PHÂN TÍCH CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN LƯỢNG VỐN VAY CỦA NÔNG HỘ TẠI HUYỆN CHÂU THÀNH A

Một phần của tài liệu Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của nông hộ huyện châu thành a, tỉnh hậu giang (Trang 37 - 41)

CHƯƠNG 4. PHÂN TÍCH CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN LƯỢNG VỐN

4.1. PHÂN TÍCH CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN LƯỢNG VỐN VAY CỦA NÔNG HỘ TẠI HUYỆN CHÂU THÀNH A

Qua phân tích tình hình sử dụng vốn vay của nông hộ, ta thấy nguồn vốn vay có tác động rất lớn đến thu nhập của các nông hộ. Tuy nhiên, việc các nông hộ có vay được lượng vốn như mong muốn hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố.

Mô hình ước lượng các yếu tố ảnh hưởng đến lượng vốn vay của nông hộ có dạng tổng quát:

Y=b0+b1X1+ b2 X2+ b3X3+ b4X4+ b5X5+ b6X6 +ε Trong đó:

Biến phụ thuộc Y: Lượng vốn vay từ nguồn chính thức của nông hộ

Các biến độc lập X1, X2, X3, X4, X5, X6 được xác định trong số các yếu tố sau:

- Hộ có đất hay không có đất: biến này là biến giả nhị phân, bao gồm hai giá trị 1 và 0 (1-hộ có đất, 0-hộ không có đất). Việc nông hộ có đất hay không ảnh hưởng rất nhiều đến lượng vốn vay từ tổ chức tín dụng của nông hộ bởi vì ngoại trừ ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng khác đều đòi hỏi phải có tài sản thế chấp và số lượng vốn vay được phụ thuộc vào giá trị của tài sản đem thế chấp. Thông thường, đối với các nông hộ, thì đất đai là tài sản quý nhất của họ. Vì vậy, biến này được kỳ vọng có tương quan thuận với lượng vốn vay của nông hộ.

- Khoản vốn vay có phải thế chấp tài sản hay không: biến này cũng là biến giả nhị phân, gồm hai giá trị 0 và 1. (0- vay vốn có thế chấp tài sản, 1- vay vốn không thế chấp tài sản). Khi vay tiền ở ngân hàng chính sách xã hội, người vay không cần phải thế chấp tài sản, tuy nhiên, các món vay này chủ yếu là cho vay theo chương trình: hỗ trợ hộ nghèo, chương trình tín dụng sinh viên,… và những món vay này thường là theo định mức quy định và vay theo hình thức tín chấp, do đó, các nông hộ không thể vay được lượng vốn lớn. Các tổ chức tín dụng chính thức khác, như ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chẳng hạn, thì đòi hỏi người vay

phải có tài sản thế chấp, và lượng vốn mà ngân hàng cho vay được căn cứ trên giá trị tài sản thế chấp. Biến này được kỳ vọng sẽ có tương quan thuận với lượng vốn vay của nông hộ, tức là lượng vốn vay của nông hộ sẽ tăng lên khi có thế chấp tài sản.

- Thu nhập trước khi đi vay của nông hộ: giá trị của biến này được xác định bằng tổng thu nhập của nông hộ một năm trước khi đi vay. Thu nhập của nông hộ có ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đi vay vốn của nông hộ. Khi thu nhập của nông hộ càng thấp thì họ càng cần nhiều vốn để tiếp tục đầu tư cho năm tiếp theo. Vì vậy, biến này được kỳ vọng sẽ có tương quan nghịch với lượng vốn vay của nông hộ.

- Nông hộ có thành viên tham gia công tác tại địa phương hay không: đây là biến giả nhị phân gồm hai giá trị, gồm hai giá trị 0 và 1 (0- hộ không có thành viên nào tham gia công tác địa phương, 1- hộ có thành viên nào tham gia công tác địa phương). Khi nông hộ có thành viên tham gia công tác địa phương thì họ sẽ thuận lợi hơn trong việc làm các thủ tục giấy tờ, hồ sơ vay vốn cũng như thông tin về các nguồn vốn vay sẽ nhanh hơn mà không cần mất nhiều thời gian cũng như các khoản chi phí trung gian khi đi vay. Biến này được kỳ vọng sẽ có tương quan thuận với lượng vốn vay của nông hộ.

- Lao động: biến này là số lượng người trong độ tuổi lao động của nông hộ, số lao động của nông hộ càng cao có nghĩa là số người phụ thuộc trong gia đình càng thấp. Thêm vào đó, lao động là lực lượng trực tiếp tạo nên thu nhập của nông hộ. Vì vậy, khi lao động của hộ càng cao thì thu nhập của hộ sẽ tăng và như vậy thì khả năng hộ không cần vay vốn tăng lên. Biến này được kỳ vọng có tương quan nghịch với lượng vốn vay của nông hộ.

- Nghề nghiệp chính của hộ: biến này thể hiện ngành nghề chính mà hộ tham gia hoạt động để tạo ra thu nhập. Nhu cầu vốn đầu tư đối với từng ngành sản xuất là khác nhau, do đó ngành nghề chính mà hộ tham gia hoạt động ảnh hưởng đến lượng vốn vay của nông hộ.

- Tuổi của chủ hộ: biến này cho biết chủ hộ được khảo sát bao nhiêu tuổi.

Biến này được kỳ vọng sẽ có tương quan thuận với lượng vốn vay của nông hộ, vì tuổi của chủ hộ càng cao thì họ có đủ kinh nghiệm để quyết định mọi việc trong gia đình, đầu tư sản xuất. Hơn nữa, càng lớn tuổi, các nông hộ càng tích lũy được nhiều tài sản, do đó, họ cũng dễ dàng vay được số tiền lớn hơn.

- Số người phụ thuộc: biến này được xác định bằng tỷ lệ giữa số người ngoài tuổi lao động (nam trên 60 tuổi, nữ trên 55 tuổi) và thanh niên từ 15 tuổi trở xuống với số thành viên trong gia đình. Biến này được kỳ vọng sẽ có tương quan thuận với lượng vốn vay của nông hộ.

- Trình độ học vấn: biến này thể hiện số năm đến lớp của chủ hộ. Trình độ học vấn có ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của nông hộ. Bởi vì khi trình độ học vấn của chủ hộ càng cao thì khả năng nắm bắt thông tin cũng như khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất càng tăng, do đó họ có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào hoạt động sản xuất và như vậy sẽ làm tăng nhu cầu vốn. Biến này được kỳ vọng sẽ có tương quan thuận với lượng vốn vay của nông hộ.

- Thông tin về nguồn tín dụng: biến này thể hiện khả năng tiếp cận thông tin về nguồn vốn vay chính thức của các nông hộ, bao gồm các giá trị từ 1 đến 3 (1- tiếp cận thông tin dễ dàng, 2- khó khăn, 3- rất khó khăn). Khi khả năng tiếp cận thông tin của các nông hộ thì họ sẽ có nhiều cơ hội vay được vốn hơn. Biến này được kỳ vọng có tương quan nghịch với lượng vốn vay của nông hộ.

Để đảm bảo xây dựng được mô hình ước lượng “tốt nhất” với tất cả các hệ số ước lượng đúng với kỳ vọng, có ý nghĩa thống kê, giá trị R2 cao và các biến độc lập không xảy ra tự tương quan hay đa cộng tuyến, tổng số biến trong mô hình phù hợp với số mẫu quan sát, phương pháp khai thác dữ liệu (mining data) được sử dụng. Mô hình được ước lượng thông qua 6 lần đưa biến vào mô hình hồi quy với sự hỗ trợ của phần mềm SPSS. Các kết quả phân tích hồi quy cho thấy mô hình ước lượng các yếu tố ảnh hưởng đến lượng vốn vay của nông hộ tốt nhất là mô hình hồi quy được xác định ở lần đưa biến vào mô hình thứ 6. Kết quả của mô hình ước lượng này cho thấy lượng vốn vay của nông hộ có tương quan chặt chẽ với tất cả các biến với độ tin cậy 99%. Hệ số R2 = 45,7% có nghĩa là 45,7% sự biến thiên của lượng vốn vay được giải thích bởi các yếu tố được đưa vào trong mô hình. Các hệ số trong ma trận tương quan đều thấp hơn 0,8, điều này cho thấy không có hiện tượng tự tương quan giữa các biến độc lập trong mô hình12.

12 Xem phụ lục 5

Bảng 21. Kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến lượng vốn vay Biến giải thích Hệ số tương quan Sai số chuẩn Sig.

Hộ có đất 27.447.207,480 14.602.887,377 0,069

Thế chấp tài sản 35.635.595,390 14.186.001,575 0,017

Thu nhập trước khi vay vốn - 0,408 0,112 0,001

Thông tin thị trường -15.487.351,124 12.320.253,117 0,217 Tham gia công tác tại địa phương -33.327.790,847 18.397.193,066 0,079

Nghề nghiệp chính -12.479.361,261 10.407.090,294 0,239

(Constant) 59.812.659,748 32.878.861,197 0,077

R 0,676

R Square 0,457

(Nguồn. Số liệu khảo sát 56 nông hộ tại Huyện Châu Thành A, Tỉnh Hậu Giang tháng 6/2009)

Các yếu tố: nông hộ có đất hay không, khoản vay có thế chấp tài sản không, thu nhập trước khi vay vốn, hộ có thành viên tham gia công tác địa phương có ý nghĩa thống kê đối với lượng vốn vay của nông hộ ở mức ý nghĩa lần lượt là 10%, 5%, 1%, 10%. Yếu tố thông tin thị trường vốn và nghề nghiệp chính của nông hộ không có ý nghĩa về mặt thống kê trong mô hình.

- Việc hộ có đất hay không có tương quan thuận với lượng vốn vay của nông hộ ở mức ý nghĩa 10%. Cụ thể, khi các yếu tố khác không thay đổi, nếu nông hộ có đất sẽ làm cho lượng vốn mà nông hộ vay được tăng 27.447.207,480 đồng. Kết quả này phù hợp với giả thuyết mong đợi.

- Khoản vay có thế chấp tài sản hay không cũng có ảnh hưởng tương quan thuận với lượng vốn vay của nông hộ ở mức ý nghĩa 5%. Cụ thể, nếu khoản vay của nông hộ là khoản vay có thế chấp thì lượng vốn mà nông hộ vay được sẽ tăng lên 35.635.595,390 đồng khi các yếu tố khác không thay đổi. Kết quả này phù hợp với kỳ vọng.

- Hệ số tương quan của biến thu nhập trước khi vay vốn của nông hộ cho thấy biến này có tương quan nghịch với lượng vốn vay của nông hộ ở mức ý nghĩa 1%. Khi thu nhập của năm trước khi đi vay tăng lên 1 đồng thì sẽ làm cho lượng vốn vay trong năm của nông hộ giảm xuống 0,408 đồng, trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi.

- Kết quả hồi quy cũng cho thấy, việc nông hộ có thành viên tham gia công tác địa phương có tương quan nghịch với lượng vốn vay của nông hộ. Biến này được kỳ vọng có tương quan thuận với lượng vốn vay của nông hộ. Tuy nhiên, kết quả hồi quy lại cho thấy biến này có tương quan nghịch với lượng vốn vay của nông hộ. Cụ thể, ở mức ý nghĩa 10%, nếu nông hộ có thành viên tham gia công tác tại địa phương sẽ làm lượng vốn vay giảm xuống -33.327.790,847 đồng. Nguyên nhân là do đa số những hộ có thành viên tham gia công tác ở địa phương thường là những hộ khá, kinh tế ổn định nên nhu cầu vay vốn của họ không nhiều.

Từ các kết quả phân tích, ta có phương trình hồi quy ước lượng các nhân tố ảnh hưởng đến lượng vốn vay của nông hộ như sau:

Y = 59.812.659,748 + 27.447.207,480 X1 + 35.635.595,390 X2 - 0,408 X3 - 33.327.790,847X4 Trong đó:

Y: Lượng vốn vay của nông hộ X1: Hộ có đất hay không có đất

X2: Khoản vay có phải thế chấp tài sản hay không X3: Thu nhập trước khi vay vốn

X4: Hộ có thành viên tham gia công tác tại địa phương

Một phần của tài liệu Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của nông hộ huyện châu thành a, tỉnh hậu giang (Trang 37 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(57 trang)