2. Quản lý chương trình đào tạo đại học theo tiếp cận năng lực thực hiện
2.3. Kiểm tra, đánh giá dựa trên năng lực thực hiện và phản hồi thông tin
a) Đánh giá là thành tố quan trọng của mô hình đào tạo của trường đại học đáp ứng yêu cầu phát triển nhân lực dựa vào khung NLTH. Để đạt tới các NLTH cần có thì tất cả các thành tố của mô hình CTĐT cần gắn kết và nhất quán với nhau nhằm hình thành và phát triển các NLTH cần có cho SV.
Đánh giá là cơ sở nền tảng của các thành tố còn lại (khung năng lực thực hiện cần có, nội dung CTĐT, tổ chức thực hiện chương trình) của mô hình CTĐT và có tác động trực tiếp đến khung năng lực đầu ra cần có.
Cách tiếp cận học tập mà SV sử dụng phải nhất quán với cách tiếp cận hay các yêu cầu mà đánh giá đòi hỏi, nên nếu SV phát triển được các năng lực
cần có thông qua rèn luyện thì các yêu cầu của đánh giá là đòi hỏi họ phải có năng lực để hoàn thành các bài tập thực tiễn. Điều đó có nghĩa là đánh giá cần nhất quán với các mục tiêu hướng tới học tập tích cực và giảng dạy dễ hiểu như đã trình bày ở trên. Cũng cần tương thích giữa đánh giá và cách tiếp cận giảng dạy trong lớp học.
Đánh giá và xác nhận năng lực thực hiện. Trong GD&ĐT nói chung, trong đào tạo theo NLTH nói riêng, đánh giá và xác nhận kết quả học tập (NLTH) là thành phần cực kỳ quan trọng, là một trong những khâu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và hiệu quả đào tạo.
- Đánh giá là một quá trình thu thập chứng cứ và đưa ra những phán xét về một NLTH nào đó đã đạt được hay chưa ở người học tại một thời điểm nhất định theo những yêu cầu thực hiện đã xác định trong Tiêu chuẩn nghề hoặc Chuẩn đầu ra/Mục tiêu dạy học.
- Việc đánh giá trong đào tạo theo NLTH phải được thực hiện theo tiêu chí (Criteria Referenced Assessment), nghĩa là nó đo sự thực hiện hay thành tích của một cá nhân người học trong mối liên hệ so sánh với các tiêu chí và chuẩn chứ không liên hệ so sánh với sự thực hiện hay thành tích của người khác. Các tiêu chí đánh giá NLTH được xác định từ các chuẩn nghề quốc gia và một số quy định chuẩn riêng khác. Theo lý thuyết phát triển NLTH, trọng tâm đánh giá không phải tri thức tái hiện mà là khả năng vận dụng và giải quyết vấn đề thực tiễn.
Để đánh giá và xác nhận NLTH, người ta thường sử dụng kết hợp các dạng minh chứng trực tiếp, gián tiếp và phụ trợ trong một phạm vi rộng thu thập được trong quá trình đào tạo thông qua các hoạt động sau:
- Quan sát sự thực hiện công việc tại chỗ làm việc hoặc ở hoàn cảnh tương tự; - Đo lường các sản phẩm hoặc quan sát, theo dõi các dịch vụ, các quá trình được thực hiện trong thực tế;
- Quan sát, lượng giá các thái độ được thể hiện;
- Kiểm tra, trắc nghiệm kiến thức và hiểu biết;
- Thu thập các chứng cứ phụ trợ bao gồm những thông tin về người học từ hồ sơ, sổ sách giáo vụ, các báo cáo,… và từ những người có liên quan đến sự học tập của người học.
Sự thông thạo các NLTH của người học được đánh giá và xác nhận theo các quan điểm sau:
- Đánh giá riêng rẽ từng cá nhân người học khi họ hoàn thành công việc;
- Người học phải thực hiện các công việc theo cách thức giống như của người lao động thực hiện trong thực tế lao động nghề nghiệp;
- Kiến thức liên quan và thái độ cần có đều là những bộ phần cấu thành cần được đánh giá;
- Các tiêu chuẩn dùng trong việc đánh giá là những yêu cầu đặt ra ở mức độ tối thiểu để đảm bảo rằng sau khi học xong thì người học bước vào làm việc được. Những kỹ năng hoặc kiến thức mà người học đã thông thạo trước đó có thể được công nhận hoặc miễn trừ khi học sau này;
- Các tiêu chí và chỉ báo dùng cho đánh giá được công bố cho người học biết trước khi đánh giá.
Vì vậy, đánh giá cần được thiết kế cẩn thận để khuyến khích kiểu học tập mong muốn. Sinh viên sẽ rèn luyện kiểu học tập mà họ hiểu từ các yêu cầu của đánh giá.
Để đạt tới nhất quán giữa khung NLTH cần có và đánh giá cũng cần có các kiểu đánh giá đa dạng khác nhau. Mỗi môn học, học phần có các mục tiêu khác nhau nên không thể chỉ sử dụng một kiểu đánh giá cho tất cả các mục tiêu này. Tương tự, các hoạt động học tập nhằm đạt tới các mục tiêu hình thành các năng lực khác nhau, vì vậy, cùng cần các kiểu đánh giá khác nhau cho phù hợp. Đó là cách để đạt tới nhất quan giữa các thành tố của mô hình chương trình đào tạo.
b) Phản hồi thông tin [Nguyễn Tiến Hùng (2014). “Quản lý nguồn nhân lực chiến lược dựa vào năng lực”, Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 110, tháng 11 năm 2014, tr. 1- 4], [Nguyễn Thiện Nhân (2008), “Đào tạo theo nhu cầu xã hội một giải pháp chiến lược để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo hiện nay”, Tạp chí Dạy và học ngày nay (số 3)] là trọng tâm của mô hình phát triển và quản lý phát triển CTĐT đáp ứng yêu cầu khung NLTH. Phản hồi thông tin từ SV có thể giúp phát triển và điều chỉnh từng thành tố của mô hình phát triển chương trình. Giảng viên sẽ nhận ra cách để cải tiến bài giảng của mình được tốt hơn và phù hợp với SV hơn. Các kế hoạch đào tạo cũng được điều chỉnh dựa vào thông tin phản hồi của SV.
Vì vậy, trường đại học nói chung và giảng viên nói riêng cần luôn tìm kiếm tư vấn từ thông tin phản hồi để cải tiến công việc của mình. Nhu cầu của SV cũng thay đổi nên việc thích nghi là cần thiết.
Ngoài ra, còn cần giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện CTĐT nhằm xem xét các hoạt động của cá nhân, tổ chức trong nhà trường có đảm đương được nhiệm vụ đề ra hay không để điều chỉnh quản lý cho phù hợp.
Giám sát, kiểm tra kịp thời, đúng lúc đến hành vi cá nhân, tổ chức sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm, động viên, khuyến khích tích cực, sáng tạo của họ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời phát hiện những điểm chưa được để uốn nắn sửa chữa kịp thời.
Bản thiết kế chương trình cần được tổ chức thử nghiệm và đánh giá tính hợp lý và tính khả thi của chương trình. Các tiêu chí đánh giá chương trình tập trung ở các điểm sau [Trần Khánh Đức (2014), Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỷ XXI, Giáo dục, Hà Nội.], [Phan Văn Kha (1998), Xây dựng chiến lược phát triển giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp ở Việt Nam - một số điểm tiếp cận, Giáo dục, Hà Nội.]:
- Tính định hướng mục tiêu: Xác định rõ mục tiêu đào tạo, cấu trúc và nội dung chương trình được lựa chọn và sắp xếp hợp lý, phù hợp với các loại
hình và trình độ đào tạo theo các bậc học và phương thức đào tạo để đạt được mục tiêu đào tạo mong muốn hay dự kiến.
- Tính hệ thống: Cấu trúc và nội dung chương trình được lựa chọn và sắp xếp có hệ thống đảm bảo trình tự, logic và mối liên hệ, gắn kết lẫn nhau, cân đối trong các thành phần, yếu tố của chương trình giữa lý thuyết, thực hành, giữa các phần, các môn học... đảm bảo chương trình là một chỉnh thể thống nhất, một bản thiết kế tổng thể quá trình đào tạo có trọng tâm, trọng điểm.
- Tính hiện đại: Chương trình được thiết kế trên cơ sở tiếp cận với các quan điểm mới hiện đại về phát triển chương trình giáo dục. Nội dung chương trình cập nhật với hệ thống tri thức mới, hiện đại của khoa học - công nghệ và thực tiễn đời sống văn hóa - xã hội, lao động nghề nghiệp....
- Tính hiệu quả: Chương trình là một nhân tố quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo và chất lượng, hiệu quả của khóa đào tạo thông qua kết quả đào tạo.
- Tính khả thi: Chương trình có khả năng thực hiện trong các điều kiện và môi trường thực tế của cơ sở đào tạo.