Cơ sở khoa học của việc pháp luật quy định thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Một phần của tài liệu Thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và thực tiễn áp dụng tại các tòa án nhân dân ở tỉnh sơn la (Trang 25 - 28)

Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ NỘI DUNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT YÊU CẦU CÔNG NHẬN THUẬN TÌNH LY HÔN

1.1. Một số vấn đề lý luận về thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

1.1.2. Cơ sở khoa học của việc pháp luật quy định thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

1.1.2.1. Cơ sở lý luận của việc pháp luật quy định thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước pháp quyền là nhà nước thực thi quyền lực của mình dựa trên nền tảng pháp luật được ban hành theo thủ tục được Hiến pháp quy định nhằm đảm bảo quyền tự do dân chủ của nhân dân và công lý. Nhà nước pháp quyền ở bất cứ quốc gia nào đều được tổ chức và hoạt động dựa trên nền tảng của một hệ thống pháp luật. Do đó, để xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, việc hoàn thiện pháp luật nói chung và chế định về thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn trong tố tụng dân sự nói riêng là đòi hỏi tất yếu để thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp. Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra một trong những nhiệm vụ của cải cách tư pháp là “tiếp tục hoàn thiện thủ tục Tố tụng dân sự” để đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Yêu cầu của Công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta.

Cải cách tư pháp là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ngày 02/01/2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã chỉ rõ cần phải: “Cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, nhưng thuận tiện, bảo đảm sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động

tư pháp”. Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49- NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong đó xác định rõ mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp. Như vậy, từ những yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp đòi hỏi pháp luật TTDS phải xây dựng một cơ chế giải quyết linh hoạt, đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí tố tụng của Nhà nước và của đương sự; đồng thời bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện thủ tục giải quyết việc dân sự nói chung và thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn nói riêng là đòi hỏi tất yếu của công cuộc cải cách tư pháp.

1.1.2.2. Cơ sở thực tiễn pháp luật quy định thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn

Pháp luật Nhà nước XHCN công nhận quyền tự do ly hôn chính đáng của vợ chồng, không thể cấm hoặc đặt ra những điều kiện nhằm hạn chế quyền tự do ly hôn. Ly hôn dựa trên sự tự nguyện của vợ chồng, nó là kết quả của hành vi có ý chí của vợ chồng khi thực hiện quyền ly hôn của mình. Nhà nước bằng pháp luật không thể cưỡng ép nam nữ phải yêu nhau và kết hôn với nhau, thì cũng không thể bắt buộc vợ chồng phải cung sống với nhau, phải duy trì quan hệ hôn nhân khi tình cảm yêu thương gắn bó giữa họ đã hết và mục đích của hôn nhân đã không thể đạt được. Việc giải quyết ly hôn là tất yếu đối với quan hệ hôn nhân đã thực sự tan vỡ. Điều đó hoàn toàn có lợi cho vợ, chồng, con cái và các thành viên gia đình3.

Nhà nước bảo hộ hôn nhân, bảo đảm quyền tự do ly hôn của vợ chồng không có nghĩa là giải quyết ly hôn tùy tiện, theo ý chí, nguyện vọng của vợ chồng muốn sao làm vậy, mà bằng pháp luật, Nhà nước kiểm soát giải quyết

3 Ly hôn – về một sự biếm họa của chủ nghĩa Mác và về chủ nghĩa kinh tế đế quốc, Toàn tập, Tập 30, NXB Tiến bộ, Matxcova 1981, tr.163.

việc ly hôn. Bởi vì, trong quan hệ hôn nhân, không phải chỉ có lợi ích riêng tư của vợ, chồng mà còn có lợi ích của Nhà nước và xã hội thể hiện qua những chức năng cơ bản của gia đình – tế bào của xã hội và lợi ích của con cái – thành viên của gia đình và xã hội.

Khi cả hai vợ chồng đều nhận thấy cuộc sống hôn nhân của họ không còn hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được, họ muốn ly hôn để giải phóng cho nhau. Cả hai vợ chồng đều thuận tình ly hôn và yêu cầu Tòa án giải quyết việc này. Thực tiễn giải quyết vụ việc ly hôn tại Tòa án cho thấy:

thuận tình ly hôn là việc giữa các đương sự không có tranh chấp, họ đã thỏa thuận được với nhau về cách thức giải quyết toàn bộ vụ việc trước khi ra Tòa án giải quyết và họ chỉ có đơn ra Tòa án để yêu cầu Tòa án chấp nhận những thỏa thuận đó của họ. Từ đó đặt ra yêu cầu phải có một thủ tục riêng đơn giản hơn thủ tục giải quyết vụ án dân sự để giải quyết loại việc này.

Trước khi BLTTDS được ban hành và có hiệu lực, Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và các văn bản hướng dẫn không có quy định về việc tách bạch giữa việc dân sự và vụ án dân sự. Vì vậy, vụ án dân sự và việc dân sự đều được giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự. Tất cả các vụ việc về ly hôn gồm xin ly hôn và thuận tình ly hôn đều được giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án ly hôn. Tuy nhiên, từ thực tiễn giải quyết cho thấy, việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn có tính chất đơn giản hơn vụ án ly hôn nên cần có một thủ tục giải quyết riêng, đơn giản hơn, không tốn thời gian của Tòa án cũng như của đương sự. Do đó, từ khi BLTTDS được ban hành và có hiệu lực, đã có quy định tách riêng hai thủ tục giải quyết vụ án dân sự và việc dân sự. Theo đó, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là việc dân sự nên được giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự.

Một phần của tài liệu Thủ tục giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và thực tiễn áp dụng tại các tòa án nhân dân ở tỉnh sơn la (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)