1. Nâng cao nhận thức của đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên và cha mẹ học sinh.
Cho đến thời điểm hiện nay, không phải cán bộ quản lý giáo dục nào, giáo viên nào cũng nhận thức đúng về tầm quan trọng việc giáo dục kĩ năng sống cũng như chủ trương đưa giáo dục kĩ năng sống tích hợp vào các môn học và các hoạt động giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, phần lớn cha mẹ học sinh chưa có sự quan tâm đến giáo dục kĩ năng sống cho con em mình, còn nghĩ công việc đó là của nhà trường. Để nâng cao nhận thức của các đối tượng nêu trên, cần thiết phải tiến hành một số nội dung sau:
+ Đối với cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên: Cần phải có bộ tiêu chí đánh giá công tác giáo dục kĩ năng sống của các nhà trường. Đưa nội dung giáo dục kĩ năng sống chính thức trở thành yêu cầu bắt buộc, không nên đưa vào nội dung phong trào thi đua như thời gian vừa qua. Có như thế, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, đội ngũ giáo viên mới thực sự vào cuộc, mới thực sự quan tâm.
+ Đối với cha mẹ học sinh: Tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức như lồng ghép trong các buổi sinh hoạt phụ huynh học sinh; tổ chức hội thảo chuyên đề;
thu hút họ tham gia vào việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh,..
2. Tiếp tục tổ chức tập huấn cho giáo viên về nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.
Đây là giải pháp then chốt. Giáo viên là người trực tiếp thực hiện giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Nếu họ chưa hiểu mình làm gì? Làm như thế nào? Tại sao phải làm như thế? thì chắc chắn việc giáo dục kĩ năng sống sẽ không có hiệu quả.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho xuất bản cuốn sách hướng dẫn giáo dục kĩ năng sống cho giáo viên. Giáo trình gồm 2 phần: Phần chung đưa ra những khái niệm về kĩ năng sống, tầm quan trọng của kĩ năng sống, phương pháp giáo dục kĩ năng sống; phần thứ 2 đi vào từng môn học cụ thể. Để thay đổi nhận thức của giáo viên, từ tháng 8/2009 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai cho các Sở Giáo dục và Đào tạo và yêu cầu tập huấn cho tất cả giáo viên. Trong đợt tập huấn này giáo viên được tập trung vào 2 mảng chính: Hiểu về bản chất của kĩ năng sống; phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, mối liên hệ giữa phương pháp dạy và kĩ năng sống. Thời gian vừa qua, các cấp giáo dục cũng đã quan tâm đến công tác tập huấn cho giáo viên nhưng với phạm vi đối tượng được tham dự tập huấn, thời gian tập huấn, cách thức tổ chức các buổi tập huấn nên hiệu quả của các buổi tập huấn còn rất hạn chế.
Từ năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có yêu cầu giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, rất nhiều trường, nhiều giáo viên vẫn còn mù mờ về việc này... Để giúp giáo viên nắm chắc được nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, quản lý mỗi nhà trường nên đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên. Chú trọng vào nghiên cứu tài liệu (tự học) và hội thảo, sinh hoạt chuyên môn tổ, trường, cụm trường.
3. Gắn giáo dục kĩ năng sống với xác định giá trị sống
+ Giá trị sống là nền tảng để hình thành kỹ năng sống: Bên cạnh việc học cách để làm nhằm chuẩn bị mưu sinh cho cuộc sống, con người cũng cần biết nên sống ra sao. Nghĩa là làm thế nào để ứng phó trước tình huống, quản lý cảm xúc, học cách giao tiếp, ứng xử với mọi người xung quanh, làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ, làm thế nào để thể hiện bản thân một cách tích cực, lành mạnh. Học sinh phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Bằng việc nâng cao nhận thức và đưa các thành tố trọng yếu của kỹ năng sống vào cuộc sống của học sinh, điều này sẽ giúp các em nâng cao năng lực để có được những lựa chọn lành mạnh hơn, có được sự kháng cự tốt hơn với những áp lực tiêu cực và kích thích những thay đổi tích cực trong cuộc sống của các em. Chính vì vậy, trước khi hình thành những kỹ năng sống nào đó cho học sinh cần phải cho các em cảm nhận rõ ràng về các giá trị sống và sự lựa chọn của em ấy đối với các giá trị đó.
+ Kỹ năng sống là công cụ hình thành và thể hiện giá trị sống: Thực chất kỹ năng sống là các giá trị thể hiện bằng hành động và ngược lại với kỹ năng thể hiện giá trị bằng hành động sẽ cho kết quả tích cực và nó lại củng cố các giá trị. Tuy nhiên, nếu chúng ta quá tập trung vào giáo dục các kỹ năng sống dưới góc độ “kỹ thuật hành vi” và không chứa đựng giá trị nhân văn tốt đẹp thì giáo dục kỹ năng sống kiểu này có thể dẫn đến phi đạo đức, không phù hợp với mục đich giáo dục tốt đẹp của chúng ta. Chính vì thế, việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh phải gắn với xác định giá trị sống.
4. Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về thời lượng các môn học và các hoạt động giáo dục rất cụ thể, chi tiết. Trong đó, đã có cân đối giữa lý thuyết và thực hành, có chương trình linh hoạt cho các địa phương. Thói quen chú trọng vào
kiến thức mang tính lý thuyết của giáo viên là cản trở lớn khi triển khai giáo dục kĩ năng sống, loại hình giáo dục nhằm tạo thói quen, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với các tình huống của cuộc sống. Tổ chức giáo dục kĩ năng sống có những đặc thù riêng khác với các hoạt động giáo dục khác, nội dung giáo dục không chỉ diễn ra trong môn học mà còn thông qua một số các hoạt động khác (hoạt động ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ, sinh hoạt Sao, Đội....). Vì vậy cần phải tăng cường tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh.
5. Đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới phương pháp dạy học trong đội ngũ giáo viên.
Giáo viên cần thực hiện tốt đổi mới phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh (VD: sử dụng phương pháp dạy học thảo luận nhóm, phương pháp gợi mở, nêu vấn đề, phương pháp đóng vai,...; biết lựa chọn phối kết hợp linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học); qua các hoạt động học tập học sinh được rèn các kĩ năng phân tích, tổng hợp, tư duy sáng tạo, hợp tác theo nhóm, kĩ năng đánh giá, kĩ năng hợp tác trong hóm, kĩ năng xử lý tình huống,...
6. Lựa chọn và ưu tiên giáo dục các kĩ năng sống phù hợp với đối tượng học sinh, phù hợp với yêu cầu mới của giáo dục.
Hiện nay, việc triển khai các hoạt động rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh như thế nào cho hiệu quả là vấn đề trăn trở của các nhà trường và những người làm công tác giáo dục. Thực tế cho thấy, học sinh ở mỗi một hoàn cảnh thiếu và yếu một số kĩ năng nhất định. Trẻ có gia đình tốt, trẻ sẽ có điểm xuất phát tốt và nề nếp tốt, ngược lại, trẻ sẽ không có gì khi không được gia đình quan tâm giáo dục. Hoặc học sinh ở thành phố, thị trấn dễ dính vào những tệ nạn xã hội, trò chơi điện tử bạo lực hay tệ nạn ma túy,... còn học sinh ở nông thôn, tình trạng ngại ngùng, thiếu hiểu biết, ngại nói lên ý kiến của mình, rụt rè không dám phát biểu,... Như vậy, xuất phát điểm kĩ năng sống của mỗi học sinh là không như nhau, vì vậy việc giáo dục kĩ năng sống cho mỗi em cũng không giống nhau. Nhà trường cần phải rà soát lại thực trạng của trường mình xem học sinh của mình còn yếu, hạn chế gì để có kế hoạch cụ thể trong việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Giáo viên phải nắm bắt đặc điểm từng học sinh để có biện pháp giáo dục cho sát đối tượng.
Trong các kĩ năng sống của thời kỳ hội nhập toàn cầu, có hai kĩ năng không thể thiếu, đó là kĩ năng sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã triển khai đề án: tăng cường dạy ngoại ngữ, tin học cho học sinh phổ thông. Hiện nay, 100% các trường tiểu học trên địa bàn huyện Nam Trực nói riêng, tỉnh Nam Định nói chung đã quan tâm đến hai kĩ năng này song hiệu quả chưa cao. Trong thời gian tới, các nhà trường cũng cần quan tâm tăng cường giáo dục hai kĩ năng quan trọng này hơn nữa.
7. Rèn kĩ năng sống cho học sinh kết hợp với rèn học sinh thực hiện các nề nếp hàng ngày và tham gia các phong trào thi đua trong trường lớp.
Mỗi một nhà trường đều có những quy định cụ thể đối với học sinh trong việc tham gia học tập, sinh hoạt ở trường (nội quy học sinh). Biến những quy định đó thành biểu điểm thi đua hàng ngày, có đánh giá động viên khen thưởng hàng tuần là một cách giáo dục kĩ năng sống hiệu quả. Việc thực hiện và thi đua thực hiện các quy định của trường, của lớp sẽ nhanh chóng giúp học sinh hình thành một số kĩ năng sống cơ bản như:
+ Yêu cầu đi học đúng giờ buộc học sinh phải có thói quen dậy sớm, có tác phong nhanh nhẹn: rèn kĩ năng khắc phục khó khăn để đạt mục tiêu
+ Yêu cầu xếp hàng ra vào lớp thẳng hàng, ngay ngắn, không xô đẩy nhau:
rèn cho học sinh kĩ năng kiềm chế bản thân, kĩ năng vận động, gây ảnh hưởng
+ Yêu cầu học sinh đến lớp phải có đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập: rèn cho học sinh kĩ năng tự kiểm tra, xây dựng kế hoạch
+ Yêu cầu không ăn quà vặt: rèn cho học sinh kĩ năng vệ sinh ăn uống, bảo vệ sức khoẻ.
+ Yêu cầu tích cực tham gia vệ sinh sân trường, lớp học, trồng chăm sóc cây trên sân trường, bồn hoa, vườn trường: học sinh được rèn một số kĩ năng như cầm chổi quét, hót rác, tưới cây, tỉa lá, ...
8. Phối kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.
Có ba nhân tố chính trong việc giáo kĩ năng sống cho học sinh đó là: gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi nhân tố đều mang một vai trò riêng nhất định:
+ Gia đình: là tế bào của xã hội, là nền tảng của mỗi quốc gia và là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần, đồng thời cũng là kim chỉ nam để tránh những nhận thức lệch lạc từ phía học sinh.
+ Nhà trường: là môi trường giáo dục chuyên nghiệp, không chỉ phát triển về kiến thức mà còn phải truyền tải cho học sinh những giá trị chuẩn mực của xã hội để các em trở thành những con người trí thức thật sự có đời sống tinh thần phong phú bên cạnh cuộc sống gia đình.
+ Xã hội: là môi trường thực tế, giúp học sinh hoàn thiện một số kĩ năng cuộc sống, chi phối một phần rất lớn trong suy nghĩ và hành động của học sinh.
Vì vậy, sự phối hợp của 3 nhân tố trên là việc làm hết sức cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục nhân cách ở học sinh. Giống như chiếc kiềng 3 chân, đơn giản, vững chắc và không thể thiếu bất kì chân nào.
9. Đẩy mạnh hơn nữa thực hiện cuộc vận động: Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; cuộc vận động: Dân chủ, kỉ cương, tình thương, trách nhiệm.
Giáo viên không chỉ là người hình thành những khái niệm khoa học, cách làm việc trí óc mà còn là người hướng dẫn tới sự tạo dựng phát triển các nhân cách của học sinh. Các em học sinh còn trong độ tuổi cần được dạy dỗ, giáo dục, chia sẽ và thông cảm. Vì vậy, người thầy cần lắng nghe các em học sinh trình bày, cần cảm thông và tin tưởng các em trong những trường hợp, hoàn cảnh mà các em phải phạm lỗi. Khi hiểu được các em, giáo viên dễ hướng dẫn, tư vấn cho các em sửa chữa lỗi lầm, hướng các em đến các biện pháp giải quyết vần đề tích cực hơn. Đặc biệt, trẻ tiểu học thường hay bắt chước người lớn và rất tin tưởng ở các thầy giáo, cô giáo. Vì vậy, mỗi giáo viên cũng phải luôn thường xuyên tự rèn kĩ năng sống, luôn thể hiện là tấm gương trong sáng, mẫu mực cho học sinh noi theo. Thường xuyên quan sát, gần gũi, thân thiện với trẻ, phát hiện khó khăn, tư vấn, giúp học sinh biết cách tự giải quyết đúng được những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống hành ngày.
10. Quan tâm đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất cho giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.
Việc tổ chức giáo dục kĩ năng sống nhất là tổ chức giáo dục thông qua các hoạt động ngoại khoá đòi hỏi đầu tư kinh phí và những điều kiện cơ sở vật chất nhất định. Vì vậy, các nhà trường cần quan tâm đầu tư kinh phí và các điều kiện cơ sở để giáo dục kĩ năng sống cho học sinh có hiệu quả.