Chương 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NÂNG CAO
3.2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Các quy định pháp luật hiện hành về TNLĐ, BNN hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản để bảo vệ NLĐ trong quá trình sản xuất cũng như hỗ trợ, giúp đỡ NLĐ khi TNLĐ, BNN xảy ra. Từ thực trạng pháp luật về TNLĐ, BNN, Luận văn đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về TNLĐ, BNN như sau:
Thứ nhất, thống nhất các quy định về ATVSLĐ.
Hiện nay, chế định ATVSLĐ trong BLLĐ năm 2012 đã được tách ra và quy định cụ thể trong luật ATVSLĐ năm 2015. Tuy nhiên, chế định ATVSLĐ vẫn được quy định tại chương IX BLLĐ năm 2012, nhiều quy định về ATVSLĐ của Luật ATVSLĐ năm 2015 và BLLĐ năm 2012 có sự trùng lặp, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Điều này đòi hỏi cần phải sửa đổi BLLĐ, tác giả Luật văn kiến nghị trong gian tới Nhà nước nên sửa đổi BLLĐ theo hướng không quy định chế định ATVSLĐ trong BLLĐ để có sự thống nhất các quy định về ATVSLĐ trong hệ thống pháp luật
Thứ hai, quy định về phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp tại Điều 19 Luật ATVSLĐ năm 2015.
Pháp luật quy định NSDLĐ phải có phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp với những nội dung được quy định tại Điều 8 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP là chưa hợp lý, gây khó khăn cho NSDLĐ trong việc tuân thủ thực hiện bởi sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng là sự kiện khách quan nằm ngoài sự kiểm soát của NSDLĐ, để lập được phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp cần phải có sự nghiên cứu, phân tích, đánh giá chuyên sâu mang tính khoa học - kỹ thuật, từ đó mới có thể đưa ra phương pháp, cách thức, trình tự xử lý hiệu quả sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng xảy ra trong thực tế và việc ứng cứu. NSDLĐ là người tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, không có kiến thức chuyên sâu về khoa học - kỹ thuật, kỹ năng phân tích, đánh giá rủi ro để đưa ra cách thức, trình tự xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp, nếu NSDLĐ tự xây dựng phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp sẽ không tránh khỏi tính chủ quan, không dựa trên cơ sở khoa học - kỹ thuật, có thể dẫn đến tình trạng NSDLĐ làm qua loa, chống đối cho đủ thủ tục khi cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát dẫn đến phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp không có tính khả thi trong thực tế.
Để NSDLĐ có phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp và thực hiện hiệu quả phương án trong thực tế, Nhà nước nên bổ sung quy định này theo hướng quy định cụ thể các cơ quan, tổ chức có chuyên môn hướng dẫn, tư vấn, cung cấp dịch vụ xây dựng phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp. Trên cơ sở đó NSDLĐ kí kết hợp đồng với các cơ quan, tổ chức này để xây dựng phương án, qua đó phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp được xây dựng một cách khách quan, khoa học đảm bảo tính khả thi khi xử lý sự cố xảy ra, qua đó bảo vệ được NLĐ trước nguy cơ gây ra TNLĐ cũng như không gây khó khăn cho NSDLĐ trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất.
Thứ ba, quy định sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ tại Điều 30 Luật ATVSLĐ năm 2015.
Pháp luật quy định trong quá trình sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm "định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng… theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng". Pháp luật quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho người sử dụng bởi họ sẽ phải tìm các quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia tương ứng với các loại máy, thiết bị, vật tư, đối chiếu để xác định thời gian định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng gây mất thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó với điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ khoa học - kỹ thuật chưa phát triển ở nước ta dẫn đến có thể một số quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã cũ không còn phù hợp so với yêu cầu thực tế. Chỉ có nhà sản xuất máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, trong quá trình nghiên cứu sản xuất mới có thể nắm rõ về các đặc tính, yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm mà họ tạo ra để đưa ra những chỉ dẫn phù hợp. Vì vậy, Nhà nước nên sửa đổi quy định này theo hướng quy định các nhà sản xuất có trách nhiệm căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để đưa ra chỉ dẫn về thời gian định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng trong hoạt động sản xuất.
Thứ tư, quy định về phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động tại Điều 23 Luật ATVSLĐ năm 2015.
Pháp luật quy định NSDLĐ khi thực hiện trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phải đảm bảo nguyên tắc "bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia". Các phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động do các nhà sản xuất cung cấp và NSDLĐ bỏ chi phí để mua những loại phương tiện này trang cấp cho NLĐ sử dụng trong quá trình lao động, các nhà sản xuất phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng của sản phẩm do mình tạo ra. Pháp luật quy định NSDLĐ phải đảm bảo chất lượng của sản phẩm là chưa phù hợp, vô hình chung đẩy trách nhiệm pháp lý cho NSDLĐ, thiết nghĩ NSDLĐ chỉ có trách nhiệm mua sắm các phương tiện bảo vệ cá nhân của những nhà sản xuất uy tín, có địa chỉ rõ ràng, không mua hàng gả, hàng nhái, còn việc đảm bảo chất lượng thuộc về nhà sản xuất và hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc ngăn ngừa hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Vì vậy, Nhà nước không nên quy định trách nhiệm này cho NSDLĐ.
Thứ năm, quy định quản lý sức khỏe NLĐ tại Điều 27 Luật ATVSLĐ năm 2015.
Pháp luật quy định "NSDLĐ có trách nhiệm lập, quản lý hồ sơ BNN, thông báo kết quả khám sức khỏe, khám phát hiện BNN cho NLĐ biết". Trong danh mục BNN do Bộ Y tế ban hành hiện nay có nhiều BNN là bệnh nan y, mãn tính, truyền nhiễm như bệnh viêm gan vi rút B, C nghề nghiệp, nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, bệnh lao nghề nghiệp, bên cạnh đó việc khám sức khỏe định kỳ ở doanh nghiệp cũng có thể phát hiện NLĐ mắc các bệnh như trên mà không liên quan đến nghề nghiệp. Nếu thông tin về NLĐ mắc các BNN, các bệnh nan y, mãn
tính, truyền nhiễm không được quản lý chặt chẽ, không bảo đảm bí mật mật cá nhân cho NLĐ sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống (đời tư) của họ, như có thể bị xã hội kỳ thị, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng đến tình yêu đối với những NLĐ chưa kết hôn… Vì vậy, Nhà nước nên bổ sung quy định này theo hướng các cơ quan quản lý nhà nước, bác sĩ khám sức khỏe, NSDLĐ có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin về sức khỏe, BNN của NLĐ, chỉ được cung cấp thông tin về sức khỏe, BNN của NLĐ cho người khác khi được NLĐ đồng ý.
Thứ sáu, về trách nhiệm của NSDLĐ đối với NLĐ bị TNLĐ, BNN quy định tại mục 2 Chương III Luật ATVSLĐ năm 2015.
Có thể thấy, theo quy định của pháp luật hiện hành NSDLĐ phải chịu rất nhiều trách nhiệm khi TNLĐ, BNN xảy ra. Với tình hình TNLĐ, BNN diễn ra phổ biến và nghiêm trọng ở nước ta hiện nay nhiều NSDLD phải bỏ ra những khoản chi phí rất lớn để khắc phục hậu quả do TNLĐ, BNN gây ra, gây ảnh hưởng đến sự ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Pháp luật của Singapore, Hàn quốc, Đức... quy định việc bồi thường TNLĐ, BNN được thực hiện thống nhất từ 01 nguồn. Mô hình trên có nhiều ưu điểm so với mô hình của Việt Nam như mức đóng linh hoạt theo nguy cơ xảy ra TNLĐ, mắc BNN của từng nhóm ngành nghề; việc chi trả bồi thường nhanh chóng, thuận lợi, do việc điều tra xác minh bồi thường được tiến hành bởi ngay cơ quan chi trả; giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian để NSDLĐ tập trung vào sản xuất kinh doanh; tăng hiệu quả chia sẻ rủi ro về tài chính, tránh nguy cơ phá sản khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng tại doanh nghiệp.... NSDLĐ do thấy được lợi ích khi tham gia quỹ này về cả thời gian, tiền bạc, về cả khía cạnh xã hội lẫn tính kinh tế nên đã rất ủng hộ100.
Để chia sẻ rủi ro, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho NSDLĐ khi có TNLĐ, BNN xảy ra, căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội nước ta và tham khảo kinh nghiệm của các nước nêu trên Nhà nước nên sửa đổi quy định này theo hướng chuyển một số trách nhiệm của NSDLĐ đối với NLĐ bị TNLĐ, BNN như trách nhiệm thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với NLĐ tham gia bảo hiểm y tế; trách nhiệm bồi thường, trợ cấp cho NLĐ sang cho quỹ BHXH, có thể thành lập một quỹ thành phần, NSDLĐ có trách nhiệm đóng quỹ xác định mức đóng theo nguy cơ xảy ra TNLĐ, BNN (phân chia rủi ro theo nhóm ngành, nghề). Khi TNLĐ, BNN xảy ra
100 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Báo cáo số 44/BC-LĐTBXH ngày 06/6/2014 Tổng kết đánh giá 20 năm thi hành pháp luật an toàn, vệ sinh lao động, tiểu mục 9, mục III, Hà Nội.
NSDLĐ vẫn trực tiếp thực hiện trách nhiệm của mình (tạm ứng chi phí) sau đó sẽ được BHXH chi trả, qua đó quyền lợi của NLĐ bị TNLĐ, BNN được NSDLĐ thực hiện một cách chủ động, kịp thời. Các doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra TNLĐ, BNN như nhau được chia sẻ rủi ro, đảm bảo cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh khi không phải bỏ ra một khoản chi phí lớn, đột xuất khắc phục hậu quả do TNLĐ, BNN gây ra. Bên cạnh đó Nhà nước cũng thực hiện được tốt công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ khi doanh nghiệp được chia sẻ rủi ro thì việc khai báo TNLĐ, BNN, sự cố gây mất ATVSLĐ sẽ được NSDLĐ thực hiện nghiêm chỉnh hơn101.
Thứ bẩy, quy định về đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN tại Điều 43 Luật ATVSLĐ năm 2015.
Việc từng bước mở rộng đối tượng tham gia BHXH là xu hướng tất yếu của mọi quốc gia nhằm thiết lập một hệ thống ASXH bền vững và phát triển, trong đó bảo đảm quyền được tham gia và quyền được hưởng thụ về BHXH của mọi NLĐ trong xã hội. Luật ATVSLĐ năm 2015 đã mở rộng phạm vi áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN so với Luật BHXH năm 2006, tuy nhiên, còn một số đối tượng mà chế độ TNLĐ, BNN chưa được áp dụng như những NLĐ là nông dân, NLĐ làm nghề tự do (NLĐ thuộc khu vực phi chính thức)… ở nước ta hiện nay bộ phận những NLĐ này chiếm tỉ lệ không nhỏ. Hiện nay, ở nước ta ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng cao trong nền kinh tế, người nông dân vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công trong nông nghiệp như trực tiếp phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ cho cây lúa, cây nông nghiệp khác... bên cạnh đó mỗi khi công việc đồng áng nhàn dỗi, người nông dân thường tận dụng thời gian này để đi làm những công việc lao động tự do kiếm thêm thu nhập như làm thợ xây, khai thác lâm sản… những hoạt động lao động này luôn tiềm ẩn rủi ro gây ra TNLĐ, BNN đối với họ. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN đối với NLĐ thuộc khu vực phi chứng thức là đòi hỏi phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Nhà nước có thể mở rộng đối tượng áp dụng chế độ TNLĐ, BNN cho NLĐ thuộc khu vực phi chính thức theo hướng quy định NLĐ tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ TNLĐ, BNN. Mức đóng được tính theo quy định chung; mức hưởng trợ cấp, mức hỗ trợ được tính trên cơ sở mức suy giảm khả năng lao động, mức đóng và thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Tuy nhiên, việc xác định điều
101 Hoàng Bích Hồng (2011), Hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, tr 121-122. Luận văn phát triển thêm ý của tác giả Hoàng Bích Hồng để quy định này được phù hợp hơn trong thực tế.
kiện hưởng chế độ TNLĐ, BNN đối với NLĐ thuộc khu vực phi chính thức là rất khó khăn bởi tính đa dạng của các ngành nghề mà họ tham gia lao động, điều này đòi hỏi phải tổng kết thực tiễn, tổng hợp những dấu hiệu đặc trưng theo các nhóm ngành, nghề để xác định điều kiện hưởng chế độ TNLĐ cho phù hợp cũng như xác định danh mục BNN mà NLĐ thuộc khu vực phi chính thức được hưởng chế độ BNN.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành quy định NLĐ đã nghỉ hưu mà phát hiện bị BNN trong thời gian bảo đảm và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng chế độ BNN. Tuy nhiên, quy định về đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN tại Điều 43 Luật ATVSLĐ năm 2015 lại chưa quy định NLĐ đã nghỉ hưu bị mắc BNN trong thời gian bảo đảm là đối tượng áp dụng. Vì vậy, cần bổ sung thêm đối tượng này được áp dụng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN để các quy định pháp luật hiện hành đảm bảo tính thống nhất.
Thứ tám, quy định về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ tại điểm b khoản 1 Điều 45 Luật ATVSLĐ năm 2015.
Pháp luật quy định NLĐ bị tai nạn: "Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của NSDLĐ hoặc người được NSDLĐ ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động" là một trong những điều kiện hưởng chế độ TNLĐ là chưa chặt chẽ. Việc NLĐ xác định người đưa ra yêu cầu thực hiện công việc có phải là người được NSDLĐ ủy quyền quản lý lao động hay không trong thực tế sẽ khó khăn, không phải trường hợp nào NLĐ cũng đề nghị người đưa ra yêu cầu thực hiện công việc phải chứng thực việc mình được NSDLĐ ủy quyền quản lý lao động (do quen biết, do nể nang…) và cũng không phải người được NSDLĐ ủy quyền quản lý lao động nào cũng đem theo và đưa ra văn bản ủy quyền cho NLĐ để chứng thực khi yêu cầu NLĐ thực hiện công việc, điều này sẽ dẫn đến rủi ro cho NLĐ khi họ thực hiện công việc ngoài nơi hoặc ngoài giờ làm việc theo yêu cầu của người không được NSDLĐ ủy quyền mà xảy ra TNLĐ. Vì vậy, Nhà nước nên bổ sung quy định này theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của NSDLĐ phải thông báo cho toàn bộ NLĐ trong doanh nghiệp được biết việc ủy quyền cho người khác quản lý lao động hoặc quy định trách nhiệm phải chứng minh việc được NSDLĐ ủy quyền quản lý lao động của người đưa ra yêu cầu thực hiện công việc nhằm tránh rủi ro cho NLĐ khi thực hiện công việc của người đưa ra yêu cầu không được NSDLĐ ủy quyền quản lý lao động và xảy ra TNLĐ ngoài nơi hoặc ngoài giờ làm việc.
Thứ chín, quy định về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ tại điểm c khoản 1 Điều 45 Luật ATVSLĐ năm 2015.
Pháp luật quy định NLĐ bị tai nạn: "Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý" là một trong những điều kiện hưởng chế độ TNLĐ là chưa thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước ta hiện nay. Điều 19 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đã có sự giải thích: Trong khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc. Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc hoặc ngược lại. Có thể thấy để tai nạn trên tuyến đường đi hợp lý ở trong khoảng thời gian hợp lý được xác định là TNLĐ phải tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên, pháp luật quy định như vậy thì phạm vi sẽ rất rộng và có thể dẫn tới việc lạm dụng BHXH bởi tai nạn trong trường hợp này chủ yếu là tai nạn giao thông. Có những trường hợp NLĐ đi và về trong thời gian và trên tuyến đường hợp lý, nhưng do điều khiển phương tiện không chấp hành luật giao thông, kết hợp các công việc đưa, đón con… dẫn đến xảy ra tai nạn. Mặt khác NSDLĐ không thể kiểm soát và quy định việc đi lại của NLĐ và đương nhiên cũng không thể bắt NSDLĐ phải chịu trách nhiệm về việc đi lại của NLĐ. Nếu tai nạn trong những trường hợp này được xác định là TNLĐ thì NSDLĐ sẽ phải gánh trách nhiệm khắc phục hậu quả của TNLĐ một cách thiếu căn cứ.
Bên cạnh đó trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa phát triển như ở nước ta hiện nay, tình hình tai nạn giao thông diễn ra phổ biến và phức tạp, do đó trong điều kiện hiện nay Nhà nước chưa nên quy định trường hợp NLĐ bị tai nạn giao thông dù trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý được hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Đối với trường hợp bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý, hiện nay chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN đã bị lạm dụng và xử lý rất phức tạp để xác định đâu là đi làm việc, đâu là đi theo mục đích khác đặc biệt là trường hợp tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ. Hiện nay, những người tham gia giao thông bị tai nạn có thể được hưởng bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc cho chủ xe cơ giới hoặc được bồi thường do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra102. Mặt khác khi NLĐ vi phạm luật giao thông và xảy ra tai nạn thì thiết nghĩ họ phải chịu trách nhiệm về hành vi không tuân thủ pháp luật của mình.
102 Lục Thị Thu Hòe (2015), Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ thực tiễn thi hành tại Bắc Giang, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa luật - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 74.