+ Hồng Cẩm Phương (2011) đã tiến hành ứng dụng kỹ thuật may da gián tiếp trong các trường hợp phẫu thuật mất vùng da lớn trên 15 con chó khỏe mạnh, không mắc các bệnh về da. Kết quả thu được:
Đối với vết thương mất da hình chữ nhật: phương pháp may da trực tiếp có thời gian lành vết thương là 13 ngày, không có biến chứng sau phẫu thuật. Phương pháp may da gián tiếp có thời gian lành vết thương nhanh hơn 11,75 ngày, biến chứng sau phẫu thuật là vết thương bị nhiễm trùng và tích dịch. Đối với vết thương mất da hình tròn: phương pháp may da trực tiếp có thời gian lành vết thương là 12 ngày, không có biến chứng sau phẫu thuật. Phương pháp may da gián tiếp có thời gian lành vết thương ngắn hơn là 10,75 ngày, biến chứng phẫu thuật là tích dịch ở vết thương.
Đối với vết thương mất da hình bầu dục: phương pháp may da trực tiếp có thời gian lành vết thương là 8 ngày. Phương pháp may da gián tiếp có thời gian lành vết thương chậm hơn là 9,75 ngày. Cả hai nhóm đều gặp biến chứng sau phẫu thuật là đứt chỉ.
+ Hunt và ctv (2001) đã báo cáo 8 trường hợp gồm 2 con mèo và 6 con chó sử dụng nếp gấp ở da phát triển thành vạt da để đóng lại các vết thương lớn ở thân và vùng gần chi.
Kết quả vạt da được tạo ra đều đóng lại các vết thương. Hoại tử trên vạt da xuất hiện ở 2 con chó, nguyên nhân là do lỗi kỹ thuật, hai vết thương này được phát hiện và xử lý kịp thời. Cuối cùng tất cả các vết thương đều lành mà không hề xuất hiện biến chứng nào lớn.
+ Brière (2002) đã trình bày về trường hợp sử dụng vạt da để đóng lại vết thương lớn do cắt bỏ tế bào khối u loại 2 trên chân sau ở chó. Thủ thuật cắt bỏ khối u kết hợp với liệu pháp hóa trị được chỉ định thực hiện.
Kết quả: 21 ngày sau phẫu thuật, chú chó đã có lại những chức năng vốn có của nó. Và ở lần hóa trị thứ 2, tức 45 ngày sau phẫu thuật, khối u không có dấu hiệu xuất hiện trở lại.
+ Degner (2007) đã báo cáo về bốn trường hợp phẫu thuật tái tạo cấu trúc vùng mặt (khối u ở đầu, mí mắt phải, vùng mặt và môi trên). Cả 4 trường hợp đều mang lại kết quả tốt.
+ Dunn và ctv (2010) đã báo cáo 3 trường hợp trên chó sử dụng nếp gấp xoay song song trên da phát triển thành vạt da để đóng các vết thương ở vùng thắt lưng-xương cùng.
Kết quả:
Trường hợp 1: vào ngày thứ 4 sau phẫu thuật, vùng tiếp nối giữa vạt da và mép vết thương bị hoại tử. Vết thương được xử lý, đến ngày thứ 14, quá trình biểu mô hóa xuất hiện. 4 tháng sau, vị trí vết thương mọc lông trở lại.
Trường hợp 2: Vài ngày sau khi thực hiện phẫu thuật tái tạo, ở vị trí khoảng 3 cm cuối cùng ở hai bên vạt da xuất hiện hoại tử. Vùng da hoại tử được chỉ định cắt bỏ. Kết quả là 2 tuần sau khi thực hiện phẫu thuật, vết thương đã lành hoàn toàn.
Trường hợp 3: vào ngày thứ 10 sau phẫu thuật, 50 % vạt da không tiếp tục tồn tại bởi vì thiếu máu cung cấp. Vết thương được xử lý lại và sau 6 tháng, vết thương đã lành hoàn toàn.
+ Aper và Smeak (2003) đã tiến hành nghiên cứu các biến chứng và hậu quả sau khi sử dụng vạt da vùng lưng - ngực để đóng các vết thương ở chi trước trên 10 con chó.
Kết quả: ba trường hợp vết thương lành hoàn toàn, bảy trường hợp vết thương bị hoại tử trên bề mặt vạt da với mức độ hoại tử từ 2 % - 53 %. Trong đó có 6 trường hợp được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ vùng hoại tử nhưng chỉ có 5 trường hợp thành công. Sự phù và thâm tím xuất hiện trên bề mặt vạt da được xác định có 8 trường hợp xảy ra.
Kết luận: Các vạt da ở vùng lưng - ngực cung cấp một lượng da lớn, dày, có khả năng phủ đầy vết thương nhưng chủ nuôi cần được biết khả năng xảy ra của các biến chứng.