Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu, dự kiến kết quả nghiên cứu

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 36 - 39)

Giả thuyết nghiên cứu: Hoà giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp độc lập, phi tố tụng dựa trên nguyên tắc tự do ý chí trong quan hệ kinh doanh, thương mại.

Dự kiến kết quả nghiên cứu: Dự kiến giải quyết câu hỏi nghiên cứu này tại Chương 1. Luận án hệ thống hoá và phân tích khái niệm của hoà giải thương mại và bốn đặc điểm pháp lý về tính chất, về chủ thể, về mục đích và về thủ tục để làm rõ tính độc lập, phi tố tụng và tự do ý chí của hoà giải thương mại.

3.2. Câu hỏi nghiên cứu 2: Mức độ can thiệp của pháp luật đối với quan hệ hoà giải thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam?

Giả thuyết nghiên cứu: Pháp luật nên điều chỉnh theo tinh thần khuyến nghị và hỗ trợ, không nên sử dụng các biện pháp quản lý hành chính.

Dự kiến kết quả nghiên cứu: Dự kiến câu hỏi nghiên cứu được giải quyết tại Chương 1 và Chương 2, dựa trên việc nêu lên bản chất của hoà giải thương mại và hình thức, nội dung pháp luật về hoà giải thương mại để chứng minh giả thuyết nghiên cứu.

3.3. Câu hỏi nghiên cứu 3: Pháp luật hiện hành ở Việt Nam về hoà giải thương mại có tôn trọng bản chất của hoà giải thương mại, có khả năng đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, đòi hỏi về sự tương thích về hệ thống văn bản pháp luật trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế không?

Giả thuyết nghiên cứu: Pháp luật về hoà giải thương mại ở Việt Nam có tôn trọng bản chất hoà giải thương mại nhưng chưa đầy đủ; khả năng đáp ứng được một phần nhu cầu thực tiễn và sự đòi hỏi tương thích về hệ thống văn bản pháp luật trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Dự kiến kết quả nghiên cứu: Phân tích và chứng minh được hai yếu tố: (i) Pháp luật hiện hành có tôn trọng bản chất của hoà giải thương mại nhưng chưa phân biệt rõ hoà giải với trọng tài; (ii) Pháp luật hiện hành đáp ứng được nhu cầu về sự công nhận hoạt động hoà giải thương mại, sự ra đời của các chủ thể hoà giải thương mại, thiết lập quy trình hoà giải cơ bản và sự ghi nhận của Nhà nước đối với kết quả hoà giải thành nhưng vẫn còn những điểm chưa tương thích với xu hướng pháp luật quốc tế cũng như pháp luật một số quốc gia phát triển.

3.4. Câu hỏi nghiên cứu 4: Nhà nước cần phải làm gì trong việc hoàn thiện pháp luật để đảm bảo phát triển mô hình hoà giải thương mại tại Việt Nam?

Giả thuyết nghiên cứu: Nhà nước ban hành chính sách và pháp luật về hoà giải thương mại cần phải căn cứ vào đòi hỏi từ thực tiễn và xem xét tới yếu tố hội nhập, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của mô hình hoà giải thương mại.

Dự kiến kết quả nghiên cứu: Dự kiến câu hỏi nghiên cứu được giải quyết xuyên suốt trong Luận án. Luận án đưa ra và chứng minh được các vấn đề mà Nhà nước cần làm: (i) Đề xuất các giải pháp tổng thể về ban hành Luật và các chính sách thúc đẩy hoà giải độc lập phát triển; (ii) Đề xuất xây dựng, bổ sung, thay đổi những nội dung pháp luật về hoà giải thương mại.

KẾT LUẬN PHẦN TỔNG QUAN  

 

1. Lý luận và pháp luật về hoà giải thương mại là một vấn đề đã được các tác phẩm trong nước và nước ngoài đề cập đến. Các tác phẩm khoa học đi trước đã có những nghiên cứu có giá trị về hoà giải, đặt nền móng cho các nghiên cứu tiếp theo, mà cụ thể là Luận án này. Mặc dù các nghiên cứu về thực trạng và hoàn thiện pháp luật hoà giải thương mại gần đây đã có sự đánh giá các quy định tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP, tuy nhiên luận án vẫn có giá trị trong việc làm giảu nghiên cứu đánh giá tổng thể quy định pháp luật hiện hành ở Việt Nam và so sánh với Luật mẫu UNCITRAL cũng như một số quốc gia điển hình.

2. Từ việc khảo sát tình hình nghiên cứu đề tài trong và ngoài nước, nghiên cứu sinh nhận thấy rằng việc tiếp tục nghiên cứu lý luận và pháp luật về hoà giải thương mại trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay là cần thiết, kết quả nghiên cứu từ Luận án hy vọng sẽ mang lại những giá trị và đóng góp cho việc nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại ở Việt Nam. Để làm được việc đó, nội dung của Luận án tập trung vào việc làm sâu sắc thêm lý luận về hoà giải thương mại, bình luận các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, so sánh luật Việt Nam với Luật mẫu UNCITRAL, pháp luật của một số quốc gia điển hình như CHLB Đức, Úc và Singapore để nhằm tìm ra được mức độ đáp ứng của pháp luật hiện hành ở Việt Nam với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Hoàn thiện pháp luật về hoà giải thương mại ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)