TRONG THỜI KỲ MỚI CỦA CÁCH MẠNG
2.1. Những nhân tố tác động đến việc tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong thời kỳ mới của cách mạng
2.1.1. Sự tác động của tình hình thế giới, của âm mưu thủ đoạn chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam đang được tiến hành trong bối cảnh quốc tế sôi động với nhiều biến cố nhanh chóng, sâu sắc, phức tạp và chứa đựng những yếu tố mất ổn định, khó lường hết được. Tình hình mới đang đặt ra hàng loạt vấn đề mới mẻ, khó khăn, phức tạp, đòi hỏi Đảng phải không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, năng lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ lãnh đạo quân đội trong giai đoạn mới của cách mạng.
Từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội thế giới bước vào thời kỳ trì trệ, khủng hoảng do tích tụ nhiều mâu thuẫn chủ quan không được giải quyết kịp thời. Trào lưu cải cách, cải tổ chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện, đó là một yêu cầu tất yếu. Song, do mắc phải một số sai lầm nghiêm trọng trong đường lối cải tổ của các Đảng cộng sản, chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ. Chủ nghĩa xã hội và phong trào cách mạng thế giới đang tạm thời lâm vào khủng hoảng, thoái trào. Sự đối đầu giữa hai hệ thống xã hội tuy không còn nữa, nhưng các mâu thuẫn cơ bản của thời đại vẫn tồn tại, phát triển sâu sắc thêm và có những biểu hiện mới.
Bên cạnh đó, một loạt các mâu thuẫn khác mang tính toàn cầu đang nổi lên sâu sắc. Nguy cơ về một cuộc chiến tranh thế giới đã bị đẩy lùi một bước,
nhưng thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp. Dự báo, trong 10-15 năm tới, chiến tranh thế giới ít có khả năng xảy ra, nhưng xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, can thiệp, lật đổ, khủng bố có tính chất phức tạp ngày càng tăng lên. Cuộc đấu tranh giai cấp gắn chặt với đấu tranh dân tộc đang diễn ra trên thế giới gay gắt và quyết liệt dưới những hình thức mới.
Các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang sẽ liên tiếp xảy ra, các hoạt động can thiệp quân sự sẽ tăng lên. Chủ nghĩa đế quốc do Mỹ cầm đầu tiếp tục lợi dụng các mâu thuẫn về dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, các sự tranh chấp tài nguyên, lãnh thổ, tranh chấp quyền lực... gây ra các điểm nóng, làm bùng nổ các lò lửa chiến tranh nguy hiểm với hậu quả khó lường trước được. Việc khối NATO công bố khái niệm chiến lược mới "phòng thủ ngoài khu vực", khái niệm "nhân quyền cao hơn chủ quyền", cùng với kế hoạch "Đông tiến", cuộc chiến tranh công nghệ cao và cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động đã kích thích một cuộc chạy đua vũ trang mới trên thế giới. Đặc biệt, sau sự kiện 11/9/2001 diễn ra ở Mỹ, “hoạt động khủng bố” và “chống khủng bố” trở thành một vấn đề quốc tế lớn, “xu hướng diều hâu” trong chính quyền Bus tăng lên. Dưới chiêu bài "chống khủng bố", Mỹ không hề giấu diếm dã tâm hiếu chiến, xâm lược của mình, hợp pháp hoá sự có mặt lực lượng quân sự của Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới, buộc toàn thế giới phải tuân theo cái gậy chỉ huy của Mỹ.
Cục diện chính trị thế giới biến đổi bất lợi làm cho một bộ phận lực lượng cách mạng, những người cộng sản ở một số nước rơi vào thế bị động, lúng túng hoặc dao động, thậm chí đã làm cho nhiều người từ bỏ mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Chủ nghĩa đế quốc đang tạm thời thắng thế, đế quốc Mỹ đang ráo riết thực hiện âm mưu làm bá chủ thế giới. Phong trào công nhân, phong trào xã hội chủ nghĩa và phong độc lập dân tộc vẫn tồn tại, phục
hồi dần, đang tập hợp, phát triển lực lượng, tìm tòi các phương thức và phương pháp đấu tranh mới, mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nhân cơ hội lịch sử đó đã và đang đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hoà bình", chống phá phong trào cách mạng trên tất cả các mặt trận với quy mô quyết liệt chưa từng có hòng xoá bỏ hoàn toàn các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó Việt Nam là một trọng điểm. Những diễn biến nhanh chóng, sâu sắc và rất phức tạp của tình hình thế giới đã tác động rất mạnh mẽ vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm, niềm tin của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta, gây ra không ít xáo trộn, phân tâm, thậm chí hoang mang, dao động trong một bộ phận. Trong tình hình đó, vấn đề giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và đối với quân đội nói riêng là tất yếu và cực kỳ quan trọng. Đảng tất yếu phải tiếp tục phải đổi mới cả nội dung và phương thức lãnh đạo của mình để củng cố lòng tin của cán bộ, chiến sĩ quân đội vào lý tưởng cách mạng, vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và vào thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Mặt khác, xu thế toàn cầu hoá xã hội đang không ngừng tăng lên, hợp tác và đấu tranh đan xen lẫn nhau thúc đẩy cuộc chạy đua và cạnh tranh gay gắt về kinh tế, khoa học, công nghệ, thông tin và văn hóa. Toàn cầu hoá là một quá trình phức tạp, đầy mâu thuẫn, chứa đựng cả tích cực và tiêu cực, cả thời cơ và thách thức đối với các quốc gia, dân tộc, đặc biệt là các nước kém phát triển. Đế quốc Mỹ và các thế lực tư bản chủ nghĩa đang lợi dụng toàn cầu hoá để âm mưu thực hiện toàn cầu hoá tư bản chủ nghĩa. Chính vì vậy, toàn cầu hoá là một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc với các nước đang phát triển, các dân tộc lạc hậu. Quá trình quốc tế hoá nền kinh tế thế giới đã tăng thêm tính phụ thuộc lẫn nhau giữa
các quốc gia, khu vực, các trung tâm kinh tế. Thế lưỡng cực bị phá vỡ, trật tự thế giới mới đang trong quá trình hình thành. Với tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ ưu thế, Mỹ tăng cường sử dụng sức mạnh quân sự để kiến tạo thế giới một cực. Các nước lớn đang ráo riết điều chỉnh chiến lược, lôi kéo tập hợp lực lượng để hình thành trật tự đa cực. Quan hệ giữa các nước lớn diễn ra theo chiều hướng vừa đấu tranh vừa thoả hiệp. Trong hoàn cảnh lịch sử mới, các quốc gia có cơ hội để phát triển, song chủ nghĩa đế quốc lại có thêm điều kiện để thực hiện những âm mưu, thủ đoạn chống chủ nghĩa xã hội và độc lập dân tộc. Đa số các quốc gia dân tộc đang tăng cường đấu tranh chống lại sự áp đặt, can thiệp và xâm lược nước ngoài, chống chạy đua vũ tranh và chống mặt trái của toàn cầu hoá để giữ vững hoà bình độc lập, ổn định và phát triển.
Song các lược lượng tiến bộ, cách mạng chưa hình thành đựoc liên minh có sức mạnh về tư tưởng và tổ chức. Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và Đông Nam Á vừa qua mặc dù trải qua cuộc chấn động của khủng hoảng kinh tế - tài chính, nhưng nhìn chung vẫn là một khu vực tương đối ổn định, kinh tế phát triển khá năng động. Tuy vậy, đây là một khu vực chứa đựng nhiều sự khác biệt về chế độ kinh tế - chính trị và là một trung tâm thu hút sự chú ý của các nước lớn nên tiềm tàng nhiều yếu tố gây mất ổn định.
Cục diện Đông Nam Á mặc dù đã thay đổi một cách căn bản, chuyển từ đối đầu sang hợp tác, tạo nên tình thế mới có lợi, song vẫn bị các nước lớn chi phối, gắn kết lỏng lẻo, gặp nhiều khó khăn và đứng trước những thách thức mới. Đặc biệt các nước lớn đang theo đuổi chính sách tăng cường lực lượng quân sự tiến công, tăng cường các hoạt động quân sự trên biển Đông đã và đang đe doạ đến nền an ninh khu vực và độc lập, chủ quyền nước ta. Những cuộc tập trận trên biển Đông gần đây của Mỹ với một số nước đồng minh không chỉ được tăng cường về quy mô, nhịp độ mà bộc lộ rất rõ dã tâm đối
với cách mạng Việt Nam. Tình hình thế giới và khu vực, đã tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng nước ta, vừa tạo thuận lợi mới quan trọng, vừa gây ra những khó khăn thách thức nghiêm trọng đối với nước ta.
Sau một loạt các cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao như cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1991), chiến tranh chống Nam Tư (1999), cuộc tiến công đối với ápganixtan (2002) và cuộc tiến công xâm lược Irắc (2003) vừa qua cho thấy bộ mặt tàn bạo, bản chất hiếu chiến và xâm lược của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ cần đầu không hề thay đổi. Đế quốc Mỹ bằng mọi gá thực hiện âm mưu bá chủ thế giới, kể cả tiến hành chiến tranh xâm lược bất chấp sự phản đối của dư luận thế giới, bất chấp Liên Hiệp Quốc và công pháp quốc tế.
Bối cảnh lịch sử thế giới khắc nghiệt và bất lợi cho phong trào cách mạng đã đặt Đảng và nhân dân ta trước một cuộc đấu tranh mới gay gắt, phức tạp mang ý nghĩa dân tộc và thời đại sâu sắc nhằm tiếp tục bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tình hình đó đã tác động mạnh mẽ đến nhiệm vụ quốc phòng - an ninh nói chung và nhiệm vụ xây dựng quân đội nói riêng. Những biến cố chính trị trên thế giới là đặc điểm bao trùm nhất, đang đặt ra những câu hỏi lớn, phức tạp cần giải đáp trong nhận thức, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong tình hình mới.
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại đã và đang có những bước nhảy vọt và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả lĩnh vực quân sự. Loài người bước vào thế kỷ 21 với những giới hạn nhận thức mới rất cơ bản và sâu sắc. Chủ nghĩa đế quốc đang ráo riết lợi dụng những thành tựu mới của khoa học-công nghệ để tiến hành những cuộc chiến tranh
có quy mô lớn, có vũ khí công nghệ cao, sức huỷ diệt lớn làm cho chiến tranh ngày càng khốc liệt hơn. Khoa học kỹ thuật hiện đại cũng đã dẫn đến những biến đổi lớn trong khoa học nghệ thuật quân sự và thay đổi cả phương thức tiến hành chiến tranh. Cùng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế, các nước lớn đang tăng cường nghiên cứu, cải tiến, sản xuất, mua sắm vũ khí, trang bị mới và hiện đại hoá quân đội. Vòng xoáy của một cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra dưới những hình thức mới vừa công khai, vừa ngấm ngầm rất quyết liệt. Khoa kỹ thuật hiện đại phát triển như vũ bão, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bật là nhân tố xét đến cùng chi phối mọi mặt đời sống xã hội. Đây cũng là nhân tố trực tiếp hoặc gián tiếp chi phối đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội cả về tổ chức, xây dựng lực lượng, cả về khoa học nghệ thuật quân sự. Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong tình hình mới đòi hỏi phải khai thác được tối đa những thuận lợi, khắc phục được những khó khăn để đáp ứng yêu cầu mới về nâng cao chất lượng nhân tố con người và trang bị vũ khí, kỹ thuật của quân đội. Những yêu cầu mới đó đòi hỏi tiếp tục hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong thời kỳ mới của cách mạng.
Sau khi bị thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã xiết chặt cấm vận đối với nước ta, gây ra nhiều hậu quả và khó khăn rất lớn đối với cách mạng Việt Nam. Trước sức ép của dư luận quốc tế và trong nước, đồng thời do thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước ở Việt Nam, mà trực tiếp là thắng lợi của chính sách đối ngoại hoà bình, hữu nghị với các nước của Đảng và Nhà nước ta, đế quốc Mỹ buộc phải huỷ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận và từng bước bình thường hoá quan hệ với nước ta. Tuy nhiên, trên lộ trình bình thường hoá quan hệ Việt-Mỹ, nhiều vấn đề mới mẻ
về quốc phòng, an ninh, về giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia đang đặt ra đối với chúng ta rất gay gắt.
Nước ta ở vào vị trí địa - kinh tế và địa - chính trị có tầm quan trọng chiến lược trong một khu vực kinh tế - xã hội phát triển năng động của thế giới, có điều kiện cho giao lưu, hợp tác quốc tế và phát triển. Song, chúng ta phải chịu sự tác động về nhu cầu chiến lược của nhiều thế lực quốc tế, nên đặt ra nhiều thách thức lớn về quốc phòng, an ninh. Sự tranh chấp về lợi ích kinh tế, chính trị có tính chiến lược đang tiềm tàng, tất yếu chứa đựng khả năng khách quan dẫn đến xung đột vũ trang.
Hiện nay, sự điều chỉnh chiến lược kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của các nước lớn đang tác động đến tình hình nước ta, trong đó có những tác động bất lợi cho quốc phòng, an ninh của ta.
Thực tế cho thấy, châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á là khu vực đã và đang diễn ra sự tranh chấp và thoả hiệp rất phức tạp giữa các nước lớn. Sự tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, cùng với tình hình khó khăn kinh tế-xã hội của Lào và tình hình phức tạp, trạng thái tranh chấp quyền lực chính trị ở Cămpuchia có thể dẫn đến những điểm nóng trong khu vực mà kẻ thù tạo cớ làm bàn đạp chống phá cách mạng nước ta. Sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là sự có mặt trở lại của Mỹ ở Đông Nam Á đang đặt ra những vấn đề rất phức tạp đối với quốc phòng, an ninh của nước ta. Mặt khác, hoạt động của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực đang có xu hướng tăng lên, mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo đang tiếp tục bùng nổ gây ra nhiều thảm hoạ cho nhân dân các nơi đó. Dưới hình thức hợp tác chống khủng bố, Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Nam Á, tiếp tục kích động ly khai, lôi kéo và kiềm chế các nước theo quĩ đạo của mình. Những âm mưu chống phá cách mạng của chủ nghĩa
đế quốc và tham vọng về lãnh thổ, tài nguyên của Mỹ và các thế lực quốc tế, đã và đang đặt nước ta trước đe doạ của diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ, lấn chiến lãnh thổ, xung đột vũ trang, can thiệp vũ trang và không loại trừ tình huống có thể xảy ra các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc với các cường độ khác nhau, kể cả chiến tranh công nghệ cao.
Trong điều kiện mới, chủ nghĩa đế quốc đã và đang thay đổi những biện pháp, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta. Mở cửa, hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học tạo điều kiện cho địch lợi dụng đặt cơ sở xã hội của chúng ngay trong lòng xã hội ta. Chúng ráo riết thực hiện diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ kết hợp răn đe quân sự và sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự khi có thời cơ. Chúng chủ trương nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, kiềm chế kinh tế, chống phá về văn hoá, tư tưởng, lối sống. Chúng chủ trương tập trung tiến công vào đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, quân đội, đòi "phi chính trị hoá quân đội", "phi hệ tư tưởng", "đặt quân đội đứng ngoài chính trị", thực chất là muốn tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Gần đây, Mỹ đặt ra "lộ trình" chống phá cách mạng nước ta và không hề giấu giếm âm mưu tách quân đội, tách lực lượng vũ trang ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực ý thức hệ đang bộc lộ tính chất quyết liệt của nó. Kẻ thù tiến công, phá hoại chúng ta về tư tưởng, lý luận ngày càng gay gắt hơn. Chúng kích động, lôi léo, mua chuộc những phần tử cơ hội, xét lại, thoái hoá, biến chất và cả những người ngây thơ về chính trị để họ tán phát những tài liệu phản động hòng gieo rắc sự hoài nghi, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng những vấn đề tồn tại lịch sử về tôn giáo, dân tộc, sắc tộc, tăng cường tập hợp lực lượng, liên kết các tổ chức phản động lưu vong với các nhóm phản động trong nguỵ quân, nguỵ quyền cũ không chịu cải tạo