Chương 4 Xây dựng kho từ vựng ngữ pháp tiếng Việt
4.2 Lớp trung tâm: phân chia từ loại mức 1
Theo cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (UBKHXH, 1983), từ tiếng Việt có thể chia thành các lớp từ loại sau:
1. Danh từ 2. Động từ 3. Tính từ 4. Đại từ
36 5. Phụ từ
6. Kết từ 7. Trợ từ 8. Cảm từ
So sánh các lớp từ loại này với MULTEXT, chúng tôi đề nghị sử dụng các lớp từ loại sau tương thích với các lớp từ loại trong MULTEXT:
4.2.1 Danh từ (Nouns):
là những từ chuyên biểu thị ý nghĩa sự vật (người, vật, hiện tượng) và khái niệm.
Có khả năng làm chủ ngữ trong câu;
Có khả năng làm vị ngữ khi đi sau hệ từ "là" tạo thành cụm vị ngữ "là" + danh từ;
Có khả năng làm trung tâm (yếu tố chính) của danh ngữ gồm: lượng từ + (các từ có ý nghĩa số lượng) + danh từ + chỉ định từ (này, ấy);
Có khả năng làm bổ ngữ khi đứng sau động từ hay tính từ;
Có khả năng làm định ngữ;
Có khả năng làm trạng ngữ.
Như vậy các từ có ý nghĩa số lượng được xét là danh từ chỉ số lượng trong cuốn ngữ pháp tiếng Việt sẽ được chuyển sang lớp từ loại khác (Số từ), cho tương thích với MULTEXT.
4.2.2 Động từ (Verbs):
từ chuyên biểu thị hành động, trạng thái hay quá trình, chủ yếu dùng làm vị ngữ trong câu, có một số ít có thể làm chủ ngữ: thi đua là yêu nước.
Có khả năng làm trung tâm của động ngữ gồm: phần phụ trước + động từ + phần phụ sau;
Có khả năng làm định ngữ: chỉ ra đặc trưng hạn định của sự vật, hành động, tính chất, quan hệ: sách học, bàn ăn, thuốc uống, sách tập đọc...;
Có khả năng làm bổ ngữ và trạng ngữ: các động từ khi đứng làm trung tâm trong đoản ngữ có thể tiếp nhận những động từ khác làm thành tố phụ có chức năng là bổ ngữ hoặc trạng ngữ tuỳ theo khả năng và kiểu bổ sung chi tiết cho động từ chính: tập viết, dạy hát, bắt làm, xin nghỉ... (bổ ngữ): chạy ra, teo lại, bước vào, bám lấy, vứt đi... (trạng ngữ).
4.2.3 Tính từ (Adjectives):
từ chuyên biểu thị ý nghĩa tính chất, thuộc tính, thường có thể trực tiếp làm vị ngữ trong câu: cô bé sẽ ngoan thôi.
Có khả năng làm trung tâm của tính ngữ gồm phần phụ trước + tính từ + phần phụ sau;
Có khả năng làm định ngữ cho danh từ, động từ: bé khoẻ, bé ngoan, áo trắng, khăn ấm, hát hay, nghe rõ, ...;
Có khả năng làm chủ ngữ, nhưng rất hạn chế: Vui là vui gượng, cười là cười khuây (ca dao).
37 4.2.4 Đại từ (Pronouns):
từ dùng để chỉ trỏ một đối tượng, một điều đã được xác định rõ ràng bằng cách này hay cách khác trước đó. Vì thế đại từ có thể thay thế cho các thực từ để đảm nhận các vai trò và chức năng ngữ pháp mà các thực từ đó đảm nhận trong câu, nhưng không thể thay thế hoàn toàn được khả năng kết hợp của các thực từ. Trong tiếng Việt, “tôi, nó, đây, ấy, gì...” đều là đại từ.
4.2.5 Định từ (Determiners/Articles):
từ diễn đạt ý nghĩa xác định cụ thể và ý nghĩa số ít, số nhiều của danh từ (mỗi, từng, mọi, những, mấy…).
4.2.6 Phụ từ (còn gọi: phó từ) (Adverbs):
từ chuyên bổ nghĩa cho một động từ, tính từ hoặc một phụ từ khác. “Sẽ”, “đã”, “rất”, “lắm”
trong tiếng Việt đều là phụ từ.
4.2.7 Giới từ (Adpositions):
thực ra là Preposition nhưng Preposition là lớp con của Adposition, nên ta giữ tên
Adposition tương thích với MULTEXT): là những kết từ dùng để nối hai từ hoặc hai bộ phận câu có quan hệ chính phụ. Các từ “bằng”, “của”, “để” trong “nhà bằng gạch”, “sách của tôi”,
“viện cớ để từ chối” là những giới từ trong tiếng Việt.
4.2.8 Liên từ (Conjunctions):
là những kết từ dùng để biểu thị quan hệ cú pháp giữa hai từ hoặc ngữ có cùng một chức năng trong câu, hay giữa hai câu hoặc phân câu. “Và”, “nhưng”, “nếu…thì” là những liên từ trong tiếng Việt.
4.2.9 Số từ (Numerals):
từ chuyên biểu thị số lượng hoặc thứ tự (trong tiếng Việt là danh từ số lượng). “Một”,
“hai”, “nhất”, “nhì” đều là số từ.
4.2.10 Thán từ (cảm từ) (Interjection):
từ dùng riêng biệt, không có quan hệ cú pháp với những từ khác, chuyên biểu thị những phản ứng tình cảm, dùng làm tiếng gọi, tiếng đáp, tiếng reo vui, than vãn, nguyền rủa, chửi bới, v.v. “Ái chà”, “ôi”, “chao ôi”, “vâng”, “dạ” đều là những cảm từ trong tiếng Việt.
4.2.11 Tình thái từ (Modal particle):
là những trợ từ, chuyên dùng để thêm vào cho câu, biểu thị thái độ của người nói, như ngạc nhiên, nghi ngờ, mỉa mai, vui mừng, v.v. “À”, “ư”, “nhỉ”, “nhé”, v.v. là những trợ từ trong tiếng Việt.
Khi căn cứ vào những đặc điểm về ngữ nghĩa và ngữ pháp, trong nhóm trợ từ có một số từ thiên về diễn đạt các cảm xúc của người nói trong mối quan hệ với thực tại, tức là nó gắn chặt với dạng mục đích phát ngôn, người ta tách chúng ra thành một loại riêng và gọi là tiểu từ (nghi vấn, gọi đáp, mệnh lệnh: à, ư, nhỉ, nhé, hả, hử…). Về mặt ngữ pháp, các tiểu từ thường có vị trí ổn định trong câu (đứng đầu hoặc cuối câu), ít chịu ảnh hưởng của biến đổi trật tự từ.
38 4.2.12 Tổ hợp cố định:
là những thành ngữ và những đơn vị xuất hiện khá thường xuyên trong văn cảnh, thường gọi là quán ngữ như: ngược lại, mặt khác, chẳng mấy chốc, chẳng bù, kể cả, nói đúng ra, nghĩ bụng, miễn sao, như mọi người đều biết, như trên đã nói, v.v. Trong quá trình gán nhãn từ loại, đối với các đơn vị từ vựng loại này, chúng tôi dựa vào ý nghĩa và vai trò của chúng trong câu để chú “từ loại” một cách rộng rãi. Và như vậy, khi một đơn vị loại này được chú “từ loại” thì có nghĩa là đơn vị đó sẽ thuộc một trong các nhóm từ loại đã được liệt kê ở trên. Tuy nhiên, có nhiều đơn vị thuộc loại này rất khó xác định được từ loại, khi đó chúng được nhận diện ở nhóm 13 hoặc 15.
4.2.13 Từ đơn lẻ (Unique):
là những đơn vị từ vựng không thuộc các từ loại nói trên, mỗi một đơn vị tạo nên một quy tắc riêng, không giống với các đơn vị khác (không tạo nên được một lớp), chẳng hạn như bất, vô, siêu, hoá. Ví dụ trong tiếng Pháp, có hình vị "t" (như trong "Que chante-t-il ?" - anh ta hát gì?) được xếp vào loại này.
4.2.14 Từ viết tắt (Abbreviation):
dành cho các từ viết tắt.
4.2.15 Các từ ngữ còn lại :
chưa xác định được tiêu chí phân loại (Residual): là các từ không thuộc bất kì lớp từ nào kể trên. Các từ thường được xếp vào loại này là các kí hiệu (như %), đơn vị viết tắt (cm, kg), từ tiếng nước ngoài trong văn bản.