Tác phẩm của văn học viết được viết bằng chữ Nôm, theo các thể
thơ ca dân gian, gọi là thơ ca cổ truyền Việt Nam, để phân biệt với các thể thơ ca mô phỏng thơ ca Trung Quốc.
2.2.2.1. Thể lục bát
Đây là thể thơ quen thuộc nhất đối với người Việt Nam. Vấn đề thời điểm xuất hiện của thể loại này đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Đa số đều cho rằng,thơ lục bát ra đời trên cơ sở văn vần dân gian Việt Nam. Nhà thơ và là nhà nghiên cứu Đông Hồ cho rằng "thể lục bát nguyên là thể ca dao".
Đây là "Lối thơ "lục bát" là của ta,...lối thơ đó mới thiệt là thơ nước nhà" (Trịnh Đình Rư). Tuy nhiên, trong nền thi luận cổ Việt Nam, rất ít những lời bàn về lối thơ này.
Trong văn học trung đại, tồn tai hai loại hình văn học, văn chương bác học và văn chương bình dân. Văn chương bình dân chủ yếu sử dụng
thể lục bát. Do đó, các văn nhân học giả chủ yếu bàn về thể loại được sử
dụng nhiều trong văn chương bác học, ít bàn về thể loại sử dụng trong văn chương bình dân. Đây cũng là điều mà các tác giả quan tâm đến thể
loại này lấy làm tiếc. "Trong bài tựa cho Quốc âm từ điệu, Phạm Đình Toái viết: "Biết thể lục bát ấy sáng tác từ đời nào và ai là người đề xướng trước hết, sách xưa không nói đến, thật là đáng tiếc cho nền từ chương của nước nhà... Nước ta ở mếch về phương Nam, tiếng nói khác với Trung Quốc, học sinh, nho giả dù học tập văn từ của Trung Hoa mà nói năng, ca vịnh không rời với tiếng của bản quốc, đâu lại có thể cứ cho chữ Hán là
thanh tao mà trở lại chê quốc âm mình là thô bỉ được! Thể thơ lục bát hay không tả hết, dầu cho người Hoa cũng phải lui bước, xưa nay tác giả tuy nhiều nhưng chỉ noi theo thói quen mà làm, chưa hề có ai phân tích thể
cách của tác phẩm lục bát ra, để nêu lên cách kết cấu khéo léo của người xưa, đồng thời làm cho tính chất xảo điếu của quốc âm ta được nổi bật, có
thể đua tranh hơn kém với từ điệu của người Trung Quốc, như vậy khác nào dạo nơi phên dậu mà bỏ quên cửa nhà, chơi nơi bến bờ mà mờ tịt nguồn suối'' [34, 181-182].
Sau này, Trịnh Đình Rư cũng cho rằng: "Lối thơ "lục bát" là của ta, lối thơ "song thất lục bát " cũng là của ta, sao ta ít lưu tâm đến ? Cái lầm này xét ra thiệt chỉ tại người trước: chỉ cho thơ điệu Tàu mới là thơ, còn hai lối này gọi là ca, hoặc là ca khúc, làng thơ ít người để ý đến, tiếc thay!" [42, 793].
Phạm Đình Toái còn so sánh giữa thể lục bát với thể thất ngôn. Ông viết: "Ở Thất ngôn thì có hình đối lập với nhau, ở lục bát thì có vẻ quanh co lưu chuyển đó là chỗ khác nhau" [34,180]. Thể lục bát có thể có dung lượng tối thiểu chỉ cần một câu (gồm 2 dòng, 14 tiếng) đã là một tác phẩm. Điều này rõ nhất trong ca dao:
Gió sao gió mát sau lưng,
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này.
Những tác phẩm văn vần dài nhất của người Việt thời trung đại viết theo thể thơ này: Thiên Nam ngư lục gồm 8.136 dòng và Truyện Kiều 3254 dòng.
Tuyệt đại bộ phận lục bát dùng vần bằng. Vần nằm ở cuối câu (vần chân) và ở trong câu (vần lưng). Chữ thứ 6 câu lục gieo vần xuống chữ
thứ 6 câu bát, chữ thứ 8 câu bát gieo xuống chữ cuối câu lục. Lục bát cũng có niêm luật bằng trắc, nhưng đơn giản và linh hoạt hơn hẳn Đường luật.
Về nhịp, lục bát có thể chia câu thành các nhịp 1/5, 2/4, 3/3, 4/2 ở
câu lục, hoặc 2/6, 3/5, 4/4, 6/2... ở câu bát, nhưng thường thiên về nhịp chẵn. Nếu quan niệm như vậy thì ngắt nhịp trong câu thơ lục bát rất uyển chuyển.
Về đối, lối thơ lục bát trong câu không cần tìm chữ đối nhau tỉ mỉ.
Ví dụ:
Giang hồ vui thú vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo.
....
Vai năm tấc rộng, lưng mười thước cao
(Truyện Kiều) Như vậy, thể lục bát linh hoạt, hài hòa, phong phú về vần điệu, thanh điệu và nhịp điệu, nên có nhiều chức năng, sắc thái thẩm mỹ, có
thể tự sự, hay trữ tình. Sở trường của thể loại là tự sự, tức thích hợp với việc kể chuyện, nên các tác giả thế kỷ XVII, XVIII, XIX đã vận dụng thể lục bát để viết diễn ca lịch sử, và nhiều nhất là truyện Nôm. Về
truyện Nôm, Truyện Kiều trở thành kiệt tác đỉnh cao của văn học dân tộc.
Trong số các thể thơ ở Việt Nam thời trung đại, lục bát là thể còn được sử dụng nhiều và có nhiều thành tựu nhất thời ở hiện đại.
2.2.2.2. Thể song thất lục bát
Thể thơ song thất lục bát cũng bắt nguồn từ văn vần dân gian.
Văn bản có niên đại sớm nhất trong đó sử dụng thể song thất lục bát mà ngày nay biết được là Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa. Cặp câu thơ bảy chữ (thất ngôn) ở thể này khác câu thất ngôn của Đường luật ở nhiều điểm. Trong thể thơ Trung Quốc gieo vần chân, nhịp chẵn trước (4/3 hoặc 2/2/3) và theo quy tắc "nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh". Ở thể thơ Việt Nam này, gieo vần lưng, ngắt nhịp lẻ trước và
không nhất thiết theo quy tắc trên. "Cách đặt câu thơ này cũng giản dị
như thơ lục bát mà lại còn có một cái thú nữa là: có thể gieo vần được những tiếng vần "trắc" không phải chọn những tiếng vần bằng, mà trong một bài thơ còn có thể thay được điệu, đổi giọng được hơn nữa. Cách đặt chỉ cần hạ một chữ thứ 7 ở câu trên là tiếng "trắc" đến chữ thứ 5 ở
câu dưới phải lại phải là tiếng "trắc" có vần với tiếng thứ 7 của câu trên, rồi đến chữ thứ 7 câu dưới phải gieo vần "bằng" để bắt vần sang câu lục bát. Hết câu lục bát thì tiếng thứ 5 ở câu 7 chữ phải dùng tiếng "bằng"
để tiếp vần với câu trước" (Trịnh Đình Rư)
Thể thơ này không buộc phải đối. Trong 2 câu 7 chữ mà đặt thành hai câu trên dưới đối nhau chỉnh đốn là do chủ ý của tác giả khéo xếp, khéo đặt thỉnh thoảng thêm vào một câu đối nhau cho bài thơ thêm nổi, chứ không phải thể lệ lối thơ này buộc phải như vậy, vì những câu 7 chữ
cứ đặt xuôi cũng được.
Chức năng thể loại của song thất lục bát chủ yếu được hình thành từ
hai đặc điểm của thể thơ này. Thứ nhất là có sự kết hợp giữa những câu thơ bảy chữ với câu thơ lục bát và thứ hai là dung lượng không hạn chế.
Câu thơ lục bát rất thuận lợi để tự sự, câu thơ thất ngôn rất thuận lợi để trữ tình. Thể song thất lục bát kết hợp ưu thế của hai loại câu thơ đó:
"Hai câu 7 chữ có giọng hùng hồn, hai câu lục bát có giọng êm đềm chải chuốt" ( Trịnh Đình Rư). Tổ hợp song thất lục bát này được sử dụng có
chu kỳ, thuận lợi để biều hiện tâm trạng có qúa trình, cùng với cảm thức âm thanh của người Việt về thể thơ khiến cho thể song thất lục bát có
giá trị miêu tả và biểu hiện không thể thơ nào thay thế được.
Cũng như thể lục bát, rất it lời bàn của các văn nhân học giả về thể
song thất lục bát "lối thơ "song thất lục bát" cũng là của ta, sao ta ít lưu tâm đến?...làng thơ ít người để ý đến, tiếc thay!"(Trinh Đình Rư).
Nếu thể lục bát được áp dụng một cách thích đáng vào truyện thơ, thì thể song thất, với sắc thái riêng biệt của nó lại được chọn cho lối ngâm khúc. Truyện thơ thuộc về thể tự sự, diễn tả một sự tình nào đó, còn ngâm khúc thuộc về trữ tình biểu hiện một nguồn chính xác nhất định. Những tác phẩm nổi tiếng theo hình thức nghệ thuật này là Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Ai tư văn...