Đặc điểm sinh sản con cái

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm sinh thái học và di truyền của thằn lằn bóng đốm (Trang 102 - 108)

Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.5. Đặc điểm về sinh sản

3.5.2. Đặc điểm sinh sản con cái

Phân tích đặc điểm của 90 cá thể Thằn lằn bóng đốm cái nhận thấy:

trứng ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2 chiếm tỷ lệ lớn với 65%. Trứng giai đoạn 3 là 14%. Trứng ở giai đoạn 4 và 5 chiếm tỷ lệ 21% (Hình 3.11).

Hình 3.11. Tỷ lệ các giai đoạn phát triển của trứng

Phân tích sự phân bố các giai đoạn phát triển của trứng theo thời gian cho thấy: trứng giai đoạn 1 xuất hiện ở nhiều cá thể vào các tháng I - II, VIII - XII. Vào các tháng từ III - VII không thấy cá thể chứa trứng giai đoạn 1.

Trứng giai đoạn 2 cũng có xuất hiện từ cuối tháng I cho đến tháng IV trứng

giai đoạn 3 bắt đầu có phân bố khác. Cụ thể: trứng giai đoạn 3 bắt gặp ở nhiều cá thể thu vào tháng III - VII. Trứng giai đoạn 4 và giai đoạn 5 bắt gặp ở những cá thể thu vào tháng IV-VII. Kết quả này cho thấy sự phát triển của trứng ở cá thể Thằn lằn bóng đốm cái rất phù hợp sự phát triển của tinh hoàn ở cá thể đực (xem Hình 3.14).

Hình 3.12. Các giai đoạn phát triển của trứng theo thời gian

Phân tích sự thay đổi thể tích theo tháng nhận thấy thể tích buồng trứng trung bình bắt đầu tăng từ tháng I - II. Từ tháng III - VIII thể tích buồng trứng tăng cao hơn các tháng khác. Thể tích buồng trứng giảm dần từ tháng IX - XII (Hình 3.13). Kết quả này tương ứng với sự phát triển của tinh hoàn ở Thằn lằn bóng đốm đực (Hình 3.10).

Hình 3.13. Biểu đồ sự thay đổi thể tích buồng trứng theo thời gian

Về sự thay đổi thể tích buồng trứng theo mùa nhận thấy: mùa mưa có tổng thể tích buồng trứng là 7987,128mm3, mùa khô là 567,455mm3. Như vậy, tổng thể tích buồng trứng của mùa mưa cao gấp 14,08 lần so với mùa khô. Mùa mưa là khoảng thời gian sinh sản của cá thể Thằn lằn bóng đốm cái (từ tháng V đến tháng VII) nên thể tích buống trứng tăng mạnh so với mùa khô, sự khác biệt này là do buồng trứng của con cái trong mùa mưa chỉ có các loại trứng phát triển từ giai đoạn 3 đến giai đoạn 5 (những loại trứng có kích thước lớn). Phân tích Anova một yếu tố cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa về thể tích buồng trứng con cái giữa các mùa (P = 0,042).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có mối quan hệ tuyến tính chặt chẽ giữa SVL và thể tích buồng trứng (P < 0,0001), và thể tích gan (P < 0,0001). Điều này cho thấy gan có tham gia vào quá trình phát triển của trứng ở Thằn lằn bóng đốm cái.

Thời gian hoạt động sinh sản của Thằn lằn bóng đốm cái thu thập từ ở vùng nghiên cứu cũng tương tự như của Thằn lằn bóng đuôi dài cái (Eutropis longicaudatus (đều thuộc giống Thằn lằn bóng Eutropis, cả 2 loài này đều có hình thức sinh sản là trứng sinh) tại Đài Loan được mô tả trong nghiên cứu của Huang. Trong giai đoạn này, con cái tập trung vào việc tạo trứng (chủ yếu vào tháng IV đến tháng VIII), kết hợp với việc giảm khối lượng cơ thể cho thấy có mối liên quan nào đó giữa hai hoạt động này (Ngô Đắc Chứng, Trương Tấn Mỹ, 2007).

Hình 3.14. Biểu đồ sự thay đổi về thể tích buồng trứng, thể tích gan ở con cái Phân tích liên quan giữa thể tích buồng trứng, thể tích gan theo tháng nhận thấy: sự tăng giảm về thể tích buồng trứng, thể tích gan có liên quan quan chặt chẽ với nhau. Trong những tháng thể tích buồng trứng tăng thì thể tích gan giảm (Hình 3.14). Điều này cho thấy kích thước (khối lượng) gan có liên quan đến các giai đoạn sinh sản ở Thằn lằn bóng đốm cái.

Phân tích số lượng trứng trung bình thu được kết quả cho thấy số lượng trứng dao động từ 5 đến 15 trứng, trung bình là 9,97 ± 0,25 trứng. Trong đó, số

lượng cá thể chứa từ 8 đến 10 trứng chiếm tỷ lệ 60% với 54 cá thể Thằn lằn bóng đốm. Số lượng cá thể chứa từ 5 đến 7 trứng chỉ chiếm 11,11% với 10 cá thể và số lượng cá thể chứa 11 đến 15 trứng chiếm 28,90% với 26 cá thể (xem Hình 3.18). Như vậy, có thể thấy số lượng trứng ở Thằn lằn bóng đốm cái khá lớn. Khi so sánh kết quả của đề tài với kết quả nghiên cứu của Ngô Đắc Chứng và cs trên đối tượng Thằn bóng đuôi dài thấy rằng số lượng trứng trung bình của Thằn lằn bóng đốm cao hơn (Số lượng trứng trung bình trong nghiên cứu của Ngô Đắc Chứng và cs là 3,77 ± 0,15 trứng). Nghiên cứu của Ngô Đắc Chứng và cs (2015a) cho thấy Thằn lằn bóng đuôi dài chỉ đẻ 1 lứa trong năm với số lượng trứng trung bình 5,05 ± 1,63 trứng. Sự sai khác này có thể do đặc trưng của loài và do sự khác biệt về điều kiện môi trường, nhiệt độ, độ ẩm (Ngô Đắc Chứng, Nguyễn Thị Trường Thi, Phùng Thị Huyền Trang, 2015a).

Hình 3.15. Phân bố số lượng cá thể theo số trứng

Khảo sát tương quan giữa số lượng trứng và SVL không thấy có sự tương quan (P = 0,124). Tiếp tục phân tích đối với trứng ở giai đoạn 4 và 5 vẫn không thấy có sự tương quan (P = 0,899). Vì vậy, những con cái có SVL lớn hơn không có nghĩa là có số lượng trứng nhiều hơn những con cái có SVL nhỏ.

Phân tích liên quan giữa thể tích tinh hoàn và thể tích buồng trứng theo thời gian nhận thấy: thể tích tinh hoàn và thể tích buồng trứng có sự liên quan chặt chẽ với nhau theo thời gian. Cụ thể thể tích tinh hoàn tăng lên vào tháng II và đạt đến kích thước tối đa từ tháng IV-VII (thời gian này con cái có kích thước nang trứng lớn nhất). Thể tích tinh hoàn bắt đầu giảm xuống từ tháng VIII-X và đạt đến kích thước nhỏ nhất vào tháng XII, khi hầu hết con cái đã đẻ trứng. Tương tự, thể tích buồng trứng trung bình cũng bắt đầu tăng từ tháng I-II. Từ tháng III-VI thể tích buồng trứng tăng cao hơn các tháng khác và giảm dần từ tháng VII-XII (Hình 3.16).

Hình 3.16. Sự thay đổi thể tích tinh hoàn và buồng trứng theo thời gian Phân tích hồi quy tuyến tính đa biến cho thấy ảnh hưởng của nhiệt độ không khí và độ ẩm đối với thể tích buồng trứng là đáng kể (P < 0,0001).

Ngoài ra, nhiệt độ tương quan thuận với thể tích buồng trứng (P < 0,0001), trong khi đó độ ẩm có tương quan nghịch với thể tích buồng trứng (P <

0,0001). Kết quả cho thấy nhiệt độ và độ ẩm có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển buồng trứng. Chúng tôi cho rằng nhiệt độ và độ ẩm có thể là những tín hiệu cho bắt đầu và kết thúc mùa sinh sản của Thằn lằn bóng đốm.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm sinh thái học và di truyền của thằn lằn bóng đốm (Trang 102 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(217 trang)