1.3.1. Chỉ định
- Bệnh nhân có chấn thương tạng đặc thấy có tổn thương mạch trên CLVT: ổ thoát thuốc hoạt động, ổ giả phình hay thông động tĩnh mạch.
- Bệnh nhân có chấn thương tạng đặc nhưng không thấy hình ảnh tổn thương mạch trên CLVT có chỉ định chụp mạch để phát hiện tổn thương: vỡ
mạch giả phình, thông động tĩnh mạch, tắc mạch.
- Tình trạng huyết động ổn khi vào viện hoặc sau khi hồi sức.
- Có chỉ định bảo tổn không phẫu thuật.
1.3.2. Chống chỉ định
- Bệnh nhân có chấn thương tạng đặc có huyết động không ổn định sau khi đã hồi sức tích cực.
- Sốc tụt huyết áp do đa chấn thương hoặc các tổn thương tạng khác (vỡ ống tiêu hoá, vỡ bàng quang…) cần phẫu thuật.
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc cản quang đường tĩnh mạch.
- Bệnh nhân suy gan, suy thận, rối loạn đông máu.
- Gia đình hoặc bệnh nhân không đồng ý thực hiện kỹ thuật nút mạch cầm máu.
1.3.3. Chụp mạch
Đây là một phương pháp vừa chẩn đoán vừa điều trị. Chụp mạch máu cho phép chấn đoán các tổn thương như: tụ máu, đường vỡ nhu mô hay ổ đụng dập nhu mô… Đặc biệt là xác định các tổn thương mạch máu: ổ chảy máu hoạt động, ổ giả phình, thông động tĩnh mạch, cắt cụt mạch… Chụp mạch được coi là tiêu chuẩn vàng trong việc xác định các tổn thương mạch máu. Các dạng tổn thương có thể gặp:
- Chảy máu thể hoạt động (active bleeding): hình ảnh thoát thuốc cản quang trực tiếp từ các nhánh mạch bị tổn thương.
- Giả phình động mạch: xuất hiện ổ đọng thuốc (kích thước thường lớn hơn mạch thượng lưu) có thông với thân hoặc nhánh của động mạch bị tổn thương, bờ rõ, có thoát thuốc thì muộn. Nếu túi phình đã vỡ thì bờ túi phình không đều.
- Thông động tĩnh mạch: hình ảnh giãn to động mạch trước luồng thông và xuất hiện tĩnh mạch dẫn lưu lớn và sớm trong thì đôngh mạch (thấy đồng thời trên một phim chụp).
- Ngoài ra có thể gặp hình ảnh cắt cụt các nhánh mạch do hình thành các cục máu đông gây bít tắc các vị trí mạch bị tổn thương.
1.3.4. Vật liệu nút mạch
Gồm nhiều loại, được chia thành hai nhóm chính: tắc mạch tạm thời và tắc mạch vĩnh viễn [30], [31].
1.3.4.1. Vật liệu nút mạch tạm thời
- Trong nhóm này Gelfoam (Spongel) được sử dụng nhiều nhất. Đây là vật liệu được sử dụng thường xuyên với mục đích cầm máu trong phẫu thuật, vật liệu này có thể tự tiêu trong khoảng thời gian 3 tuần đến 3 tháng. Do tính chất không cản quang nên trong can thiệp thường được trộn với thuốc cản quang để bơm qua catheter một cách chính xác nhất.
1.3.4.2. Vật liệu nút mạch vĩnh viễn
- Hạt nhựa tổng hợp (PVA): là dẫn xuất của Polyvinyl có kích thước từ 150 đến 1000 micro mét. Thể tích hạt sẽ tăng lên khi gặp nước, các hạt này được sử dụng để nút mạch qua vi ống (micro catheter). Hiện nay các hạt vi cầu đang được nghiên cứu và phát triển với nguyên lý tương tự nhưng độ hiệu quả cao hơn.
- NBCA (N-butyl-2-Cyanoarcrylat), tên biệt dược Histoacryl là một chất dính sinh học, được sử dụng lần đầu tiên năm 1981 [32], có khả năng tự trùng hợp và đông đặc. Hiện tượng tự trùng hợp, đông đặc xảy ra khi chúng tiếp xúc với các chất có ion hoá (máu, tế bào nội mô mạch máu) gây tắc mạch.
Thời gian tự trùng hợp này tính bằng giây, do đó sử dụng vật liệu này đòi hỏi hệ thống đồng trục (coaxial). Hystoacryl thường được pha loãng với dung dịch Lipipdol theo tỷ lệ 1:1-1:5.
- Vòng xoắn kim loại (Coil): là vật liệu gây tắc vĩnh viễn ở các nhánh mạch máu gần, có hiệu quả và vai trò lớn trong các tổn thương: phình hay giả phình, thông động tĩnh mạch xong giá thành đắt.
Việc lựa chọn và sử dụng vật liệu nút mạch phụ thuộc vào từng loại tổn thương mạch máu, kinh nghiệm và quan điểm của từng trung tâm can thiệp cũng như bác sĩ can thiệp.
1.3.5. Biến chứng nút mạch
Biến chứng sau nút mạch tuỳ thuộc vào cơ quan và đường vào của động
mạch được can thiệp bao gồm: khối máu tụ, ổ giả phình động mạch, thông động tĩnh mạch, lóc tách thành mạch, viêm động mạch, thiếu máu chi và chảy máu lại [33], [34]. Diện tích đường vào ít ảnh hưởng tới các biến chứng (3%) [34].
Các biến chứng sau nút mạch như lóc tách hay rách thành động mạch có thể gây hậu quả tại chính các cơ quan bị tổn thương: suy thận, hoại tử gan, hoại tử lách… ngoài ra quá trình can thiệp không vô khuẩn có thể dẫn tới các biến chứng: viêm động mạch, các ổ áp xe tại các tạng, nhiễm khuẩn huyết [33], [34].
Các biến chứng hệ thống bao gồm phản ứng dị ứng, sốc phản vệ, suy thận có thể xảy ra ở các bệnh nhân dị ứng với i ốt trong thuốc cản quang.
Biến chứng nút mạch chiếm tỷ lệ 8,4-11,2% và hầu hết các biến chứng này có thể khống chế được tuỳ theo loại biến chứng bằng các phương pháp nội khoa, dẫn lưu, nút mạch thì hai…[34].
Chương 2