Những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập " giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại" (Trang 27 - 35)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẰNG PHƯƠNG THỨC TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

2.2 Những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại

Hoàn thiện quy định của pháp luật về trọng tài

- Hoàn thiện quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại

Các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Trọng tài thương mại 2010 nên giải thích theo hướng mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài, tôn trọng ý chí tự do thỏa thuận của các bên

tranh chấp. Cụ thể, nên quy định thẩm quyền của trọng tài theo phương pháp loại trừ, mở rộng thẩm quyền của trọng tài ra cả những tranh chấp dân sự, trừ một số tranh chấp liên quan đến quyền nhân thân, quan hệ hôn nhân, gia đình và thừa kế theo quy định của Luật dân sự. Quy định như vậy sẽ phù hợp với pháp luật chung của thế giới. Ví dụ, theo Luật Trọng tài Singapore thì trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự, trừ tranh chấp về hình sự và tranh chấp hôn nhân gia đình.

- Hoàn thiện quy định của pháp luật về biện pháp khẩn cấp tạm thời

Pháp luật trọng tài hiện hành nên có quy định về việc thi hành các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đại diện dự án USAID/STAR cho rằng, việc thi hành các quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng như việc thay đổi, áp dụng bổ sung, hủy bỏ các biện pháp này nên thực hiện tương tự như áp dụng các biện pháp của Tòa án.

- Hoàn thiện quy định của pháp luật về vấn đề xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu

Pháp luật Trọng tài thương mại nên bổ sung quy định về thủ tục yêu cầu Tòa ám xem xét quyết địnhcủa Hội đồng trọng tài về vấn đề vô hiệu của thỏa thuận trọng tài. Cụ thể trong thời gian Tòa án xem xét để ra quyết định thỏa thuận trọng tài có vô hiệu hay không, Hội đồng trọng tài nên tạm dừng tố tụng. Bản thân trong thời gian này, dù có tiến hành tố tụng, các bên cũng khó đạt được một kết quả như mong đợi khi một bên đã không thiết tha với việc giải quyết tranh chấp tại Trọng tài và yêu cầu Tòa án xem xét tuyên thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Hơn nữa, dù có đạt được kết quả giải quyết tranh chấp trong thời gian này, mà sau đó, Tòa án tuyên thỏa thuận trọng tài vô hiệu, đương nhiên dẫn đến việc phán quyết của Trọng tài không có giá trị. Sau khi Tòa án có quyết định cụ thể, phụ thuộc vào quyết định của Tòa án mà tố tụng trọng tài tiếp tục nếu Tòa án xác định thỏa thuận trọng tài là không vô hiệu; trường hợp tòa án tuyên thỏa thuận vô hiệu thì khi đó từ việc tạm dừng tố tụng, Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết

vụ tranh chấp. Khi đó, các bên chuẩn bị tâm thế cho việc vụ tranh chấp có thể được đưa ra tòa án để giải quyết.

- Hoàn thiện một số quy định về trọng tài viên

Thứ nhất, để đảm bảo nâng cao số lượng song hành với việc nâng cao chất lượng Trọng tài viên theo hướng giỏi về trình độ chuyên môn,có đạo đức nghề nghiệp, giàu kinh nghiệm thực tiễn, các thương nhân có thời gian dài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại muốn trở thành Trọng tài viên nên buộc tham gia một khóa học Trọng tài.

Thứ hai, các tiêu chuẩn về chuyên môn của Trọng tài viên nên được xóa bỏ trong Luật Trọng tài thương mại 2010. Thay vào đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ Trọng tài viên, Nhà nước có thể thực hiện các biện pháp khác.

- Hoàn thiện quy định của pháp luật về trọng tài vụ việc

Thứ nhất, Luật TTTM cần quy định về thời gian thành lập Hội đồng Trọng tài vụ việc trong trường hợp có khiếu nại quyết định chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn. Việc quy định thời hạn bao lâu hai Trọng tài viên phải bầu Chủ tịch Hội đồng Trọng tài sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án có ý nghĩa hết sức quan trọng về tính hợp pháp liên tục của tố tụng Trọng tài, bởi lẽ, nếu hai Trọng tài viên không thể tự mình bầu được Chủ tịch Hội đồng Trọng tài thì các bên phải đề nghị TAND có thẩm quyền chỉ định Chủ tịch Hội đồng Trọng tài cho mình theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật TTTM chứ không thể kéo dài tố tụng. Cụ thể nên quy định bổ sung: “Trường hợp có khiếu nại quyết định chỉ định Trọng tài viên cho các bên, thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày Tòa án có thẩm quyền có văn bản giải quyết khiếu nại, hai Trọng tài viên phải bầu Chủ tịch Hội đồng Trọng tài để giải quyết vụ kiện.”

Thứ hai, Luật Trọng tài thương mại cần quy định bổ sung trao cho Hội đồng Trọng tài vụ việc các thẩm quyền quyết định liên quan đến trình tự, thủ tục tố tụng Trọng tài. Cụ thể là bổ sung: “Hội đồng Trọng tài vụ việc được quyền quyết định các trình tự, thủ tục giải quyết vụ tranh chấp nếu các bên tranh chấp không tự thỏa thuận được”. Còn nếu sự thay đổi thủ tục tố tụng của các bên về địa điểm và ngôn ngữ giải quyết tranh chấp đều hợp pháp thì nên bổ sung trong Luật Trọng tài thương mại như sau: “Mọi sự thay đổi về trình tự, thủ tục tố tụng Trọng tài trước và sau khi xảy ra tranh chấp đều phải được lập thành văn bản và do Hội đồng Trọng tài quyết định sự thay đổi”.

Thứ ba, cần có văn bản hướng dẫn áp dụng quy định: “Chủ tịch Hội đồng Trọng tài vụ việc phải thực hiện việc đóng gói và lưu trữ hồ sơ vụ kiện trong thời gian 05 năm và có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Tòa án nhân dân có thẩm quyền khi có yêu cầu”.

- Hoàn thiện những quy định khác của luật để phù hợp với thực tế

Về khoản 8 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại 2010 nên có hướng dẫn về tiền tài chính cần cung cấp phải tương đương với giá trị thiệt hại xảy ra mà nên có những biện pháp đánh giá đúng tình hình thực tế vụ việc cũng như tài chính của doanh nghiệp để đưa ra những con số hợp lý. Quy định này trên thực tế sẽ đảm bảo quyền lợi người bị xâm phạm, ngăn chặng bên vi phạm tẩu tán và thay đổi hiện trạng tài sản.

Ngoài ra, cần đưa ra chế tài đối với các cá nhân, tổ chức không thực hiện yêu cầu của Toà án liên quan đến hoạt động Trọng tài. Đồng thời, cũng phải có chế tài đối với cá nhân, tổ chức lưu giữ chứng cứ trong thời gian chờ đợi để giao chứng cứ cho Hội đồng trọng tài.

Kiến nghị các biện pháp hỗ trợ để đảm bảo việc thực thi trên thực tế pháp luật Trọng tài thương mại

- Về cơ chế hỗ trợ của Tòa án đối với hoạt động của trọng tài

Trọng tài các nước trên thế giới hoạt động rất hiệu quả chính là nhờ cơ chế hỗ trợ tích cực của tòa án trong quá trình tham gia tố tụng trọng tài. Ở Mỹ, tòa án hầu như tham gia toàn bộ vào quá trình tố tụng trọng tài từ việc xem xét thỏa thuận trọng tài cho đến lúc Hội đồng trọng tài ra phán quyết…hay ở Trung Quốc, tòa án cũng tham gia rất tích cực, có hiệu quả vào hoạt động của trọng tài…Chính vì thế, mà làm cho hoạt động của trọng tài ở các nước diễn ra nhanh chóng, tích cực, giải quyết nhanh gọn và đáp ứng quyền lợi của các bên. Từ thực tiễn của các nước, thiết nghĩ Việt Nam chúng ta cũng cần có các quy định cụ thể về sự hỗ trợ của tòa án đối với hoạt động của trọng tài. Tòa án cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa trong quá trình giải quyết tranh chấp của trọng tài, tránh tình trạng chồng chéo thẩm quyền giữa trọng tài và tòa án, tránh cho quá trình giải quyết tranh chấp bị gián đoạn, thiếu linh hoạt và không đạt hiệu quả.

- Về sử dụng án lệ trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Việc áp dụng án lệ trong giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại nói riêng và tranh chấp thương mại nói chung được sử dụng rộng rãi trên nhiều quốc gia. Trong hoạt động xét xử của Tòa án Việt Nam, việc áp dụng án lệ đã được từng bước thực hiện một cách không chính thức trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân tối cao đối với Tòa án các cấp dưới hình thức báo cáo tổng kết hoạt động hàng năm; các công văn khoa học xét xử, việc ban hành rộng rãi các quyết định Giám đốc thẩm đối với các bản án hình sự, dân sự, thương mại, lao động và hành chính. Đây là những tín hiệu tốt ban đầu để các nhà lập pháp Việt Nam có thể công nhận án lệ là một nguồn chính thức của hệ thống pháp luật Việt Nam được áp dụng trong hoạt động giải quyết tranh chấp.

- Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án

Bên cạnh việc hoàn thiện một số quy định pháp luật về trọng tài, cụ thể về quá trình hỗ trợ của các cơ quan tư pháp đối với hoạt động của trọng tài. Để có thể làm được việc đó thì cần thiết phải xây dựng một văn bản quy định việc hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật trọng tài, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp (có thể là một thông tư liên tịch) trong đó cần quy định cụ thể việc hỗ trợ của cơ quan Tòa án và cơ quan thi hành án đối với hoạt động của trọng tài. Chỉ có thế, mới làm cho các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án có cách hiểu đúng và toàn diện về các quy định của pháp luật trọng tài trong việc hỗ trợ hoạt động cho trọng tài. Từ đó, làm cho hoạt động hỗ trợ của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với quá trình tố tụng trọng tài mang tính tích cực và đạt hiệu quả cao. Điều đó giúp cho việc thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài tại việt Nam được nhanh chóng và hiệu quả hơn.

- Đối với các trung tâm trọng tài

Các trung tâm trọng tài cần chủ động, tích cực hơn trong việc mở rộng danh sách trọng tài viên, đặc biệt chú trọng tới các chuyên gia có uy tín và trình độ chuyên môn cao; bồi dưỡng nâng cao trình độ của các trọng tài viên hiện có nhằm nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp của các trung tâm trọng tài. Các trung tâm trọng tài cần tăng cường hợp tác với các tổ chức trọng tài trong và ngoài nước nhằm học hỏi kinh nghiệm cũng như nhận được những sự hỗ trợ cần thiết; thường xuyên tổ chức việc tuyên truyền, giới thiệu về tổ chức và hoạt động của mình cho các doanh nghiệp… Nếu làm được như vậy, chắc chắn hoạt động trọng tài trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực, những kết quả đáng kể hơn trong thời gian tới. Các trung tâm trọng tài nên có các chương trình xúc tiến, thậm chí tự tiếp thị và chủ động học hỏi cách làm của trọng tài các nước, thay vì chờ đợi một cách thụ động. Chú trọng đến việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao tay nghề cho đội ngũ trọng tài viên nhằm nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo phán quyết của mình đúng pháp luật. Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác như cơ quan Tòa án, cơ quan thi hành nhằm đảm bảo phán quyết của mình được thi hành đúng quy định của pháp luật.

- Đối với các doanh nghiệp

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp nước ngoài đều sử dụng phương thức trọng tài cho nên doanh nghiệp Việt Nam không thể nằm ngoài quy luật chung đó. Khi hội nhập kinh tế quốc tế thì các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài ngày càng nhiều và phức tạp, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tiếp cận với phương thức trọng tài như là điều khoản cần có trong luật chơi trong nước và quốc tế. Thiết nghĩ, việc các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức lại về phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại bằng trọng tài và cần nhận thức một cách đầy đủ những ưu thế khi lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, thời gian giải quyết tranh chấp nhanh, ít tốn kém chi phí, hiệu lực quyết định trọng tài là chung thẩm rút ngắn được các trình tự giải quyết hai cấp, giữ được bí mật kinh doanh, được lựa chọn người có chuyên môn tương ứng với vụ tranh chấp để giải quyết tranh chấp, các thủ tục lấy lời khai của các bên trong giải quyết tranh chấp trọng tài hết sức văn minh bằng văn bản, quyết định trọng tài được cơ quan thi hành án thi hành theo Luật thi hành án dân sự. . . . Song song đó trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ tranh chấp thương mại, đầu tư, nội dung tranh chấp ngày càng phức tạp mà các nước trên thế giới đều chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là hiệu quả và hợp lý nhất.

C. KẾT LUẬN

Như vậy, phương thức giải quyết tranh chấp bằng hợp đồng trọng tài thương mại đang ngày càng được các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn và áp dụng. Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện, tuy nhiên các quy định của pháp luật ngày càng được sửa đổi theo hướng hoàn thiện hơn, góp phần làm cho việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hiệu quả và chất lượng hơn. Bên cạnh đó các trọng tài viên cũng được trang bị kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tế nhiều hơn trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng. Vì vậy, lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại là phương pháp lựa chọn tối ưu và đạt kết quả cao cho các bên.

Một phần của tài liệu Báo cáo thực tập " giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài thương mại" (Trang 27 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(35 trang)
w