CHƯƠNG 5: PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
5.2. Phát triển bền vững
5.2.6. Trích lược Chiến lược quốc gia về PTBV (2012)
Để thực hiện mục tiêu PTBV và thực hiện các cam kết quốc tế, Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt chiến lược PTBV (Quyết định số 432/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 ban hành ngày 12/04/2012). Đây là chiến lược khung, bao gồm những định hướng làm cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và các cá nhân liên quan triển khai thực hiện và phối hợp hành động nhằm thực hiện PTBV đất nước trong giai đoạn 2011 – 2020 với quan điểm con người là trung tâm của PTBV, PTBV là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các Bộ, ngành và địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mỗi người dân (Khoản I.1 Điều 1, Quyết định 432/QĐ-TTg).
Bảng 5.4. Tóm tắt Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững (2012) Mục tiêu tổng quát
Tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Các chỉ tiêu tổng hợp, chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, về tài nguyên môi trường cũng được đề ra làm cơ sở giám sát và đánh giá mức độ hiệu quả trong quá trình phát triển.
Định hướng ưu tiên
- Về kinh tế: Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; PTBV các vùng và địa phương, tập trung ưu tiên phát triển trước các vùng kinh tế trọng điểm.
- Về xã hội: Đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, tạo việc làm bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; ổn định quy mô, cải thiện và nâng cao chất lượng dân số; phát triển văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam;
PTBV các đô thị, xây dựng nông thôn mới, phân bố hợp lý dân cư và lao động theo vùng; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí và trình độ nghề nghiệp thích hợp với yêu cầu của sự phát triển đất nước, vùng và địa phương; phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an toàn thực phẩm, cải thiện điều kiện và vệ sinh môi trường lao động; Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
- Về tài nguyên và môi trường: Đẩy mạnh việc chống thoái hóa, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; BVMT nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản;
BVMT biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển; bảo vệ và phát triển rừng; giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở các đô thị lớn và khu công nghiệp;
quản lý có hiệu quả chất thải rắn và chất thải nguy hại; bảo tồn và phát triển ĐDSH;
giảm thiểu tác động và ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai.
Giải pháp thực hiện
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế PTBV; nâng cao chất lượng quản trị quốc gia đối với PTBV đất nước;
- Tăng cường các nguồn lực tài chính để thực hiện PTBV;
- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về PTBV;
- Tăng cường năng lực quản lý và thực hiện PTBV;
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng dân cư trong thực hiện PTBV;
- Phát triển nguồn nhân lực cho thực hiện PTBV;
- Tăng cường vai trò và tác động của KH&CN, đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong thực hiện PTBV;
- Mở rộng hợp tác quốc tế.
Ở Việt Nam, do nhận thức được tầm quan trọng và tính bức thiết của vấn đề môi trường, ngay sau Tuyên bố Rio, Nhà nước đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 1993;
sau đó đã hình thành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống QLNN về BVMT. Ngày 26/08/1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đặc biệt là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó nhấn mạnh “BVMT là một nội dung cơ bản không thể thiếu trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển KTXH của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm PTBV, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; “BVMT vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của PTBV,... Khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng phát triển KTXH mà coi nhẹ BVMT. Đầu tư cho BVMT là đầu tư cho PTBV”...