Năm 2002, nhóm các tác giả gồm: Christina Canakis, Panayotis Zafirakis, Theodoros Marakis, Ioannis Mallias, George Theodossiadis trong một báo cáo tại tạp chí nhãn khoa Mỹ [33] đã đề cập đến 2 trường hợp bị viêm MBĐ trước có teo mống mắt khu vực và kèm theo tăng nhãn áp ảnh hưởng đến thần kinh thị giác mà nguyên nhân gây ra là do CMV. Các tác giả cũng đã điều trị cho 2 bệnh nhân này bằng thuốc kháng virus Ganciclovir và cho kết quả đáp ứng khá tốt. Sau quá trình nghiên cứu họ đã đưa ra kết luận là quá trình nhiễm CMV có thể sản xuất ra những chất tấn công MBĐ gây ra những đợt tái phát viêm MBĐ với những đặc điểm lâm sàng không thể nhận biết được từ những dấu hiệu gợi ý trước đó hoặc thậm chí đặc trưng bệnh viêm do Herpes.
Soon Phaik Chee và cộng sự [3] từ năm 2004 đến năm 2006 đã nghiên cứu tại Trung tâm mắt quốc gia Singapore trên 105 mắt bị viêm MBĐ trước của những bệnh nhân không bị nhiễm HIV bằng cách lấy thủy dịch và phân tích bằng phản ứng PCR, đã đưa ra kết quả sau: 24 mắt dương tính với CMV, chiếm tỷ lệ 22,8%; trong đó 18 mắt có hội chứng Posner – Schloosman (tỷ lệ
75%); 12 mắt trong số 24 mắt có CMV dương tính được điều trị bằng thuốc kháng virus Ganciclovir. Kết thúc điều trị cả 12 mắt đều có đáp ứng tốt, kết quả làm xét nghiệm PCR chứng minh CMV âm tính trong thủy dịch. Tuy nhiên sau đó 9 mắt bị tái phát trong vòng 8 tháng sau khi dừng điều trị và yêu cầu phải điều trị tiếp một đợt Ganciclovir kéo dài hơn. 81 mắt còn lại có CMV âm tính bao gồm 30 mắt bị hội chứng Posner – Schloosman, 11 mắt bị viêm mống mắt dị sắc Fush, 27 mắt bị viêm màng bồ đào tăng nhãn áp không rõ nguyên nhân và 13 mắt viêm MBĐ trước nghĩ nhiều do Herpes. Sau quá trình nghiên cứu với các kết quả thu được, tác giả đã đưa ra kết luận viêm MBĐ trước do CMV không phải là hiếm thấy ở bệnh nhân có miễn dịch bình thường và nó có thể như là đợt tái phát cấp hoặc viêm mạn tính.
Một số nhóm nghiên cứu khác như I de Schryver và cộng sự (2), Van Boxtel LA [34] cũng đề cập tới sự có mặt của CMV trong thủy dịch của bệnh nhân bị viêm MBĐ trước và cho đây là nguyên nhân gây viêm MBĐ trước của những bệnh nhân này. Các nhóm tác giả này đã điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc kháng virus Gancicilovir cho kết quả khá tốt, tỷ lệ khỏi bệnh và ổn định cao, hạn chế tái phát.
Tại Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu về những biến chứng và di chứng do viêm MBĐ trước gây ra và các phương pháp điều trị biến chứng và di chứng. Tác giả Nguyễn Thị Bạch Tuyết [12] năm 2006 đã nghiên cứu điều trị đục thủy tinh thể trên mắt có viêm MBĐ cũ bằng phương pháp tán nhuyễn thủy tinh thể bằng siêu âm đặt thủy tinh thể nhân tạo hậu phòng. Năm 2009 thì tác giả Lê Xuân Lương [11], Nguyễn Trọng Khải [10] đã nghiên cứu điều trị tăng nhãn áp và tổ chức hóa dịch kính sau viêm MBĐ. Nhìn chung các tác giả trên đều nêu được một số đặc điểm lâm sàng của bệnh nhưng chưa đề cập đến nguyên nhân gây bệnh. Chính vì vậy mà những người bệnh bị viêm MBĐ, đặc biệt là viêm MBĐ trước thường phải điều trị rất dai dẳng, tỷ lệ tái
phát của bệnh cao làm tốn kém thời gian, công sức cũng như kinh tế của người bệnh. Nhiều trường hợp hợp bệnh tiến triển phức tạp, tái phát nhiều lần dẫn đến mất chức năng thị giác của người bệnh. Do đó việc nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, tìm hiểu mối liên quan giữa bệnh cảnh lâm sàng và kết quả xét nghiệm thủy dịch của bệnh nhân bị viêm MBĐ trước bằng phản ứng PCR để tìm nguyên nhân gây bệnh tại Việt Nam là hết sức có ý nghĩa và đây cũng chính là mục đích của luận văn này.
CHƯƠNG 2