Chương 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.6. Đề xuất các giải pháp thúc đẩy phục hồi các kiểu TTV ở KVNC
Từ những nhận xét về khả năng tái sinh của các loài cây gỗ, chúng tôi đề xuất một số giải pháp phục hồi hoặc sử dụng cho từng kiểu TTV trong KVNC như sau:
4.6.1. Đối với Thảm cỏ
Do chăn thả thường xuyên nên Thảm cỏ dần bị thoái hóa thành Thảm cỏ thấp, các loài cây bụi như Sim, Mua phát triển, không có cây gỗ tái sinh. Do vậy có thể sử dụng giải pháp bảo vệ, sử dụng hợp lý thảm cỏ để chăn thả gia súc. Hoặc nếu không có nhu cầu chăn thả gia súc thì có thể trồng rừng bằng các loài cây bản địa có giá trị kinh tế như: Dẻ gai, Trám đen, Trám trắng… để tăng diện tích rừng cho địa phương.
4.6.2. Đối với Thảm cây bụi
Do Thảm cây bụi mật độ cây tái sinh đạt (3658 cây/ha) nên áp dụng phương thức khoanh nuôi phục hồi rừng có tác động của con người:
- Tiến hành việc phát dây leo, cây bụi, giảm bớt mật độ cây kém giá trị kinh tế, để tạo điều kiện cho cây tái sinh sinh trưởng, phát triển.
- Có thể kết hợp trồng bổ sung một số loài cây đặc sản dưới tán như gừng, riềng, nghệ nếp, thảo quả…
- Có thể trồng dặm thêm một số loài cây mục đích bản địa có giá trị kinh tế như Dẻ gai, Trám trắng, Trám đen, Kháo…
4.6.3. Đối với Rừng thứ sinh
Do Rừng thứ sinh mật độ cây tái sinh khá cao (4496 cây/ha) nên áp dụng phương thức khoanh nuôi phục hồi có tác động của con người:
- Phát dây leo, cây bụi để cây tái sinh đủ ánh sáng để sinh trưởng, phát triển.
- Nơi có mật độ cây tái sinh cao, tiến hành tỉa dặm từ chỗ dày sang chỗ thưa.
- Đối với những loài tái sinh từ chồi gốc sau khi cây gỗ bị chặt thì tùy từng loại cây mà để lại gốc chồi có độ cao thích hợp (30-40cm) để chồi tái sinh sinh trưởng.
- Điều tiết tổ thành tầng cây cao theo hướng tăng sản lượng cây gỗ có giá trị kinh tế, tỉa thưa và khai thác những loài cây không đáp ứng nhu cầu kinh tế, phòng hộ, tận dụng sản phẩm gỗ xây dựng, nguyên liệu giấy sợi, gỗ ván dăm (Chẹo tía, Thôi ba, Ba soi,..) và chất đốt phục vụ cho sinh hoạt đời sống của người dân. Làm giàu rừng bằng những loài cây có giá trị kinh tế như: Trám, Lát hoa, Đinh, Nghiến, Trai...
Song song với các công việc nêu trên, cần thường xuyên bảo vệ các kiểu TTV này, tránh để cháy rừng, đốt lửa, khai thác quá mức... sẽ ảnh hưởng đến sự tái sinh phục hồi rừng của các loài cây gỗ.
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ KẾT LUẬN
1. Theo khung phân loại của UNESCO (1973) thảm thực vật tự nhiên tại khu vực nghiên cứu có 4 lớp quần hệ: Lớp quần hệ rừng kín, lớp quần hệ rừng thưa, lớp quần hệ cây bụi và lớp quần hệ cỏ.
2. Trong 3 kiểu TTV chọn nghiên cứu (Thảm cỏ, Thảm cây bụi, Rừng thứ sinh) đã thống kê được 338 loài, thuộc 240 chi, 89 họ của 06 ngành thực vật bậc cao có mạch (Khuyết lá thông, Thông đất, Mộc tặc, Dương xỉ, Ngành Thông, Mộc lan).
Trong đó, ngành Mộc lan (Magnoliophyta) có số họ, chi và loài phong phú nhất gồm 76 họ (chiếm 85,39%), 224 chi (chiếm 93,33%) và 315 loài (chiếm 93,18%).
3. Trong KVNC có đầy đủ cả 5 dạng sống. Cây chồi trên đất (Ph) chiếm tỷ lệ cao nhất (67,46%), tiếp đến là cây chồi nửa ẩn (He) (15,98%), cây chồi sát đất (Ch) (6,51%), cây chồi ẩn (Cr) (6,21%), còn lại là cây một năm (Th) (3,84%). Từ tỷ lệ các nhóm dạng sống, có thể lập phổ dạng sống TTV của xã Hoàng Tung là: SB = 67,46 Ph + 6,51 Ch + 15,98 He + 6,21 Cr + 3,84 Th
Tỉ lệ các dạng sống phân bố không đồng đều ở các kiểu TTV. Ở Thảm cỏ có nhóm Cây chồi nửa ẩn (He) chiếm tỷ lệ cao nhất (52,17%). Ở các kiểu Thảm cây bụi, Rừng thứ sinh: đều có nhóm Cây chồi trên đất (Ph) chiếm tỷ lệ cao nhất (từ 61,69 – 67,58%).
4. Cấu trúc hình thái của các kiểu TTV gồm 2-4 tầng, trong đó Thảm cỏ có cấu trúc 2 tầng ; Thảm cây bụi có 3 tầng; Rừng thứ sinh có 4 tầng.
5. Đặc điểm tái sinh tự nhiên trong các kiểu TTV:
- Số loài cây gỗ tái sinh dao động từ 17 đến 24 loài, trong đó số loài tham gia vào cấu trúc tổ thành từ 8 – 9 loài. Mật độ cây tái sinh dao động từ 3658 cây/ha (TCB) đến 4496 cây/ha (RTS).
- Phân bố cây tái sinh theo các cấp chiều cao: Nhìn chung, ở Thảm cây bụi và Rừng thứ sinh, cây tái sinh có chiều cao ở cấp I, cấp II chiếm tỷ lệ rất lớn. Càng ở cấp độ cao (cấp III đến cấp VI) thì mật độ cây gỗ tái sinh càng giảm mạnh.
- Phân bố cây gỗ tái sinh trên mặt phẳng nằm ngang: Thảm cây bụi có kiểu phân bố cụm, Rừng thứ sinh đều có kiểu phân bố ngẫu nhiên.
- Nguồn gốc và chất lượng cây tái sinh: ở Thảm cây bụi và Rừng thứ sinh, nguồn gốc cây tái sinh chủ yếu là từ hạt. Về chất lượng cây tái sinh, cây tái sinh có chất lượng tốt cao nhất ở Rừng thứ sinh (64,46%), sau đó là Thảm cây bụi (54,89%).
6. Đã đề xuất được các giải pháp thúc đẩy phục hồi các kiểu TTV ở KVNC. Đó là sử dụng hợp lý Thảm cỏ để chăn thả gia súc hoặc trồng rừng.
Thảm cây bụi và Rừng thứ sinh, áp dụng phương thức khoanh nuôi phục hồi có tác động của con người.
ĐỀ NGHỊ
Đề tài cần mở rộng phạm vi và đối tượng nghiên cứu trong các xã của huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, để xây dựng các giải pháp khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh;
làm cơ sở cho công tác quy hoạch, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng ở địa phương một cách có hiệu quả nhất.
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN VĂN 1. Đoàn Hồng Sơn, Bùi Thị Thu Trang, Lê Ngọc Công (2018), “Đặc điểm cấu trúc và tái sinh tự nhiên của một số kiểu thảm thực vật thứ sinh tại xã Hoàng Tung, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng”, Tạp chí Khoa học & Công nghệ - Đại học Thái Nguyên, 177(01), tr.153-158.