PHẦN 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.1. Sơ lược về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang
4.1.1. Điều kiện tự nhiên
4.1.1.1. Vị trí địa lý
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở phía Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Hà Giang có diện tích tự nhiên là 7.945,8 km2. Tại điểm cực bắc của lãnh thổ Hà Giang, cũng là điểm cực bắc của Tổ quốc, có vĩ độ 23013'00"; điểm cực tây, có kinh độ 104024'05"; mỏm cực đông có kinh độ 105030'04".
- Phía Bắc và phía Tây của tỉnh có đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa dài 274 km.
- Phía Tây và Nam của tỉnh giáp tỉnh Lào Cai và Yên Bái.
- Phía Đông tỉnh Hà Giang giáp tỉnh Cao Bằng, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang.
4.1.1.2. Địa hình
Do cấu tạo địa hình phức tạp, thiên nhiên tạo ra và ưu đãi cho Hà Giang một nguồn tiềm năng to lớn về khí hậu, đất đai, tài nguyên và khoáng sản,... Từ những đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình Hà Giang được chia thành ba vùng với những điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội khác biệt, mỗi vùng có tiềm năng và thế mạnh riêng đó là:
- Vùng I: Là vùng cao núi đá phía Bắc gồm 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ. Diện tích toàn vùng là 2.352,7 km2, dân số trên 20 vạn người chiếm xấp xỉ 34,3% dân số toàn tỉnh. Do điều kiện khí hậu rét đậm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè nên rất thích hợp với việc phát triển các loại cây ôn đới như cây dược liệu thảo quả, đỗ trọng; Cây ăn quả như mận,
đào, lê, táo... Cây lương thực chính ở vùng này là cây ngô. Chăn nuôi chủ yếu là bò, dê, ngựa và nuôi ong. Những giống gia súc trên đây là giống riêng của vùng ôn đới, có đặc điểm to hơn và chịu được rét đến cả độ âm. Đàn ong ở đây chủ yếu chỉ phát triển vụ hè - thu với 2 loại hoa chính là hoa ngô và hoa bạc hà. Mật ong hoa bạc hà là thứ mật ong đặc biệt có giá trị trong việc chữa bệnh và bồi dưỡng sức khoẻ .
- Vùng II: Là vùng cao núi đất phía tây gồm các huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần. Diện tích tự nhiên 1.211,3 km2, dân số chiếm 15,9%. Điều kiện tự nhiên vùng này thích hợp cho việc phát triển cây trẩu và cây thông lấy nhựa. Cây lương thực chính vùng này là lúa nước và ngô. Chăn nuôi chủ yếu là trâu, ngựa, dê và các loại gia cầm.Vùng này là vùng đất của chè Shan tuyết và chủ nhân lâu đời của nó là người Dao - Một dân tộc có kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây chè núi lâu đời .
- Vùng III: Là vùng núi thấp gồm các huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quang Bình và thị xã Hà Giang là vùng trọng điểm kinh tế của Hà Giang. Diện tích tự nhiên 4.320,3 km2, dân số chiếm 49,8%. Điều kiện tự nhiên thích hợp với các loại cây nhiệt đới, thuận lợi cho việc phát triển nghề rừng, trồng các loại cây nguyên liệu giấy như bồ đề, mỡ, thông và đây cũng là vùng tre, nứa, vầu, luồng lớn nhất trong tỉnh ... Ngoài ra đây còn là vùng trồng các loại cây ăn quả có múi như cam, quýt, chanh ...
4.1.1.3. Khí hậu, lượng mưa.
a. Khí hậu
Tỉnh Hà Giang thường tiếp nhận không khí lạnh thổi quặt từ đồng bằng và vùng núi Đông Bắc tới, đã bị biến tính thêm một phần, nên không đem lại những nhiệt độ quá thấp như ở vùng núi Đông Bắc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của độ cao địa hình ở đây vẫn quan trắc được những giá trị rất thấp của nhiệt độ tới -5,60C ở Phó Bảng trên độ cao 1.400m.
Do vị trí địa lý và điều kiện địa hình, cũng như toàn vùng núi Việt Bắc – Hoàng Liên Sơn, ở tỉnh Hà Giang hầu như quanh năm duy trì một tình trạng ẩm ướt cao, gần như mất hẳn thời kỳ khô hanh đầu mùa đông tiêu biểu của miền khí hậu phía Bắc, độ ẩm trung bình thường xuyên ở mức 80-87%.
Lượng mưa năm dao động trong phạm vi rộng, từ 1.031mm ở xã Thượng Phùng huyện Mèo Vạc đến 4.721mm ở Bắc Quang và 4.846mm ở Quảng Ngần huyện Vị Xuyên, phụ thuộc vào sự phân bố của các hướng núi so với hướng gió mùa hoạt động trong vùng. Ở Hà Giang đã hình thành tâm mưa lớn nhất toàn quốc là Bắc Quang – Vị Xuyên đạt 4.700 - 4.800mm, do vào mùa hạ không khí ẩm hướng Đông Nam dễ dàng tràn qua đồng bằng xâm nhập sâu vào các thung lũng đem lại lượng mưa rất lớn trên sườn núi cao dãy Tây Côn Lĩnh. Tỉnh Hà Giang ít chịu ảnh hưởng của bão, nhưng có khá nhiều dông; mưa đá và sương muối hay gặp ở những vùng núi cao.
Khí hậu tỉnh Hà Giang phân hóa rất mạnh không những phụ thuộc vào độ cao địa hình, mà còn vào hướng và dạng địa hình (trong báo cáo này đã sử dụng số liệu khí hậu có độ dài chuỗi 35-50 năm và được cập nhật đến năm 2013 của 5 trạm khí tượng và 32 trạm đo mưa có trên lãnh thổ của tỉnh).
b. Lượng mưa
Tỉnh Hà Giang có chế độ mưa từ ít đến rất nhiều, với tổng lượng mưa năm dao động trong khoảng 1.031-4.846mm. Trên hơn nửa lãnh thổ có chế độ mưa nhiều đến rất nhiều, với lượng mưa đạt trên 2.000mm/năm.
Mùa mưa chủ yếu kéo dài 6-7 tháng (4 - 10), với lượng mưa chiếm 83- 91% tổng lượng mưa năm. Ở những khu vực mưa rất nhiều, mùa mưa có thể kéo dài tới 8 tháng (4-11) với lượng mưa đạt tới 93-94% tổng lượng mưa năm. Còn ở những khu vực mưa ít, mùa mưa chỉ kéo dài khoảng 5 tháng (5-9) với lượng mưa chiếm khoảng 78-81% tổng lượng mưa năm. Ba tháng (6-8, có
nơi 5-7) có lượng mưa lớn nhất, chiếm 47-62% tổng lượng mưa năm. Tháng 7 hoặc 8 có lượng mưa lớn nhất, đạt 200-340mm ở khu vực mưa ít; 300-600mm ở khu vực mưa vừa đến rất nhiều; thậm chí đạt tới 800-970mm ở tâm mưa lớn nhất toàn quốc Bắc Quang - Vị Xuyên.
c. Độ ẩm tương đối
Độ ẩm tương đối trung bình năm khá cao, đạt 84-86% trên phần lớn lãnh thổ của tỉnh; chỉ đạt 80% ở trong các thung lũng khuất kín sau những dãy núi cao. Nhìn chung, độ ẩm tương đối trung bình ít thay đổi trong năm, tuy nhiên đạt giá trị lớn nhất vào tháng 8 (84-87%) và thấp nhất vào tháng 5 hoặc 4 (76-84%).
4.1.1.6. Các hiện tượng thời tiết đặc biệt
Nằm trong vùng núi Việt Bắc - Hoàng Liên Sơn, tỉnh Hà Giang chịu nhiều dông và sương muối ở vùng núi cao. Ngoài ra còn xuất hiện các hiện tượng thời tiết đặc biệt như: Mưa đá, sương mù, mưa phùn và khô nóng ở những vùng thấp.
a. Dông, lốc và mưa đá
Tỉnh Hà Giang có khá nhiều dông. Dông xuất hiện rất nhiều ở những khu vực mưa nhiều và rất nhiều, trung bình mỗi năm có tới 90-100 ngày dông. Cùng với dông ở đây còn xuất hiện lốc. Dông đôi khi còn xuất hiện kèm theo mưa đá tuy nhiên với tần suất thấp. Trên phần lớn lãnh thổ trung bình mỗi năm có thể quan trắc được 0,2-0,3 ngày mưa đá, chủ yếu vào thời kỳ (2-5), có nơi xuất hiện cả vào các tháng 6, 11, 12, 1.
b. Sương muối
Sương muối xuất hiện trên hầu khắp lãnh thổ của tỉnh. Trung bình mỗi năm có dưới 1 ngày sương muối, vào các tháng 7, 1 và 3 ở vùng thấp dưới
600m. Ở những vùng núi cao có rất nhiều sương muối, ở Phó Bảng (1.400m) trung bình mỗi năm có tới 6,6 ngày; vào thời kỳ (11-3).
c. Sương mù
Sương mù xuất hiện không nhiều ở Hà Giang, trung bình có khoảng 20-50 ngày/năm. Sương mù xuất hiện rải rác trong năm, nhiều nhất vào thời kỳ thu-đông (9-1) với khoảng 2-9 ngày/tháng tùy nơi.