CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM
2.3. Quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp bằng hoà giải thương mại
2.3.4. Quy định về chế độ bảo mật trong hoà giải thương mại
Hoà giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp bắt nguồn từ nguyên tắc tự do thoả thuận, tự nguyện ý chí và tôn trọng quyền lợi chính đáng của các bên. Do đó, chế độ bảo mật thông tin trong hoà giải thương mại là một trong những vấn đề cốt lõi cần được chú ý trong hoà giải thương mại.
Về chủ thể có trách nhiệm bảo mật, bao gồm các bên tranh chấp và hoà giải viên thương mại.
Nguyên tắc bảo mật cần được tất cả các bên tham gia vào hoà giải thương mại tuân thủ chặt chẽ. Theo đó có hai chế độ cần được tuân thủ là bảo mật giữa các bên tham gia hoà giải và bảo mật với bên ngoài thủ tục hoà giải, mức độ bảo mật sẽ phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên. Lợi ích của việc bảo mật chặt chẽ này “thể hiện đặc trưng của hòa giải là giúp các bên bảo vệ uy tín của nhau khi không muốn bất kỳ ai không tham gia thủ tục hòa giải biết được những gì họ đang tranh chấp, nếu đạt thỏa thuận thì là tốt nhưng nếu không thành công thì các bên vẫn có thể tiếp tục tiến hành bước tiếp theo theo qui trình tố tụng trọng tài hoặc tòa án” [67]. Nội dung này cũng được thể hiện rất rõ trong Luật mẫu về hoà giải thương mại quốc tế của Uỷ ban pháp luật thương mại quốc tế của Liên hiệp quốc về việc nếu một/các bên cung cấp thông tin cho hoà giải viên và yêu cầu giữ bí mật nội dung đó với bên kia thì hoà giải viên phải bảo mật thông tin đó, mọi thông tin liên quan đến vụ tranh chấp cũng cần được các bên giữ bí mật (Điều 9 Luật mẫu 2002, Điều 10 Luật mẫu sửa đổi 2018). Tuy nhiên, Nghị định 22/2017/NĐ-CP chỉ quy định rõ trách nhiệm giữ bí mật thông tin về vụ tranh chấp cho hoà giải viên thương mại, mà chưa được quy định rõ trách nhiệm đối với các bên, ngoài quy định nguyên tắc chung tại Điều 4.
Về phạm vi bảo mật, mọi thông tin trong hoà giải thương mại cần được giữ bí mật cả trong và sau quá trình giải quyết tranh chấp.
Về vấn đề này, Luật mẫu về hoà giải thương mại quốc tế quy định rõ các bên trong thủ tục hoà giải, hoà giải viên và bất kỳ người thứ ba nào khác, kể cả những người đã từng tham gia tiến hành thủ tục hoà giải, không được viện dẫn hay cung cấp chứng cứ đó trong thủ tục trọng tài, thủ tục tố tụng tư pháp hay một thủ tục tương tự, bao gồm cả những quan điểm, đề xuất, tuyên bố, hay những tình tiết, tài liệu được lập với mục đích tiến hành thủ tục hoà giải.
Pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ, ngoài quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 22/2017/NĐ-CP về những hành vi bị cấm đối với hoà giải viên thương
mại, thì hoà giải viên thương mại không được tiết lộ thông tin về vụ việc, khách hàng mà mình biết được trong quá trình hoà giải. Trong khi đó, nội dung mà các bên tranh chấp cần phải bảo mật trong hoà giải lại không được quy định rõ ràng.
Trong khi đó, tại điểm a khoản 2 Điều 13 của Nghị định lại yêu cầu các bên tranh chấp có nghĩa vụ phải trình bày đúng sự thật, các tình tiết của tranh chấp, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp theo đề nghị của hoà giải viên thương mại. Trong thực tế, nếu các bên không có thoả thuận rõ từ đầu, thì các bên tranh chấp có thể e ngại các thông tin sẽ bị rò rỉ từ bên tham gia tranh chấp khác.
Về các trường hợp ngoại lệ của chế độ bảo mật.
Theo quy định hiện hành ở Việt Nam thì các trường hợp bao gồm việc các bên có đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Như vậy chỉ có hai loại chủ thể được quyền quyết định việc tiết lộ các thông tin trong vụ tranh chấp bao gồm sự đồng thuận của các bên, hoặc Nhà nước có quy định rõ trong văn bản pháp luật.
Theo Luật mẫu về hoà giải thương mại quốc tế của UNCITRAL thì các bên còn có thể tiết lộ thông tin nếu có lệnh của Hội đồng trọng tài, Toà án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm chứng cứ trong phạm vi được pháp luật quy định và cần thiết cho việc thực hiện thoả thuận đạt được sau thủ tục hoà giải (Khoản 3 Điều 10 Luật mẫu UNCITRAL 2002, Khoản 3 Điều 11 Luật mẫu sửa đổi 2018).
Ngoài ra, để phục vụ tốt hơn cho quá trình hoà giải, hoà giải viên khi tiếp nhận thông tin liên quan đến tranh chấp từ một bên thì vẫn có thể tiết lộ đại ý của thông tin đó (substance of information) cho bất kỳ bên nào trong hoà giải, tuy nhiên bên tiếp nhận thông tin đó cần cam kết giữ bí mật và sẽ không được tiết lộ cho bất kỳ bên nào khác (Điều 8 Luật mẫu UNCITRAL 2002, Điều 9 Luật mẫu sửa đổi 2018).
Hay như theo quy định của Luật hoà giải CHLB Đức (2012) thì những trường hợp loại trừ nghĩa vụ này bao gồm việc tiết lộ thông tin là cần thiết để thực thi các thoả thuận hoà giải, để phục vụ cho những lợi ích công cộng (chăm sóc trẻ em, ngăn chặn sự xâm phạm thể chất và tinh thần của một người nào đó) hoặc thông tin được
tiết lộ là những kiến thức thông thường không gây hại đáng kể cho nguyên tắc bảo mật trong hoà giải (Điều 4).