MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN VAY VÀ TĂNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN NGUỒN TÍN DỤNG
CHÍNH THỨC CỦA NÔNG HỘ
5.1. NHỮNG TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN TRONG VIỆC TIẾP CẬN NGUỒN TÍN DỤNG CHÍNH THỨC CỦA CÁC NÔNG HỘ HUYỆN CHÂU THÀNH A, TỈNH HẬU GIANG
5.1.1. Thuận lợi và khó khăn từ môi trường vĩ mô:
5.1.1.1. Thuận lợi
- Phát triển nông nghiệp nông thôn nhiệm vụ then chốt trong công cuộc xây dựng đất nước. Vì vậy, vấn đề tín dụng nông thôn đang được quan tâm sâu sát của các cấp chính quyền.
- Hiện nay, các tổ chức tín dụng chính thức ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, do đó việc tiếp cận nguồn tín dụng chính thức của các nông hộ ngày càng dễ dàng và nhanh chóng hơn, tránh mất thời gian cũng như hạn chế tối đa các khoản chi phí khi đi vay.
- Tỉnh Hậu Giang đang chủ trương xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc để đưa thông tin đến với người dân một cách nhanh nhất. Điều này giúp cho nông hộ có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn thông tin tín dụng.
5.1.1.2. Khó khăn
- Tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm cho giá cả đầu vào nguyên vật liệu tăng cao, trong khi đó, giá đầu ra các sản phẩm nông nghiệp lại giảm, làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các nông hộ cũng như hiệu quả của nguồn tín dụng.
- Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp, thêm vào đó, các dự án quy hoạch treo của Nhà nước đã gây tâm lý không ổn định cho các nông hộ, nhiều hộ không dám mạnh dạn đầu tư vào hoạt động nông nghiệp với quy mô lớn mà chỉ nuôi với quy mô nhỏ, lẻ, cầm chừng, điều này làm cho việc sử dụng nguồn vốn vay không mang lại hiệu quả cao, dễ dẫn đến nhiều trường hợp nông hộ vay vốn về nhưng không sử dụng đúng mục đích.
5.1.2. Những tồn tại và nguyên nhân trong việc tiếp cận nguồn tín dụng chính thức của các nông hộ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, việc tiếp cận nguồn tín dụng chính thức của các nông hộ ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang còn một số tồn tại sau:
- Do trình độ học vấn còn hạn chế nên các nông hộ ở tại địa bàn nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất dẫn đến tình trạng sử dụng nguồn vốn vay không đúng mục đích và không làm tăng thu nhập cho nông hộ cũng như khả năng cập nhật thông tin về các nguồn tín dụng rất hạn chế.
- Lượng vốn vay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nông hộ. Theo kết quả khảo sát thì nguyên nhân của vấn đề này là do các nông hộ không có tài sản thế chấp.
Đối với các nông hộ, đất đai là một trong các yếu tố quan trọng nhất để họ có thể tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức nhưng theo kết quả khảo sát, các nông hộ trên địa bàn có diện tích đất sở hữu bình quân rất thấp (chưa đến 5 nghìn m2/hộ), thậm chí có hộ không có đất canh tác cho nên vẫn còn một số hộ phải đi vay từ nguồn tín dụng phi chính thức với lãi suất rất cao.
- Qua khảo sát, trong quá trình vay vốn, khó khăn lớn nhất mà các nông hộ gặp phải là thủ tục giấy tờ, hồ sơ vay vốn quá rườm rà. Điều này làm cho các nông hộ phải mất nhiều thời gian, chi phí khi đi vay. Vì vậy, trong thực tế, phần vốn vay mà các nông hộ nhận được chỉ khoảng 93 – 94% trong tổng số tiền mà họ vay được.
- Còn tồn tại trường hợp có một số nông hộ trả nợ vay không phải do nguồn tiền từ hiệu quả hoạt động kinh doanh mang lại mà do vay mượn từ các nguồn khác để trả nợ ngân hàng. Nguyên nhân của vấn đề này là do một số nông hộ vay tiền và không sử dụng đúng mục đích đã làm cho nguồn vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đủ, dẫn đến mất khả năng trả nợ, một nguyên nhân nữa là do tình hình dịch bệnh, thiên tai làm cho sản xuất kinh doanh không mang lại hiệu quả nên phải đi vay mượn thêm để trả nợ.
- Nếu nông hộ có tỷ lệ lao động cao thì sẽ làm tăng thu nhập của nông hộ do lao động là lực lượng trực tiếp tạo ra thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, tỷ lệ người phụ thuộc trong các nông hộ khá cao, khoảng 27%, kết
quả là làm cho thu nhập của nông hộ giảm đi bởi vì hộ phải gánh chịu thêm một khoản chi phí như thuốc men, bệnh tật, giáo dục,…
5.2. GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN VAY VÀ TĂNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN NGUỒN TÍN DỤNG CHÍNH THỨC CỦA CÁC NÔNG HỘ
5.2.1. Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay cho các nông hộ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang
- Chuyển đổi phương thức sản xuất: Chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất tập trung, trang trại. Hình thành các hợp tác xã sản xuất cùng ngành nhằm nhằm khắc phục vấn đề hạn chế nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất. Mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, tránh tình trạng đầu tư không đến nơi đến chốn bởi vì đây là một trong nguyên nhân chủ yếu làm cho hoạt động sản xuất không mang lại hiệu quả.
- Ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, làm tốt công tác khuyến nông để các nông hộ có thể tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật mới vào hoạt động sản xuất một cách hiệu quả. Tuy nhiên, đa số các nông hộ thường có trình độ học vấn rất thấp nên việc chuyển giao kỹ thuật cần đa dạng và chuyên biệt cho từng đối tượng, nội dung chuyển giao phải phong phú từ kỹ thuật-quản lý-thị trường. Có như vậy, nông dân mới tiếp thu, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất.
- Sử dụng vốn vay vào các mục đích sinh lợi, tránh sử dụng vốn vay cho tiêu dùng bởi vì khi vay vốn sẽ phát sinh thêm chi phí lãi vay, do đó, nếu đồng vốn vay không được sử dụng đúng mục đích chẳng những không làm tăng thu nhập cho nông hộ mà thậm chí có thể dẫn đến giảm thu nhập.
- Thực hiện chuyển đổi ngành nghề, đa dạng ngành nghề, đa dạng thu nhập nhằm hạn chế những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh mang lại cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời đây cũng là giải pháp thiết thực trong việc phân bổ nguồn lực lao động một cách hợp lý trong điều kiện nông hộ bị hạn chế nguồn lực về đất đai hoặc trong điều kiện không thể đầu tư vào sản xuất nông nghiệp do các nông hộ nằm trong vùng bị quy hoạch chẳng hạn. Tuy nhiên, trước khi thực hiện chuyển đổi, các nông hộ phải theo dõi, tìm hiểu kỹ thông tin thị trường cũng như kỹ thuật sản xuất, tránh xu hướng chuyển đổi ngành nghề, thực hiện đa dạng thu
nhập một cách phong trào, tự phát bởi vì điều này là nguyên nhân của tình trạng
“được mùa, mất giá”.
5.2.2. Giải pháp nâng cao khả năng tiếp nguồn tín dụng chính thức cho các nông hộ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang
- Phát triển mạng lưới thông tin địa phương đến tận thôn, ấp nhằm đẩy mạnh công tác tuyền truyền, phổ biến các nghiệp vụ tín dụng có liên quan đến việc vay vốn, tạo điều kiện để các nông hộ nắm bắt các thông tin về tín dụng nông thôn và thực hiện tốt các nguyên tắc, quy trình, thủ tục vay vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả.
- Đa dạng hóa các phương thức cấp tín dụng, kết hợp nhiều phương thức cho vay linh hoạt, đa dạng các các nguồn cho vay như: vay từ tổ tiết kiệm, hội nông dân, hội phụ nữ,… nhằm giúp cho nông hộ chủ động hơn trong việc sử dụng vốn phù hợp với chu kỳ sản xuất trong nông nghiệp, giảm thiểu các thủ tục vay vốn, tiết kiêm được các chi phí gián tiếp khi tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, phát triển loại hình tín dụng cho thuê tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm hạn chế về tài sản đảm bảo nợ vay, giúp các nông hộ sản xuất đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ với quy mô lớn, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn.
- Tạo môi trường thuận lợi thông qua việc hoàn thiện và đổi mới các cơ chế chính sách nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đăng ký chứng nhận quyền sử dụng đất để tạo điều kiện cần cho các nông hộ dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay. Khuyến khích và hỗ trợ để các tổ chức ở tại địa phương: tổ tiết kiệm và vay vốn, hội phụ nữ, hội nông dân,… phát triển mạnh mẽ nhằm giúp các nông hộ không có hoặc có ít tài sản thế chấp có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính thức thông qua hình thức vay vốn dưới dạng tín chấp.