Chương 3 Thực trạng lập phân bổ ngân sách đối với ngành giáo dục
3.1. Giới thiệu tổng quan về huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp
Huyện Tháp Mười ở phía Đông TP Cao Lãnh, nằm trên trục QL N2 nối liền TP Cao Lãnh với TP HCM, các trục kinh tế lúa gạo, thuận lợi trong việc phát triển giao lưu kinh tế theo các trục này, làm cơ sở phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu và hiện đại nhằm thu hút nguồn lực đầu tư để sản xuất phát triển công nghiệp – thương mại – Dịch vụ. Tháp Mười có tổng diện tích tự nhiên là 52.800 ha, trong đó: đất nông nghiệp: 45.774 ha và đất phi nông nghiệp: 7.026 ha với hệ thống sông ngòi chằng chịt, đặc biệt là các tuyến kênh tiếp giáp với sông Tiền như: kênh Nguyễn Văn Tiếp A, Nguyễn Văn Tiếp B là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển lúa, màu, giao thông thủy và nghề nuôi trồng thủy sản. Đất đai phần lớn thuộc nhóm phù sa, độ phì nhiêu khá, địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho sản xuất và bố trí hệ thống thủy lợi. Nguồn nước ngọt quanh năm và cột nước bơm thấp, khả năng bồi lắng phù sa dồi dào thuận lợi cho việc bơm, tưới tiêu phục vụ trồng trọt, chăn nuôi.
Khí hậu, thời tiết huyện Tháp Mười cũng chịu ảnh hưởng chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệt độ bình quân trong năm 26,9oC, ẩm độ không khí bình quân trong năm 82%. Lượng mưa bình quân hàng năm là 1.410 mm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, nước từ thượng nguồn MêKông tràn về hàng năm thường từ tháng 7 đến tháng 11, mực nước ngập trung bình 4,20m (so với mặt nước biển), trên đồng nước ngập sâu 1m. Ngoài nước mặt, ở Tháp Mười còn có nước ngầm rất tốt.
3.1.2. Tình hình kinh tế-xã hội của huyện Tháp Mười
Huyện Tháp Mười có 1 thị trấn là thị trấn Mỹ An và 12 xã là: Thạnh Lợi, Mỹ An, Mỹ Hòa, Mỹ Quý, Thanh Mỹ, Phú Điền, Tân Kiều, Trường Xuân, Hưng
Thạnh, Đốc Binh Kiều, Mỹ Đông, Láng Biển. Trong đó Thị trấn Mỹ An là nơi tập trung các cơ quan Đảng, đoàn thể, trụ sở hành chính cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa cấp huyện và là trung tâm kinh tế đô thị hàng đầu của huyện. Tăng trưởng kinh tế của huyện đạt mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Hiện nay, thế mạnh kinh tế của huyện là Nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, cơ cấu kinh tế của huyện là: Thương mại dịch vụ-nông nghiệp và Công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện đạt 10,77%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp xuống 62,94% và tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng lên 9,79%; thương mại - dịch vụ lên 27,27%, thu nhập bình quân đầu người đạt 47 triệu đồng/người/năm. Phấn đấu cuối năm 2019 đạt 50 triệu đồng/người/năm.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhiều chính sách được đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Các mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ từng bước đẩy mạnh, góp phần ổn định sản xuất đưa giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thuỷ sản tăng. Trong đó chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được huyện tập trung thực hiện đạt những kết quả tích cực. Đến nay, có 9/12 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, phấn đấu cuối năm 2019 có 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp.
Thương mại - dịch vụ, du lịch: hoạt động khá sôi động và đa dạng. Mạng lưới các chợ được đầu tư nâng cấp, mở rộng đã phát huy đáp ứng nhu cầu mua bán, kinh doanh của người dân, hàng năm đều đạt chợ văn minh; các dịch vụ có bước phát triển mạnh: bưu chính, viễn thông, ngân hàng… đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội và sản xuất, kinh doanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 6.551.990 triệu đồng.
Hoạt động du lịch có những tín hiệu tích cực, nhất là thông qua lễ hội Gò Tháp và mô hình du lịch cộng đồng Đồng sen Tháp Mười đã nâng cao hình ảnh của Huyện.
Công nghiệp - xây dựng: tiếp tục phát triển, đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng kinh tế. Huyện đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy
ngành công nghiệp phát triển như: xây dựng kết cấu hạ tầng cụm Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Trường Xuân, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh, minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính,...
Nên đã thu hút nhiều dự án đầu tư, đã có các dự án đi vào hoạt động như: Công ty lúa gạo Cẩm Nguyên, Công ty Cổ phần thực phẩm One One Miền Nam, Công ty TNHH Tỷ Thạc... đã làm giá trị sản xuất công nghiệp: 1.245.414 triệu đồng.
Giáo dục và đào tạo phát triển về qui mô, chất lượng ngày càng nâng cao, giáo dục của huyện đã có sự chuyển hướng ngày càng đi vào chiều sâu, phản ánh đúng thực chất, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên, đến nay đã có 29/62 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp đều được giữ vững ở tỷ lệ cao, đặc biệt là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm đạt tỷ lệ cao so với bình quân trong toàn tỉnh.
Chăm sóc sức khỏe nhân dân: Mạng lưới y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ y tế được huyện tập trung củng cố và kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu khám và chữa bệnh cho nhân dân. Đến nay, có 13/13 Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo đạt nhiều kết quả quan trọng. Thành lập nhiều mô hình làm ăn kinh tế; tổ chức dạy nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là ý thức tự vươn lên của người dân thông qua tham gia các chương trình tại địa phương, hàng năm trên 130 lao động tham gia thị trường lao động nước ngoài, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57%..
Quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác cải cách thủ tục hành chính ngày càng mang hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ. Tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đạt được kết quả đáng ghi nhận, không có trường hợp khiếu nại gay gắt, đông người hoặc tạo điểm nóng. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chỉ đạo với quyết tâm cao, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.