Chương 3 ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA GIÁO VIÊN MẦM NON
3.1.2. Những hạn chế trong đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non ở Việt Nam hiện nay
3.1.2.1. Về các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non trong quan hệ với trẻ mầm non
Đa số GVMN đều cố gắng hoàn thiện ĐĐNN của bản thân, song trên thực tế vẫn còn không ít trường hợp GVMN vi phạm đạo đức nghề giáo trong quan hệ chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, biểu hiện cụ thể là:
Thứ nhất, với tư cách là "người mẹ thứ hai" của trẻ.
Trong giao tiếp, ứng xử với trẻ mầm non có một số GVMN còn hạn chế nhất định, thiếu sự gương mẫu chuẩn mực trong phát ngôn, trong hành vi chưa đúng với tư cách của người giáo viên, một số ít GVMN đôi lúc còn biểu hiện thiếu trách nhiệm, lạnh nhạt, hờ hững, vô cảm. Vẫn còn cô giáo mầm non đến trường làm việc với mục đích hoàn thành đúng, đủ trách nhiệm của mình để cuối tháng nhận lương, họ ít chủ động gần gũi, động viên, thăm hỏi học sinh khi ốm, đau, thậm chí còn thờ ơ với trẻ. Khi trẻ quấy khóc, nghịch phá, thay bằng việc nhẹ nhàng, ân cần dỗ dành, có cô đã dùng hình thức quát mắng, thậm chí phạt nặng bằng đòn roi với trẻ. Theo điều tra khảo sát của tác giả, biện pháp sử dụng hình phạt đòn roi vẫn có 3,1% giáo viên sử dụng với trẻ mầm non [Phụ lục 2].
Thời gian gần đây, số vụ bạo hành và ngược đãi trẻ em của một số cô nuôi dạy trẻ có dấu hiệu ngày càng gia tăng xảy ra khắp các địa phương trong cả nước. Theo thống kê của Vụ Giáo dục Mầm non chỉ trong vòng nửa đầu tháng 10 năm 2016 đã có 3 vụ bạo hành dã man của các cô giáo mầm non ở các trường mầm non tại Lạng Sơn, Quảng Bình, Hà Nội gây bức xúc trong dư luận. Hành động vô đạo đức đó đã gieo những lo âu, hoài nghi, căng thẳng trong lòng các bậc phụ huynh. Đó quả là một nỗi buồn không đáng có, một sự u ám trong giáo dục, là tiếng chuông cảnh tỉnh dư luận nhân dân về việc sa sút đạo đức nhà giáo, thiếu vắng tình nhân ái của một số GVMN hiện nay. Khi nhận xét về những hành động bạo hành đó Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: "Đây là hành vi vi phạm giáo dục, vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc dư luận xã hội và gây hoang mang, lo lắng cho các bậc cha mẹ trẻ" [16]. Những biểu hiện tiêu cực trên là những vết xước ghi dấu ấn không tốt trong tâm hồn non nớt của trẻ, nếu không sớm được khắc phục sẽ cản trở đến chất lượng GDMN.
Thứ hai, với tư cách là "người bác sĩ" chăm sóc trẻ mầm non.
Việc tự trang bị kiến thức chăm sóc trẻ khuyết tật, trẻ tự kỉ của GVMN còn yếu và kém, lúng túng trong giáo dục trẻ hòa nhập, chẳng hạn như: câu
chuyện trẻ mầm non bị tự kỉ, câm điếc, tăng động ở trường Mầm non B Trực Đại (Trực Đại, Trực Ninh, Nam Định) bị cô giáo buộc vào dây vào người treo trên cửa sổ đang được sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội [158]. Đây là việc làm vừa đáng trách vừa đáng thương, nếu các cô GVMN hiểu rõ được tâm lý của trẻ tự kỉ, khuyết tật, có kĩ năng chăm sóc nhóm đối tượng này tốt hơn thì sẽ có nhiều hoạt động sư phạm hợp lí, đánh thức các tiềm năng giác quan của trẻ, giúp trẻ có thể hòa nhập tốt với tập thể lớp, xã hội xung quanh.
Sự hiểu biết về một số dịch bệnh nguy hiểm như sởi, thủy đậu, viêm não còn hạn chế. Từ kết quả khảo sát của tác giả vẫn còn 50% GVMN ít quan tâm, 1,2% số giáo viên không quan tâm đến các dịch bệnh này [Phụ lục 2].
Điều này cho thấy họ chưa thấy được tầm quan trọng của công tác phòng dịch, không nhiệt tình tuân thủ các kĩ năng phòng và chống dịch bệnh cho trẻ.
Một số GVMN chưa hình thành kĩ năng xử lí những tình huống cấp bách, kinh nghiệm xử lí cấp cứu trẻ còn yếu dẫn đến việc chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, công tác phòng chống thương tích và tai nạn cho trẻ còn chưa tốt. Các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin gây nhói lòng quần chúng nhân dân về nhiều trường hợp trẻ bị tử vong do ngạt nước; có cháu do bị hóc dị vật đường thở mà mãi mãi ra đi, có cháu tử vong do kẹt trong thang máy vận chuyển thức ăn… Khi để xảy ra sai sót họ lại viện đủ lý do nào đó do cơ sở vật chất thiếu thốn, thiết bị đồ dùng cũ kĩ, áp lực công việc... để che đậy sai lầm của mình; họ ít day dứt, trăn trở, tự trách lương tâm mình. Nhiều trường hợp, cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, tìm ra bằng chứng, chứng minh những yếu kém về chuyên môn, kĩ năng xử lý tình huống, thiếu ĐĐNN khi đó các cô giáo mới chịu chấp nhận sự trừng phạt của luật pháp.
Thứ ba, là người cấp dưỡng chăm lo bữa ăn cho cho trẻ mầm non. Một số GVMN còn lúng túng trong việc lựa chọn thực đơn hàng ngày cho trẻ.
Việc sắp xếp các món ăn chưa cân đối, không tuân thủ nghiêm ngặt tỉ lệ giữa các chất P=14-20%, L=18-25%, G=60-65%, giữa thực phẩm động vật và thực vật, giữa mỡ và dầu ăn. Việc lựa chọn nguồn thực phẩm dinh dưỡng còn qua
loa, đại khái; thậm chí vì lợi ích cá nhân mà ham mua thực phẩm rẻ, kém chất lượng. Chẳng hạn: ngày 05/03/2019 dư luận xã hội bàng hoàng trước thông tin trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) sử dụng thịt lợn bị nhiễm sán gạo, thịt gà đã bốc mùi hôi thối làm thức ăn cho trẻ mầm non. Điều này dấy lên sự lo ngại của cộng đồng xã hội về nhận thức, trách nhiệm nghề nghiệp của GVMN.
Như vậy, những biểu hiện tiêu cực trên mặc dù chưa mang tính phổ biến nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường giáo dục, đến nhân cách của người GVMN. Nếu không kịp thời khắc phục vấn đề ngay từ trong nhận thức sẽ là yếu tố cản trở lớn đến việc nâng cao ĐĐNN của đội ngũ này ở Việt Nam hiện nay.
3.1.2.2. Về các chuẩn mực đạo đức của giáo viên mầm non biểu hiện trong quan hệ với đồng nghiệp
Hoạt động giáo dục mầm non đặc biệt đề cao sự phối hợp giữa giáo viên với đồng nghiệp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chăm sóc trẻ. Việc thực hiện sự thống nhất giữa công tác chuyên môn gắn liền rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo ở một số GVMN trong thực tiễn công tác chưa thật thống nhất với nhau. Thực tế hiện nay, quan hệ đồng nghiệp của đội ngũ này cũng đang bị ăn mòn bởi lợi ích kinh tế. Do tư tưởng đề cao lợi ích cá nhân, một số giáo viên có biểu hiện gây mất đoàn kết nơi công tác, hoặc dùng đơn nặc danh, nhằm hạ thấp danh dự, uy tín của nhau; thậm chí có cô giáo còn hành xử bằng bạo lực với đồng nghiệp, phê phán nhau về chuyên môn, đạo đức lối sống, tác phong, gây hoang mang cho phụ huynh học sinh và xã hội. Những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc phần nào bị lu mờ trong suy nghĩ của bộ phận này.
Sự vi phạm đạo đức nhà giáo không chỉ diễn ra ở giáo viên tuổi đời và tuổi nghề còn ít mà ngay cả một số giáo viên lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm, lợi dụng sự tôn kính của đồng nghiệp, có biểu hiện tham quyền, cố vị để nhận được nhiều lợi ích cho bản thân hơn. Thậm chí một số GVMN có thái độ coi thường những giáo viên có trình độ thấp hơn mình. Họ luôn
đề cao vị trí, vai trò của mình ở nơi công tác. Có những cô giáo có thâm niên công tác, chuyên môn vững vàng không chịu hướng dẫn đồng nghiệp trẻ của mình, gây khó khăn cho đồng nghiệp trong quá trình công tác, không muốn đào tạo đội ngũ những người kế cận, từ đó dễ tạo ra những khoảng trống, gây thiệt thòi cho học sinh, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường. Những suy nghĩ này khiến cho quan hệ với đồng nghiệp của họ có những biểu hiện chưa tốt, làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết thống nhất trong tập thể trường mầm non.
3.1.2.3. Về các chuẩn mực đạo đức của giáo viên mầm non biểu hiện trong quan hệ với phụ huynh học sinh, cộng đồng và xã hội
Khi tham gia sinh hoạt cộng đồng, có những cô giáo còn thờ ơ, không tự giác nhận thức trách nhiệm của mình đối với địa phương nơi cư trú. Họ tỏ ra thái độ miễn cưỡng trước yêu cầu của cộng đồng, hưởng ứng qua loa, đại khái, dồn trách nhiệm cho người khác. Sống trong sự nể trọng của mọi người, họ có thái độ kênh kiệu, xem thường người khác, có những hành vi thiếu văn hóa, đạo đức trong nói năng, đối nhân xử thế. Họ không chủ động gần gũi, động viên, thăm hỏi, chia sẻ những mất mát hi sinh của những gia đình chính sách xã hội, những mảnh đời neo đơn. Thậm chí, một số lãnh đạo quản lý trường mầm non còn bao che, dung túng những vi phạm đạo đức của giáo viên, nhưng lại thiếu độ lượng trước những vi phạm của trẻ, phụ huynh. Thái độ đó đã không tạo dựng được niềm tin của quần chúng nhân dân vào người GVMN. Những biểu hiện của lối sống này đã làm mất đi sự kính trọng và tin yêu của nhân dân, học sinh dành cho đội ngũ GVMN.
Hiện nay, ở nhiều nơi đặc biệt là ở các thành phố lớn hiện tượng một số ít GVMN có lối sống buông thả, không trong sáng, thiếu lành mạnh trong các mối quan hệ cá nhân gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh nhà giáo mẫu mực trong truyền thống của dân tộc ta.
Mặt khác, khi nắm giữ vị trí là cán bộ quản lý trong trường mầm non nhưng một số hiệu trưởng đã tìm cách tham ô, tham nhũng từ việc thu các khoản phí không minh bạch như: việc Hiệu trưởng trường mầm non giả
chữ ký cha mẹ học sinh thu sai, thu trái quy định… làm giàu cho cá nhân.
Đây là những sự việc vi phạm đạo đức đặc biệt nghiêm trọng của lãnh đạo nhiều trường mầm non. Những mất mát về kinh tế do thiếu trách nhiệm của các cô giáo mầm non nắm giữ cương vị là người đứng đầu một ngôi trường giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non biểu hiện sự xuống cấp về ĐĐNN của đội ngũ này.
Một cuộc hội thảo "Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục"
được tổ chức tại Hà Nội năm 2010 với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục đến từ nhiều nước trên thế giới đã đưa ra các quan điểm đáng chú ý về thực trạng này. Giáo sư Ables, chuyên gia Thụy Điển đã phát biểu: "Ngành giáo dục giống như một cơ thể ốm yếu, bệnh tham nhũng trong giáo dục giống như là một căn bệnh ung thư". Cũng trên diễn đàn này, Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận đã phát biểu: "Giáo dục khác với các lĩnh vực khác, vừa bị chi phối bởi dư luận xã hội, vừa bị chi phối bởi đạo đức, mà đạo đức là kết quả của cả quá trình giáo dục từ gia đình, nhà trường, đến xã hội, nó hình thành rất lâu" [84]. Tổng kết các hành vi tham nhũng từ năm 2006 đến 2010 có 8 trường hợp vi phạm điển hình. Điều này cho thấy đây là căn bệnh trầm kha, gây nhiều hệ lụy cho cả xã hội trong bối cảnh hiện nay ở nước ta.
3.1.2.4. Về các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của giáo viên mầm non biểu hiện trong quan hệ với bản thân mình
Một là, một số GVMN chưa thực sự yên tâm tại nơi công tác của mình.
Trong quan niệm của người Việt Nam, người thầy giáo đại diện cho sự chuẩn mực về đạo đức, lối sống, ứng xử, được cả xã hội tôn vinh và kính trọng.
Trong mối quan hệ với xã hội, người giáo viên vẫn được coi là lực lượng tiên phong đi đầu trước sự đổi mới của đất nước; nhưng có một thực tế với tâm lí ngại khó, ngại khổ khi bị phân công công tác đến những vùng khó khăn, họ tìm đủ mọi cách chạy vạy, xin xỏ để về các thành phố lớn, thành thị trung tâm. Lí tưởng nghề nghiệp, lòng yêu nghề, yêu trẻ phần nào xa rời họ, thay vào đó là lối sống vị kỉ, chỉ nghĩ cho riêng mình, có lợi cho bản thân. Họ thiếu nhiệt tình trong các công tác thiện nguyện, chăm sóc những người neo đơn,
gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa. Thực tế là chỉ những người trẻ tuổi mới tích cực trong công tác này, một phần do chưa bị tác động nhiều bởi cơ chế thị trường, chưa có vị trí trong chuyên môn, phần do bị ép buộc khi tham gia các công tác đoàn thể. Bởi vậy, dù được tổ chức đi giúp đỡ bà con, vừa khám phá vùng đất mới không xác định gắn bó lâu dài tại đó. Sự đóng góp về chuyên môn của các cô tại đây chưa tạo ra bước phát triển đột phá của những vùng đất nghèo khó đó.
Hai là, một số GVMN hiện nay có biểu hiện ngại học tập, thiếu tích cực trong rèn luyện nghề nghiệp, kết quả hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao còn thấp. Qua khảo sát có 40,8% GVMN xếp nghề dạy học vào danh sách những nghề có thu nhập thấp, nhàm chán bên cạnh các nghề: quản lí văn hóa, thư viện [Phụ lục 2]. Khi được hỏi vẫn còn 57/384 (chiếm 14,84%) muốn thay đổi công việc, ân hận khi đã lựa chọn nghề dạy học [Phụ lục 2].
Ba là, nhận thức của một số GVMN còn chưa thật sâu sắc về vai trò của đạo đức nghề nghiệp đối với hoạt động GDMN. Từ hạn chế nhận thức vấn đề trên dẫn đến trong giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non, trong hoạt động chuyên môn, họ chưa thực hiện đúng các chuẩn mực, nguyên tắc về đạo đức nghề nghiệp. Hành vi, ý thức và quan hệ đạo đức còn bị lệch chuẩn. Cá biệt có người quan niệm trong thời gian công tác tại các trường mầm non chỉ là bước đệm, chỉ lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn là chính, còn tự học, tự giáo dục, rèn luyện nâng cao ĐĐNN là không quan trọng. Khi được hỏi về tầm quan trọng của của việc nâng cao ĐĐNN còn 25% ý kiến cho là bình thường, 1,7% cho là không quan trọng [Phụ lục 2].
Trên đây là những vấn đề hết sức cơ bản về cả hai phương diện những kết quả đạt được và chưa được của việc thực hiện các chuẩn mực ĐĐNN của GVMN ở Việt Nam hiện nay. Chúng tồn tại trong mối quan hệ đan xen, tác động biện chứng qua lại lẫn nhau. Trong đó, những kết quả tích cực của việc thực hiện các chuẩn mực ĐĐNN của GVMN đã đạt được là chủ đạo. Tuy
nhiên, trong quá trình thực hiện các chuẩn mực ĐĐNN, một số GVMN vẫn tồn tại những thiếu sót, khuyết điểm về ý thức, hành vi, quan hệ đạo đức. Mặc dù đây chỉ là những hiện tượng mang tính nhỏ lẻ, song nếu các cấp quản lý, trường mầm non không phát hiện kịp thời, thiếu các biện pháp quản lý, giáo dục, chính sách phù hợp thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, hoạt động nâng cao ĐĐNN của GVMN ở Việt Nam hiện nay.
3.2. NGUYÊN NHÂN CỦA THÀNH TỰU VÀ HẠN CHẾ TRONG ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP CỦA GIÁO VIÊN MẦM NON Ở VIỆT NAM HIỆN NAY