Pháp luật về hình thức tổ chức hành nghề luật sư

Một phần của tài liệu Các hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 23 - 29)

Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HÌNH THỨC TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ VÀ PHÁP LUẬT VỀ HÌNH THỨC TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

1.2. Pháp luật về hình thức tổ chức hành nghề luật sư

1.2.1. Khái niệm và nguồn pháp luật về hình thức tổ chức hành nghề luật sư:

1.2.1.1 Khái niệm:

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung, do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của nhà nước, là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội vì sự tồn tại và phát triển của cả xã hội, đồng thời vì lợi ích, mục đích của giai cấp thống trị.

Mỗi quốc gia đều có một hệ thống pháp luật riêng, được phân định thành các ngành luật, các chế định pháp luật và là tổng hợp các quy phạm pháp luật thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh.

Pháp luật về Luật sư và hoạt động hành nghề luật sư là một chế định pháp luật, trong đó có quy định điều chỉnh về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư. Một số quốc gia trên thế giới có đạo luật riêng để điều chỉnh về lĩnh vực này với tên gọi khác nhau như: Luật luật sư; Luật về hành nghề luật sư; Luật về hành nghề pháp lý...

Tổ chức hành nghề luật sư là loại hình tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý, dựa vào đặc điểm này, có thể khái quát định nghĩa về pháp luật hình thức tổ chức hành nghề luật sư như sau: Là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thành lập; tổ chức hoạt động và chấm dứt của tổ chức hành nghề luật sư.

1.2.1.2 Nguồn luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư:

Với đặc điểm là một loại hình tổ chức kinh tế cung cấp dịch vụ nghề nghiệp luật sư, chịu sự quản lý và giám sát của cả cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp và tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư, do đó các quan hệ phát sinh trong quá trình thành lập, cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động và giải thể của các tổ chức hành nghề luật sư được điều chỉnh bởi các nguồn luật như sau:

- Nguồn pháp luật quốc tế là các điều ước quốc tế về lĩnh vực đầu tư, thương mại và doanh nghiệp, có thể kể đến như: GATS; ...

- Nguồn luật quốc gia là các văn bản quy phạm pháp luật do các quốc gia ban hành về hoạt động của tổ chức; doanh nghiệp, hành nghề luật sư và giao dịch kinh doanh thương mại, có thể kể đến như: Bộ luật dân sự, Luật doanh nghiệp; Luật thương mại và Luật về luật sư/ hành nghề luật sư; Bộ luật tố tụng dân sự; Bộ luật tố tụng hình sự, Luật đầu tư....

- Hệ thống quy tắc, quy định nội bộ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư và của chính tổ chức hành nghề luật sư, có thể kể đến như: Điều lệ tổ chức và hoạt động; Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư....

1.2.2 Những nội dung chủ yếu của pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư:

Cấu trúc pháp luật về hình thức tổ chức hành nghề luật sư bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh về:

- Quy định về điều kiện, chủ thể thành lập và đăng ký hoạt động của các hình thức tổ chức hành nghề luật sư;

- Quy định về cơ cấu tổ chức quản lý và hoạt động của các hình thức tổ chức hành nghề luật sư;

- Quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư;

- Quy định về tổ chức lại của các hình thức tổ chức hành nghề luật sư;

- Quy định về việc tạm ngừng và chấm dứt hoạt động của các hình thức tổ chức hành nghề luật sư;

- Quy định về chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của các hình thức tổ chức hành nghề luật sư.

- Các quy định có liên quan khác về hình thức tổ chức hành nghề luật sư.

1.2.2.1 Thành lập tổ chức hành nghề luật sư:

Với tư cách là một loại hình doanh nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ nghề nghiệp nên pháp luật các quốc gia trên thế giới đều có quy định cụ thể việc thành lập tổ chức hành nghề luật sư được điều chỉnh, bao gồm: Quy định về chủ thể tham gia, điều kiện và thủ tục thành lập tổ chức hành nghề luật sư.

Về chủ thể tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải là các Luật sư được cấp phép hành nghề và chỉ các Luật sư mới có quyền thành lập và tham gia thành lập các tổ chức hành nghề luật sư. Ngoài ra, luật quốc gia của một số nước còn quy định thêm các điều kiện khác cho Luật sư khi thành lập tổ chức hành nghề, ví dụ: Việt Nam quy định về thời gian hành nghề (tối thiểu là 02 năm); Trung Quốc quy định về vốn pháp định (100.000 tệ, tương đương 350 triệu đồng Việt Nam)

....Bên cạnh đó, các tổ chức hành nghề luật sư khi thành lập phải đáp ứng yêu cầu về trụ sở hoạt động, phương thức liên hệ...

Về thủ tục, các luật sư khi thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải thực hiện đăng ký hoặc thông báo về việc hoạt động. Tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác, pháp luật về luật sư của các nước đều quy định thành phần hồ sơ, trình tự thực hiện việc “khai sinh” đối với tổ chức hành nghề luật sư. Tuy nhiên, ở một số nước, thành lập tổ chức hành nghề luật sư là quyền tự do của các Luật sư và thể hiện bằng văn bản nội bộ; sau đó gửi thông báo về việc thành lập, hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư đến cơ quan nhà nước và Hiệp hội Luật sư địa phương hoặc quốc gia để thực hiện việc giám sát.

1.2.2.2 Cơ cấu tổ chức hoạt động:

Tùy theo từng hình thức tổ chức hành nghề luật sư mà pháp luật có quy định khác nhau về cơ cấu tổ chức hoạt động, cụ thể:

- Văn phòng luật sư do một luật sư thành lập, có cơ cấu tổ chức hoạt động như một doanh nghiệp tư nhân; Luật sư đứng tên thành lập Văn phòng luật sư là chủ doanh nghiệp tư nhân, có tên gọi là Trưởng văn phòng và là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng luật sư; có toàn quyền quản lý và điều hành các hoạt động của Văn phòng luật sư.

- Công ty luật hợp danh do ít nhất hai luật sư thành lập với tư cách thành viên hợp danh. Cơ cấu tổ chức của Công ty luật hợp danh bao gồm Hội đồng thành viên và Giám đốc công ty; được phân định quyền hạn theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

- Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một luật sư thành lập;

vừa làm chủ sở hữu (Chủ tịch Công ty) vừa làm Giám đốc và là Người đại diện theo pháp luật của tổ chức hành nghề luật sư; có toàn quyền quyết định đối với hoạt động của công ty.

- Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do ít nhất hai luật sư thành lập; có cơ cấu tổ chức gồm Hội đồng thành viên; Chủ tịch Hội đồng thành viên và Giám đốc Công ty; được phân định quyền hạn theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

1.2.2.3 Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư:

Pháp luật về luật sư/ hành nghề luật sư các nước đều có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư.

Các tổ chức hành nghề luật sư có quyền: Thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng và nhận thù lao; Tuyển dụng lao động; Hợp tác với tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài; Thành lập các đơn vị phụ thuộc .... và các nghĩa vụ chính như:

Hoạt động đúng lĩnh vực ngành nghề đã đăng ký; Tuân thủ các quy định pháp luật về lao động; thuế; báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động định kỳ; ...

1.2.2.4 Tổ chức lại của các hình thức tổ chức hành nghề luật sư

Tổ chức lại doanh nghiệp được hiểu là hoạt động cấu trúc lại doanh nghiệp diễn ra trong một số doanh nghiệp hoặc giữa một số doanh nghiệp, bao gồm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và chuyển đổi doanh nghiệp.

Đối với các hình thức tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư có quyền tổ chức lại phù hợp với định hướng phát triển, trong đó có các hình thức: Hợp nhất, sáp nhập và chuyển đổi loại hình.

1.2.2.5 Tạm ngừng và chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư:

Pháp luật quy định về các trường hợp các tổ chức hành nghề luật sư được tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động; quy định về điều kiện và nghĩa vụ phải hoàn thành khi tạm ngừng hoặc chấm dứt; quy định về trình tự thủ tục thực hiện...

Việc tạm ngừng và chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư cũng tương tự như các hình thức doanh nghiệp khác, bao gồm trường hợp chủ động thực hiện và buộc phải thực hiện theo yêu cầu. Tùy từng trường hợp, pháp luật có quy định về trình tự thực hiện cụ thể.

1.2.2.6 Chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức hành nghề luật sư Các tổ chức hành nghề luật sư là một chủ thể trong quan hệ xã hội, phải tuân thủ và chấp hành các quy định pháp luật; nếu có hành vi vi phạm pháp luật tùy theo mức độ hành vi phải chịu các chế tài xử lý tương thích: xử phạt vi phạm hành chính;

thu hồi đăng ký hoạt động hoặc chịu trách nhiệm hình sự....

Tiểu kết chương 1

Luật sư là một nghề phát triển và giữ vai trò quan trọng trong xã hội tự do dân chủ, văn minh và nhà nước pháp quyền. Trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ luật sư đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng cũng như chất lượng chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Luật sư ngày càng xã hội tôn trọng và đề cao. Luật sư cũng là nghề đòi hỏi rất cao đối với người hành nghề, ngoài tiêu chuẩn, điều kiện bắt buộc theo quy định pháp luật thì các Luật sư còn phải có kỹ năng hành nghề đặc biệt. Luật sư không những phải am hiểu và thông thạo pháp luật mà còn phải biết cách vận dụng theo hướng có lợi, bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ pháp lý do mình cung cấp. Trong quá trình hành nghề, Luật sư không chỉ phải tuân thủ pháp luật mà còn phải tuân theo Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư; phải đảm bảo việc hành nghề một cách độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan và chịu sự đồng quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về tư pháp và tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Pháp luật ngày càng mở rộng mô hình và trao quyền chủ động nhiều hơn cho các tổ chức hành nghề luật sư. Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước cùng với việc mở rộng quyền tự do kinh doanh, hoạt động hành nghề luật sư ở Việt Nam dần trở thành một lĩnh vực dịch vụ kinh doanh chuyên nghiệp, chỉ có các tổ chức hành nghề luật sư theo mô hình doanh nghiệp mới được cung cấp dịch vụ pháp lý cho tổ chức, cá nhân khác theo Hợp đồng dịch vụ pháp lý và nhận thù lao do khách hàng chi trả; các luật sư hoạt động với tư cách cá nhân đã bị giới hạn phạm vi hành nghề trong chính tổ chức đã ký Hợp đồng lao động.

Bằng những nội dung cụ thể tác giả đã chỉ ra khái quát được toàn bộ những vấn đề lý luận có tính chất gợi mở và dẫn chứng về các vấn đề liên quan đến luật sư, hoạt động hành nghề luật sư, các hình thức tổ chức hành nghề luật sư và các vấn đề lý luận pháp luật về hình thức tổ chức hành nghề luật sư nói chung.

Chương 2

Một phần của tài liệu Các hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 23 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)