Phần 7: CÁC VẤN ĐỀ DOANH NGHIỆP CẦN THỰC HIỆN TRONG VIỆC THỰC THI HIỆP ĐỊNH TBT
III. Việc thực thi Hiệp định TBT trong các doanh nghiệp
Gia nhập WTO là một cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn, trong đó với việc cam kết thực thi Hiệp định TBT, Việt Nam phải có nghĩa vụ đảm bảo rằng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, thủ tục đánh giá sự phù hợp không tạo ra những cản trở không cần thiết đối với thương mại. Hiệp định TBT liên quan và ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động thương mại của các doanh nghiệp, do đó để tránh các rào cản KT và đảm bảo việc hội nhập kinh tế và cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo thực hiện các công việc sau :
1. Thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn KT:
- Hiện nay theo luật định có 2 loại quy chuẩn KT: Quy chuẩn KT quốc gia (QCVN) và quy chuẩn KT địa phương (QCĐP). Theo quy định nếu mặt hàng nào đã ban hành quy chuẩn KT thì bắt buộc phải áp dụng quy chuẩn KT (Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn KT).
- Trong thời điểm hiện nay, tuy có một số mặt hàng chưa có quy chuẩn KT nhưng phải thực hiện việc áp dụng các tiêu chuẩn bắt buộc nếu có quy định của Nhà nước (Quyết định 30/2007/QĐ-BKHCN).
- Tất cả các sản phẩm khi sản xuất phải công bố tiêu chuẩn áp dụng.
- Hiện nay có 2 loại tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn quốc gia (ký hiệu TCVN) và tiêu chuẩn cơ sở (TCCS). Nếu chưa có quy chuẩn KT và không bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn, doanh nghiệp có thể áp dụng bất cứ loại tiêu chuẩn nào (như TCVN, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực) hoặc tự xây dựng TCCS (Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn KT, Thông tư 21/2007/TT-BKHCN).
2. Thực hiện các quy định về ghi nhãn hàng hóa:
- Tất cả các hàng hóa khi sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên lãnh thổ Việt Nam phải ghi nhãn theo đúng quy định của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006; Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 06/4/2007; Thông tư số 14/2007/TT-BKHCN ngày 25/7/2007.
3. Thực hiện các quy định về đo lường:
- Áp dụng đơn vị đo lường theo quy định của Việt Nam (Nghị định 134/2007/NĐ-CP)
- Tất cả các phương tiện đo phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của Nhà nước (Quyết định 13/2007/QĐ-BKHCN)
- Đảm bảo sai số khối lượng và phép đo trong thương mại (Quyết định 02/2008/QĐ-BKHCN, Quyết định 31/2002/QĐ-BKHCN)
4. Về đánh giá sự phù hợp:
- Đánh giá sự phù hợp có thể thực hiện do bên thứ nhất (tự đánh giá) hay bên thứ ba.
- Đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn được thực hiện tự nguyện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân dưới hình thức thử nghiệm, giám định, chứng nhận hợp chuẩn và công bố hợp chuẩn.
- Đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật được thực hiện bắt buộc theo yêu cầu quản lý nhà nước dưới hình thức thử nghiệm, giám định, chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy.
- Dấu hợp chuẩn được cấp cho sản phẩm, hàng hoá sau khi sản phẩm, hàng hoá được chứng nhận hợp chuẩn.
- Dấu hợp quy được cấp cho sản phẩm, hàng hoá sau khi sản phẩm, hàng hoá được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy (dấu CR).
- Kết quả đánh giá sự phù hợp có thể được thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia khác nhau được thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là thành viên.
5. Thực hiện yêu cầu của Hiệp định TBT:
Thực hiện Hiệp định TBT, Việt Nam đã thành lập mạng lưới TBT trong đó Văn phòng TBT Việt Nam là đầu mối, Tại Khánh Hòa điểm TBT là đầu mối công tác TBT tại địa phương giúp các doanh nghiệp trong các vấn đề sau:
- Thực hiện giải đáp các yêu cầu về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng: Hướng dẫn công tác xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn, hợp quy; cung cấp các TCVN; hướng dẫn tìm hiểu về tiêu chuẩn quốc tế; công tác đo lường.
- Hướng dẫn doanh nghiệp tìm hiểu về Hiệp định TBT, tránh các rào cản trong xuất khẩu.
- Thông báo về thông tin cảnh báo TBT của các nước thành viên WTO.
Để có thể thực thi Hiệp định TBT và tránh các rào cản kỹ thuật, các doanh nghiệp cần thực hiện:
- Hợp tác cung cấp các thông tin về: Chủng loại mặt hàng xuất nhập khẩu; thị trường xuất nhập khẩu và địa chỉ email... để có thể cung cấp các thông tin cảnh báo TBT, các cảnh báo về rào cản KT đối với các thị trường xuất khẩu.
- Khi nhận được các tin cảnh báo TBT dưới dạng các mẫu thông báo ở phần IV, mục II, điểm e do điểm TBT chuyển đến, các doanh nghiệp cần thực hiện các công việc sau:
+ Xem xét các vấn đề, mặt hàng liên quan đến việc kinh doanh của mình;
+ Nếu cần tìm hiểu toàn văn các quy định trong thông báo thì liên hệ với các Cơ quan ở mục 11 của thông báo, hoặc liên hệ với điểm TBT Khánh Hòa hoặc Văn phòng TBT Việt Nam để được hướng dẫn.
+ Nếu các vấn đề nêu ra trong thông báo có khả năng gây cản trở trong thương mại đối với doanh nghiệp của mình, hoặc cần góp ý thì trong vòng 60 ngày (hoặc trong thời gian quy định tại mục 10 của thông báo) phải gửi ý kiến về nơi quy định.
- Khi có vấn đề trở ngại trong hàng rào KT đối với việc xuất nhập khẩu hàng hóa, hoặc cần trợ giúp các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong xuất nhập khẩu có thể liên hệ đến Điểm TBT Khánh Hòa hoặc Văn phòng TBT Việt Nam để yêu cầu giúp đỡ.
- Tham gia các lớp tập huấn về Hiệp định TBT do các cơ quan chức năng tổ chức.
- Thường xuyên truy cập mạng tại địa chỉ www.tbtvn.org để cập nhật các thông tin về hàng rào KT trong thương mại.
- Tham gia góp ý vào các văn bản pháp quy về tiêu chuẩn đo lường chất lượng do các cơ quan chức năng của Việt Nam ban hành.
- Cung cấp các thông tin trong phạm vi về hoạt động xuất nhập khẩu khi các cơ quan hỗ trợ về thực hiện Hiệp định TBT yêu cầu.