2.7. CƠ SỞ LÝ LUẬN
2.7.4. Các bệnh thường gặp trên heo cai sữa
2.7.4.1. Những ngyên nhân gây bệnh tiêu chảy trên heo cai sữa:
Tiêu chảy là một hiện tượng rối loạn tiêu hoá, nhu động ruột co thắt quá độ làm cho các chất chứa trong ruột non, ruột gìa thải qua hậu môn quá nhanh, ruột già chưa hấp thu được nước,...tất cả đều tống qua hậu môn ở dạng lỏng hoặc sền sệt, hậu quả nghiêm trọng là cơ thể mất nhiều nước, chất điện giải và ngộ độc các loại độc tố do vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy gây ra. Con vật suy nhược rất nhanh và có thể chết.
Nhu động ruột bình thường hoạt động rất nhịp nhàng, nếu có tác động của các nguyên nhân sau đây sẽ gây rối loạn nhu động gây tiêu chảy.
Do vi sinh vật: theo Nguyễn Bạch Trà (1996) các loại vi khuẩn như E.coli, Salmonella...trong đó vai trò của E. coli là tác nhân gây bệnh quan trọng của các bệnh tiêu chảy ở heo con.
Bình thường, trong đường tiêu hoá của heo con, hệ vi sinh vật cộng sinh có vai trò quan trọng trong sự tiêu hoá khi gặp điều kiện bất lợi cho heo con (thiếu dưỡng chất, khí hậu không phù hợp...) thì một số vi khuẩn trở thành gây bệnh. Vì vi sinh vật nhiễm trực tiếp từ môi trường ngoài vào ruột qua thức ăn, nước uống sẽ chiếm dưỡng chất trong ruột để sinh sôi, nảy nở và tạo độc tố làm tổn thương màng nhày ruột non.
Do thức ăn: (Nguyễn Như Pho 1995), khi nguồn sữa bị cắt đứt heo con không bú sẽ ăn nhiều, trong khi đường tiêu hoá còn yếu dẫn đến thức ăn không tiêu hoá hết tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển tiết độc tố gây viêm ruột dẫn đến tiêu chảy.
Do khẩu phần ăn có các dưỡng chất vượt quá nồng độ cho phép như: quá nhiều xơ, quá nhiều chất béo mà hệ tiêu hoá không đủ khả năng tiêu hoá hết. Nếu quá nhiều xơ thì hệ tiêu hoá không tiêu hoá hết chất xơ, chất xơ đi qua hệ thống tiêu hoá nhanh làm nhu động ruột tăng, dẫn đến tiêu chảy (Võ Văn Ninh, 2002).
Do nước uống không đủ vệ sinh, nguồn nước bị tạp chất như: Clo, NH3, Nitrate, Sunphate... và các vi sinh vật có hại khác đều gây bất lợi cho hoạt động đường tiêu hoá của heo con làm cho heo dễ tiêu chảy (Nguyễn Bạch Trà, 1996).
Do ngoại cảnh: Việc chuyển chuồng, tách mẹ, nhập đàn...môi trường sống thay đổi heo dễ bị stress dẫn đến cơ thể suy yếu, nhu động ruột giảm đột ngột, thức ăn nằm một chỗ, một số vi sinh vật bình thường vô hại như E.coli đột ngột tăng nhanh số lượng trở nên có sức gây bệnh tạo độc tố làm tăng nhu động ruột trở lại và gây tiêu chảy (Võ Văn Ninh, 2002).
Do khí hậu: theo Levanski (1993), khả năng điều tiết nhiệt của heo con kém, thời tiết thay đổi đột ngột heo con bị tiêu hao nhiều năng lượng của cơ thể để chống lạnh bằng cách oxy hoá glucogen cần glucose để sinh năng lượng, dẫn đến glucose trong máu giảm, heo con đề kháng yếu gây rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy và chết (trích dẫn bởi Nguyễn Tuấn, 2008).
Do vệ sinh chăm sóc: heo con dễ bị tác động bất lợi từ môi trường bên ngoài và khả năng chống chọi với các yếu tố của môi trường kém. Nếu vệ sinh chuồng trại không tốt sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, tích khí độc (CO2, H2S, NH3...) tạo bầu khí hậu bất lợi cho heo con cai sữa, cho nên chuồng nuôi heo con phải có mật độ vừa phải, tuân thủ mọi nguyên tắc thú y là điều kiện khá quan trọng để chúng có thể sinh trưởng bình thường.
Do một số nguyên nhân khác: theo Nguyễn Như Pho (1995), việc cấp không đủ chất khoáng như Fe, Cu, Zn... nhưng quan trọng nhất là Fe, nếu không cấp đủ heo bị thiếu máu, giảm tính thèm ăn, còi cọc, tiêu chảy và bệnh khác.
Theo Nguyễn Bạch Trà (1996), việc thiếu một số vitamine A, B2, B3, B5 làm niêm mạc ruột lợn bị lở loét và kích thích nhu động ruột mạnh và từ đó dẫn đến tiêu chảy.
Một số loại thuốc điều trị tiêu chảy trên heo cai sữa tại trại: Tycofer, Carbomango, Lactizym, Tylo, Ampi – colistin…
2.7.4.2. Những nguyên nhân gây bệnh viêm khớp trên heo cai sữa
Do vi trùng sinh mủ như Staphylococcus, Streptococcus, vi trùng ái lực với khớp xương các heo dưới hai tháng tuổi thường mắc bệnh là do: nằm bú, chân cọ sát vào nền
chuồng làm trầy da, trước đó heo mẹ bị viêm vú mầm bệnh theo sữa qua heo con, sau đó theo máu của heo con đến các khớp xương, khi sức đề kháng của heo con kém, các vi trùng sẽ bộc phát gây bệnh.
Do dinh dưỡng, do mật độ nuôi nhốt, do nhiệt độ và ẩm độ của chuồng nuôi không hợp lý và do chuồng trại vệ sinh kém.
Một số loại thuốc điều trị viêm khớp trên heo cai sữa tại trại: Duphapen, Ampi – colistin, Calcifort – B12, Vitamin C trợ lực…
2.7.4.3. Những nguyên nhân gây bệnh viêm phổi trên heo cai sữa
Do vi khuẩn : do Mycoplasma, Pasteurella, Streptococcus, Salmonella...gây ra ở một vùng phổi nhất định với đặc điểm gây viêm phổi, ho khan kéo dài, giảm tăng trọng, hiệu quả sử dụng thức ăn kém, trên phổi có những vùng rắn chắc gây viêm kéo dài. Tỷ lệ mắc bệnh cao, nhưng tỷ lệ chết thấp, do môi trường nuôi dưỡng kém, do thời tiết thay đổi thú thở khò khè.
Do dinh dưỡng: theo Nguyễn Như Pho (1995), khi thiếu Vitamine A, tổ chức biểu mô đường hô hấp phát triển không bình thường, giảm sức bền, từ đó dễ mắc bệnh đường hô hấp, sự mất cân đối Ca, P trong khẩu phần làm xương và vòng ngực bị biến dạng. Sự thiếu Vitamine A có thể làm biến đổi tổ chức biểu mô đường hô hấp.
Do môi trường: các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường như nhiệt độ, ẩm độ, chuồng trại có ảnh hưởng trực tiếp đến sức tăng trưởng và sức đề kháng của heo.
Sự chênh lệch nhiệt độ, ẩm độ quá lớn trong ngày, trong tháng làm ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý của heo con nhất là đường hô hấp, chuồng trại không thông thoáng cộng cường độ chiếu sáng của mặt trời không phù hợp dễ gây kích ứng niêm mạc dẫn đến tình trạng mất bão hoà hô hấp (Nguyễn Hoa Lý, 2001).
Một số loại thuốc điều trị viêm phổi trên heo cai sữa tại trại:Tylo, Ampi-colistin, ADE-B complex…
Chương 3