CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẰNG PHƯƠNG THỨC TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI
2.1 Thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 30/6/2015, cả nước có 11 Trung tâm trọng tài, trong đó, tại Hà Nội có 03 Trung tâm, tại thành phố Hồ Chí Minh có 07 Trung tâm và 02 Chi nhánh của Trung tâm, tại thành phố Cần Thơ có 01 Trung tâm, tại thành phố Đà Nẵng có 01 Chi nhánh của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Hiện nay, chưa có Trung tâm trọng tài nào lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở nước ngoài. Tính đến 30/6/2015, trong cả nước có 345 trọng tài viên, trong đó, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có 149 trọng tài viên, chiếm gần 50% tổng số trọng tài viên trong cả nước. Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp thì số lượng trọng tài viên là giáo sư, Phó giáo sư chiếm 5,5 % trên tổng số trọng tài viên trong cả nước; số lượng trọng tài viên có trình độ tiến sỹ chiếm 30,7%; số lượng trọng tài viên có trình độ thạc sỹ chiếm 17,3%. Về trình độ chuyên môn, hầu hết các trọng tài viên đều có bằng tốt nghiệp đại học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau; đồng thời đang đảm nhiệm các công việc trong các lĩnh vực khác như luật sư (số luật sư là trọng tài viên của VIAC chiếm 29%), luật gia (số luật gia là trọng tài viên của VIAC chiếm 15%), kỹ sư, chuyên gia thương mại quốc tế (số chuyên gia thương mại quốc tế là trọng tài viên củaVIAC chiếm 22%)… Phần lớn số trọng tài viên là giáo sư, tiến sỹ vừa kiêm nhiệm công việc trong các cơ quan Nhà nước và thực hiện hoạt động trọng tài ở các Trung tâm trọng tài, đặc biệt VIAC còn có đội ngũ trọng tài viên là người nước ngoài đang hành nghề tại Trung tâm. Hiện nay, VIAC có 17 trọng tài viên là người nước ngoài để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Nhìn chung, đội ngũ trọng tài viên đều có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực sôi động trong bối cảnh hội nhập quốc tế như bảo hiểm, thương mại quốc tế, đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu...
Nhiều trọng tài viên bên cạnh có trình độ, kiến thức chuyên môn còn sử dụng thành thạo ngoại
ngữ là điều kiện thuận lợi để tham gia vào việc giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài và các vụ việc tranh chấp quốc tế. Ngoài những điểm mạnh về cả số lượng của các trung tâm trọng tài lẫn chất lượng của các trọng tài viên thì vẫn còn một số điểm yếu như do hoạt động trọng tài ở Việt Nam còn chưa phát triển, số lượng vụ việc tranh chấp do trọng tài thương mại xử lý còn rất khiêm tốn nên các trọng tài viên còn chưa có nhiều cơ hội cọ xát kinh nghiệm thực tiễn. Một số trọng tài viên còn thiếu kỹ năng nghề nghiệp, thiếu kiến thức về thương mại quốc tế và lúng túng trong quá trình tham gia tố tụng trọng tài. Hơn nữa, một bộ phận trọng tài viên Việt Nam hiện nay còn yếu về trình độ ngoại ngữ và hạn chế trong việc cập nhật kiến thức thương mại quốc tế.
Đối với Trung tâm trọng tài, cơ sở vật chất, trang thiết bị của một số Trung tâm trọng tài còn thiếu thốn, nghèo nàn, công tác quản trị, điều hành Trung tâm còn lỏng lẻo, thiếu tính chuyên nghiệp. Mặc dù trong cả nước có 11 Trung tâm trọng tài nhưng Trung tâm thường xuyên có vụ việc giải quyết còn rất ít, cá biệt còn có Trung tâm trọng tài đã thành lập từ lâu, tuy nhiên, trong thời gian qua không ban hành một phán quyết trọng tài nào.
Cách giải quyết bất cập của một số Trung tâm Trọng tài còn bất cấp như kỹ năng tiếp nhận hồ sơ vụ kiện trọng tài của Ban Thư ký của các Trung tâm Trọng tài khi tiếp nhận hồ sơ: cách xác định thẩm quyền của người ký đơn khởi kiện trọng tài; nội dung giấy ủy quyền của người có thẩm quyền cho người tham gia tố tụng trọng tài; tính hợp lệ các chứng thư liên quan đến vụ kiện khi các bên cung cấp trong hồ sơ vụ kiện trọng tài chưa hợp lệ theo quy định của Luật Trọng tài và quy tắc tố tụng trọng tài còn khá nhiều bất cập gây lúng túng cho các Hội đồng Trọng tài khi nhận hồ sơ của Ban Thư ký Trung tâm Trọng tài chuyển giao. Sự bất cập còn thể hiện ở việc tiếp nhận vụ kiện xử lý một thời gian sau đó làm văn bản chuyển sang cho Tòa giải quyết vì không có thẩm quyền, việc đã xảy ra tại một Trung tâm Trọng tài khi thụ lý một vụ kiện Trọng tài một bên là một doanh nghiệp xây dựng, một bên là chủ nhà thuê doanh nghiệp đó xây dựng công trình nhà ở, ngay từ đầu Trung tâm Trọng tài đó đã biết chủ thể hai bên không thỏa mãn thẩm quyền trọng tài nhưng Trung tâm Trọng tài đó vẫn nhận để thu phí trọng tài và hòa giải, nhiều lần mời qua lại sau đó làm văn bản chuyển vụ kiện đó cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết, sau đó vụ kiện được chuyển sang Tòa án giải quyết tiếp tục, cách tiếp nhận giải quyết
như thế của Trung tâm Trọng tài đã làm cho các doanh nghiệp ngày càng thờ ơ đối với phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài.
Sự chênh lệch về kiến thức chuyên môn và kỷ năng tố tụng trọng tài của một số trọng tài viên. Sự chênh lệch này làm bộc lộ tính không chuyên nghiệp của các trọng tài viên. Bên cạnh những trọng tài viên có chuyên môn nghiệp vụ pháp lý thì còn có những trọng tài viên chỉ giỏi về chuyên môn nhưng thiếu kiến thức pháp luật về trọng tài và kỹ năng thao tác trong tố tụng trọng tài. Theo khảo sát mới đây cho thấy có đến 72,6% ý kiến cho rằng các trọng tài viên hiện nay thiếu kỹ năng giải quyết tranh chấp, 65% cho rằng thiếu số lượng trọng tài viên, 51,1% cho rằng trọng tài viên thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp, 44,7% cho rằng thiếu trình độ chuyên môn và đặc biệt có đến 44,3% cho rằng các trọng tài viên hiện nay thiếu kiến thức pháp luật. Chúng ta đều biết, giải quyết tranh chấp là một hoạt động trí tuệ tương đối phức tạp. Do vậy, sự chênh lệch về khả năng giải quyết tranh chấp và cách giải quyết bất cập của một số trọng tài viên dễ dẫn đến tình trạng các trọng tài viên ra những phán quyết không đảm bảo những yêu cầu pháp lý, không chính xác hoặc không thể thực hiện được.
Khả năng viết phán quyết của các trọng tài viên còn yếu và thiếu chặt chẽ. Khi khảo sát một số quyết định trọng tài cho thấy một số trọng tài viên viết quyết định trọng tài còn thiếu chặt chẽ; từ lập luận nhận định về thẩm quyền, về thỏa thuận trọng tài, về hành vi vi phạm của các bên,lý luận chấp nhận hoặc bác các yêu cầu của các bên chưa đảm bảo tính lý luận và pháp lý, dẫn đến ra các phán quyết tuyên xử không chính xác; không rõ ràng, không chặt chẽ, không chuyên nghiệp và không đủ sức thuyết phục các bên.Cho đến khi quyết định trọng tài có hiệu lực thi hành thì cơ quan thi hành án cũng không thể thi hành được trong thực tế.
Về hoạt động trọng tài
Tại Việt Nam, trọng tài thương mại chưa trở thành một hình thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án được ưa chuộng. Các cá nhân, tổ chức kinh doanh chưa ưu tiên lựa chọn trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp mà vẫn có xu hướng lựa chọn Tòa án như một phương thức giải quyết tranh chấp tối ưu. Do đó, số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài
còn thấp (chiếm chưa đến 1% số lượng các tranh chấp thương mại). Trong các Trung tâm trọng tài thương mại, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) được đánh giá là Trung tâm trọng tài lớn cũng chỉ giải quyết vài chục vụ/năm. So với hàng chục nghìn vụ/năm của các Trung tâm trọng tài lớn trong khu vực và trên thế giới như Trung tâm trọng tài Singapore (SIAC) hoặc Trung tâm trọng tài Hồng Kông (HIAC) thì số vụ việc mà Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) giải quyết còn rất khiếm tốn so với tiềm năng của Trung tâm và nhu cầu giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài. Trong khi đó, việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án luôn ở mức quá tải. Trong năm 2012 (tính từ 01/10/2011 đến 30/9/2012), tòa án các cấp xét xử 332.868 vụ án các loại trong tổng số 360.941 vụ án đã thụ lý (đạt 92%)1. Theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao (tháng 3/2013), trong tổng số gần 400 vụ án cần được xét xử giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao nhưng Hội đồng này chỉ họp toàn thể để xét xử được hơn 200 vụ.
Hủy phán quyết trọng tài
Tình trạng hủy phán quyết trọng tài của Tòa án còn gây tâm lý lo ngại cho người dân và doanh nghiệp khi đưa ra quyết định lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Theo số liệu thống kê của các Tòa án, tính đến tháng 6/2014, số lượng phán quyết trọng tài bị hủy trong cả nước là 07/33 đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, chiếm tỉ lệ khoảng 22% số đơn yêu cầu. Thực tiễn cho thấy, các quyết định của Tòa án hủy phán quyết trọng tài thường tập trung vào hai căn cứ (i) không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Thỏa thuận trọng tài thường được các bên ghi nhận trong hợp đồng, Tòa án thường đưa ra nhận định người ký kết hợp đồng không đủ năng lực hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã ký thỏa thuận trọng tài vượt quá thẩm quyền để tuyên Hợp đồng vô hiệu dẫn đến thỏa thuận trọng tài cũng vô hiệu (ii) phán quyết trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Luật mẫu UNCITRAL và pháp luật trọng tài nhiều nước trên thế giới quy định pháp quyết
trọng tài chỉ bị hủy khi trái với “trật tự công cộng”. Có thể thấy, cơ sở pháp lý để hủy phán quyết trọng tài trong những trường hợp nêu trên theo quy định của Luật trọng tài thương mại còn rất rộng, chưa rõ, dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Bất cập trong việc hủy quyết định trọng trọng tài thương mại. Quy định về hủy quyết định trọng tài, đó là khi một bên không đồng ý với quyết định của trung tâm trọng tài, các bên có quyền yêu cầu Tòa án hủy quyết định trọng tài “trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trọng tài”. Tuy nhiên, Tòa án chỉ có thẩm quyền hủy quyết định trọng tài chỉ khi nào việc tiến hành giải quyết tranh chấp thương mại của trung tâm trọng tài/Trọng tài viên rơi vào một trong các trường hợp quy định. Theo khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010, căn cứ để các bên dựa vào để yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy quyết định trọng tài như là: không có thỏa thuận Trọng tài hoặc thỏa thuận vô hiệu mà Hội đồng Trọng tài vẫn ra quyết định, chứng minh được Trọng tài viên vi phạm nghĩa vụ theo quy định, sai phạm về thẩm quyền hoặc thành phần của Hội đồng Trọng tài, nghĩa vụ của Trọng tài viên… những hạn chế của phương thức quyết định trọng tài bằng con đường Trọng tài.
Thực tế, bên không chấp nhận quyết định trọng tài có thể viện dẫn nhiều lý do để xin hủy quyết định trọng tài bởi thực chất phạm vi của các căn cứ là rất rộng; khi đó Tòa án buộc phải xem xét bằng việc kiểm tra thủ tục tố tụng Trọng tài chứ không xét lại nội dung vụ tranh chấp để ra quyết định có hủy hay là không. Do vậy, tùy theo từng vụ việc cụ thể, các đương sự trong tranh chấp phải xác định được con đường đi của phương thức này, nếu nhận thấy sự sai phạm thì có thể yêu cầu tòa án hủy QĐTT để bảo vệ quyền lợi cho mình. Khi quyết định trọng tài bị hủy thì có thể tiếp tục thỏa thuận việc giải quyết bằng Trọng tài hoặc đưa vụ việc ra Tòa án và thực tế là Tòa án luôn là nơi để các bên lựa chọn bởi trong trường hợp này, rất khó để các bên có thể cùng nhau đạt được một thỏa thuận nào nữa.
Thi hành phán quyết trọng tài
Tỷ lệ đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phán quyết trọng tài được thi hành mới chỉ đạt 60%. Số vụ việc phán quyết trọng tài được thi hành chưa cao bởi một số lý do như
việc xác minh tài sản của người phải thi hành phán quyết trọng tài tại nhiều địa phương đặc biệt là khi tổ chức, cá nhân là người nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn khi phán quyết trọng tài của Trung tâm trọng tài ban hành liên quan đến tài sản tại nhiều quốc gia khác nhau; tình trạng một số phán quyết trọng tài tuyên không cụ thể, không rõ ràng cũng gây vướng mắc trong quá trình thi hành; hiện tượng bên phải thi hành án lợi dụng việc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại tòa án để có thời gian tẩu tán tài sản vẫn khá phổ biến. Việc chậm thi hành hoặc không thi hành phán quyết trọng tài là những nguyên nhân làm cho hoạt động trọng tài kém hấp dẫn.
Thỏa thuận trọng tài
Thỏa thuận trọng tài thương mại trong hợp đồng chưa đúng quy định pháp luật. Song song với thực tiễn hạn chế của các tổ chức trọng tài thương mại thì hạn chế từ phía các doanh nghiệp khi đàm phán ký kết hợp đồng, trong đó lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết khi có tranh chấp phát sinh cũng là những nguyên nhân làm cho việc áp dụng pháp luật trọng tài khó được thực hiện. Trên thực tiễn những tổ chức trọng tài này chủ yếu giải quyết các tranh chấp về hợp đồng thương mại quốc tế, còn với những tranh chấp về hợp đồng thương mại trong nước thì rất hạn chế, theo thống kê có đến hơn 95% tranh chấp hợp đồng thương mại trong nước được đưa ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng nêu trên là doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có sự nhận thức khác nhau khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Trong hợp đồng thương mại hiện nay về điều khoản giải quyết tranh chấp, các doanh nghiệp trong nước thì thường hay chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là cơ quan Tòa án nhân dân có thẩm quyền vì các doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng trọng tài khi giải quyết tranh chấp hợp đồng, họ cho rằng quyết định của Tòa án có giá trị pháp lý cao hơn quyết định của trọng tài; họ chưa tin lắm về hiệu lực thi hành các quyết định trọng tài và do họ chưa nhận biết được tính ưu việt hơn của phương thức giải quyết tranh chấp trọng tài so với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.
Ngược lại các doanh nghiệp nước ngoài khi ký kết hợp đồng mua bán hay cung cấp dịch vụ với các doanh nghiệp trong nước thì thường lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng
trọng tài nhiều hơn hình thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án vì họ đã nhận thức đầy đủ các ưu thế của Trọng tài: giải quyết tranh chấp nhanh về hiệu lực chung thẩm của quyết định trọng tài; được quyền lựa chọn trọng tài viên có chuyên môn giải quyết vụ tranh chấp; phương thức giải quyết tranh chấp không công khai nên bí mật tranh chấp được giữ kín thông tin tranh chấp rất hạn chế bị đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng. . . nhưng họ lại lựa chọn trọng tài nước ngoài nhiều hơn là trọng tài Việt Nam, chỉ một số ít mới lựa chọn sử dụng Tòa án khi giải quyết tranh chấp. ngoài ra, Do không nắm được quy định của pháp luật, điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là thẩm quyền lựa chọn có điều kiện là phải lựa chọn đúng tên tổ chức trọng tài giải quyết tranh chấp còn thẩm quyền của Tòa án là thẩm quyền đương nhiên và doanh nghiệp cũng không biết rằng kết quả giải quyết của trọng tài là chung thẩm, không thể yêu cầu Tòa án giải quyết tiếp tục khi trọng tài đã giải quyết xong nên khi các doanh nghiệp giao kết điều khoản trọng tài như sau :
-Khi có tranh chấp hợp đồng xảy ra hai bên thống nhất chuyển vụ việc cho Trọng tài Việt Nam giải quyết (Không nêu rõ tên tổ chức trọng tài nào cụ thể, rất khó xác định tổ chức trọng tài nào sẽ giải quyết khi có tranh chấp xảy ra).
-Khi có tranh chấp hai bên thống nhất lựa chọn trọng tài Việt Nam giải quyết lần đầu và trọng tài Singapore giải quyết cuối cùng” (vì phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm nên khi thỏa thuận như vậy sẽ làm cho thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu).
Đây là những điều khoản trọng tài vô hiệu làm mất thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại bằng trọng tài.