Ảnh hưởng của sol khí lên hoàn lưu khí quyển

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ về SOL KHÍ và mô HÌNH RegCM (Trang 25 - 26)

a. Tác động đến độ ổn định

Mức độ giảm nhiệt độ trong khí quyển làm giảm phát xạ sóng dài và vì thế gây ảnh hưởng đến độ phản hồi hơi nước và thông tin về mây. Các quan trắc và nghiên cứu mô hình cho thấy sự gia tăng mức độ giảm nhiệt độ làm khuếch đại độ phản hồi hơi nước. Do sol khí làm mát bề mặt Trái Đất và làm ấm lớp sol khí nên mức độ giảm nhiệt độ sẽ giảm trên toàn cầu và gây nhiễu tín hiệu phản hồi hơi nước. Độ ổn định của khí quyển tại một khu vực nào đó phụ thuộc mạnh mẽ vào vĩ độ có sự đốt nóng của cacbon đen.

Sự hấp thụ bức xạ mặt trời gây bởi các sol khí làm thay đổi lượng mây. Tác động bán trực tiếp (semi-direct) đã được mô phỏng bởi mô hình phân giải mây có độ phân giải cao và mô hình hoàn lưu chung khí quyển (GCMs). Sự đốt nóng sol khí xảy ra bên trong lớp mây làm giảm các kết cấu mây riêng lẻ, trong khi đó nếu sự đốt nóng này xảy ra bên trên lớp mây sẽ làm tăng các phần tử mây. Với GCMs, tác động bán trực tiếp có thể cũng kết luận sự thay đổi của mây là do ảnh hưởng của hoàn lưu và/hoặc do hiệu ứng Albedo bề mặt. Feigold (2005) đã chứng minh chỉ có một giải thích đơn giản nhất cho sự suy giảm lượng bức xạ, nhiệt và tiềm nhiệt bề mặt là sự giảm mây do các sol khí hấp thụ bức xạ.

b. Tác động lên hoàn lưu quy mô lớn

Nhiều nghiên cứu với GCMs cho thấy lớp xáo trộn đại dương cũng chịu tác động gián tiếp của sol khí, hoặc có sự kết hợp giữa tác động gián tiếp và trực tiếp của sol khí. Tất cả những điều trên kết hợp với những mô phỏng thời gian gần đây

26

cho thấy một sự lạnh đi đáng kể, xảy ra nhiều nhất ở Bắc cực với hệ quả là sự dịch chuyển về phía nam của dải hội tụ nhiệt đới và đới mưa nhiệt đới. Hiệu ứng sol khí có thể đã góp phần gây ra hạn hán ở Sahelian từ những thập niên 1970 tới 1980. Nếu đúng là Bắc cực ấm lên, chẳng hạn do ảnh hưởng trực tiếp của sol khí cacbon đen, thì dải hội tụ nhiệt đới sẽ dịch lên phía Bắc.

Sự thay đổi hoàn lưu ở phía đông nam Trung Quốc có thể gây ra bởi các sol khí. Ở Ấn Độ và Trung Quốc, nơi mà sự hấp thụ sol khí tăng lên thì có sự gia tăng của chuyển động thăng cũng như chuyển động giáng ở phía Nam và phía Bắc. Tuy nhiên, sự nóng lên mà cacbon đen gây ra, làm tăng độ ổn định khí quyển nên đối lưu giảm. Mưa giảm và sự đốt cháy lớp thảm thực vật làm gia tăng lượng khói bụi và do đó ảnh hưởng lên chu trình nước của khu vực và toàn cầu. Nhiệt từ lớp bụi có thể làm tăng đối lưu sâu. Điều này có thể gây kéo dài hoàn lưu gió mùa mùa hè và mưa cục bộ bất chấp sự suy giảm hơi nước toàn cầu do đốt nóng bởi bức xạ sol khí ở bề mặt. Tương phản nhiệt do bụi giữa lục địa Âu - Á và các đại dương xung quanh làm hoàn lưu gió mùa mùa đông châu Á trở nên không ổn định và biến đổi nhanh, nhưng ngược lại gió mùa cũng làm giảm bụi từ các nguồn.

Tóm lại, sự gia tăng và vận chuyển sol khí trong khí quyển làm giảm chất lượng không khí và lượng bức xạ mặt trời tới bề mặt đất. Người ta đang xem xét xem hiệu ứng bức xạ âm tính này hay sự ấm lên do khí nhà kính cái nào là nguyên nhân chính của sự thay đổi bốc hơi và mưa. Hiện tại không có một mô phỏng khí hậu nào tính toán được tương tác giữa các sol khí và mây, vì thế ảnh hưởng của sol khí lên mây được suy diễn từ các mô hình vẫn chưa được chứng minh.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ về SOL KHÍ và mô HÌNH RegCM (Trang 25 - 26)