Các phương pháp phẫu thuật cột sống cổ cao lối trước

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật Harms cải tiến trong điều trị chấn thương mất vững C1 - C2 (FULL TEXT) (Trang 35 - 39)

1.3. CƠ SINH HỌC CẤU TRÚC C1 - C2

1.5.2. Các phương pháp phẫu thuật cột sống cổ cao lối trước

Năm 1917, Kanavel lần đầu tiên mô tả một trường hợp lấy bỏ một viên đạn bắn vào vùng bản lề cổ chẩm với đường mổ qua miệng. Đường mổ này sau đó được áp dụng cho các tổn thương bệnh lý khác ở vùng này. Sau đó đường mổ này được Fang H.S và Ong G.B mô tả năm 1962 nhân 6 trường hợp mổ trật đốt đội với đường mổ qua miệng.

Phẫu thuật qua đường miệng cho tổn thương khớp sọ và đốt sống được mô tả bởi Goel và cộng sự năm 1994, Harm và cộng sự đã sử dụng đường này tiếp cận mỏm răng đối với trường hợp trật xoay, khối u hoặc nhiễm trùng.

Đường mổ này là đường mổ trực tiếp vào đốt đội và đốt trục nhưng

nguy cơ nhiễm khuẩn cao và nhiều yếu tố nguy cơ khác, do đó đây không phải là đường mổ thường dùng [1],[17],[26],[27].

Chỉ định

Các trường hợp trật C1 - C2 do khớp giả mỏm răng có can xương không thể kéo nắn trên khung Halo.

Các trường hợp tổn thương viêm, khối u chèn ép mặt trước tủy

Sơ lược kỹ thuật

Bệnh nhân nằm ngửa, sử dụng hệ thống vén Mc Garver, bộc lộ mặt trước C1 - C2 lấy bỏ khối chèn ép, lưu ý nới khung 30 phút một lần tránh ứ trệ tĩnh mạch.

Ưu điểm

Tiếp cận trực tiếp tổn thương chèn ép, giải phóng can xương

Nhược điểm

Trường phẫu thuật hẹp, nguy cơ tai biến do nhiễm trùng, tổn thương khoang hầu họng.

Hình 1.17. Mô tả kỹ thuật phẫu thuật qua đường miệng [27]

1.5.2.2. Vít trực tiếp mỏm răng

Kĩ thuật này được Bohler và Nakanishi tiến hành thực hiện vào năm 1982, vít được đặt từ bờ dưới của C2 qua thân, đường gãy để néo ép mỏm răng. Etter và cộng sự mô tả kĩ thuật vít trực tiếp đường trước có sử dụng hệ thống vít rỗng nòng. Kỹ thuật này có tỷ lệ liền xương 80 - 90% [17].

Chỉ định

Gãy mỏm răng không di lệch, đường gãy từ trước ra sau.

Chống chỉ định

Các trường hợp trật C1 - C2, gãy mỏm răng di lệch, đứt dây chằng ngang Các trường hợp tổn thương do u, viêm..

Sơ lược kỹ thuật

Bệnh nhân nằm ngửa, cổ ưỡn, rạch da đường ngang C5, bộc lộ lên đĩa đệm C2 - C3. Vít đặt ở bờ trước dưới thân C2 ở giữa nếu đặt 1 vít, hai bên cách đường giữa 3 - 4mm nếu đặt hai vít. Quá trình khoan tạo đường vào và bắt vít dưới hướng dẫn C.arm hai bình diện ngang và trước sau. Đeo Collar cổ cứng hỗ trợ 4 - 6 tuần.

Hình 1.18. Mô tả kỹ thuật vít trực tiếp mỏm răng [17]

Ưu điểm

Tỷ lệ liền xương của phương pháp này 80 - 90%, đảm bảo chức năng vận động cột sống cổ cao.

Nhược điểm

Chỉ định của phương pháp này hẹp, yêu cầu trang thiết bị và kỹ thuật cao, khó ứng dụng rộng rãi.

1.5.2.3. Phẫu thuật đường cổ trước Mc Afee

Thập niên 1940, Lahey và Warren sử dụng đường mổ cổ trước bên trong điều trị túi thừa thực quản. Năm 1953, Johnson, Hillman và Southwick mô tả và nêu lên tầm quan trọng của đường mổ này trong tiếp cận các tổn thương cột sống cổ cao. Năm 1959, Robinson thực hiện ca mổ đầu tiên sử dụng đường mổ cổ trước bên vào sau hầu, sau đó McAfee đã tổng kết 17 trường hợp tổn thương vùng cột sống cổ cao [1],[17].

Chỉ định

Các tổn thương chèn ép tủy từ phía trước: u, viêm...

Sơ lược kỹ thuật

Bệnh nhân nằm ngửa, cổ ưỡn, rạch da hình chữ T với đường ngang dưới hàm và đường dọc bờ ngoài cơ ức đòn chũm. Bộc lộ mặt trước C1 - C2 lấy bỏ khối chèn ép, ghép xương cổ trước. Đeo Collar cổ cứng hỗ trợ 4 - 6 tuần.

Ưu điểm

Lấy bỏ được nguyên nhân chèn ép phá bỏ can xương.

Nhược điểm

Nguy cơ tổn thương vùng hầu họng, thần kinh hạ thiệt và rò tuyến nước bọt.

1.5.2.4. Vít qua khớp lối trước

Barbour mô tả kĩ thuật này lần đâu tiên năm 1971. Sau đó Koller tiếp tục thực hiện kĩ thuật này năm 2006. Tuy nhiên kĩ thuật này không được áp dụng rộng rãi [1],[17].

Chỉ định

Các trường hợp chấn thương: Vỡ C1 mất vững, gãy mỏm răng, trật C1 - C2. Các trường hợp bệnh lý: trật C1 - C2 do viêm khớp dạng thấp, tật lồng đáy sọ...

Thất bại khi phẫu thuật lối sau.

Chống chỉ định

Các trường hợp phá hủy hoàn toàn thân đốt sống do u, lao, nhiễm trùng..

Sơ lược kỹ thuật

Bệnh nhân nằm ngửa, cổ ưỡn, rạch da đường dọc cơ ức đòn chũm. Bộc lộ diện khớp C1 - C2, vị trí vít ở mặt trước thân C2 dưới khớp C1 - C2 4mm chếch lên trên và ra ngoài 20 độ, hướng từ trước ra sau góc 10 -25 độ. Quá trình khoan tạo đường vào và bắt vít dưới hướng dẫn C.arm hai bình diện ngang và trước sau. Đeo Collar cổ cứng hỗ trợ 4 - 6 tuần.

Hình 1.19. Mô tả kỹ thuật vít qua khớp đường trước [17]

Ưu điểm

Thường áp dụng khi các phương pháp cố định lối sau thất bại.

Giảm nguy cơ tổn thương tủy sống, rễ thần kinh và động mạch đốt sống

Nhược điểm

Không ghép được xương lối sau, nguy cơ tổn thương thần kinh hạ thiệt, thực quản...

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật Harms cải tiến trong điều trị chấn thương mất vững C1 - C2 (FULL TEXT) (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(200 trang)