CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
2.4 Các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện kê khai thuế qua mạng
Mức độ dễ sử dụng là “Mức độ mà một cá nhân tin rằng việc sử dụng hệ
thống cụ thể sẽ không tốn nhiều công sức” (Davis, 1989). Hệ thống công nghệ đổi mới được coi là dễ sử dụng hơn và ít phức tạp hơn sẽ có nhiều khả năng được chấp nhận và được sử dụng bởi người sử dụng tiềm năng.
Về mặt lý thuyết, mức độ dễ sử dụng được nhận thức khi người nộp thuế cảm thấy hệ thống kê khai thuế qua mạng không khó hiểu, học hỏi và sử dụng. Vì lý do này, tính dễ sử dụng được coi là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc sử dụng các công nghệ mới của người tiêu dùng.
Một hệ thống dễ sử dụng cần có các giao diện thân thiện như các bước rõ ràng và dễ thấy, nội dung phù hợp và bố trí đồ họa, các chức năng hữu ích, các thông báo lỗi, các lệnh rõ ràng và dễ hiểu.
2.4.2 Mức độ hữu dụng
Trong mô hình chấp nhận công nghệ (TAM), nhận thức sự hữu dụng đề cập đến mức độ người sử dụng tin tưởng rằng việc sử dụng một hệ thống đặc thù (sản phẩm của công nghệ thông tin) sẽ nâng cao kết quả và hiệu suất công việc của mình (Davis, 1989).
Mức độ hữu dụng được lấy từ mô hình EGOVSAT của Abhichandani et al.
(2006), và mô hình E – SQ và E – S – Qual của Parasuraman et al. (2005). Mức độ hữu dụng được định nghĩa là cách thức, sự tương tác của người sử dụng với các chức năng, thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng trên trang web, tiết kiệm được thời gian, chi phí và có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Theo Abhichandani et al.
(2006), Mức độ hữu dụng là một thành phần của sự hài lòng đối với người sử dụng dịch vụ công điện tử và đã được ông và cộng sự đưa vào trong thang đo EGOVSAT của mình.
Kê khai thuế qua mạng là hữu ích nếu nó cung cấp dịch vụ cho một người nộp thuế, nhưng không kỳ vọng nếu năng suất làm việc của người nộp thuế không được đáp ứng. Người dùng có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ kê khai thuế qua mạng nếu họ thấy nó hữu ích, ngay cả khi họ không hài lòng với việc sử dụng trước đó của họ. Trong mô hình TAM, nhận thức hữu ích dự đoán sử dụng và mục đích sử dụng.
2.4.3 Mức độ tin cậy
Bao gồm 2 yếu tố tính cá nhân và bảo mật. Ở đây người ta chỉ tin tưởng áp dụng khai thuế qua mạng khi họ được bảo đảm tính bảo mật về thông tin cá nhân
trong giao dịch với CQT, những thông tin riêng tư không bị đánh cấp và không đưa ra công khai. Do đó có thể kết luận rằng niềm tin là quan trọng để người nộp thuế quyết định sử dụng kê khai thuế qua mạng. Nếu hệ thống mà người dùng không có niềm tin, nó sẽ là vô cùng khó khăn cho việc phát triển và mở rộng (Suhani Anuar và Radiah Othman, 2010).
Mức độ tin cậy là thành phần thứ 2 được lấy từ mô hình EGOVSAT, thang đo này cũng có mặt trong mô hình E-SQ của Parasuman et al. (2005). Độ tin cậy đề cập đến hứa hẹn, cam kết dịch vụ điện tử được cung cấp qua trang Web của Chính phủ điện tử. Theo Parasuman et al. (1988) cho rằng độ tin cậy là một trong những thành phần quan trọng trong đo lường chất lượng dịch vụ theo mô hình SERVQUAL vì thế tới năm 2005 ông và các cộng sự của mình cũng đã đưa thang đo Độ tin cậy vào mô hình E-SQ. Một số công trình nghiên cứu khác về chất lượng dịch vụ điện tử cũng chỉ ra rằng: mức độ tin cậy là khía cạnh quan trọng nhất trong thành phần chất lượng dịch vụ điện tử. Mức độ tin cậy được sử dụng rất nhiều trong các bối cảnh khác nhau của các nghiên cứu về chất lượng dịch vụ điện tử và luôn được khẳng định là thành phần đảm bảo tốt của chất lượng dịch vụ điện tử.
Nhận thức về niềm tin trong giao dịch điện tử phản ánh niềm tin của người nộp thuế đối với khai thuế qua mạng. Niềm tin trong giao dịch điện tử khai thuế qua mạng gồm các thành phần sau:
- Niềm tin của người nộp thuế với mức độ an toàn của hồ sơ khai thuế qua mạng.
- Niềm tin của người nộp thuế với mức độ bảo mật của hồ sơ khai thuế qua mạng.
- Niềm tin của người nộp thuế với tính pháp lý của hồ sơ khai thuế qua mạng.
- Niềm tin của người nộp thuế vào phương thức nộp hồ sơ khai thuế qua mạng.
2.4.4 Thông tin về công nghệ
Thông tin về công nghệ được mô tả là “Người dùng có đầy đủ và chính xác thông tin về những ứng dụng công nghệ mà họ sử dụng, việc có đủ thông tin để hiểu rõ về sử dụng ứng dụng có một phần tác động đến hành vi chấp nhận ứng dụng của người sử dụng” (Suhani Anuar và Radiah Othman, 2010). Từ đó cho thấy, công tác tuyên truyền của cơ quan thuế là thật sự quan trọng để NNT có đầy đủ thông tin cơ
sở để thực hiện kê khai thuế qua mạng.
Việc chuyển từ hình thức kê khai và nộp thuế trực tiếp sang hình thức kê khai và nộp thuế điện tử tuy làm giảm đi sự tương tác giữa cán bộ thuế và người nộp thuế nhưng không vì thế mà mối quan hệ này lại mất đi. Khi sử dụng dịch vụ thuế điện tử đa số các thao tác người dùng đều làm việc với máy tính, tuy nhiên trong một số trường hợp người nộp thuế gặp sự cố trong phiên làm việc thì sự hỗ trợ trực tuyến của cơ quan thuế lúc này là rất cần thiết. Ví dụ: Trong một phiên giao dịch, kế toán doanh nghiệp kê khai gần xong nhưng không thể hoàn thiện phiên giao dịch của mình do có những lỗi hoặc thắc mắc không tự giải quyết được, nếu không có sự giúp đỡ kịp thời có thể sẽ phải làm lại từ đầu, đây là một sự phiền toái không đáng có đối với người nộp thuế mà nếu như được sẵn sàng hỗ trợ thì sẽ nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế.
2.4.5 Khả năng ứng dụng
Khả năng ứng dụng được định nghĩa là “Việc người sử dụng tin rằng có thể tự chủ khi thực hiện thao tác trên phần mềm ứng dụng. Nếu một phần mềm ứng dụng đưa ra mà họ không tin khả năng xử lý của mình đối với phần mềm thì họ sẽ không sử dụng” (Suhani Anuar và Radiah Othman, 2010).
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính thuế đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho người nộp thuế mà còn nâng cao hiệu quả quản lý thuế của cơ quan thuế, cụ thể:
Đơn giản hoá thủ tục hành chính cho người nộp thuế: Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, thay vì phải đến cơ quan thuế nộp trực tiếp hồ sơ khai thuế, chỉ cần một máy tính có kết nối internet người nộp thuế đã có thể gửi hồ sơ khai thuế ở bất cứ đâu: Ở nhà, cơ quan, công viên, thư viện…
Tiết kiệm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế và chi phí hành chính cho cơ quan thuế: Việc gửi hồ sơ khai thuế điện tử giúp người nộp thuế tiết kiệm chi phí in ấn, đi lại và chờ đợi khi đến nộp thuế tại cơ quan thuế, đồng thời giảm áp lực cho cơ quan thuế trong những ngày cao điểm và giảm nhân lực nhập dữ liệu, lưu trữ hồ sơ tại cơ quan thuế. Đồng thời, giảm thiểu tương tác giữa cơ quan thuế và người nộp thuế, góp phần giảm tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, tham nhũng gây phiền hà cho người nộp thuế của một bộ phận cán bộ công chức thực thi quyền lực nhà nước.
2.4.6 Yếu tố xã hội
Yếu tố xã hội có thể được mô tả là “Nhận thức của cá nhân về các áp lực của xã hội đến việc thực hiện hay không thực hiện một hành vi” (Ajzen, 1991, tr.188).
Trong thuyết hành vi dự định (TPB), yếu tố xã hội phản ánh mức độ về việc tin rằng mức độ ủng hộ/phản đối của những người có liên quan sẽ ảnh hưởng đến xu hướng chọn hoặc không chọn công nghệ và động cơ của người sử dụng (hay người quyết định chọn) sẽ thực hiện theo mong muốn của những người gây ra ảnh hưởng. Để hiểu rõ được xu hướng chọn khai thuế qua mạng, chúng ta phải đo lường thành phần chuẩn chủ quan ảnh hưởng đến xu hướng chọn khai thuế qua mạng của người nộp thuế. Yếu tố chuẩn chủ quan có thể được đo lường thông qua những người có liên quan (như lãnh đạo doanh nghiệp, những người trực tiếp làm công việc khai thuế, cơ quan thuế quản lý trực tiếp…); những người này thích hay không thích doanh nghiệp chọn khai thuế qua mạng. Mức độ tác động của yếu tố xã hội đến xu hướng chọn khai thuế qua mạng của doanh nghiệp phụ thuộc: (1) mức độ ủng hộ/phản đối đối với việc chọn khai thuế qua mạng và (2) động cơ của người sử dụng làm theo mong muốn của những đối tượng có ảnh hưởng. Thái độ phản đối của những đối tượng ảnh hưởng càng mạnh đến quyết định của doanh nghiệp thì càng có nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ điều chỉnh xu hướng chọn khai thuế của mình. Và ngược lại, mức độ chọn khai thuế qua mạng của doanh nghiệp sẽ tăng lên nếu có một đối tượng nào đó có tầm ảnh hưởng lớn đến việc khai thuế qua mạng ủng hộ doanh nghiệp khai thuế qua mạng.