CHƯƠNG II: KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ THỰC TẬP
3. Điều tra, khảo sát tại Công ty cổ phần Bia Thanh Hóa
Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ, Công ty cổ phần Bia Thanh Hóa thuộc cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tháng 4 năm 2008, Công ty cổ phần Bia Thanh Hóa đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải, công suất 1500m3/ngày đêm. Ngày 26 tháng 5 năm 2008, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định số 443/QĐ-STNMT chứng nhận Công ty cổ phần Bia Thanh Hóa đã hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để và rút khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong Quyết định số 64/2002/QĐ-TTg.
Tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều dư luận quần chúng nhân dân phản ánh:
quá trình hoạt động sản xuất của Công ty cổ phần Bia Thanh Hóa thường xuyên không chạy hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp nước thải sản xuất ra môi trường. Nghi ngờ sau khi được rút khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đến nay, Công ty cổ phần Bia Thanh Hóa không vận hành hệ thống xử lý nước thải, mà xả nước thải trực tiếp ra ngoài môi trường. Vào ngày 29 tháng 02 năm 2016, Phòng cảnh sát môi trường PC36 – Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng với Phòng Thanh tra môi trường cử đồng chí Nguyễn Thế Mạnh và đồng chí Nguyễn Việt Cường trực tiếp khảo sát, nắm tình hình về việc xử lý chất thải của Công ty cổ phần bia Thanh Hóa, thời
gian thực hiện không quá 15 ngày kể từ ngày nhận nhiệm vụ. Được sự đồng ý của phòng PC36 – Công an tỉnh và Phòng Thanh tra môi trường, em được đi cùng hai đồng chí để học hỏi và có cơ hội áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Kết quả như sau:
Công ty cổ phần Bia Thanh Hóa trụ sở đóng tại số 152 Quang Trung, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa với diện tích mặt bằng là 41.000m3. Sản phẩm đầu ra là bia chai, bia hơi, bia lon, bia men và đóng rượu chai. Tổng số cán bộ công nhân viên là 502 người. Thời gian sản xuất của các phân xưởng được chia làm 03 ca (từ 6h-14h, 14h-22h, 22h-6h). Chất thải phát sinh chủ yếu trong quá trình sản xuất chủ yếu là:
Chất thải rắn
- Chất thải rắn công nghiệp: Gồm có:
+ Bột lọc, bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải. Sau mỗi mẻ sản xuất, được thu gom đóng vào bao bì kín và thuê công ty môi trường chở ra ngoài công ty để xử lý.
+ Bã men được chứa vào tank kín, sau đó đóng vào bao PP bán cho công ty Dược – Vật tư y tế Thanh Hóa làm thuốc bổ Byophin và người dân quanh vùng sử dụng trong chăn nuôi.
+ Mảnh chai vỡ được thu gom vào vị trí quy định, phân loại vỏ bia Hà Nội và Thanh Hóa bán cho người dân chuyên chở ra ngoài công ty để gom cho cơ sở tái sản xuất.
+ Xỉ than được thu gom vào vị trí quy định, bán cho người dân làm vật liệu xây dựng.
+ Giấy, nhãn, phoi được thu gom vào vị trí quy định, bán cho người dân chuyên chở ra ngoài công ty để gom cho cơ sở tái sản xuất.
- Chất thải rắn sinh hoạt:
Chủ yếu là các lá cây, đất bụi trên đường, rác thải sinh hoạt từ nhà ăn. Tổ vệ sinh công nghiệp hàng ngày quét dọn và thu gom vào thùng rác. Công ty hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa hàng ngày chuyên chở ra ngoài công ty để xử lý. Riêng rác thải từ nhà ăn được thu gom vào thùng chứa riêng có nắp đậy, để cho người dân tận dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Nước thải
Nước thải phát sinh từ các điểm:
- Phân xưởng nấu: Nước vệ sinh từ các thiết bị, các nồi nấu và nồi lọc dịch nha, chứa hàm lượng hữu cơ cao.
- Phân xưởng lên men: Khi vệ sinh tank lên men và máy lọc bia.
- Phân xưởng chiết trong quá trình sản xuất và vệ sinh thiết bị.
Về quy trình xử lý: Sau khi sản xuất, nước thải được phân loại thu gom nước thải sản xuất riêng, nước thải sinh hoạt riêng, nước thải sản xuất được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải sau đó xả ra hồ sinh học. Tuy nhiên thực tế công ty đã cố tình xây dựng hệ thống cống ngầm sai với thiết kế thải chung nước thải sinh hoạt với nước thải sản xuất chạy thẳng ra sông nhà Lê. Các điểm sai thiết kế gồm:
- Điểm rãnh nước tiếp giáp nơi để vỏ chai nhà chiết cũ và nơi để vỏ chai dây chuyền mới.
- Điểm rãnh thu rác thải sản xuất dây chuyền mới và rãnh nước thải sinh hoạt hố thu ga gần kho chứa nguyên liệu.
Các điểm xả thải và các điểm nối gồm:
- Hố thu nước thải tại phân xưởng nấu và phân xưởng lên men.
- Rãnh nước tiếp giáp khu lên men, nhà nấu dây chuyền mới.
- Hố ga gần khu tập kết chất thải rắn.
- Điểm nước thải ra thành phố và hồ sinh học.
Rãnh nước tiếp giáp nơi để vỏ chai nhà chiết cũ và nơi để vỏ chai dây chuyền mới Nhận xét và đề xuất: Công ty cổ phần Bia Thanh Hóa trong quá trình sản xuất đã thải một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của nhân dân. Hoạt động của công ty diễn ra trong thời gian dài, có tính hệ thống và thể hiện sự cố tình vi phạm, vi phạm Luật bảo vệ môi trường 55/2014/QH13 tại khoản 2, khoản 3 điều 100, chương IX quy định về thu gom, xử lý nước thải. Vì vậy đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thanh tra tại Công ty cổ phần Bia Thanh Hóa để ngăn chặn và xử phạt kịp thời hành vi xả nước thải không qua hệ thống xử lý ra môi trường.