MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Nghiên cứu vai trò tiên lượng của troponin i, NT proBNP trong hồi sức sau phẫu thuật tim mở ở trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh (Trang 106 - 110)

Nghiên cứu được thực hiện trên 212 bệnh nhân tim bẩm sinh phức tạp được phẫu thuật tim mở dưới THNCT tại Bệnh viện nhi Trung Ương kết quả cho thấy có 134/212 bệnh nhân là nam (63%), chủ yếu là nhóm bệnh nhân có cân nặng thấp dưới 5 kg chiếm 120/212 (56,6%), nhóm bệnh nhân tim bẩm sinh phức tạp có thang điểm nguy cơ phẫu thuật là 3 và 4. Tỷ lệ biến chứng của HCCLTT là 27,36%.

4.1.1. Tuổi, giới, cân nặng phẫu thuật

Trong vài thập kỷ trở lại đây với một xu thế phát triển toàn diện trong điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh sớm nhất có thể ngay cả trong thời kỳ bào thai cũng đã được nghiên cứu vì vậy mà tuổi phẫu thuật trong các nghiên cứu thường rất sớm. Trong nghiên cứu này tuổi trung bình là 180 ngày tuổi trung vị là 92,5 ngày, số bệnh nhân nằm trong độ tuổi sơ sinh (dưới 1 tháng tuổi) chiếm 22,64%. Có 83,49% bệnh nhân nghiên cứu dưới 12 tháng tuổi. Tuổi thấp nhất là 1 ngày tuổi là trường hợp được chẩn đoán bất thường tĩnh mạch phổi hoàn toàn trên tim có tắc nghẽn đã được hội chẩn chỉ định mổ cấp cứu, trường hợp nhiều tuổi nhất là bệnh nhân được chẩn đoán thông liên thất, có tăng áp lực động mạch phổi rất nặng. Độ tuổi trong nghiên cứu này tương tự kết quả nghiên cứu của một số tác giả khác trên thế giới. Fabio Carmona nghiên cứu trên 46 trẻ sau phẫu thuật tim mở thấy tuổi trung vị là 3,7 tháng [6]. Nghiên cứu của Jiangbo Qu tại Trung Quốc năm 2017 trên 363 bệnh nhân dưới 15 tuổi được phẫu thuật tim mở thấy tuổi trung bình 15,8 tháng [128].

Nghiên cứu của Norbert R froese [7] tại Canada trên 99 trẻ dưới 16 tuổi sau phẫu thuật tim mở thấy độ tuổi trung vị là 23,9 tháng. Một nghiên cứu khác tại Mỹ năm 2008 trên đối tượng từ 1-36 tháng của Rowan Walsh [13] cho thấy tuổi trung bình 7,1 tháng, trung vị 4 tháng. Nghiên cứu của chúng tôi có

độ tuổi trung bình khá thấp và đặc biệt dưới 3 tháng tuổi và sơ sinh, những trường hợp này thường gặp là bất thường tĩnh mạch phổi, đảo gốc động mạch, thân chung động mạch, thất phải hai dường ra, các tổn thương tim phức tạp nặng đã có giảm chức năng của thất, sở dĩ như vậy là vì trong khoảng vài năm trở lại đây Bệnh viện Nhi Trung Ương đã tiếp nhận khá lớn nguồn bệnh nhân bị tim bẩm sinh phức tạp từ ngay giai đoạn sau sinh hoặc những dị tật phức tạp cần can thiêp sớm do vậy đã triển khai được nhiều kỹ thuật phẫu thuật phức tạp điều trị thành công cho đối tượng bệnh nhân này.

Cùng với tuổi trung bình thấp thì cân nặng trong nghiên cứu của chúng tôi cũng thấp với giá trị trung bình là 5 kg, trung vị 4,2 kg, chủ yếu là bệnh nhân có cân nặng dưới 5 kg chiếm 56,6%. Đặc biệt bệnh nhân có cân nặng thấp nhất là 1,7 kg, 5 ngày tuổi được phẫu thuật sửa chữa đảo gốc động mạch.

Đây cũng là trường hợp phẫu thuật tim mở dưới THNCT có cân nặng thấp nhất lần đầu tiên được thực hiện, để thành công được cần phải có sự nỗ lực từ phía bác sỹ phẫu thuật, gây mê, chạy máy THNCT và đặc biệt là vấn đề chăm sóc điều trị tích cực trong quá trình hậu phẫu. Tương tự một vài các nghiên cứu khác trên thế gới cũng cho thấy xu thế phẫu thuật ở nhóm bệnh nhân có cân nặng thấp. Nghiên cứu của Maria Rosa Perez piaya tuổi trung vị 7 tháng, cân nặng trung vị 6 kg [123], tác giả Tatiana Bolus [129] cân nặng trung vị 11,3 kg (6,5-16). Jiangbo Qu [128] cân nặng trung bình là 7,4±5,4 kg. Nghiên cứu của Jaun ở nhóm trẻ dưới 15 tuổi phẫu thuật tim bẩm sinh cho thấy cân nặng trung bình 12,71±13,14 kg trung vị 8,8 kg. Andrea và Tamass Breuer ở nhóm bệnh nhân dưới 1 tuổi có cân nặng trung vị 3,9kg (3,5-4,9) [36]. Sở dĩ cân nặng trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn các trung tâm khác có thể do phần lớn đối tượng phẫu thuật của chúng tôi hiện nay là nhóm tim bẩm sinh phức tạp cân nặng thấp. Trong nghiên cứu này chúng tôi thấy tỷ lệ nam 63% cao hơn bệnh nhân nữ tuy nhiên có sự khác biệt không có ý nghĩa thống

kê. Một số nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự về tỷ lệ giới ở nhóm phẫu thuật tim bẩm sinh [7],[13],[123],[128].

4.1.2. Đặc điểm về phân loại tim bẩm sinh, thang điểm nguy cơ phẫu thuật RACHS-1 và tình trạng suy tim trước phẫu thuật.

Về hình thái tổn thương tim (bảng 3.4) trong nghiên cứu này chúng tôi ghi nhận thấy chủ yếu là hai nhóm bệnh chính được phẫu thuật là Fallot 4 có 61 BN chiếm 28,77%, đảo gốc động mạch có 50 BN (chiếm 23,58%), bất thường tĩnh mạch phổi và thất phải hai đường ra đều chiếm 21 BN (9,91%), nhóm thông liên thất và thông liên nhĩ đơn thuần chỉ chiếm 8,49% vì phần lớn bệnh nhân thông liên thất được phẫu thuật tại trung tâm là có kèm theo những dị tật khác đòi hỏi phải can thiệp sớm hơn từ thời kỳ sơ sinh như thông liên thất kèm theo hẹp eo động mạch chủ nặng, thiểu sản hoặc gián đoạn quai động mạch chủ. Trong số những nhóm bệnh phức tạp phải kể đến là những trường hợp thiểu sản tim trái, thân chung động mạch có kèm theo hẹp thiểu sản quai động mạch chủ đã được phẫu thuật. Đây cũng là một trong những xu hướng thực tế mà các trung tâm tim mạch phát triển trên thế giới đã từng thực hiện. Tương tự mô hình tổn thương tim của một số trung tâm trung tâm khác trên thế giới như trong nghiên cứu Tatiana Boulos [129] Fallot 4 chiếm tỷ lệ cao nhất 31/97 (31,95%), thông liên thất 23/97(23,71%), thông sàn nhĩ thất 7/97 (7,2%), còn lại các mặt bệnh khác dao động từ 1-5 bệnh nhân. Nghiên cứu của Maria Rosa Perezpiaya [123] với đa dạng loại tổn thương tim nhưng thông liên nhĩ chiếm tỷ lệ cao nhất 15/68 BN, thông liên thất 12/68, Fallot 4 chiếm 8/68 BN. Một nghiên cứu gần đây năm 2018 tại bệnh viện đại học Renia sofia, Tây Ban Nha [56] cho thấy thông liên thất và thông liên nhĩ đơn thuần chiếm 18,8%, Fallot chiếm 15,4%, thông sàn nhĩ thất 12,8%, đảo gốc động mạch 12%, còn lại các nhóm bệnh khác chiếm tỷ lệ dao động từ 1-10%.

Về mô hình loại tim bẩm sinh giữa các trung tâm có sự khác nhau, điều đó có

thể phụ thuộc vào mô hình bệnh tật thực tế, khả năng giải quyết các loại dị tật bệnh khó và phức tạp tại mỗi trung tâm. Bệnh viện Nhi trung ương đã phẫu thuật triệt để thành công cho trên 300 bệnh nhân đảo gốc động mạch với tỷ lệ tử vong dưới 5%. Đây là con số rất có ý nghĩa mang tầm quốc gia và quốc tế, thể hiện sự nỗ lực của toàn bệnh viện trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho trẻ em Việt Nam.

Với tỷ lệ phần lớn là những loại bệnh tim phức tạp nên đã có nhiều những kỹ thuât phẫu thuật phức tạp đã được triển khai tại trung tâm của chúng tôi để giải quyết triệt để mang lại hiệu quả tăng chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân tim mạch. Điều đó được thể hiện một phần trong kết quả nghiên cứu của chúng tôi khi tiến hành tính điểm cho thang điểm nguy cơ phẫu thuật tim mạch RACHS-1 bao gồm cả các loại dị tật và các kỹ thuật phẫu thuật tim mạch. Kết quả cho thấy có tới 75,94% số bệnh nhân có RACHS-1 ≥ 3. Nghiên cứu của Maria Rosa Perez piaya [123] chủ yếu số bệnh nhân tập trung ở thang điểm 2 và 3, có 32/68(47,05%)BN có RACHS-1

≥3. Tatiana Boulos [129] thấy có 43/97 (44,32%) bênh nhân có thang điểm RACHS-1 từ 3 điểm trử lên. Norbert R Foroese [7] cho thấy tập trung chủ yếu nguy cơ ở nhóm 2 có tỷ lệ cao nhất chiếm 42,42 %, có 45,45% có thang điểm RACHS-1 ≥3. Jiangbo Qu 92/330 (25%) bệnh nhân có thang điểm nguy cơ phẫu thuật là 3 và 4 có tới 74,3% số bệnh nhân nghiên cứu có RACHS-1 là 1 và 2 [128].

Trong điều trị chăm sóc tổng thể các đối tượng bệnh nhân tim bẩm sinh thì ngoài vấn đề chẩn đoán xác định loại dị tật tim bẩm sinh, thang điểm nguy cơ phẫu thuật thì chăm sóc kiểm soát tốt bệnh nhân trước phẫu thuật là rất quan trọng nhằm giảm tải nguy cơ cho cuộc phẫu thuật cũng như quá trình hậu phẫu, đặc biệt là cần kiểm soát suy tim và viêm phổi. Trong nghiên cứu này chúng tôi thấy tỷ lệ bênh nhân có suy tim chiếm 47,64% theo thang điểm Ross, tỷ lệ viêm phổi 27,83%, có 34,89% số bệnh nhân phải hỗ trợ thở oxy

hoặc thở máy thời điểm trước phẫu thuật. Nghiên cứu của Neeta R. Saraiya [99] về nồng độ troponin I ở trẻ sơ sinh sau phẫu thuật tim cho thấy có 25/45 (55,55%) số bệnh nhân cần phải thở máy trước phẫu thuật. M.R Perezpiaya [123] tỷ lệ bệnh nhân có suy tim trước phẫu thuật là 25/68 (36,76%) bệnh nhân tim bẩm sinh được phẫu thuật. Tỷ lệ suy tim trước mổ của chúng tôi có cao hơn có thể do sự khác biệt về đối tượng bệnh nhân của chúng tôi phần lớn là những bệnh nhân tim bẩm sinh phức tạp ở độ tuổi sơ sinh như đảo gốc động mạch, bất thường tĩnh mạch phổi, thông liên thất kết hợp với hẹp eo, thiểu sản hoặc gián đoạn quai động mạch chủ là những bệnh nhân có nguy cơ tiến triển suy tim sớm trước phẫu thuật.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu vai trò tiên lượng của troponin i, NT proBNP trong hồi sức sau phẫu thuật tim mở ở trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh (Trang 106 - 110)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(182 trang)
w