Thực trạng kỹ năng mềm của sinh viên Khoa Kinh tế- Trường ĐH SPKT Hưng Yên

Một phần của tài liệu giai phap nang cao ky nang mem cho sinh vien khoa kinh te truong DH SPKT hung yen (Trang 41 - 56)

Chương 2 THỰC TRẠNG KỸ NĂNG MỀM CỦA SINH VIÊN KHOA KINH TẾ, TRƯỜNG

2.2. Thực trạng kỹ năng mềm của sinh viên Khoa Kinh tế- Trường ĐH SPKT Hưng Yên

2.2.1. Thực trạng về kỹ năng mềm của sinh viên Khoa Kinh tế

Đề tài được thực hiện với mục đích tìm ra các giải pháp nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên, nhưng đồng thời phải phù hợp với các điều kiện hiện tại của Khoa Kinh tế. Để đưa ra được các giải pháp thì nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích một cách khách quan thực trạng về kỹ năng mềm của sinh viên Khoa Kinh tế, Trường ĐH SPKT Hưng Yên. Phương pháp phân tích là phỏng vấn và phát bảng câu hỏi với cỡ mẫu là 200 sinh viên và 5 giảng viên để có được thông tin hai chiều từ cả sinh viên và giảng viên trong đó sinh viên được coi là trọng tâm nghiên cứu.

Khi nghiên cứu về kỹ năng mềm của sinh viên, nhóm nghiên cứu chú trọng vào các vấn đề:

- Nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của kỹ năng mềm;

- Thực trạng kỹ năng học và tự học;

- Thực trạng kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên;

- Thực trạng kỹ năng giao tiếp và thuyết trình;

- Thực trạng kỹ năng tư duy tích cực, sáng tạo và phản biện;

- Tác động của quá trình học tập tại Nhà trường đến việc phát triển kỹ năng mềm của sinh viên.

Với bảng khảo sát gồm 22 câu hỏi chưa thể đánh giá một cách sâu sắc và toàn diện về thực trạng các kỹ năng mềm của sinh viên, tuy nhiên nhóm nghiên cứu đã cố gắng chắt lọc các câu hỏi nhằm có được cái nhìn khách quan nhất.

Thứ nhất: Về nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của kỹ năng mềm. Khi được hỏi thì 41% sinh viên cho rằng kỹ năng mềm quyết định trên 85% sự thành công trong cuộc sống và công việc, 28,5% sinh viên cho rằng kỹ năng mềm quyết định 85%, 22,5% sinh viên cho rằng kỹ năng mềm quyết định 70% sự thành công trong cuộc sống và công việc của họ. Trong đó, có 8% sinh viên nghĩ rằng kỹ năng sống chỉ quyết định 50% thành công trong công việc và cuộc sống.

Hình 2.1. Nhận thức của sinh viên Khoa Kinh tế về tầm quan trọng của kỹ năng mềm Qua số liệu điều tra như trên cho thấy nhận thức của sinh viên Khoa Kinh tế về tầm quan trọng của các kỹ năng mềm. Trong thời đại hội nhập như ngày nay, sự thành đạt của mỗi cá nhân không chỉ dựa vào kỹ năng cứng như hàng loạt các bằng cấp, kinh nghiệm mà phần lớn được quyết định bởi những kỹ năng sống, là những kỹ năng thuộc về cá tính, cách sống của mỗi người. Muốn nâng cao kỹ năng mềm cho mình thì trước hết sinh viên cần nhận thức được đúng đắn tầm quan trọng của nó. Đa số sinh viên Khoa Kinh tế đều đã nhận thấy các kỹ năng ngoài sách vở, kiến thức là rất quan trọng đối với cuộc sống, công việc.

Thứ hai: Thực trạng về kỹ năng học và tự học của sinh viên Khoa Kinh tế. Để đánh giá kỹ năng tự học của sinh viên Khoa Kinh tế, chúng tôi đã tập trung vào định hướng nghề nghiệp của sinh viên, lập kế hoạch học tập, học tập trên lớp, sắp xếp thời gian học tập.

Khi xem xét định hướng về nghề nghiệp trong tương lai của sinh viên Khoa Kinh tế, kết quả cho thấy 56% sinh viên đã có định hướng nhưng không rõ ràng, có 31,5% sinh viên có định hướng rõ ràng. Thậm chí có 12,5% sinh viên được hỏi hoàn toàn không có định hướng về công việc của mình sau khi tốt nghiệp.

Hình 2.2. Định hướng nghề nghiệp của sinh viên

Kết quả khảo sát cho thấy đa số sinh viên Khoa Kinh tế đều đã có định hướng về nghề nghiệp trong tương lai, trong số đó chỉ có 31,50% xác định rõ công việc mình muốn làm khi ra trường và quyết tâm thực hiện theo định hướng đó. Đáng lưu ý là có đến 12,5% sinh viên còn chưa xác định được thực sự mình muốn làm gì. Điều này cho thấy nhiều sinh viên của chúng ta còn yếu trong việc đặt mục tiêu và theo đuổi mục tiêu mình đã chọn.

Hình 2.3. Thực trạng kỹ năng học và tự học của sinh viên

Theo số liệu mà nhóm nghiên cứu thu thập được, chỉ có 2% sinh viên luôn luôn

xuyên học tập các môn học có kế hoạch. Đa số sinh viên chỉ thỉnh thoảng mới lập kế hoạch học tập, số này chiếm 50,5% sinh viên được hỏi. 24% sinh viên ít khi có kế hoạch học tập để làm chủ thời gian của mình, trong khi đó có 6,5% sinh viên không bao giờ lập kế hoạch và thực hiện theo kế hoạch học tập đề ra. Số liệu nghiên cứu trên chứng tỏ rằng không có kế hoạch học tập là thực trạng phổ biến ở sinh viên Khoa Kinh tế.

Khi khảo sát về việc học trên lớp, chỉ có 1% sinh viên luôn luôn hiểu bài trên lớp, 31% sinh viên thường xuyên hiểu bài trên lớp. Đa số sinh viên chỉ thỉnh thoảng mới hiểu bài ngay trên lớp, con số này chiểm tỉ lệ 53,5% số sinh viên trả lời câu hỏi.

Đáng chú ý là có đến 14,5% sinh viên ít khi hiểu bài trên lớp.

Qua đồ thị trên chúng ta dễ dàng nhận thấy chỉ có 3% sinh viên được hỏi luôn luôn tìm tòi thêm những kiến thức ở các nguồn tài liệu như sách, báo, internet...để phục vụ cho việc học tập của mình. 36,5% sinh viên thường xuyên tìm hiểu thêm thông tin ở sách, báo, tài liệu và các nguồn khác liên quan đến kiến thức đã học. Số sinh viên chỉ thỉnh thoảng mới đọc sách báo chiếm tỉ lệ khá lớn, 43,5%. Trong số sinh viên tham gia khảo sát, có 17% ít khi tìm hiểu thêm tài liệu.

Về việc phân bổ thời gian tự học ở nhà, trên một nửa số sinh viên tham gia khảo sát cho kết quả là học tập thường xuyên, kết hợp với việc học trên lớp. Tuy nhiên số sinh viên chỉ học vài ngày để đối phó với kỳ thi vẫn chiếm tỷ lệ lớn, 49%.

Hình 2.4. Việc phân bổ thời gian học tập của sinh viên

Thứ ba: Về kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên. Khi đánh giá kỹ năng làm việc nhóm của sinh viên Khoa Kinh tế, tác giải dựa trên các tiêu chí: mức độ ưa thích

làm việc nhóm, kết quả làm việc nhóm và mức độ đóng góp của sinh viên vào quá trình làm việc/học tập theo nhóm.

Trong số sinh viên được tiến hành khảo sát thì có 47% sinh viên thích hoặc rất thích làm việc theo nhóm, tuy nhiên số sinh viên tỏ ra bàng quan, hoặc không hứng thú làm việc theo nhóm chiếm tỷ lệ khá lớn là 28%. Thậm chí có 5% sinh viên hoàn toàn không thích hoặc rất khó chịu khi làm việc nhóm.

Hình 2.5. Mức độ ưa thích làm việc nhóm của sinh viên Khoa Kinh tế

Những con số trên cho ta thấy một vài nét khái quát về suy nghĩ cũng như thái độ của sinh viên Khoa với vấn đề làm việc nhóm. Kỹ năng làm việc nhóm là hết sức cần thiết, đó là kỹ năng mềm được xem là quan trọng nhất đối với các nhà tuyển dụng.

Nền giáo dục nước nhà cũng như các nền giáo dục tiên tiến đang áp dụng kỹ năng này vào trong giảng dạy và học tập và để đạt được kết quả mong muốn thì cần thiết phải tạo cho sinh viên sự hứng thú, niềm đam mê. Tuy nhiên, tại Khoa Kinh tế, tỷ lệ sinh viên không hứng thú làm việc nhóm chiếm tới 28%. Tình trạng này là đáng lưu tâm bời làm việc theo nhóm sẽ khó có được kết quả cao khi các thành viên không hào hứng làm việc.

Hình 2.6. Kết quả làm việc nhóm của sinh viên Khoa Kinh tế

Có thể nói kết quả làm việc nhóm là vấn đề cần được quan tâm nhất đối với hầu hết tất cả những ai sẽ, đang và đã làm việc nhóm. Nó là kết tinh của quá trình liên kết, hợp tác giữa các thành viên trong nhóm, và là biểu hiện duy nhất có thể phản ánh được một cách tổng quan và chính xác nhất về năng lực làm việc, hoạt động của nhóm. Hiện nay đã có rất nhiều sách báo, các buổi hội thảo, các kênh thông tin đề cập và hướng dẫn cách làm việc để có thể đạt được hiệu quả tối đa khi làm việc nhóm. Thế nhưng trên thực tế, ít người phát huy được tối đa hiệu quả làm việc nhóm, đặc biệt là sinh viên, học sinh – những người lần đầu tiếp cận với làm việc nhóm. Sau khi khảo sát 200 sinh viên Khoa Kinh tế và phỏng vấn một số giảng viên của Khoa, nhóm nghiên cứu có số liệu thống kê như sau: 35,5% sinh viên cho rằng kết quả làm việc của nhóm là cao, giải quyết được hết các công việc đề ra. Có đến 62,5% sinh viên nhận thấy kết quả làm việc nhóm ở mức vừa phải, sau mỗi lần làm việc/ học tập theo nhóm thì chỉ giải quyết được một phần công việc và 2% sinh viên cho rằng những lần làm việc và học tập theo nhóm không mang lại kết quả gì.

Hình 2.7. Mức độ đóng góp của thành viên vào thành quả của nhóm

Đối với thành quả nhóm đạt được, 59,5% sinh viên nhìn nhận đóng góp của mình là ở mức độ vừa phải, chỉ có 27% sinh viên đóng góp nhiều hoặc rất nhiều vào sự thành công của nhóm. Đáng lưu ý có 13,5% sinh viên ít hoặc rất ít tham gia đóng góp công sức giải quyết công việc của nhóm. Kết hợp với kết quả phỏng vấn các giảng viên trong Khoa, nhóm nghiên cứu đưa ra nhận xét hiệu quả làm việc nhóm của Khoa Kinh tế là trên mức trung bình, đa số sinh viên đã biết làm việc theo nhóm. Bên cạnh đó còn có những sinh viên chưa biết cách làm việc/học tập theo nhóm, dẫn đến hiệu quả làm việc nhóm chưa cao.

Thứ tư: Thực trạng kỹ năng giao tiếp và thuyết trình của sinh viên. Việc đánh giá kỹ năng giao tiếp và kỹ năng thuyết trình tương đối phức tạp, phải dựa trên nhiều tiêu chí và được xem xét từ nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đề tài này tác giả chỉ nhìn nhận hai kỹ năng này ở khía cạnh khái quát và cơ bản nhất, xoay quanh các vấn đề: sự nhìn nhận của bản thân sinh viên về khả năng thuyết trình trước đám đông, việc diễn đạt ý tưởng (gửi thông tin) của sinh viên trong giao tiếp, và việc tiếp nhận cũng như gửi đi những phản hồi tiêu cực được thực hiện như thế nào.

Hình 2.8. Tự đánh giá của sinh viên về khả năng thuyết trình trước đám đông Khảo sát tại Khoa cho thấy 50% sinh viên tương đối tự tin về khả năng thuyết trình của mình trước đám đông, 18,5% sinh viên tự tin hoặc rất tự tin vào khả năng thuyết trình và cảm thấy không gặp khó khăn khi trình bày trước đám đông. 31,5% sinh viên càm thấy ít hoặc rất ít tin rằng mình có thể thuyết trình trước đám đông một cách dễ dàng. Qua kết quả khảo sát đối với sinh viên cũng như phỏng vấn đối với giảng viên của Khoa, nhóm nghiên cứu đánh giá chung về khả năng thuyết trình của sinh viên Khoa Kinh tế là ở mức khá, đặc biệt có những sinh viên thể hiện rất tốt khả năng thuyết trình của mình. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ sinh viên gặp khó khăn trong việc trình bày trước đám đông do các em còn rụt rè, thiếu tự tin và không thường xuyên được rèn luyện.

Hình 2.9. Mức độ thường xuyên gặp khó khăn trong truyền đạt ý tưởng

Như đã trình bày ở phần cơ sở lý luận, truyền đạt ý tưởng tốt, tránh hiểu gây hiểu nhầm là tiêu chí đầu tiên, cơ bản nhất trong giao tiếp. Theo thống kê về số liệu khảo sát, 77% sinh viên ít khi gặp khó khăn trong việc truyền đạt những ý nghĩ, thái độ của mình, 23% sinh viên tự nhận thấy mình không bao giờ gặp khó khăn trong việc truyền đạt ý tưởng. Không có sinh viên nào cho rằng mình luôn luôn, thường xuyên, hay thỉnh thoảng gặp vấn đề về truyền đạt thông tin khi giao tiếp. Điều này chứng tỏ sinh viên Khoa Kinh tế đã thực hiện tốt một mặt của quá trình giao tiếp đó là gửi đi thông tin, thông điệp.

Để đánh giá kỹ năng giao tiếp của một cá nhân, ngoài việc xem xét sự thành thục trong việc sử dụng các phương tiện giao tiếp (ngôn ngữ, cử chỉ, nét mặt, điệu bộ, nụ cười,...) thì một tiêu chí cũng hết sức quan trọng đó là khả năng ứng xử hợp lý trong các tình huống giao tiếp khác nhau. Trong phạm vi đề tài này, nhóm nghiên cứu chỉ đánh giá khả năng ứng xử trong phạm vi rất hạn hẹp đó là dựa trên sự tiếp nhận và gửi đi những ý kiến phản hồi tiêu cực.

Hình 2.10. Ứng xử của sinh viên khi nhận được ý kiến phản hồi tiêu cực

Theo kết quả khảo sát, 90% sinh viên có phản ứng là ghi nhận và tìm cách giải quyết vấn đề, có 4% sinh viên cho biết sẽ nổi giận và bảo vệ quan điểm của mình, 6%

sinh viên chọn phủ nhận vấn đề, xin lỗi hoặc biện hộ cho sự thiếu hiểu biết của mình.

Hình 2.11. Ứng xử của sinh viên khi bất đồng quan điểm trong giao tiếp

Khi không đồng ý với quan điểm của người khác, 79,5% sinh viên chọn cách xử sự là lắng nghe, hỏi lại những điều chưa rõ và sau đó mới nêu lên ý kiến phản đối của mình, 13,5% sinh viên sẽ nhanh chóng chỉ ra những điểm sai và giải thích cho người đó, 7% sinh viên thể hiện ý kiến phản đối một cách mờ nhạt hoặc không nói gì. Qua các số liệu điều tra như trên cho thấy hầu hết sinh viên đã có cách ứng xử hợp lý thể hiện được đạo đức, văn hóa, tính lịch sự, lịch thiệp của con người trong giao tiếp.

Thứ năm: Về kỹ năng tư duy tích cực, sáng tạo và phản biện của. Trong ba kỹ năng tư duy trên, nhóm nghiên cứu tập trung và tư duy phản biện của sinh viên. Cụ thể là nghiên cứu thái độ đón nhận kiến thức, thái độ sẵn lòng quan tâm suy nghĩ chu đáo về những vấn đề được nêu trên lớp học và sự nỗ lực trong việc đánh giá, khảo sát , xem xét tính chính xác và đúng đắn của những kiến thức đó.

Tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Nghiên cứu của nhóm chỉ dừng lại ở thái độ khi tiếp nhận kiến thức, tìm hiểu xem sinh viên tiếp thu những vấn đề được giảng dạy một cách thụ động hay chủ động suy nghĩ, sinh viên đã biết lập luận để tìm hiểu làm sáng tỏ vấn đề hay chưa, chứ chưa đi sâu nghiên cứu về mức độ rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm của lập luận phản biện.

Hình 2.12. Mức độ thường xuyên trao đổi về kiến thức trên lớp

Theo kết quả khảo sát, tỉ lệ sinh viên ít khi hoặc thỉnh thoảng tham gia bàn luận về các thông tin, vấn đề được giảng dạy trên lớp chiếm tỉ lệ rất lớn: 75%, chỉ có 17%

sinh viên thường xuyên trả lời các câu hỏi của giáo viên hoặc đưa ra ý kiến thắc mắc của mình về bài học trên lớp. Trong số sinh viên được hỏi có 8% không bao giờ tham gia trả lời các câu hỏi hay phản biện trên lớp. Qua con số này, chúng ta có thể nhận thấy hiện tượng ì về tư duy phản biện của sinh viên là khá phổ biến, đa số sinh viên không thường xuyên việc tham gia giải quyết và tranh luận các vấn đề của bài học.

Trong số đó, 45% sinh viên ngại phát biểu là do không chắc chắn về ý kiến của mình, 36% ngại nói trước đám đông.

Hình 2.13. Sự chủ động trong việc tiếp nhận thông tin của sinh viên

Tư duy phản biện không chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận và duy trì thông tin thụ động. Đó có thể tóm tắt là quá trình tư duy tìm lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác để xác định lại tính chính xác của thông tin. Để có được những lập luận logic, nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau thì sinh viên phải tích cực tìm tòi nghiên cứu những tri thức từ những nguồn tài liệu rất phong phú ngoài bài giảng và sách giáo trình. Số sinh viên chủ động trang bị cho mình nhiều kiến thức để có thể nhìn nhận những vấn đề của bài giảng từ nhiều góc độ khác nhau chỉ chiếm tỉ lệ khiêm tốn: 31%. Đa số sinh viên chỉ học tập theo bài giảng của giáo viên và giáo trình được giới thiệu.

Thứ sáu: Tác động của quá trình học tập tại Nhà trường đến việc phát triển kỹ năng mềm của sinh viên.

Các kỹ năng mềm mà con người có được phụ thuộc nhiều vào tố chất của họ, tuy nhiên các kỹ năng đó có thể được cải thiện và phát triển hoặc ngược lại nếu trong những môi trường giáo dục không tốt có thể bị thui chột dần đi. Dựa vào những nghiên cứu gần đây, các nhà giáo dục đã hoàn toàn tin tưởng rằng trường học nên tập trung hơn vào việc dạy sinh viên các kỹ năng mềm.

Hình 2.14. Tác động của quá trình học tập tại Trường ĐH SPKT Hưng Yên đến việc phát triển kỹ năng mềm của sinh viên

Theo đánh giá của đa số sinh viên, Trường ĐH SPKT Hưng Yên đã chú trọng trang bị, giúp sinh viên rèn luyện phát triển kỹ năng tự học ở mức độ vừa phải. Về kỹ năng học và tự học, 72% sinh viên Khoa Kinh tế tin rằng quá trình học tại Trường ĐH SPKT Hưng Yên đã giúp họ phát triển kỹ năng học và tự học ở mức trung bình. Con số này vẫn chiếm đa số ở các kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình và tư duy.

Một phần của tài liệu giai phap nang cao ky nang mem cho sinh vien khoa kinh te truong DH SPKT hung yen (Trang 41 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w