Tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo tiếp cận năng lực thực hiện

Một phần của tài liệu Chuyên đề tiến sỹ - Lý luận về phát triển chương trình đào tạo đại học theo tiếp cận năng lực thực hiện (Trang 26 - 29)

2. Quản lý chương trình đào tạo đại học theo tiếp cận năng lực thực hiện

2.2. Tổ chức thực hiện chương trình đào tạo theo tiếp cận năng lực thực hiện

Mục tiêu chính của thiết kế và đặc biệt là tổ chức thực hiện CTĐT ở đây là nhằm đạt tới các năng lực cần có cho SV. Vì vậy, đòi hỏi việc tổ chức thực hiện CTĐT phải: tạo cơ hội để SV có thể gắn lý thuyết với thực hành các năng lực đầu ra cần có, tức là các hoạt động học tập liên quan phải được coi là

trọng tâm, ví dụ như chất lượng của tư duy phê phán được phát triển thông qua khuyến khích và yêu cầu SV tham dự vào các tranh luận phân tích là các chủ đề chính...

Cần lưu ý ở đây là dạy cái gì không chỉ là vấn đề đảm bảo thực hiện đủ các nội dung thích hợp cho một chủ đề nào đó của CTĐT, mà quan trọng hơn còn phải luôn hướng tới hình thành các năng lực đầu ra cần có cho SV.

Thực tế, các nghiên cứu gần đây đều khẳng định: cơ chế để hình thành và nuôi dưỡng việc rèn luyện các năng lực đầu ra cần có cho SV đòi hỏi phải thiết lập môi trường giảng dạy và học tập tích cực, tập trung vào các thành tố tổ chức giảng dạy, mối quan hệ giữa SV với nhau, quan hệ giữa giảng viên - SV, và quan hệ giữa trường đại học với người sử dụng lao động [Phạm Minh Hạc (1989-1990) “Đổi mới giáo dục và đào tạo”, đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về “Phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực trong thời kỳ CNH, HĐH (KX-05).”].

a) Tổ chức giảng dạy liên quan đến các biến số: tổ chức học tập tích cực, giảng dạy dễ hiểu và tính nhất quán của chương trình đào tạo:

- Tổ chức học tập tích cực là biến số quan trọng nhất để phát triển năng lực, vì năng lực sẽ không được rèn luyện khi chỉ ngồi nghe bài giảng một cách thụ động và nó chỉ xảy ra khi SV được yêu cầu thực hiện vận dụng cái gì đó vào thực tiễn thông qua cách tổ chức thảo luận theo đội/nhóm, đặc biệt quan trọng cho phát triển năng lực tư duy phê phán và giải quyết vấn đề.

Tổ chức hoạt động trình bày kết quả của SV cũng cần được khuyến khích để phát triển năng lực nghiên cứu, trình bày và thảo luận.

Để phát triển năng lực tự học cần sử dụng cách tiếp cận lấy người học làm trọng tâm khi tổ chức giảng dạy để phát huy tính cực của SV và giảng viên trở thành người hướng dẫn hơn là người thuyết trình; và yêu cầu SV tự mình khám phá kiến thức và thông tin thông qua giao đọc tài liệu liên quan, thay vì chỉ cung cấp hết những gì họ cần. Lựa chọn và tổ chức các hoạt động

học tập phù hợp đòi hỏi cả giảng viên và SV phải phối hợp chặt chẽ với nhau như trong một dàn nhạc.

- Đi đôi với học tập tích cực đòi hỏi giảng viên giúp SV hiểu sâu sắc chủ đề giảng dạy, bởi vì năng lực chỉ hình thành khi SV hiểu rõ lý luận rồi sau đó mới vận dụng được vào thực tiễn. Cần lưu ý: thuật ngữ “hiểu” ở đây có nghĩa là phải tổ chức giảng dạy như thế nào để SV biết liên hệ và vận dụng được vào thực tiễn cuộc sống, chứ không đơn thuần chỉ là nắm được lý thuyết. Để làm được như vậy đòi hỏi giảng viên cần phải biết cách tổ chức thảo luận, giúp SV tự đặt câu hỏi và hướng dẫn họ tự trả lời, chứ không chỉ trình bày mọi thứ rồi để SV tự khám phá.

- Nhất quán của CTĐT cũng là biến số quan trọng để phát triển các năng lực đầu ra cần có, vì vậy, một trong các mục tiêu quan trọng khi quản lý thiết kế chương trình cần nhằm phát triển các năng lực này, thông qua dành thời lượng thích hợp cho nội dung rèn luyện từng loại năng lực.

b) Quan hệ giữa SV với nhau là biến số quan trọng khác của môi trường giảng dạy và học tập tích cực, bao gồm: quan hệ với SV khác và học tập hợp tác. Năng lực làm việc với người khác chính là các năng lực giao tiếp và năng lực quan hệ giữa cá nhân với nhau, tức là khả năng giao tiếp các ý tưởng của mình với người khác và dẫn dắt các đàm thoại/thảo luận một cách hiệu quả.

Các năng lực trên rất cần thiết cho làm việc theo đội/nhóm. Tương tự, các năng lực này chỉ có thể phát triển qua tổ chức học tập thực tiễn cho SV.

Các năng lực giao tiếp được rèn luyện khi SV trình bày kết quả và dẫn dắt thảo luận. Các năng lực quan hệ cá nhân với nhau sẽ được hình thành khi SV làm việc với nhau theo đội/nhóm. Vì vậy, tổ chức thiết kế và thực hiện chương trình đào tạo cần cung cấp các cơ hội rèn luyện từng loại năng lực phù hợp cho sinh viên.

c) Quan hệ giữa giảng viên và sinh viên [Yan, L. and Kember, D.

(2003). The influence of the curriculum and learning environment on the learning approaches of groups of students outside the classroom. Learning Environments Research, 6, 285-307] là thành tố trung gian hỗ trợ cho cả giảng dạy và quan hệ giảng viên và sinh viên. Thành tố này không trực tiếp ảnh hưởng tới phát triển các năng lực cho sinh viên, nhưng cũng đóng vai trò quan trọng vì nó tác động gián tiếp tới hai thành tố trên.

Quan hệ tốt và tương tác mạnh giữa giảng viên và SV cần được thiết lập để hỗ trợ cho hai thành tố trên. Phong cách giảng dạy tạo điều kiện thuận lợi được miêu tả ở trên chỉ có thể hình thành và thực hiện khi có mối quan hệ tốt giữa giảng viên và SV. Phát triển quan hệ gần gũi còn tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên đòi hỏi SV tham dự tích cực vào thảo luận. Quan hệ giảng viên và SV tích cực còn giúp gắn kết SV với nhau trong nhóm/đội và dẫn tới các quan hệ tích cực giữa SV với nhau.

Thực tế, giảng viên đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao các quan hệ giữa SV với nhau và trong thiết kế các hoạt động học tập để tạo cơ hội rèn luyện năng lực học tập hợp tác cho sinh viên.

Một phần của tài liệu Chuyên đề tiến sỹ - Lý luận về phát triển chương trình đào tạo đại học theo tiếp cận năng lực thực hiện (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(35 trang)
w