Không chỉ riêng nước ta mà đối với tất cả các dân tộc trên thế giới, sức khỏe con người là vốn quý nhất, được con người quan tâm nhiều nhất, bởi vì khi có sức khỏe tốt thì con người sẽ mạnh khỏe, làm việc tốt hơn và đem lại nhiều giá trị vật chất cũng như tinh thần cho xã hội. Nhưng hiện nay, sức khỏe của con người đang bị đe dọa bởi tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra ngày càng phổ biến;
việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm gian dối với nhiều hành vi ngày càng tinh vi hơn để che mắt các cơ quan quản lý đã khiến cho người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Dựa trên tình hình thực tế, tác giả thấy các cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm cần:
- Một là: Xây dựng khung pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm ở Việt nam cần xuất phát và nằm trong tổng thể các chính sách, định hướng quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc xây dựng này được xác định theo hai hướng: thứ nhất là sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành để khắc phục tính thiếu nhất quán,
không cụ thể trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm; thứ hai là ban hành văn bản mới để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho đến nay chưa được hoàn chỉnh.
- Hai là: Giải quyết triệt để vấn đề xác định phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Phạm vi điều chỉnh của Pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm phải gắn với quan điểm phát triển bền vững ,coi trọng phòng ngừa và khắc phục ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt là ở tỉnh Kiên Giang cần coi trọng việc thanh kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh các loại thủy sản trong danh mục cấm khai thác (cá nóc). Đối tượng điều chỉnh của pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm cần xác định ở phạm vi rộng, tức là không chỉ Nhà nước mới là chủ thể chủ yếu chịu trách nhiệm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn nhiều chủ thể khác như các cơ quan công quyền , các đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Hơn nữa cần:
+ Bổ sung các quy định và yêu cầu cụ thể về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch vệ sinh an toàn thực phẩm, bổ sung các quy định điều chỉnh hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở khu vực nông thôn trong điều kiện kinh tế phát triển mạnh các nghề hiện nay.
+ Bổ sung các quy định điều chỉnh việc kiểm soát các hoạt động ảnh hưởng đến sức khỏe con người như quản lý thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.
+ Bổ sung các quy định tạo cơ sở pháp lý cho cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia tích cực vào hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều chỉnh một cách cụ thể, rõ ràng hơn quan hệ phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước và tổ chức, cộng đồng trong hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
+ Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh từ các vụ ngộ độc thực phẩm, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm,…
- Ba là: Xây dựng cơ chế đảm bảo thực thi pháp luật và các thiết chế khác liên quan đến việc đảm bảo thực thi pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi xây dựng cơ chế này, cần chú trọng:
+ Tăng cường hiệu lực tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.
+ Hình thành các trình tự, thủ tục thi hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm hiệu quả, đồng bộ.
+ Tăng cường hiệu lực của các giải pháp tài chính hành chính, hình sự, dân sự, kinh tế, đặc biệt là các biện pháp chế tài hành chính.
- Bốn là: Kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Bằng cách: ngay từ khi xây dựng, phê duyệt dư án đầu tư các chương trình quốc gia đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan quản lý phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan và phải giải quyết dứt điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Năm là: Để tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thì trách nhiệm của lãnh đạo các cấp phải đưa ra những giải pháp thiết thực chỉ đạo cơ quan ngôn luận thực hiện mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm thường xuyên, đưa chương trình giảng dạy về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường ở các cấp bậc, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm ở những nơi công cộng để mọi người có ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình.