2.6. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG BỆNH
2.6.2. Phòng bằng vaccine và những yếu tố ảnh hưởng đáp ứng miễn dịch
Vaccine là chế phẩm kháng nguyên gây trạng thái miễn dịch mà không gây bệnh, vaccine dùng để kích thích đáp ứng miễn dịch nguyên phát, làm tăng tế bào nhớ và khả năng đáp ứng miễn dịch khi tiếp xúc với kháng nguyên lần sau. Kháng nguyên trong vaccine không cần gắn với tác nhân gây bệnh hoạt tính mà chỉ cần kích thích cơ thể sản xuất kháng thể hoặc cytokine. Kháng thể hoặc tế bào T sản sinh cytokine sẽ phản ứng với kháng nguyên gắn với tác nhân gây bệnh thực sự.
2.6.2.2. Sự cần thiết của tiêm vaccine phòng bệnh cúm gia cầm
Trong thực tế sản xuất, có nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho các biện pháp an tòan sinh học không đủ mạnh để khống chế sự lây lan của các chủng virus độc lực cao hoặc xuất hiện kẽ hở nào đó mà bệnh có nguy cơ xâm nhập vào đàn gây bệnh.
Lúc nầy việc sử dụng vaccine có thể là một giải pháp có ích, làm giảm thiệt hại kinh tế và góp phần khống chế bệnh có hiệu quả.
Những nghiên cứu thực nghiệm và các nghiên cứu thực địa (Tô Long Thành, 2006), cho thấy việc tiêm phòng vaccine đúng sẽ đạt được một số mục đích như:
- Bảo hộ gia cầm không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng và chết.
- Giảm thiểu sự bài thải virus ra môi trường ngoài làm giảm sự lây lan.
- Giảm tình trạng mẫn cảm của đàn gia cầm với các chủng virus gây bệnh.
Do đó khi quyết định sử dụng vaccine trong chiến lược phòng chống cúm gia cầm trên một quốc gia cần phải làm rõ một số vấn đề:
23
- Chủng virus dùng để sản xuất vaccine phải có cùng type phụ Haemaglutinin và phải được chứng minh trên bản động vật là có khả năng phòng hộ cho con vật chống lại virus cường độc đang lưu hành.
- Phải có các quy trình kỹ thuật và chính sách để đảm bảo việc bảo quản, cung cấp và sử dụng vaccin một cách hiệu quả nhất.
- Phải tiến hành các biện pháp giám sát huyết thanh và virus đi kèm để xác định sự hiện diện của virus trong đàn gia cầm đã được tiêm phòng.
- Có kế hoạch, lộ trình cụ thể và thời gian sử dụng vaccine trong chiến lược phòng chống chung.
2.6.2.3. Sơ lược các loại vaccine (1)Vaccine vô hoạt
- Vaccine vô hoạt đồng chủng (inactivated homologous vaccine): chủng virus dùng làm vaccine có cấu trúc kháng nguyên giống như chủng virus cúm gây ra bệnh trên thực địa. Vaccine có tác dụng phòng bệnh và làm giảm lượng virus bài thải ra môi trường, tuy nhiên nhược điểm hiện nay (của vaccine) là không thể phân biệt được kháng thể từ gia cầm được tiêm chủng và gia cầm đã tiếp xúc với mầm bệnh do đó gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh trong quần thể (OIE, 2002).
- Vaccine vô hoạt đồng chủng không hoàn toàn (inactivated heterologous vaccine): được sản xuất từ chủng virus cúm gia cầm có kháng nguyên H giống chủng virus gây bệnh ngoài thực địa, nhưng kháng nguyên N có sự khác biệt với chủng loại bệnh trên thực địa. Nhờ sự khác biệt kháng nguyên N giữa chủng virus vaccine và virus gây bệnh ngoài thực địa bằng các xét nghiệm huyết thanh học (HI) người ta có thể nhận diện những gia cầm bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với virus từ môi trường (OIE, 2002).
(2)Vaccine tái tổ hợp (recombinant vaccine)
Một số loại vaccine được sản xuất bằng kỹ thuật tái tổ hợp gen để phòng bệnh cúm gia cầm như: vaccine tái tổ hợp gen H5 với virus đậu (vaccine Trovac), vaccine tái tổ hợp gen H7 với virus đậu, vaccine tái tổ hợp H5, H7 và virus gây bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm.
Vaccine Trovac AI H5 là một loại vaccine đậu – cúm tái tổ hợp (chế phẩm của công ty Merial) để phòng bệnh cúm gia cầm được sản xuất bằng công nghệ chuyển cấy
24
gen, bằng cách lấy gen H5 từ virus chủng H5N2 chuyển cấy vào virus đậu. Vaccine có khả năng tạo nhiễm một cách nhanh chóng đối với bệnh đậu gà và cúm gia cầm chủng H5, có thể phát hiện những trường hợp gia cầm nhiễm bệnh đậu gà và cúm gia cầm chủng H5.
Có thể phát hiện những trường hợp gia cầm nhiễm bệnh trong tự nhiên bằng các xét nghiệm huyết thanh học như AGP hoặc ELISA. Vaccine có thể sử dụng để tiêm phòng cho đàn gà thịt và gà đẻ, trên những đàn gà chưa được tiêm phòng vaccine đậu và có khả năng bảo hộ 20 tuần (Phan Xuân Thảo, 2005).
2.6.2.4. Các loại vaccine phòng bệnh cúm gia cầm được sử dụng ở Việt Nam.
(1) Vaccine Trovac AIV H5
Vaccine Trovac AIV H5 là vaccine vector tái tổ hợp virus đậu sống chứa gen Haemagglutinin H5 của virus cúm chủng A/Turkey/Ireland/1378/83 H5N8. Sử dụng trên đàn gà thịt và gà đẻ, có thể tiêm phòng cho gà bất cứ độ tuổi nào, nhưng không sử dụng tiêm ngừa cho những đàn gà đã tiêm phòng vaccine đậu hoặc nhiễm bệnh đậu gà trước đó.
Việc tiêm phòng vaccine Trovac AIV H5 được thực hiện tại cơ sở ấp trứng, vaccine được sử dụng qua đường tiêm dưới da nơi gáy cổ bằng máy tiêm bán tự động hay tự động, có thể tiêm đồng thời với vaccine phòng bệnh Marek do đó thuận lợi và dễ kiểm soát hơn so với thực hiện tại hộ chăn nuôi.
Vaccine tạo đáp ứng miễn dịch sớm, tuy nhiên vaccine này không tạo miễn dịch truyền ngang từ đàn gà được tiêm phòng nuôi chung với gà con nhạy cảm chưa tiêm phòng. Việc giám sát tiêm phòng có thể dễ dàng thực hiện bằng xét nghiệm HI sử dụng kháng nguyên A/Turkey/Ireland/1378/83 H5N8. Từ năm 2008 đến nay loại vaccine này đã ngưng sử dụng.
(2) Vaccine vô hoạt Nobilis influenza H5N2 (H Lan).
Vaccine vô hoạt sau khi cấy virus và nhân lên trong phôi trứng, được kết hợp với chất bổ trợ nhũ dầu, virus sử dụng làm vaccine thuộc type A (type phụ H5N2, dạng A/Chicken/Mexico/232/94/CPA). Hiệu giá kháng thể trung bình sau 3 tuần tiêm vaccine là 7log2. Mức độ miễn dịch đạt cao nhất là 3 - 4 tuần sau 2 lần tiêm phòng. Sử dụng cho gà thịt, gà bố mẹ và gà đẻ trứng thương phẩm. Tiêm phòng lần đầu cho gà
25
lúc 08 - 10 ngày tuổi, gà đẻ trứng thương phẩm và gà bố mẹ được chủng thêm lần 2 sau lần một 4 - 6 tuần, sau đó tiêm phòng nhắc lại sau 16 - 18 tuần.
(3) Vaccine vô hoạt H5N2 chủng N28 của Harbin Weike (Trung Quốc)
Virus tạo vaccine là A/Turkey/England/N-28/73 H5N2, là chủng virus có độc lực thấp nhập từ phòng thí nghiệm tham chiếu Quốc tế Weybridge - Anh. Vaccine được sử dụng để phòng bệnh cúm gà do type phụ H5, hàm lượng kháng thể đạt mức cao 8log2 trong tuần thứ 5 sau khi sử dụng, hiệu giá này được duy trì trong vòng 4 tuần, mức độ bảo hộ của kháng thể có thể đến tuần thứ 23 sau tiêm phòng. Loại vaccine này hiện nay cũng đã ngưng sử dụng.
(4) Vaccine vô hoạt H5N1 chủng Re-1 của Harbin Weike (Trung Quốc) Virus tạo vaccine là A/Harbin/Re-1/2003 H5N1. Chủng Re-1 được sản xuất từ chủng A/Goose/Guangdong/1996/H5N1 tái tổ hợp với virus cúm của người, sau đó được vô họat. Vaccine được dùng phòng bệnh cúm gia cầm do type phụ H5, hàm lượng kháng thể đạt mức độ cao nhất là 9log2 trong tuần thứ 3 sau khi sử dụng, hiệu giá kháng thể có thể duy trì trong vòng 4 tuần, mức độ bảo hộ của kháng thể có thể đến tuần thứ 25 sau tiêm phòng. Vaccine có hiệu quả đối với bệnh cúm gia cầm, kích thích gia cầm sản xuất kháng thể với hiệu giá cao và thời gian bảo hộ dài. Hiện nay loại vacxin này được sử dụng phổ biến để tiêm phòng cho các đàn gia cầm như: gà, vịt, ngan.
(5) Vaccine vô hoạt H5N3 (loại vaccine mới của Hoa Kỳ).
Chưa được sử dụng rộng rãi.
2.6.2.5. Những yếu tố ảnh hưởng đáp ứng miễn dịch với vaccine (1) Đáp ứng miễn dịch mang tính cá thể
Cùng một loại vaccine sử dụng trên cùng một đàn, nhưng đáp ứng miễn dịch khác nhau ở từng cá thể, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của vật nuôi. Chỉ những con khỏe mạnh, nuôi dưỡng tốt, hệ miễn dịch phát triển hoàn chỉnh sẽ có đáp ứng miễn dịch tốt.
(2) Số lần tiêm phòng vaccine
Khi tiêm phòng vaccine lần đầu, đáp ứng miễn dịch thường yếu, hàm lượng kháng thể thấp và giảm đi rất nhanh, để có được lượng kháng thể đủ bảo hộ thường phải tiêm phòng nhắc lại (thường sau 2 - 4 tuần). Đáp ứng miễn dịch lần 2 sẽ cao hơn
26
và tồn tại lâu hơn. Sau đó tiếp tục duy trì để nâng cao sức miễn dịch bằng các lượt tiêm phòng theo qui trình nhắc lại tùy theo loại vaccine, đối tượng tiêm phòng và tùy tình hình dịch bệnh.
(3) Tá chất trong vaccine
Trong các loại vaccine vô hoạt thường có các chất phụ gia được thêm vào với kháng nguyên nhằm nâng cao hiệu lực miễn dịch. Khi gắn với tá chất, kháng nguyên sẽ bị phân giải chậm hơn, phóng thích dần dần trong cơ thể, tá chất tăng cường đáp ứng miễn dịch bằng cách kích thích đại thực bào làm nhiệm vụ thực bào hoặc kích thích tế bào lympho T, tế bào lympho B. Tá chất thường là những chất trơ khó phân giải như dầu, parafin, hydroxyt nhôm, keo phèn ....
(4) Nguyên tắc sử dụng vaccine
Thực hiện đúng qui trình tiêm phòng, đúng liều lượng, thao tác tiêm đúng kỹ thuật, đảm bảo đủ lượng kháng nguyên trong mỗi liều vaccine để kích thích tạo kháng thể và vaccine phải được bảo quản tốt để đảm bảo chất lượng và hiệu lực vaccine.
Hiệu lực vaccine còn phụ thuộc vào đường tiêm, mỗi loại vaccine tương ứng với phương pháp sử dụng khác nhau. Sử dụng không đúng không những không tạo được miễn dịch cần thiết, đôi khi còn gây ra các phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm phòng.
(5) Tỷ lệ tiêm phòng quần thể
Để đảm bảo tính miễn dịch đàn (quần thể), thì tỷ lệ tiêm phòng trong quần thể phải đạt từ 70 – 80%, nếu tỷ lệ tiêm phòng thấp thì sư bảo hộ của đàn sẽ kém, không đáp ứng miễn dịch quần thể.