. Đặc biệt là phần Tiếng việt và Làm văn cung nên bỏ bớt một số điểm đó.
Chương trình cơ bản nhìn chung theo người viết đã đáp ứng yêu cầu của kiến thức và đối với đối tượng là học sinh ban cơ bản. Còn bộ nâng cao nhìn chung lý thuyết nhiều mà thực hành thì ít, đặc biệt là Làm văn. Bộ cơ bản cần cung cấp một số bài học về lí luận, để cung cấp vốn sống và vốn văn học cho học sinh. Có như vậy mới phát huy được những ưu điểm đã đạt được và khắc phục những nhược điểm của chương trình. Học sinh học theo bộ nâng cao sẽ đáp ứng được những kiến thức và kĩ năng của các môn học, và chú trọng đối với phương pháp tự học và khả năng diễn ý.
Khắc phục những câu hỏi không huy động năng lực tư duy của học sinh, câu hỏi dài dòng khó hiểu và qúa rộng đối với nội dung bài học.
Đối với những bài khó cần có nhiều tài liệu hướng dẫn thực hiện hơn nữa, phân phối chương trình cần phải rõ ràng, đầy đủ hơn, tranh ảnh, tư liệu minh họa, tri thức đọc hiểu cần cung cấp nhiều hơn để tạo sự hứng thú trong học tập và học sinh có điều kiện tìm hiểu bài sâu hơn. Nên thường xuyên mở các lớp đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Đổi mới phương pháp dạy, học ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học là cần thiết và rất tốt nhưng thiết nghĩ không nên quá làm dụng.Tùy theo
đặc trưng môn học và đối tượng học sinh mà sử dụng cho phù hợp. Học sinh phổ thông khác với sinh viên đại học, giáo án điện tử người học phải có một tư duy nhất định mới hiểu được vấn đều được trình bày một cách cô đọng xúc tích mà phần lớn học sinh phổ thông chưa đáp ứng đủ yêu cầu này. Dạy bằng giáo án điện tử đáp án do giáo viên định sẵn nên phần nào hạn chế tinh thần sáng tạo của học sinh vì không phải giáo viên nào cũng có khả năng thiết kế bài dạy hay và hấp dẫn học sinh, nếu quá lạm dụng máy chiếu trong giờ học sẽ phân tán sự chú ý của học sinh.
Dạy kĩ năng và phương pháp thì phải dạy làm sao cho học sinh nắm vững phương pháp nếu không học sinh sẽ không ứng dụng được vào bài viết văn. Nhất là khi kết hợp trắc nghiệm vào kiểm tra đánh giá thì việc này càng trở nên cần thiết hơn nữa.
Phân phối chương trình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phân bố thời gian giảng dạy nên bảng phân phối chương trình cần phải thiết kế làm sao cho thật khoa học và chính xác. Cần phân phối chương trình cân đối về thời gian cả ba phân môn và các bài cho thật đồng đều. Sự phân bố các tiết trong chương trình quá khít khao không có thời gian kiểm tra 15 phút, không có lịch cho thi học kì. Chính vì vậy xảy ra tình trạng dạy trễ và chạy chương trình khiến học sinh không theo kịp bài và yêu cầu kiến thức. Phân phối thời gian và yêu cầu tìm hiểu tác phẩm không đồng bộ, kèm theo quá nhiều câu hỏi, bài tập áp dụng không thể hoàn tất được, vì nội dung quá dài mà thời gian thì ít.
Ở bộ sách cơ bản có phần ghi nhớ hướng dẫn học bài, còn bộ nâng cao thiết nghĩ cũng nên có phần này để học sinh có thể nắm được chủ chốt bài học kể cả bài học thêm.
Về phần tranh ảnh, bộ sách cơ bản trong phần văn học trung đại không đưa tranh ảnh nhiều, thiết nghĩ nên đưa một số hình ảnh vào để tăng cường sự hấp dẫn và thích thú đối với học sinh.
Phần Tiếng việt số tiết và số bài trong chương trình quá ít do với phần Đọc văn nên có thể sẽ dẫn đến tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa” và các kĩ năng không được luyện tập sâu.
Nhìn chung, cả hai bộ sách đã có sự tiến bộ trong các mặt sau:
Khắc phục tính kế thừa và phát triển Khắc phục tính hàn lâm và giảm tải Phát huy tính kế thừa và phát triển Phát huy tính vừa sức và hành dụng Phát huy tính tích cực hóa học sinh
Tuy nhiên, chương trình quá dài vẫn có tình trạng đọc chép ở học sinh, do vậy chất lượng giáo dục vẫn còn hạn chế. Theo người viết, hai bộ sách đã có được sự tiến bộ hơn các bộ sách trước đó. Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10 tập 1 bộ cơ bản và nâng cao là chương trình mới đầu tiên đưa vào giảng dạy nhằm đổi mới giáo dục nên không tránh khỏi những sai sót, mong rằng chương trình ngày càng hoàn thiện để sách giáo khoa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.