CHƯƠNG 3: TRIỂN VỌNG EU GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ HỒI GIÁO ĐẾN NĂM 2030 VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
3.1. Cơ sở dự báo
3.1.1. Sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan trên thế giới và triển vọng giải quyết
3.1.1.1. Sự phát triển của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan trên thế giới Chủ nghĩa khủng bố nói chung và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan nói riêng hoành hành trở lại từ năm 2014 đến nay với tốc độ nhanh hơn đã đe dọa nghiêm trọng sự an toàn và ổn định của cộng đồng quốc tế. Tính chất của chủ nghĩa khủng bố ngày càng khốc liệt, ngày càng man rợ hơn, tàn bạo hơn. Từ hoạt động có chương trình, có tính toán sang kêu gọi các phần tử cực đoan hành động đơn lẻ, sử dụng các vật dụng thông thường gây sát thương cao [19, tr.19-23].
Hành vi khủng bố Hồi giáo được thực hiện bởi các cá nhân đơn độc tồn tại ở nhiều nơi, từ Trung Đông, châu Phi, châu Âu, Trung Á, Kavkaz, Nam Á, đến Đông Nam Á. Xét trong 5 năm trở lại đây, xu hướng khủng bố của các cá nhân đơn lẻ vẫn mạnh nhất ở Trung Đông, đặc biệt là khu vực Irắc, Xyri và bán đảo Arập.
Đặc biệt hơn, những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan tiếp tục đào tạo những kẻ liều chết, hay còn gọi là những quả “bom sống”, bởi khi sử dụng những quả bom này chúng có thể gây sát thương cao mà chi phí lại thấp, đặc biệt có thể
không bị rơi vào sự kiểm soát của các cơ quan an ninh vì chúng ngụy trang dưới dạng dân thường.
Hình thái mới của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan ngày càng trở nên biến tướng khó lường. Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan đã từng bước phát triển từ tổ chức hữu hình trước kia trở thành một hình thái ý thức – tư tưởng khủng bố, chi phối rất nhiều hoạt động của các tổ chức khủng bố địa phương.
Chúng chủ trương xây dựng một “biểu tượng tinh thần khủng bố” toàn cầu. Do vậy chúng chĩa mũi nhọn tấn công vào những thành phố có ý nghĩa tượng trưng, trung tâm kinh tế chính trị có sự ảnh hưởng lớn, đô thị có mật độ dân số cao hay các sự kiện đông người tham dự. Những kẻ khủng bố cũng không ngừng “thánh hóa” hệ tư tưởng bằng việc xuyên tạc những câu thơ trong Kinh Koran hoặc những lời nói của nhà tiên tri Muhammad. Từ đây chúng lôi kéo người dân thường vô tội vào cuộc chiến “giữa các nền văn minh” và thực hiện xây dựng một ngôi nhà Hồi giáo chung, một nhà nước Hồi giáo “hoàn toàn thanh tẩy” [44, 234-235]. Chúng thể hiện rõ tính quốc tế, tính chính trị và tính bạo lực.
Xu hướng vận động chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan chủ yếu bao gồm việc khuếch trương ảnh hưởng qua các tương tác toàn cầu và ngày càng cực đoan về tư tưởng và gia tăng hoạt động khủng bố.
Xu hướng thứ nhất: Khuếch trương ảnh hưởng qua các tương tác toàn cầu Xu thế toàn cầu hóa mà tất cả các quốc gia đang tiến hành lại chính là môi trường lý tưởng để các nhóm khủng bố xuyên quốc gia phát triển. Hiện nay những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan đang gia tăng khuếch trương ảnh hưởng qua các tương tác toàn cầu và gây nỗi sợ qua các phương tiện truyền thông đại chúng và chiêu mộ binh sỹ qua Internet. Nhận thức được mức độ ảnh hưởng của truyền thông và mạng xã hội, IS đã biết sử dụng mạng xã hội để đăng tải những vụ hành quyết con tin, xử phạt những kẻ không trung thành để răn đe công chúng và gây tiếng vang lớn [96].
Xu hướng thứ hai: Ngày càng cực đoan về tư tưởng và gia tăng hoạt động khủng bố
Điều làm nên sự khác biệt của IS so với các tổ chức khủng bố Hồi giáo khác là họ không theo đuổi việc tổ chức các hành động khủng bố gây tiếng vang rồi rút lui. IS theo đuổi việc thành lập một nhà nước Hồi giáo thuần túy, điều mà từ trước đến nay chưa có tiền lệ hoặc chưa tổ chức nào dám làm. Đây là xu hướng mới nhất của chủ nghĩa Hồi giáo khủng bố, mong muốn có một tổ chức nhà nước riêng biệt, quy củ và bài bản hơn. Bên cạnh đó, những hoạt động khủng bố của các IS ngày một đa dạng, mức độ tàn sát ngày càng gia tăng. Tất cả những tội ác của chúng được quy về tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh. Ngoài IS, tổ chức khủng bố al-Qaeda trỗi dậy trở lại được dự đoán sẽ trở thành một mối đe dọa nguy hiểm nhờ hệ tư tưởng cũng như phương pháp tiếp cận linh hoạt.
Tất cả những điều này được dự báo sẽ trở thành nguồn cơn chính gây bất ổn, là hiểm họa đối với sự ổn định lâu dài cũng như an ninh toàn cầu.
3.1.1.2. Triển vọng giải quyết vấn đề khủng bố Hồi giáo cực đoan trên thế giới Cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan trên thế giới sẽ còn nhiều khó khăn và diễn biến ngày càng phức tạp. Cuộc chiến này dai dẳng và tương lai còn mù mịt do: số lượng gia nhập lực lượng chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo nước ngoài tăng mạnh và không có dấu hiệu thuyên giảm, tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng;
những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan ngày càng phát triển chủ nghĩa khủng bố mạng, dùng các mạng xã hội phát tán trào lưu cực đoan trong khi chính phủ không thể kiểm soát toàn bộ hoạt động trên mạng của chúng; phần tử khủng bố “con sói đơn độc” len lỏi khắp nơi trên thế giới, phát động các cuộc tấn công liều chết, không để lại dấu hiệu báo trước nên các chính phủ rất khó ngăn chặn; chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và tội phạm xuyên quốc gia ngày càng có mối liên hệ mật thiết với nhau và vượt khỏi tầm kiểm soát của các quốc gia; cuối cùng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ngày càng tác động mạnh vào thanh niên, thậm chí là trẻ em những tầng lớp dễ bị tổn thương và khó định hướng nhất [125].
Triển vọng hòa bình tại Xyri ngày càng ảm đạm làm cho cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan còn rất lâu mới đến hồi kết. Cuộc xung đột tại Xyri trở nên phức tạp mỗi ngày và tương lai của nước này ngày một xấu hơn. Mong muốn các nước tạm thời gác lại mâu thuẫn để tìm tiếng nói chung trong cuộc chiến chống IS ở Xyri chưa bao giờ dễ dàng. Những bất đồng giữa Mỹ và Nga về tương lai của Tổng thống Assad, mối quan hệ phức tạp giữa các nhóm đối lập chống chính quyền và sự thiếu niềm tin giữa các bên tham chiến khiến nhiều người tỏ ra không mấy lạc quan về tương lai hòa bình cho quốc gia Trung Đông này. Cho đến nay, hai thách thức chính ngăn cản quân đội Xyri đẩy lùi các nhóm cực đoan ra khỏi đất nước và mang lại hòa bình lâu dài cho quốc gia Trung Đông này là: có quá nhiều nhiệm vụ trên chiến trường và những bên liên quan đang theo đuổi những lợi ích của riêng mình. Cuộc nội chiến tại Xyri đã bị quốc tế hóa. Thậm chí nếu cuộc chiến kết thúc, những lập trường khác biệt của các bên sẽ chỉ trở nên khó thay đổi hơn. Đây sẽ là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan phát triển và cuộc chiến chống khủng bố của các nước sẽ tiếp tục kéo dài. Hay nói cách khác, ngày nào các quốc gia trên thế giới còn can thiệp vào Trung Đông để bảo vệ, duy trì lợi ích của mình thì ngày đó chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo còn tiếp diễn bởi chỉ có những kẻ bị đàn áp tới mức tuyệt vọng mới tìm đến khủng bố.