Thể tài du ký vùng Tây Bắc nửa đầu thế kỷ XX

Một phần của tài liệu Du ký về vùng Tây Bắc Việt Nam nữa đâu thế kỷ XX (Trang 22 - 26)

1.1. Khái quát chung về du ký

1.1.3. Thể tài du ký vùng Tây Bắc nửa đầu thế kỷ XX

Du ký Việt Nam có mầm mống và xuất hiện trong giai đoạn văn học trung đại. Tuy nhiên, số lượng sáng tác du ký còn giữ được không nhiều, chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX.

Trong giai đoạn này, du ký chủ yếu được viết bằng chữ Hán, tác giả thường là các nhà nho. Một số tác phẩm tiêu biểu như Dục Thúy sơn, Dục thúy sơn Linh tế tháp kí (Trương Hán Siêu), Quan Lang đạo trung (Phạm Sư Mạnh) hay Nguyệt tịnh bộ Tiên Du sơn tùng kính (Chu Văn An),... những dòng thơ mang tính chất của du ký.

18

Càng về sau, du ký càng độc lập và định hình được rõ ràng thể tài của mình. Đó là bài ký động Nhị Thanh của Ngô Thì Sĩ. Hay là chuyến đi dài ngày đến hơn nửa năm của danh y Lê Hữu Trác từ Hà Tĩnh ra Thăng Long chữa bệnh cho Trịnh Cán với những cuộc du ngoạn trong lúc rảnh rỗi được chép lại trong Thượng kinh ký sự. Có thể xem Thượng kinh ký sự đã hội tụ đầy đủ những đặc điểm của du ký, đó là sự ghi chép lại một chuyến đi của chính bản thân tác giả với những miêu tả, bình luận mang tính chất mắt thấy tai nghe. Hoặc là một chuyến du ngoạn từ Thăng Long lên núi Sài Sơn vãng cảnh chùa Phật Tích trong phạm vi ba ngày của Phạm Đình Hổ và bè bạn còn ghi lại trong Tang thương ngẫu lục, Vũ trung tùy bút với rất nhiều cảm xúc khác nhau. Bên cạnh du ký viết bằng chữ Hán, đã xuất hiện một số tác phẩm Du ký viết bằng chữ Nôm như: Tây phù nhật kí của Tôn Thọ Tường (1825 - 1877), Như Tây kí (1864) của Ngụy Khắc Đản (1817 - 1873), Hương Sơn nhật trình của Chu Mạnh Trinh (1862 - 1905)... Xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi (1886) của Trương Vĩnh Ký, tác phẩm du ký hiếm hoi được viết bằng chữ quốc ngữ, được coi là gạch nối chuyển tiếp quan trọng trong hành trình phát triển của thể loại, từ hệ hình trung đại sang hiện đại.

Bước sang thế kỉ XX, thể tài du ký có bước phát triển mạnh mẽ. Tác phẩm du ký đầu tiên của thế kỷ XX là Hương Sơn hành trình của Nguyễn Văn Vĩnh ghi chép lại chuyến hành trình về vùng đất Phật. Ở giai đoạn này, với những điều kiện thuận lợi của lịch sử xã hội, giao thông, kinh tế phát triển và luồng văn hóa phương Tây, việc du hành trở nên dễ dàng hơn, con người có điều kiện giao lưu giữa các vùng miền hơn. Đặc biệt đến năm 1917, Nam Phong tạp chí được xuất bản, du ký chiếm vị trí quan trọng nhất định trong tạp chí và được đông đảo độc giả đón nhận một cách tích cực. Ngoài Nam Phong tạp chí còn có nhiều tờ báo khác đăng tải du ký như Công luận báo, Phụ nữ Tân văn, An Nam tạp chí, Tri tân, Hà Thành ngọ báo… với số lượng

19

không nhiều và rải rác. Nhà thư mục học Nguyễn Khắc Xuyên xác định du ký là một trong 14 bộ môn và nêu nhận xét về thể tài du ký - còn được ông gọi là du hành - trên Tạp chí Nam Phong: “Nhiều khi chúng ta tự cảm thấy, sống trong đất nước với giang sơn gấm vóc mà không được biết tới những cảnh gấm vóc giang sơn. Thì đây, theo tờ Nam Phong, chúng ta có thể một phần nào làm lại cuộc hành trình qua những phong cảnh hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất của đất nước chúng ta từ Bắc chí Nam, từ Cao Bằng - Lạng Sơn đến đảo Phú Quốc; từ núi Tiên Du đến cảnh Hà Tiên qua Ngũ Hành Sơn; từ Cổ Loa, Hạ Long đến Huế thơ mộng... Với thời gian, hẳn những tài liệu này ngày càng trở nên quý hóa đối với chúng ta” [92].

Tây Bắc là vùng núi phía Tây của miền Bắc Việt Nam, có chung đường biên giới với Lào, Trung Quốc, bao gồm các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái và Lào Cai. Vùng văn hóa Tây Bắc là khu vực bao gồm hệ thống núi non trùng điệp bên hữu ngạn song Hồng (lưu vực sông Đà) kéo dài tới bắc Thanh Nghệ. Ở đây có trên 20 tộc người cư trú, văn hóa Tây Bắc đa dạng và độc đáo chính là sản phẩm của sự kết hợp và đan xen các bản sắc riêng của hơn hai mươi dân tộc ấy. Với những đặc thù về địa lý, văn hóa và người, vùng núi rừng Tây Bắc trở thành đối tượng khám phá, trải nghiệm của du ký.

Khảo sát các nguồn sách báo trước cách mạng tháng Tám 1945, chúng ta thấy xuất hiện các trang du ký viết về miền núi phía Bắc hoặc trên đường lên vùng cao phía Bắc với tên tuổi Nguyễn Văn Bân, Nhạc Anh Hoàng Văn Trung, Phạm Quỳnh, Nguyễn Thế Xương, Thái Phong Vũ Khắc Tiệp, Nhật Nham Trịnh Như Tấu, Lan Khai, Ngọc Ước, Nhị Lang, Tản Đà, Đặng Trọng Khang, Bùi Xuân Học, Đặng- v- Đàm, Tam Lang, Việt Dân, Nguyễn Tụng, Roi-Song...

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn thì các tác giả này “hầu hết là quan lại địa phương, nhà giáo hoặc ký giả báo chí qua thăm các tỉnh Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên - Phú Thọ - Hòa

20

Bình - Lai Châu (với tâm điểm là ba tỉnh Yên Bái – Lào Cai – Phú Thọ) và sau đó thuật chuyện lại”. Và cũng theo tác giả những trang du ký này “vừa có ý nghĩa văn chương vừa là những tư liệu khảo sát, điền dã, ghi chép sinh động về địa lý, lịch sử, phong tục tập quán, góp phần giúp độc giả và khách du lịch thời hiện đại chúng ta hiểu rõ hơn hiện trạng cảnh quan và đời sống người dân vùng cao phía Bắc cách ngày nay xấp xỉ gần một thế kỷ” [67].

Du ký vùng Tây Bắc nửa đầu thế kỷ XX được hình thành và phát triển trong những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu Sau tám năm trở lại thăm Laokay- Nhật Nham Trịnh Như Tấu (in hai kỳ trên Tạp chí Tri Tân, số 46 và 47, tháng 5 - 1942), Miền thượng du Bắc Kỳ - Ngọc Ước (in ba kỳ trên Nam Kỳ tuần báo, số 74, 75, 76 - 1944), Một sự đi chơi Laokay- Tản Đà (Tạp chí An Nam, số 25), Tiếng cồng vang chốn rừng xanh – Nhị Lang (Trung Bắc Tân văn, số 10- 1940), Cuộc hành trình từ Laokay đi Lai châu- Đặng Trọng Khang (Hà Thành ngọ báo, 1934), Cuộc kinh lý của quan Thống sứ Tholance tại Sơn La và Lai Châu- Bùi Xuân Học (Hà Thành ngọ báo, số 1915- 1934), Khảo cứu về người Mường- Đặng -v- Đàm (Đông Phương, số 21 - 1929), Đưa các bạn lên thăm đất "núi rừng" - Roi-Song ( Thành ngọ báo, số 2021- 1934)Tồn tại trong giai đoạn giao thời, du ký vùng Tây Bắc nói riêng và du ký nói chung đóng góp một phần quan trọng trong việc hoàn thiện gương mặt văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX và tạo tiền đề cho sự phát triển tiếp nối ở những giai đoạn kế tiếp.

Nhìn ở góc độ thể tài, du ký từ nửa sau thế kỷ XX đến nay vẫn tiếp bước và thu được những thành công rực rỡ. Có thể nói thể tài này được hồi sinh sau nhiều năm vắng bóng với những cây bút tiêu biểu như Phan Việt (Một mình ở Châu Âu), Phương Mai (Tôi là một con lừa), Ngô Thị Giáng Uyên (Bánh mì thơm, cà phê đắng), Tran Hung John (John đi tìm Hùng), Huyền Chíp (Xách ba lô lên và đi), và mới đây nhất là Đinh Hằng với Quá trẻ để chết: Hành trình

21

nước Mỹ… Họ là những cây bút trẻ giàu năng lực, cả năng lực đi và viết, và ít nhiều đã tạo nên cơn sốt trên thị trường sách hiện nay với những cuốn du ký viết về những chuyến đi của bản thân họ. Nhìn lại cả tiến trình phát triển của du ký thì đây là giai đoạn có bước phát triển rực rỡ nhất. Nếu như du ký thế kỷ XX đã đạt được những thành công thì du ký thể kỷ XXI là sự hồi sinh vượt trội với sức sống của tuổi trẻ tạo nên sắc hồng tươi tắn cho văn học đương đại, đưa lại một luồng gió mới nhẹ nhàng cho văn học hiện nay.

Một phần của tài liệu Du ký về vùng Tây Bắc Việt Nam nữa đâu thế kỷ XX (Trang 22 - 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)