KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NƯỚC VỀ ĐÁP ỨNG CÁC YÊU CẦU KĨ THUẬT CỦA NHẬT BẢN ĐỐI VỚI HÀNG THỦY SẢN

Một phần của tài liệu Rào cản kỹ thuật của nhật bản đối với hàng thủy sản xuất khẩu việt nam (Trang 20 - 23)

CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ RÀO CẢN KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

1.6 KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NƯỚC VỀ ĐÁP ỨNG CÁC YÊU CẦU KĨ THUẬT CỦA NHẬT BẢN ĐỐI VỚI HÀNG THỦY SẢN

1.6.1 Kinh nghiệm của Thái Lan

Để trở thành một trong những nước xuất khẩu mạnh trên thị trường thế giới, các nhà xuất khẩu Thái Lan đã phải liên tục cải tiến công nghệ, đổi mới sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đối với thuỷ sản, Thái Lan đã áp dụng chương trình Thực hành nuôi thuỷ sản tốt nhất (BAP: Best Aquacutral Practice)

để nâng cao tính cạnh tranh về an toàn sinh học cho hàng thuỷ sản xuất khẩu.

Tôm là một mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Thái Lan- chiếm 27% thị phần thế giới.

Các nhà xuất khẩu thuỷ sản Thái Lan hiểu rằng, cách duy nhất vượt qua những hàng rào kỹ thuật là ban hành tiêu chuẩn ngành. Tiêu chuẩn này được 5 cơ quan soạn thảo năm 1995 gồm Cục nghề cá, Hiệp hội các nhà nuôi trồng tôm, Hiệp hội thực phẩm đông lạnh, Hiệp hội các nhà chế biến thực phẩm và Câu lạc bộ doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản. Văn bản hướng dẫn các nhà sản xuất từ việc thu thập dữ liệu, đào tạo, phân đoạn khu vực, quản lý kiểm soát sức khoẻ tôm, quản lý rác thải đến việc sử dụng các loại hoá chất, dược phẩm. Tuy tiêu chuẩn ngành chỉ mang tính chất khuyến khích áp dụng song nhờ đó mà các thương nhân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc vượt qua hàng rào kỹ thuật. Để phân biệt sản phẩm của mình với các nhà cạnh tranh có giá rẻ hơn, các nhà sản xuất Thái Lan đang hướng đến xây dựng hình ảnh thực phẩm an toàn cho các sản phẩm của mình.

Nhiều nhà chế biến thuỷ sản Thái Lan đã thiết lập hệ thống kiểm soát chất lượng trong các nhà máy của mình như hệ thống quản lý chất lượng HACCP và đã giải quyết tốt các yêu cầu về truy nguyên xuất xứ gần đây của người mua Nhật Bản. Các doanh nghiệp Thái Lan thường xuyên mời các nhà nhập khẩu Nhật Bản đến thăm các nhà máy và cùng trao đổi thông tin.

1.6.2 Kinh nghiệm của Ấn Độ

Ấn Độ có tiềm năng lớn trong sản xuất tôm nuôi do vị trí địa lý của mình với đường biển dài và bằng phẳng. Đây là một trong những nhà cung cấp tôm quan trọng nhất đối với Nhật Bản, nhưng cũng có ấn tượng là nước có vấn đề đối với các nhà nhập khẩu Nhật Bản. Mùi mốc là một vấn đề nghiêm trọng nhất của tôm Ấn Độ. Bên cạnh đó, việc nuôi trồng tôm ở Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào số lượng các công ty nhỏ trong khi các công ty này lại không có đủ nguồn lực về tài chính. Họ thường không làm sạch hồ nuôi và họ “tăng cường canh tác” để tăng sản lượng ngắn hạn. Việc này đã gây ra mùi mốc và nó đã ảnh hưởng đến lượng tôm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh các vấn đề về chất lượng của tôm là sản phẩm không đạt được độ tươi và có nhiều chất ngoại lai (sắt, nhựa) lẫn với tôm. Để duy trì thị phần xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản, các nhà xuất khẩu tôm của Ấn Độ đã thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp Nhật Bản và mời các nhà nhập khẩu Nhật Bản kiểm tra tôm bằng cách thăm các nhà máy tại Ấn Độ.

1.6.3 Kinh nghiệm của Trung Quốc

Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Trung Quốc gia nhập WTO, xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc đã có những bước phát triển một cách vượt bậc, hàng Trung Quốc có mặt ở hầu hết các nước trên thế giới và có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện cũng đang vấp phải những trở ngại lớn khi thâm nhập thị trường với tần số từ chối nhập khẩu lớn nhất rơi vào các mặt hàng như mặt hàng thuỷ sản. Các lý do phổ biến nhất được nêu ra là: tình trạng nhiễm khuẩn salmonella của thuỷ sản, dư lượng chất kháng sinh chloramphenicol trong sản phẩm tôm. Trung Quốc đã nhận thức được rằng những nguyên nhân cấm hoặc từ chối nhập khẩu các sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu không chỉ xuất phát từ cơ chế bảo hộ của các nước phát triển mà chủ yếu nằm ở chính các lý do nội tại. Vì vậy, Trung Quốc đã phân tích và xác định một cách hệ thống các yếu tố chính tác động tới việc xuất khẩu hàng thuỷ sản nói chung và sang thị trường Nhật Bản nói riêng như sau:

Hệ thống đo lường, đánh giá và kiểm định chất lượng: hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, các quy định và hướng dẫn của chính phủ và các ban ngành chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng kịp với các tiêu chuẩn trong kinh doanh quốc tế.

Có quá nhiều bộ tiêu chuẩn nhưng trong đó có nhiều tiêu chuẩn đã lạc hậu, trùng lặp, không nhất quán và kém nghiêm ngặt so với tiêu chuẩn quốc tế.

Môi trường sản xuất: dây chuyền công nghệ lạc hậu, chưa tuân thủ các quy định trong sử dụng hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản. Bên cạnh đó, việc ô nhiễm môi trường từ quá trình công nghiệp hoá cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước.

Quy mô sản xuất: nhỏ, lẻ, phân tán đã gây ra rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng công nghệ nuôi trồng sạch cũng như việc kiểm tra, giám sát và truy tìm nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, các nông hộ quy mô nhỏ thường có trình độ quản lý kém và khả năng tiếp cận thông tin hạn chế.

Công nghệ và thiết bị kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm xuất khẩu:

còn thiếu và đã lạc hậu, chưa kiểm tra được một số chỉ số khắt khe của thị trường nhập khẩu.

Hệ thống thông tin: còn thiếu các kênh thông tin hiệu quả và kịp thời từ chính phủ, các ngành và các địa phương tới các doanh nghiệp và đặc biệt là tới nông dân, ngư dân.

Nhận dạng được những thách thức đó, Trung Quốc đã có những giải pháp đồng bộ, trọng điểm để nâng cao sức cạnh tranh của thuỷ sản xuất khẩu:

• Thu thập thông tin một cách kịp thời về những yêu cẩu và thay đổi trong chính sách quản lý nhập khẩu của Nhật Bản để có các biện pháp ứng phó kịp thời, tránh xảy ra tình trạng hàng hoá xuất khẩu bị từ chối nhập khẩu.

• Luôn coi trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách có trình độ cao, đồng thời thường xuyên tuyên truyền cho các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất kinh doanh hàng hoá theo tiêu chuẩn quốc tế.

• Quy hoạch các vùng sản xuất và nuôi trồng thuỷ sản “sạch” thân thiện môi trường, chương trình dán nhãn quốc gia cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tóm lại chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản trong việc góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng thuỷ sản.

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG ÁP DỤNG RÀO CẢN KĨ THUẬT CỦA NHẬT BẢN ĐỐI VỚI HÀNG THỦY SẢN XUẤT KHẨU

VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Rào cản kỹ thuật của nhật bản đối với hàng thủy sản xuất khẩu việt nam (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(58 trang)
w