Chúng ta đã xem xét đến những yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm khi có ý định đầu tư vào một địa phương. Đó là vị trí địa lý, là điều kiện cơ sở hạ tầng, khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ, nguồn nguyên liệu, môi trường chính trị, luật pháp, thiện chí của các quan chức địa phương, khả năng cung ứng lao động phổ thông và lao động có tay nghề… Ngoại trừ những yếu tố thuộc về điều kiện tự nhiên không thể thay đổi thì các yếu tố còn lại đều là các yếu tố “nhân tạo", nghĩa là địa phương hoàn toàn có thể tác động đến các yếu tố đó, làm cho chúng thay đổi theo hướng có lợi cho địa phương. Chúng ta sẽ xem xét đến ba yếu tố cơ bản:
3.1. Môi trường đầu tư.
Môi trường đầu tư là yếu tố đầu tiên trong tầm tay mà địa phương có thể tác động đến. Môi trường đầu tư theo nghĩa rộng không chỉ bao gồm cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý cho việc đầu tư. Nó bao gồm tất cả những yếu tố liên quan đến
“cơ sở hạ tầng mềm” của địa phương. Đầu tiên phải kể đến đó là cơ chế, chính sách, là hành lang pháp lý. Địa phương cần có một cơ chế thông thoáng cho hoạt động đầu tư. Điều đáng nói hiện nay chính là việc thực hiện “cơ chế một cửa”, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng tính trách nhiệm, sự tận tuỵ trong công việc của đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước. Địa phương cần có những chính sách thu hút đầu tư thích hợp, không nên quá theo đuổi việc ưu đãi trong thu hút đầu tư. Cần có một môi trường pháp lý minh bạch, đội ngũ thi hành pháp luật công tâm, đảm bảo về trình độ để có thể giải quyết được các vấn đề pháp lý nảy sinh, đặc biệt là khi có tranh chấp, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư. Bên cạnh các yếu tố nêu trên, một môi trường đầu tư hấp
dẫn còn được thể hiện ở một thị trường sức mua liên tục tăng, ở thái độ niềm nở, thiện chí của người dân đối với hoạt động đầu tư… Điều này liên quan tới một hệ thống các hoạt động của chính quyền địa phương góp phần đảm bảo, nâng cao chất lượng cuộc sống và con người
3.2. Nguồn nhân lực.
Nguồn nhân lực ở đây chỉ đề cập đến chất lượng của đội ngũ nhân công tại địa phương phục vụ trực tiếp cho các dự án. Không có gì phải bàn cãi về sự thu hút ở những nơi nguồn nhân lực có chất lượng cao, đội ngũ công nhân đựợc đào tạo tốt đáp ứng được yêu cầu của công việc. Một đội ngũ công nhân sẵn có như thế sẽ giúp doanh nghiệp giảm đáng kể các chi phí về đào tạo, hỗ trợ nơi ăn chốn ở, đi lại của công nhân. Vấn đề đặt ra ở đây là địa phương phải có chính sách chú trọng tạo nguồn nhân công, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực ngay tại địa phương mình. Địa phương có thể tự đào tạo hoặc liên kết đào tạo với các cơ sở hoặc ngay trực tiếp tại các nhà máy, dự án đang hoạt động trên địa bàn của mình. Bên cạnh đội ngũ công nhân thì không thể không nói đến đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Tất cả các dự án đều có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng hiện nay đội ngũ này chủ yếu tập trung ở các thành phố, đô thị lớn. Không phải bởi vì địa phương không có mà là địa phương chưa có phương sách giữ chân đội ngũ này. Một ví dụ dễ thấy nhất là hàng năm có rất nhiều sinh viên ở các trường đại học xuất thân từ các tỉnh.
Tuy nhiên không ít trong số họ sau khi tốt nghiệp đã không trở về địa phương làm việc, hoặc trở về một thời gian lại tìm ra các thành phố mưu sinh. Vì vậy địa phương cần có các chính sách thu hút và “giữ chân” đội ngũ này ở lại phục vụ cho địa phương.
3.3. Cơ sở hạ tầng.
Cơ sở hạ tầng là một yếu tố mà nhà đầu tư hết sức quan tâm khi đầu tư vào một địa phương. Đầu tiên đó chính là chất lượng của hạ tầng giao thông, liệu hạ tầng giao thông tại địa phương có đảm bảo cho việc vận chuyển nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất, đảm bảo cho việc lưu thông sản phẩm hay không. Sau giao thông thì cơ sở vật chất nhà xưởng cũng là một vấn đề hết sức quan trọng. Các yếu tố trên có được đảm bảo thì vấn đề sản xuất, phân phối và tiêu thụ mới được đảm bảo.
Điều này quyết định đến sự ổn định sản xuất và khả năng sinh lợi của dự án. Địa phương cần có những kế hoạch dài hạn, không ngừng cải thiện điều kiện hạ tầng cơ sở của địa phương mình.
Tuy nhiên việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng lại đòi hỏi nguồn lực to lớn và mang lại tác dụng lâu dài. Vì vậy các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng cần nằm trong quy hoạch tổng thể và cần hết sức lưu tâm đến các kế hoạch, chiến lược kinh tế xã hội khác. Địa phương cần phải chủ động trong các kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở của mình.