Phương hướng hoàn thiện pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề Luật sư

Một phần của tài liệu Các hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 57 - 60)

Chương 3: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

3.1. Phương hướng hoàn thiện pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề Luật sư

Qua thực tế 06 năm thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư năm 2012, đã bộc lộ những điểm bất cập trong các quy định về hình thức tổ chức hành nghề luật sư và sự không tương thích với văn bản pháp luật được ban hành sau này về mô hình tổ chức doanh nghiêp như Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật doanh nghiệp năm 2014. Việc hoàn thiện pháp luật về hình thức tổ chức hành nghề luật sư cho phù hợp với đặc thù hoạt động nghề nghiệp luật sư, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nghề luật sư và tổ chức hành nghề luật sư với tư cách là doanh nghiêp cung ứng dịch vụ pháp lý trong thời gian tới đây. Tác giả thấy rằng, việc nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam hiện nay là cần thiết, việc ban hành những quy phạm pháp luật mới sẽ tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh giúp cho các hình thức tổ chức hành nghề luật sư phát triển ổn định và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Việc hoàn thiện pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư cần phải được đặt trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung cũng như hoàn thiện về pháp luật doanh nghiệp nói riêng, bằng việc cụ thể hóa bằng các giải pháp phù hợp thông qua việc ghi nhận nó thành các quy phạm pháp luật trong Luật doanh nghiệp và Luật sư luật sư cùng các văn bản pháp luật dưới luật để phát huy hiệu quả; đồng thời phải tránh những chồng chéo giữa các văn bản luật và giữa các quy phạm pháp luật với nhau. Để thực hiện tốt điều này cần thực hiện hoàn thiện pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo phương hướng sau đây:

3.1.1 Đảm bảo mục tiêu phát triển tương đồng về số lượng và chất lượng hoạt động hành nghề luật sư:

Theo đó, việc hoàn thiện pháp luật về hình thức tổ chức hành nghề luật sư vừa phải cải thiện được chất lượng dịch vụ pháp lý thông qua việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, phẩm chất đạo đức của các Luật sư; vừa phải mở rộng quy mô, nâng cao tính chuyên nghiệp, khả năng cạnh tranh của các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam bằng việc tạo ra cơ chế chủ động hơn để thu hút, phát huy các nguồn lực xã hội khác tham gia, đóng góp và phát triển hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư trong tương lai:

Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 đã chỉ rõ: “Phát triển hoạt động hành nghề của luật sư là hoạt động nghề nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp cho xã hội” và “Phát triển các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động chuyên môn hóa theo lĩnh vực pháp luật, chú trọng phát triển các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn, chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Đổi mới công tác quản lý về luật sư và hành nghề luật sư trên cơ sở thực hiện có hiệu quả nguyên tắc quản lý nhà nước kết hợp với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư, đề cao trách nhiệm của luật sư cũng như bảo đảm cơ chế để các luật sư thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ trong hoạt động hành nghề’ [28, mục II].

Hoạt động dịch vụ pháp lý là hoạt động dịch vụ nghề nghiệp, được thực hiện bởi các Luật sư và hoàn toàn dựa trên trình độ tri thức, năng lực và kĩ năng hành nghề của các Luật sư. Chính vì vậy, Luật sư là yếu tố quyết định đến chất lượng dịch vụ pháp lý cung cấp cho các khách hàng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ pháp lý thì phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ năng hành nghề cũng như chú trọng đến vấn đề thực hiện quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, tức là phải hướng đến việc phát triển về vấn đề con người. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức hành nghề luật sư ở Việt Nam trong thời gian tới cần phải hướng đến việc tạo ra các cơ chế hỗ trợ cho tổ chức hành nghề

luật sư thu hút và phát huy được nguồn lực xã hội khác việc xây dựng và phát triển với quy mô hoạt động lớn, có tính chất chuyên nghiệp như các doanh nghiệp dịch vụ và có khả năng cạnh tranh với nước ngoài, tham gia thị trường dịch vụ pháp lý quốc tế, đặc biệt là lĩnh vực tố tụng.

3.1.2 Đảm bảo tính thống nhất và minh bạch trong hệ thống pháp luật

Tính thống nhất của pháp luật về hình thức tổ chức hành nghề luật sư phải thể hiện trong bởi các quy phạm, các chế định có nội dung phù hợp, tương thích, không mâu thuẫn, không chồng chéo giữa Luật doanh nghiệp và Luật luật sư. Khi pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư có được sự thống nhất sẽ hình thành lên sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành, áp dụng pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư; mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư, tổ chức hành nghề và cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình nhận thức và áp dụng đúng pháp luật; đồng thời nó có tác dụng tạo ra sự tin tưởng của công dân, tổ chức vào chính sách, pháp luật của nhà nước và phát huy được nguồn lực trong quá trình phát triển loại hình dịch vụ pháp lý nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Việc đảm bảo tính minh bạch cũng là yêu cầu cấp thiết trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh tế nói chung và pháp luật về dịch vụ pháp lý và các hình thức tổ chức hành nghề luật sư nói riêng. Tính minh bạch thể hiện việc rõ ràng, đúng đắn về nội dung và trình tự ban hành các quy phạm pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư . Để đảm bảo tính minh bạch của pháp luật về các hình thức tổ chức hành nghề luật sư thì các quy phạm pháp luật phải có tính nhất quán; phải công khai; để các chủ thể thực thi có thể dễ dàng trong việc tiếp cận và áp dụng.

3.1.3 Đảm bảo việc kế thừa tinh hoa của pháp luật hiện hành và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế

Hội nhập quốc tế là xu thế chung của các ngành, nghề kinh tế Việt Nam trong đó có lĩnh vực dịch vụ pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư. Trong nền kinh tế thị trường, việc đảm bảo sự hài hòa và thống nhất về pháp luật trong nước

với pháp luật quốc tế có liên quan sẽ tạo ra sự tích cực, góp phần mở rộng thị trường hoạt động, khẳng định được vị trí và vai trò của luật sư Việt Nam đối với quốc tế. Vì vậy, phương hướng hoàn thiện pháp luật về các tổ chức hành nghề luật sư cần phải dựa vào việc đánh giá tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật luật sư Việt Nam để giữ lại các quy định phù hợp đồng thời nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm về việc xây dựng quy phạm pháp luật điều chỉnh về tổ chức hành nghề luật sư từ các nước có nghề luật sư lâu đời và phát triển trên thế giới.

Việc hoàn thiện pháp luật về hình thức tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam hiện nay cần tập trung:

(i) Nghiên cứu pháp luật về tổ chức hành nghề luật sư của các nước phát triển trên thế giới và tiêu biểu trong khu vực, đặc biệt là các nước có sự tương đồng về thể chế, trình độ phát triển với Việt Nam; cần tìm hiểu kỹ về nội dung các quy phạm pháp luật cụ thể để bảo đảm cho việc tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư có hiệu quả;

(ii) Thực hiện việc rà soát, tổng kết thi hành để sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành có liên quan đến tổ chức hành nghề luật sư trong Luật doanh nghiệp và Luật luật sư;

(iii) Nghiên cứu luật hóa và áp dụng các quy định trong các cam kết quốc tế về dịch vụ pháp lý và tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý một cách có hiệu quả vào Việt Nam.

Một phần của tài liệu Các hình thức tổ chức hành nghề luật sư theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)